ĐÔNG LA
NỤ CƯỜI OBAMA
Có nhiều loại cười như cười mỉa, cười khỉnh, cười đểu, cười
ác độc, nhưng phần nhiều người ta cười là để thể hiện niềm vui, sự thân thiện,
sự cởi mở khi giao tiếp; TT Obama đã mang nụ cười đó đến VN trong chuyến thăm vừa
rồi, và ông chính là người cười nhiều nhất, cười tươi nhất:
Ông
da mầu, răng ông lại rất trắng, nên nụ cười của ông đúng là tỏa sáng, lại được
cộng hưởng thêm cái ánh sáng toát ra từ thiện ý của ông đến VN với mong muốn
mối quan hệ giữa hai nước phát triển tốt đẹp hơn. Dù rằng nhận thức của ông về
nhân quyền ở Việt Nam ,
về các hội nhóm, các cá nhân hoạt động nhân danh dân chủ, tiến bộ,…, còn chưa
đúng. Nhưng theo thuyết “tương đối”, chuyến đi thăm VN của ông Obama vừa rồi đúng
là đã thành công còn hơn cả mong đợi.
***
Về phía Việt Nam, chuyến thăm của ông Obama hứa hẹn
nhiều điều tốt đẹp nhưng ấn tượng nhất, ý nghĩa nhất chính là tuyên bố của ông
gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt
Nam. Điều đó thể hiện lòng tin của Mỹ đối với VN vì không ai trao vũ khí cho người
mà mình không tin cả, còn VN, tất nhiên chúng ta có thêm điều kiện để tăng
cường sức mạnh quốc phòng, giữ gìn an ninh lãnh thổ. Mang đến cho VN một điều
quý giá và tối quan trọng như vậy nhưng thái độ của Mỹ với VN hôm nay hoàn toàn khác với
thời Mỹ đối với VNCH, một chính quyền mà họ “nặn” ra để thi hành chính
sách chống Cộng ở Đông Nam Á. TT Dwight D. Eisenhower (nhiệm kỳ từ 20/1/1953 – 20/1/1961), cha đẻ Học thuyết
Domino, năm 1956 đã nhận được báo cáo của Allen Dulles đệ trình lên
cho rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành.
Nhà sử học Mortimer T. Cohen cho rằng không ai có thể thắng cử trước Hồ Chí
Minh, vì ông là một George
Washington của Việt Nam .
Vì thế TT Eisenhower với quân bài Ngô Đình
Diệm đã khai sinh ra chế độ VNCH, không thực hiện tuyển cử thống nhất Việt Nam . TT
John
F. Kennedy khi còn là TNS từng tuyên bố: "Nó (Việt Nam
Cộng Hòa) là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó". Còn
ông Obama, cũng là một Tổng thống Mỹ, nhưng hôm nay khi tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận
vũ khí sát thương đối với Việt Nam , ông vẫn xác nhận:
“Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có
quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam . Độc lập, chủ quyền ấy do
người dân Việt Nam
quyết định. Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam ”.
Về phía Mỹ, với chủ nghĩa thực dụng, họ không làm
điều vô bổ, dù trong lịch sử vì sai lầm họ không chỉ làm những điều vô bổ mà
còn làm những điều tệ hại với chính nước Mỹ, chuyến thăm VN của TT Obama cũng
chính vì lợi ích của nước Mỹ. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất đối với phía Mỹ trong
chuyến thăm VN lần này của TT Obama chính là tình cảm của dân VN chào đón họ. Trong
cuộc họp báo chung ngay sau lễ đón và hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang,
chiều 23/5, ông Obama nói: "Đáng
tiếc là khi tôi đến có quá nhiều cuộc họp nên không thăm thú Việt Nam
nhiều. Khi nghỉ hưu, tôi sẽ có thể quay lại Việt Nam cùng gia đình để nghỉ ngơi
ở đây lâu hơn, thăm thú nhiều nơi, thưởng thức các món ăn của Việt Nam".
Đang ở VN mà đã tính quay lại cùng gia đình thăm VN, chỉ có một tình cảm đặc
biệt người ta mới như thế, giống như tình cảm của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền dành
cho người mình yêu thể hiện trong một câu thơ:
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới.
Trong diễn văn đọc trước
công chúng đầu tiên, 24/5/2016, trước 2000 thính giả tại Trung tâm Hội nghị
Quốc gia, ông nói: “Xin cảm ơn Chính phủ
và nhân dân Việt Nam đã dành cho chúng tôi sự chào đón nồng nhiệt trong chuyến
thăm này… sự thân thiện của các bạn đã chạm tới trái tim của chúng tôi” (có
người dịch là “rung động”). Khi chuẩn
bị lên chuyên cơ ở Tân Sơn Nhất rời VN, lời chia tay của ông cũng lại nhắc đến
chữ “trái tim”, ông đã đặt tay lên ngực trái mình và nói: “Tôi thực sự xúc động. Tình cảm của nhân dân VN đã lay động trái tim
tôi. Tôi cảm thấy gần gũi với đất nước này hơn bao giờ hết”.
Ben Rhodes, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về Truyền
thông Chiến lược, viết trên Twitter cá nhân: "Thank you HCM
City for a welcome we
will never forget. #ObamainVietnam” (Cảm ơn TPHCM vì sự chào đón chúng tôi
sẽ không bao giờ quên). Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Eric Schultz chia sẻ lại
dòng cảm xúc của ông Rhodes kèm theo bình luận "hàng trăm nghìn người tập trung trên các tuyến phố chào đón @potus"
và "tôi chưa từng chứng kiến điều
này trong 5 năm làm việc tại Nhà Trắng". Potus là viết tắt của "President of the United State", tức
tổng thống Mỹ:
***
Cái gì làm nên sự nồng nhiệt trên? Có lẽ trước hết
do bản tính hiếu khách của người VN. Hiếu khách nói chung là tốt vì là khách đi
thăm thì chẳng có ai mà lại không thích sự hiếu khách, nhưng cũng có phần dở vì
có phần thái quá, hiếu khách đến mức “quên” cả mình, có phần như fan cuồng của
các “sao” vậy. Người có lòng tự trọng không ứng xử quá nồng nhiệt như vậy. Cũng
ông Obama thôi, ông đến các nước đồng minh của Mỹ, tức quan trọng và thân thiết
hơn VN, tôi tin là dân các nước đó không có cảnh đón ông như dân VN. Có lẽ dân
Việt quý ông trước hết là mong cầu tiến bởi Obama là TT của nước Mỹ giầu mạnh
nhất, có nền KHKT tiên tiến nhất, có nền văn hóa giải trí sôi động nhất. Obama
là TT một nước nghèo ở Châu Phi chắc chắn dân Việt không chào đón như thế. Dân
Việt cũng quý ông do chính con người ông, một sự hòa trộn tuyệt vời giữa bình
dị và văn minh lịch sự. Ông là dân da mầu, như ông tâm sự, lớn lên từ khu phố
Chicago nghèo khổ, vì vậy mà ông có cách ứng xử bình dị, cởi mở, nhưng ông lại
lai Pháp, một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, người Pháp cũng luôn được
đánh giá là lịch sự, trang trọng và thân thiện; và ông cũng được đào tạo từ
những trường danh giá nhất.
Ngược lại thái độ trên cũng có ít trường hợp vẫn có
thái độ đối với Mỹ như thời chiến tranh lạnh. Nước Mỹ siêu cường, biết ta có những
khác biệt mà họ không thích nhưng họ vẫn chấp nhận bình thường hóa và mở rộng
quan hệ, vậy phía ta là một nước nhỏ yếu lại càng cần phải như vậy. Quan hệ
ngoại giao cái chính là vì lợi ích đất nước chứ không nên vì tình cảm cá nhân.
Ngay thời quan hệ với LX, TQ trước đây, chúng ta vẫn nghe tuyên truyền một
chiều về tình hữu nghị tuyệt đối nhưng thực chất các nhà lãnh đạo của chúng ta
cũng đã phải vượt qua bao toan tính, xếp đặt của họ bất lợi cho mục tiêu của
chúng ta.
***
Là TT một nước siêu cường số 1 tất nhiên ông Obama
là người có quyền lực nhất hành tinh nhưng như thế không có nghĩa là ông giỏi
nhất, thông thái nhất. Ông cũng mắc sai lầm như tự ông thừa nhận về quyết định
của mình đồi với Lybia mà được TT Nga Putin “khen” là “dũng cảm”. Tiếc là một
số nhận thức của ông về VN cũng còn chưa chính xác. Chính trong những ngày ở VN
vừa rồi ông đã nói trước các nhà lãnh đạo VN, trước dân VN:
“Mặc dù bây giờ chúng ta đang hợp tác rất chặt
chẽ trong những lĩnh vực tôi đã đề cập trên, quan hệ đối tác giữa hai bên bao
gồm cả yếu tố thứ ba: giải quyết các vấn đề mà hai chính phủ đang còn bất đồng,
trong đó có vấn đề nhân quyền”.
Buồn là ông góp ý rất chân tình, nghĩa là ông sai
thật, khi ông cũng tự phê bình khi góp ý cho VN về những điều mà ông cho là hai
nước còn “bất đồng” đó:
“Tôi không nói đây là vấn đề
của riêng Việt Nam .
Không một quốc gia nào hoàn hảo cả.
Hai thế kỷ trôi qua và nước
Mỹ vẫn đang phải nỗ lực để đạt đến những ý tưởng khởi sinh ra nó. Chúng tôi vẫn
phải đối đầu với các vấn đề của mình như tiền bạc chi phối chính trị, sự bất
bình đẳng kinh tế ngày càng cao, phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp
hình sự, phụ nữ vẫn chưa được trả lương bằng nam giới trong cùng công việc.
Chúng tôi vẫn có vấn đề và
vẫn bị chỉ trích; tôi cam đoan với các bạn, tôi nghe những lời chỉ trích đó
hàng ngày.
Nhưng chính sức ép đó, những
tranh luận mở đó, việc đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình, và việc
cho phép mọi người đều được có tiếng nói, đã giúp chúng tôi lớn mạnh hơn, thịnh
vượng hơn, và công bình hơn.
Tôi đã nói từ lâu, nước Mỹ
không có ý định áp đặt thể chế chính trị của mình lên Việt Nam . Nhưng
những quyền mà tôi nói ở đây, tôi tin nó không chỉ là giá trị của Mỹ mà là
những giá trị có tính toàn cầu. Nó được ghi nhận trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền
Phổ Quát. Những quyền này còn được ghi nhận trong chính Hiến pháp của Việt Nam ”;
“Khi quyền tự do biểu đạt và
quyền tự do ngôn luận được tôn trọng và khi người dân có thể chia sẻ ý tưởng,
truy cập internet và mạng xã hội mà không bị cản trở, nó sẽ là nhiên liệu cho
sự năng động mà nền kinh tế cần để phát triển. Đó là cách mà các ý tưởng mới
hình thành, là cách mà Facebook xuất hiện. Đó là cách những công ty vĩ đại của
chúng tôi hình thành. Vì con người có ý tưởng mới, mang tính khác biệt và họ có
thể chia sẻ nó.
Khi quyền tự do báo chí được
tôn trọng, khi nhà báo, blogger có thể đưa ra ánh sáng những vụ việc bất công
và lạm dụng, nó sẽ khiến các công chức trở nên có trách nhiệm và giúp công
chúng tự tin hơn rằng hệ thống thực sự hiệu quả…
Do đó, tôi cho rằng bảo vệ
các quyền con người không phải là sự đe dọa cho sự ổn định xã hội mà chính là
góp phần củng cố sự ổn định xã hội và là nền móng cho sự phát triển.
Sau hết thì chính khát vọng
được hưởng những quyền này đã thôi thúc nhân dân toàn thế giới kể cả ở Việt Nam
đứng lên lật đổ chủ nghĩa thực dân. Tôi tin rằng tôn trọng những quyền này
chính là biểu hiện đầy đủ nhất của một nền độc lập mà rất nhiều thế hệ đã nâng
niu, kể cả ở Việt Nam, một quốc gia đã tuyên bố mình thuộc về nhân dân, do nhân
dân và vì nhân dân”.
Theo lý thuyết ông nói quá hay, quá đúng, nhưng lại
không đúng với thực tế VN. VN đúng là còn nhiều tệ nạn, sai trái; xã hội VN
cũng như mọi xã hội văn minh đúng là cần nhiều nhà phản biện tài năng, có tinh
thần xây dựng, giúp đất nước phát triển, như các bác sĩ chỉ ra bệnh tật để chữa
trị cho cơ thể khỏe mạnh vậy. Nhưng cả ông Obama và nhiều người Mỹ vẫn không
hiểu thực tế VN có tình trạng có những cá nhân với đủ thứ tham vọng và ảo
tưởng, đã nhân danh đủ thứ tốt đẹp như nhân quyền, dân chủ, tiến bộ để chống
phá thể chế chứ không phải phản biện; kể cả chuyện có những người chuyên hành
nghề quấy rối ăn tiền. Các ông chỉ nghe cái mà họ nhân danh. Các ông không hiểu
họ chỉ lợi dụng, không thực tâm nên các ông không biết họ chuyên kiếm cớ gây
rối, không biết họ sẵn sàng xuyên tạc, bịa đặt. Như trong vụ cá chết ở biển
miền Trung vừa rồi, nhóm Nguyễn Quang A, Hoàng Hưng, Huệ Chi đã cho Công ty
gang thép Formosa Hà Tĩnh “được một số
thế lực bao che và tìm cách hoãn binh để phi tang” là hoàn toàn vu khống.
Vu khống cả hai phía, phía những người có trọng trách ở VN và phía nhà đầu
tư Formosa .
Nếu pháp luật VN nghiêm như bên Mỹ thì ba ông trên bị tóm rồi.
Họ cũng luôn xuyên tạc để gây chia rẽ giữa nội bộ
VN, dán mác người này thân Tầu, kết thành phe thân Tầu, bảo thủ, chống Mỹ;
người này thân Mỹ, kết thành phe thân Mỹ, tiến bộ, chống TQ. Như họ từng cho
ông Nguyễn Tấn Dũng thân Mỹ, các vị lãnh đạo VN hiện tại là thân Tầu. Vậy khi
ông Dũng đã về hưu, sự đón tiếp ông Obama và phái đoàn Mỹ vừa qua của lãnh đạo VN
đã khiến chính ông nói là “đã chạm vào
trái tim” ông, phải chăng cuộc đón tiếp đó đã như một cái tát nảy lửa, làm
sưng mõm bọn nói láo?
Đó chính là những người mà phía Mỹ vẫn ủng hộ vì vẫn
coi họ là những nhà bất đồng chính kiến, đấu tranh vì tự do, dân chủ!
Vậy tôi xin nhắc lại một ý đã viết nhiều lần, VN
luôn coi trọng những quyền chính đáng của người dân, nhưng không coi sự quấy
rối, chống phá chế độ, chống phá hiến pháp của một số người là quyền. Rất
mong ông Obama, mong Mỹ không lặp lại sai lầm như những vị tổng thống tiền
nhiệm từng rất sai lầm khi gây ra cuộc chiến tại VN.
26-5-2016
ĐÔNG
LA