ĐÔNG LA
TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG –
GÁNH NẶNG ĐẤT NƯỚC TRÊN VAI
Thế là TBT Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức TBT khóa
mới, một điều trước giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng tôi không bao giờ ngờ
tới, dù tôi đã nhiều lần viết “bênh” ông trước nhiều sự công kích. Tôi viết
hoàn toàn tự nhiên vì sự đúng sai chứ hoàn toàn không có ý “vận động bầu cử”
cho ông. Bắt đầu Đại hội Đảng tôi đã viết, tôi viết nhiều về chính trị nhưng
lại không quan tâm đến chuyện nhân sự trước Đại hội Đảng, dù biết nhân sự là
quan trọng nhất vì chính nhân sự sẽ chọn ra những người làm chính trị. Tôi
không quan tâm vì tôi có muốn thế nào thì sao mà thực hiện được? Không ngờ kết
quả nhân sự lại vừa ý tôi bởi tôi thấy vậy là đất nước còn phúc, Trời Đất còn
phù hộ đất nước này. Tôi không ảo tưởng như bọn hãnh tiến kêu gào đổi mới.
Không ai không muốn đổi mới để cuộc sống sung sướng hơn, nhưng đổi mới lại phụ
thuộc vào trí và lực của đất nước chúng ta chứ không phải vào những ảo tưởng
viển vông, phi thực tế, đổi mới không phải tiến lên mà đâm xuống vực. Đất nước
không thể phát triển chỉ bằng những sự thay đổi cực đoan không phù hợp như thực
hiện đa đảng chẳng hạn. Tôi đã một lần viết, nếu có đảng nào thay thế Đảng hiện
thời làm cho đất nước thành như Mỹ, Đức, Nhật, như Bắc Âu thì tôi sẽ giơ cả 4
tay chân đồng ý và bảo con mèo nhà tôi cũng giơ 4 chân đồng ý luôn. Nhưng thực
tế chỉ với “một bộ phận không nhỏ”
của một đảng thôi đã làm đất nước biết bao rắc rối rồi, nếu lại có cả một trăm
đảng lưu manh giành giật nhau nữa thì đất nước sẽ loạn thế nào. Điều này không
phải tôi tưởng tượng mà có rất nhiều dẫn chứng thực tế. Như Ucraina trình độ
hơn ta rất nhiều vậy mà suốt từ ngày là một mảnh vỡ ra từ Liên Xô, nhân dân chỉ
là bình phong cho các nhóm quyền lực tranh giành nhau! Đến nay còn đấm vào mặt
nhau trên nghị trường.
Còn tại sao tôi viết việc TBT Nguyễn Phú Trọng tái
đắc cử là đất nước còn phúc? Bởi thực tế đất nước ta đang có nhiều yếu tố bất
ổn, mầm mống của hỗn loạn, thì giữ được sự ổn định mới là điều quan trọng nhất.
Có được ổn định mới tiếp tục chỉnh đốn, gỡ rối, ươm mầm, chăm sóc để những yếu
tố tiến bộ sinh sôi; cắt bỏ, ngăn chặn những tệ nạn, sai trái; từ đó đất nước
sẽ dần phát triển một cách bền vững đúng theo quy luật lượng đổi chất đổi của
Chủ nghĩa Mác. Hãy liên tưởng chỉ với việc xây dựng đội bóng của nước ta để đá
thắng Thái Lan thôi đã quá khó rồi huống hồ xây dựng cả một đất nước tiến lên
CNXH! Tôi hay chống lại bọn hãnh tiến thùng rỗng kêu to đòi lật đổ tất cả để
đổi mới là vì vậy, bởi chuyện đó cũng giống như tay trắng mà đòi đập nhà cũ xây
nhà mới vậy!
Muốn đất nước đổi mới thì
cũng giống như một cơ thể, trước khi hành động phải được trị hết bệnh cho khỏe
mạnh mới có thể làm được. Căn bệnh nặng nhất của đất nước chúng ta là chuyện
tham ô, tham nhũng. Nó mâu thuẫn với bản chất công bằng của chế độ XHCN, nó
chính là bất công lớn nhất khi thời chiến tranh cả nước đổ máu để đến hôm nay
một nhóm nhỏ người hưởng thành quả cách mạng. Vậy muốn chống được tham nhũng
trước hết như chính lời TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “Bản thân mỗi đồng chí và vợ, con phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới
chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không
thể làm gì khác được” (BBC. 2 tháng 4 năm 2013). Cũng đã có nhiều người
nói, người ta còn nói hay hơn ông, nhưng chính ông là người có lời nói đi đôi
với việc làm.
Chính vì vậy từ lâu tôi đã ủng hộ ông. Thật
mừng khi bản lĩnh của ông đã thể hiện qua việc ông lãnh đạo tổ chức thành công
Đại hội XII vừa qua, một điều đã làm ngạc nhiên không chỉ tôi mà cả dư luận
trên toàn thế giới.
***
Tôi từng lo ngại rất nhiều ở chỗ ông có dáng hiền
lành của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu hơn là một nhà chính trị. Chính vì
vậy đã xảy ra nhiều chuyện kiểu chó con liếm mặt, những kẻ du côn từ những
thằng già cho đến con trẻ thi nhau hỗn láo, diễu cợt công kích ông.
Như vụ Nguyễn Đắc
Kiên bị lãnh đạo Tòa báo GĐ&XH đuổi việc sau khi
viết Vài lời với
TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng phản bác những ý kiến của ông
trên VTV1.
Kiên viết:
“Bằng tất cả
sự tôn trọng dành cho người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin
nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:
Đầu tiên, cần phải xác định,
ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng
định luôn là ông không có tư cách”!
Tôi đã viết, trước mắt tôi VTV4 đang chiếu lại phim
“Long thành cầm giả ca”, thật e ngại
khi xem cảnh “nạn kiêu binh”, và còn
e ngại hơn nữa khi thấy Nguyễn Đắc
Kiên đúng là một “kiêu
binh” trên mặt trận chính trị tư tưởng trong những ngày hôm nay!
Nguyễn Đắc
Kiên tiếp: “Tôi không chỉ
muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp … mà tôi muốn … lập một Hiến pháp mới”; “Tôi ủng
hộ”: “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”, “phi chính trị hóa quân
đội”; “Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người
Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực
hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng”
Tôi đã viết, ĐCSVN hiện đang lãnh đạo không chỉ các
cơ quan báo chí mà còn lãnh đạo tất cả Nhà nước VN. Chỉ khi nào về lý thuyết
Hiến pháp VN xóa điều 4, trong thực tế ĐCS từ bỏ quyền lãnh đạo thì Nguyễn Đắc
Kiên viết như trên là có lý. Đúng là ai cũng có quyền tự do
ngôn luận, tự do tư tưởng, nhưng nếu “tự do” ấy làm loạn, làm mất ổn định xã
hội, có nghĩa là xúc phạm tự do của gần 100 triệu người VN khác thì “tự do” ấy
là phạm pháp, “tư tưởng” ấy là phản động. Các nhà chức trách tất nhiên phải có
trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, “xử lý” thứ “tự do” ấy. Nên Nguyễn Đắc
Kiên đang bú “con bò” nhà nước mà viết vậy bị “cắt sữa” là
đúng, nếu có bị bắt nữa thì cũng chẳng oan, nói chung là dốt không hiểu gì.
Lẽ ra Kiên phải xin nghỉ việc trước rồi mới “đấu
tranh” thì đúng là có khí phách. Và cần phải hiểu đã làm cách mạng lật đổ quyền
lực nói chung thì không thể chỉ viết vài chữ là giành thắng lợi mà còn phải
biết chấp nhận như thơ Tố Hữu: “Dấn thân
vô là phải chịu tù đầy/ Là gươm kề cổ súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một
nửa”. Nguyễn Đắc
Kiên mới bị đuổi việc mà đã cuống lên thì làm được trò gì. Và
Nguyễn Quang A hung hăng vận động các phóng viên bảo vệ Kiên cũng “đếch biết gì
về pháp luật! Đếch hiểu gì về cuộc đời!”
Cả Kiên và A cần phải biết:
Khoản 1, điều
8 trong Luật cán bộ, công chức: "Trung
thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia" và khoản 1 điều 16 Luật
Viên chức: "Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản
Việt Nam và pháp luật của Nhà nước".
Những ngày hôm nay, trước thành công của Đại hội
Đảng, Nguyễn Quang A thể hiện sự cay cú và thù hận của mình qua lời “tâm sự” : “Mình cố tránh xem, nghe các ông ấy nói xạo
để khỏi bị stress. Tối qua tham gia một tọa đàm của BBC đành phải xem 2 clip mà
lộn cả ruột”; “Chuyện các ông ấy,
nhất là ông Trùm, đánh tráo khái niệm, dối trá”; “Dân chủ ư? Dân chủ có 2 khía cạnh cơ bản là cạnh tranh và tham gia”.
Như vậy, theo ý ông ta Đại hội Đảng không dân chủ vì
mọi người không được tự do “cạnh tranh, tham gia”. Có điều đó chỉ là ý của một
kẻ đầu gấu chính trị vì đến các nước dân chủ phương Tây cũng cho nền dân chủ trực tiếp là nguy hiểm và không
thực tế nên đa số đã thực hiện một nền dân chủ đại diện. Vậy một cơ chế bầu cử
đảm bảo lựa chọn một cách dân chủ những người đủ phẩm chất ứng cử, ngăn chặn và
loại bỏ những người không đủ phẩm chất là một việc làm tỉnh táo và cần thiết. Chỉ có
những thành phần thuộc băng nhóm Nguyễn Quang A mới cho là phản dân chủ và lồng
lộn lên mà thôi!
***
Tôi đã viết, đây hoàn toàn là sự phóng đại, thổi
phồng một cách chủ quan không đúng thực tế. Nếu so với toàn bộ lịch sử thì chưa
bao giờ nước ta có vị thế độc lập như những ngày hôm nay, không chỉ với riêng
Trung Quốc mà với tất cả các nước. Nếu nói giai đoạn ta chịu chi phối và ảnh
hưởng từ TQ thì phải nói đó là giai đoạn kháng chiến thống nhất đất nước, lúc
ta phải ngửa tay xin họ từ bánh lương khô, quân trang quân dụng đến vũ khí đạn
dược, và giai đoạn chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là lúc xuất hiện Chủ nghĩa
Xét lại tại Liên Xô với tư tưởng “chung
sống hòa bình” của Khơrutsov, bởi như vậy chỉ còn có TQ viện trợ cho ta mà
thôi. Nhưng rồi lãnh đạo của nước ta đã tài tình cởi bỏ được cái nút thắt ấy. Còn
rắc rối trong quan hệ với Trung Quốc hôm nay chủ yếu là về biển đảo, vì biển
đảo ngày càng quan trọng hơn vì có dầu, vì giao thông biển, vì vị trí chiến
lược. Đó chính là hậu quả để lại của lịch sử, là một trong những cái giá phải
trả cho sự thống nhất, độc lập ngày nay. Đảng và nhà nước đã thực hiện chiến
lược ngoại giao, một mặt mềm mỏng với TQ, một mặt ta vẫn tăng cường ngoại giao
đa phương và vẫn trang bị vũ khí hiện đại, còn xây nhà giàn, đồn biên phòng
canh giữ trên biển. TBT Nguyễn Phú Trọng từng đối đáp trực tiếp với Hồ
Cẩm Đào Việt Nam luôn tôn trọng Công ước quốc tế về Luật biển của LHQ năm 1982
có chữ ký của các nước, trong đó có chữ ký của TQ. Nếu TQ không đồng ý, thì đem
ra Tòa án Công lý Quốc tế phân xử.
Với vụ Nguyễn Đắc Kiên, Tương Lai viết: “Quả thật, tôi quá sửng sốt khi nghe anh nói:
“Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ
Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa
nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị
hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương
tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở
đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là
cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này””. Tương Lai đã cho
TBT Nguyễn Phú Trọng là “tùy tiện quy kết
một cách hồ đồ”, là “đánh tráo khái
niệm”.
Tôi viết, người “hồ đồ” ở đây chính là ông Tương Lai.
TBT Nguyễn Phú Trọng dùng từ “suy thoái” chỉ những hành động như vậy là quá nhẹ
và chưa chính xác, mà hành động đó chính là hành động công khai lật đổ chế độ,
gọi như trước đây thì gọn hơn là “bọn phản động”. Mọi lý sự quanh co của Tương
Lai chỉ là ngụy biện che đậy sự gian xảo của mình.
***
Một người nữa luôn chống phá TBT Nguyễn Phú Trọng
điên cuồng chính là Nguyễn Khắc Mai. Tôi vốn không biết Nguyễn Khắc Mai là ai,
chỉ loáng thoáng thấy cái tên này gắn với cái trung tâm “minh triết” gì đó. Khi
TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ theo lời mời của Chính phủ Mỹ mới biết đến Nguyễn
Khắc Mai vì có viết bài “Lại có điều hầu
chuyện với anh Trọng” lan truyền trên các trang có khuynh hướng chống phá
nhà nước VN. Tìm hiểu chút nữa thì thấy Nguyễn Khắc Mai không chỉ có một bài đó
mà còn có nhiều bài về minh triết khác nữa, không chỉ bàn về minh triết mà còn
dùng minh triết bàn về chính trị. Bàn về chính trị đã khó, về minh triết chính
trị nữa lại càng khó hơn, điều này đã khiến tôi tò mò tìm hiểu. Nhưng kết quả
khiến tôi “ngã bổ chửng” bởi thấy minh triết của Nguyễn Khắc Mai là thứ minh
triết du côn!
Còn hai chữ minh triết tưởng dễ hiểu nhưng không ngờ
giới “tinh hoa” rồi cả những người xưng là “nhà minh triết” như ông Mai cũng
lại chẳng hiểu gì! Theo nghĩa chung nhất của từ thì chữ “minh” là sáng suốt,
chữ “triết” là hiểu biết, vậy “minh triết” là hiểu biết một cách sáng suốt.
“Sáng suốt” ở đây có nghĩa là hiểu sâu sắc và toàn diện; nói theo ngôn ngữ
triết học là hiểu một cách biện chứng. Theo Nguyễn Khắc Mai: “Minh triết chính là năng lực để sống”.
Năng lực để sống là trí tuệ, là tay nghề, là cần cù chịu khó, là có chí để vượt
khó, để thích nghi hoàn cảnh chứ “năng
lực” không phải là minh triết. Một người “minh triết” mà lười, mà không có chí thì cũng đói ăn thôi! Như vậy,
Nguyễn Khắc Mai, một người chưa hiểu chính xác chữ minh triết, lại làm giám đốc
một trung tâm minh triết, rồi bàn về minh triết e rằng sẽ có nhiều huyên
thuyên!
Trên BBC, 9 tháng 2 2015, Nguyễn Khắc Mai đã trả lời
phỏng vấn BBC về vấn đề tối quan trọng “Đảng
nên chọn Tổng bí thư kế tiếp thế nào?”
Nguyễn Khắc Mai nói:
“…chúng tôi
cũng đang mong muốn là xu hướng ấy nó sẽ xảy ra là làm sao chọn được một Tổng
Bí thư mà có thể nói là không lú lẫn như anh Trọng (Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng) hiện nay”.
Tôi đã viết, tôi thật ngạc nhiên một ông già U90,
từng là Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, một ban của Đảng,
lại nói về TBT Đảng của mình một cách “du
côn” như vậy. Giờ còn làm giám đốc một trung tâm minh triết nữa, thì theo
tôi, minh triết của Nguyễn Khắc Mai là một thứ “minh triết du côn”!
Nguyễn Khắc Mai “tâm
sự” với TBT Nguyễn Phú Trọng: “Anh
từ Mỹ về, hãy đem những “thực tế văn minh tiến bộ của một Dân tộc hiện đại” làm
bài học cho Việt Nam. Hãy từ bỏ cách nghĩ thực chất là của Liên Xô và Trung
Cộng, chúng mớm cho ta kèm theo với vũ khí và lương thực, rằng Mỹ là đế quốc
sài lang, là kẻ thù nguy hiểm nhất”. Một người học Văn- sử mà viết vậy
đúng là mù lịch sử. Chỉ những thằng ngu mới phải cần người khác chỉ cho biết
người xâm lược mình là ai. Nước ta nhược tiểu, hai bàn tay trắng, vậy muốn
giành được độc lập buộc phải đi nhờ vả. Nhưng thực tế trong hai cuộc kháng
chiến ta hoàn toàn không phải là con rối cho các nước lớn giật dây, mà nếu
hiểu lịch sử thì phải biết, chúng ta đã không chỉ một lần vượt qua sự sắp xếp
của các nước lớn, để thực hiện được mục tiêu tối thượng là giành lại nền độc
lập, thống nhất đất nước của mình.
Gần đây, trong Đại hội Đảng, lại có bài viết vu cáo,
bôi nhọ hình ảnh TBT Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Khắc Mai còn hung hãn yêu cầu
điều tra làm rõ, thậm chí bắt giam TBT Nguyễn Phú Trọng. Vũ Hoàng Sơn, chủ
trang trelang blog viết:
“Với những bài
viết trên facebook của ông đạo diễn và những bài trên blog Khang Nguyên của
Nguyễn Khắc Mai, cơ quan công an hoàn toàn có thể bắt cả 2 ông theo điều 258.
Rất mong cơ quan công an ra
tay”.
Với bọn vô văn hóa, chống đối, quấy rối thì không
chỉ TBT, các vị lãnh đạo, mà cả các bậc thánh nhân, các lãnh tụ cũng đều bị
chúng bêu xấu diễu cợt. Tôi cũng bị bọn “sâu
bọ rắn rết” chửi bậy rất nhiều, nhưng đời tất phải có kẻ xấu người tốt, nếu
mình tự tin là tốt thì bọn chửi mình tất phải xấu. Còn muốn bọn xấu cũng khen
mình thì buộc phải làm điều xấu thôi nên tôi không chấp! Nhưng chuyện ông
Nguyễn Khắc Mai nói về ông Nguyễn Phú Trọng không phải là chuyện cá nhân mà là
chuyện chính trị, mà với chuyện chính trị thì cái gì cũng “không chấp” đất nước sẽ loạn!
Thật
e ngại khi chưa bao giờ xã hội ta có tình trạng “chó con liếm mặt”, “cá mè một
lứa”, dốt nát nhưng dám công kích công khai đích danh Tổng Bí thư. Trước
tất cả những hiện tượng không phải phản biện mà là phản bác, đối kháng chứ
không phải đối lập, trong triết học chỉ ra là cần phải sử dụng bạo lực, cần
phải chuyên chính, chứ cải lương cũng sẽ loạn. Tất nhiên bạo lực trong thời
bình là kiên quyết giữ nghiêm kỷ cương phép nước, thưởng phạt công minh, chứ
không phải đối thoại bằng súng ống như thời chiến.
Trên thế giới hiện tại cũng có quá nhiều tổ chức
nhân quyền sống bằng nghề chõ mõm vào chuyện nhà người khác, tôi thấy cũng chỉ
là trò vớ vẩn. Bởi khi các địa ngục trần gian mọc lên khắp nơi, họ có đỡ đòn
được cho bao chiến sĩ cách mạng từng bị tra tấn tàn khốc không? Họ có ngăn được
bom rơi, đạn nổ trên đất nước chúng ta ngày nào không?
***
Ngày 28 tháng 01 năm 2016, sau khi tái đắc cử, khi
được các phóng viên hỏi "Cảm nghĩ
của Tổng Bí thư ra sao khi được bầu là người lãnh đạo cao nhất của Đảng".
TBT Nguyễn Phú Trọng trả lời:
“Hơi bất ngờ
với tôi, khó trả lời. Tôi cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu,
được BCH trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối.
Bất ngờ vì tuổi cao, sức
khoẻ có hạn, trình độ có hạn, tôi đã xin nghỉ rồi. Trách nhiệm Đảng giao thì
tôi với tư cách đảng viên thì phải chấp hành.
Tôi chân thành cảm ơn đồng
bào đã có những nhắn gửi, giao trách nhiệm cho chúng tôi. Tôi bất ngờ, xúc động
và có lo lắng vì trách nhiệm sắp tới còn nặng nề lắm, trước tình hình diễn biến
trong nước và quốc tế”.
Theo lẽ thường người ta thường chúc
mừng người ta trước mỗi sự thành công, thành đạt, nên tôi cũng xin chúc mừng sự
“thắng cử” của TBT Nguyễn Phú Trọng. Nhưng
mọi bữa tiệc đều tàn, không khí lễ hội cũng qua đi, chỉ còn lại gánh nặng đất
nước đè trên vai ông. Tất nhiên chỉ “nặng” đối với người có tâm với dân với
nước còn với những người coi chiếc ghế để kinh doanh quyền lực thì không. Thực
tế chứng tỏ TBT Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn không có điều tiếng về sân sau, sân
trước; không móc ngoặc với các nhóm lợi ích này, nhóm lợi ích kia; vợ con, họ
hàng ông không lợi dụng quyền lực của ông; nên tôi tin rằng ông tái cử không phải
vì tham quyền, cố vị, không vì lợi lộc, mà vì dân, vì nước. Chính vì vậy mới
nói trên vai ông giờ đây là gánh nặng đất nước.
Vừa rồi dự luận rất đồng tình, kể cả
có sự lợi dụng, bài phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ông nói:
“Đảng
là người lãnh đạo cao nhất của đất nước cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại
chính mình, và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Đại hội toàn quốc. Kiên
quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước,
các đoàn thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn”;
“… bao năm
qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp
gần như không thay đổi. Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế
hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù
hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát
triển. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với
đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách”.
Tôi thấy ý của ông Vinh vừa rất đúng những cũng có
phần chưa đúng.
Đúng ở chỗ phương thức hoạt động của
Đảng về danh nghĩa đúng là Đảng trùm lấp, ở đâu cũng có “Đảng”, có bí thư, có đảng viên. Nước ta cũng có cơ chế tam quyền
phân lập, cũng có Quốc hội lập pháp, Chính phủ hành pháp, Tòa án tối cao xử án.
Bao trùm lên cơ chế đó còn có Đảng lãnh đạo. Lẽ ra sự phạm pháp phải bị kiểm
soát tốt hơn cơ chế chỉ có “tam quyền
phân lập”. Nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại.
Có tình trạng như vậy bởi đúng là Đảng lãnh đạo toàn diện, nói theo “lề trái” là “toàn trị” nhưng thực tế lại không “trị” được ai. Bởi Đảng có quyền lãnh đạo nhưng không có quyền chỉ
đạo. Đảng chỉ ra đường lối, chủ trương bằng nghị quyết, rồi mọi chuyện diễn ra
ngoài tầm kiểm soát của Đảng. Chính vậy mới có chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng khi tiếp xúc cử tri 2 Quận Hoàn Kiếm và Ba Đình từng nói: “Cha ông ta nói rất hay: “Miếng ăn là miếng
tồi tàn / Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”… Đụng đến lợi ích là phản
ứng, nhất là một khi lợi ích nhóm móc ngoặc với nhau thành đường dây vô cùng
phức tạp”. Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng nói ý là giải quyết các vấn nạn
bây giờ rất khó vì “đụng đâu vướng đó”.
Vậy phải chăng thực chất quyền lực của Đảng chỉ là quyền lực rỗng. Đảng lãnh
đạo toàn diện, nhưng là lãnh đạo tập thể, cá nhân chỉ là người được phân công
phụ trách; ai cũng là người của Đảng, đồng thời là người của Quốc hội, đồng
thời làm quan chức; khi sự cố xảy ra thì chịu trách nhiệm chung, không ai bị
làm sao cả, ngoài những người dính líu trực tiếp đến những chứng cớ phạm pháp.
Vì tất cả các lẽ đó, đúng là cần phải có một sự đổi mới về sự lãnh đạo của
Đảng, làm cho sự lãnh đạo của Đảng đúng là toàn diện. Có vậy mới giám sát được
mọi hoạt động của chính quyền, của các cơ quan, các đơn vị. Đảng không làm cụ
thể nhưng Đảng có quyền giám sát, mà quyền giám sát là quyền đặt cao hơn. Và
càng những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, đến tiền, thì càng cần phải giám sát
chặt chẽ hơn. Sự lãnh đạo cần phải được cụ thể hóa. Sự chịu trách nhiệm của cá
nhân ở mọi cấp cũng phải được luật hóa.
Còn ý Bộ trưởng Vinh “bao năm qua phương thức hoạt động của Đảng
gần như không thay đổi” cũng có phần sai ở chỗ Đảng cũng có nhiều thay đổi về
sự lãnh đạo kinh tế, ở chỗ đã tăng cường sự tự chủ cho các doanh nghiệp. Như
qui định chủ sở hữu (Thủ tướng) phải có nghĩa vụ: “…đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của công ty nhà
nước trong quá trình hoạt động. Cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà
nước không can thiệp trái pháp luật vào các công việc của Hội đồng quản trị,
Tổng giám đốc, Giám đốc của công ty nhà nước”.
Điều này dẫn đến chuyện trong vụ Vinashin, Bộ Chính trị kết luận, Chính phủ có
khuyết điểm chưa kiểm tra chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, từ
năm 2006 - 2009 tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn
không phát hiện được khuyết điểm nghiêm trọng của Tập đoàn. Bộ trưởng Vũ Văn
Ninh cũng có ý kiến: “...Trước hết
phải nghiên cứu để thay đổi việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Bộ
ngành quản lý ... qui định lại rõ trách nhiệm và xác định có những việc
phải báo cáo lên trên để phê duyệt chứ không phải giao toàn quyền cho doanh
nghiệp như hiện nay để làm sao hạn chế được việc mà nhiều đại biểu nói là doanh
nghiệp được quyền to quá và tự quyết rất nhiều vấn đề và phát sinh ra tiêu cực.
Thứ hai, cũng phải tăng cường công tác kiểm tra... chúng tôi nghiên cứu hiện
nay cũng có nước người ta áp dụng là kiểm soát viên không phải là người của
doanh nghiệp, mà kiểm soát viên là người của Nhà nước cử vào doanh nghiệp”.
Còn Bộ trưởng Vinh nói câu này thì không phải đúng
mà là quá đúng, cần phải đổi mới nền kinh tế bằng “tăng năng suất, nâng cao cho được năng lực cạnh tranh”. Có điều nói
thì quá dễ, ai cũng nói được, thực hiện mới khó, vì nó phụ thuộc vào trình độ
của cả đất nước chúng ta. Tương lai chỉ có cách là trông chờ vào nhân tài, mà
nhân tài thì phải đợi ngành giáo dục đào tạo ra, nhưng ngành giáo dục thì còn
lâu mới đáp ứng được chuyện đó. Lãnh đạo một nước giỏi giang như Mỹ rất dễ,
lãnh đạo một nước như VN mới khó, nói trên vai TBT Nguyễn Phú Trọng là gánh
nặng đất nước là vì thế!
Vì vậy tôi cũng không ảo tưởng chuyện TBT Nguyễn Phú
Trọng tái đắc cử sẽ làm đất nước tiến lên vù vù. Nhưng sau một nhiệm kỳ chắc
chắn ông có kinh nghiệm lãnh đạo hơn, ông biết rõ hơn việc gì cần làm và làm
như thế nào để đạt hiệu quả hơn. Một nhiệm kỳ với việc hệ trọng là lãnh đạo đất
nước dường như là quá ngắn, vì vậy có nhiều cơ sở để tin tưởng vào sự lãnh đạo
của TBT Nguyễn Phú Trọng trong nhiệm kỳ kế tiếp này.
29-1-2016
ĐÔNG
LA