Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐÔNG LA GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN BÌNH THƠ “RÂN TRỦ”

ĐÔNG LA
GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN
BÌNH THƠ “RÂN TRỦ”

Vừa rồi, tiếp bước theo cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh sáng tác bài Đất nước mình ngộ quá phải không anh!, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng làm bài Họ là ai mà ác hơn giặc cướp?
  Trước hết xem lại bài của cô giáo Lam một chút.
Nhìn lại quá khứ chưa xa, dân ta từ kiếp nô lệ, 1945 2 triệu người chết đói, giành lại được chủ quyền thì hết chiến tranh lại bị bao vây cấm vận, cuộc sống thiếu thốn đủ bề với chế độ tem phiếu, phải ăn bobo, gạo mốc, đi lại thì vô cùng khó khăn; đến được những ngày hôm nay hàng hóa tràn ngập, đi lại thuận lợi, đủ loại phương tiện giao thông mở ra. Trên trường quốc tế chúng ta đã sánh vai với các cường quốc khắp năm châu, đặc biệt ít ngày nữa, chúng ta sẽ đón ông Obama, Tổng thống Mỹ, thăm VN. Chỉ có những kẻ cố tình mù điếc mới không nhìn thấy sự thay đổi đó.
Còn những tệ nạn, sai trái, yếu kém thì cần phải hiểu, nước ta là một nước đang phát triển, từ một nước nông nghiệp đang phấn đấu thành một nước công nghiệp, có thể ví như một công trường ngổn ngang, cũng vì thế mà còn nhiều cái chưa ngăn nắp, nề nếp, sạch sẽ được. Ngay nước Mỹ là một nước cực phát triển mà còn lắm chuyện thì những vấn nạn còn tồn tại ở VN là điều tất yếu. Cái chính là phải nhận diện và “chỉnh đốn”.
Văn chương là sự tái hiện cuộc sống bằng con chữ. Nó chất chứa những gì tinh túy nhất được chắt lọc từ cái Đẹp, cái Thiện, đồng thời cũng chất chứa những bài học sâu sắc rút ra từ cái xấu, cái ác. Dạy văn là gieo hạt giống chân, thiện, mỹ vào tâm hồn học sinh, chỉ cho các em tránh xa cái xấu, cái ác. Một cô giáo chỉ biết ngụp lặn trong cái xấu, không còn nhìn thấy cái gì khác như cô Lam, thử hỏi cô dạy gì cho học sinh?
Vậy xin tặng cô mấy câu này:

Đất nước mình không ngộ thế đâu Lam
Tại tâm em đen nên nhìn cái gì cũng tối
Ta đã đứng lên từ bùn lầy, từ máu
Thoát kiếp ngựa trâu, kiêu hãnh ngẩng cao đầu

Chỉ có điều ngộ là không hiểu tại sao
Em đã quẳng đi đâu công cha, nghĩa mẹ?
Em đã quẳng đi đâu lời thầy, cô đã dạy?
Mất dạy rồi em còn dạy được ai?

***
  Còn bài thơ của “Tao là Tạo” là Họ là ai mà ác hơn giặc cướp, ông nhà thơ chính danh, kiêm nhạc sĩ, đã viết về những người thực thi nhiệm vụ “dẹp loạn”, ngăn những người cả vô tình lẫn cố tình quấy rối, nhân danh “biểu tình ôn hòa” vì môi trường nhân vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung.
Trước hết phải thấy hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển là hiểm họa môi trường không ai mong muốn. Nhà nước đã nỗ lực hết mức, thuê cả chuyên gia nước ngoài đã và đang tìm nguyên nhân, theo kinh nghiệm của chuyên gia Nhật có khi phải cả năm mới biết rõ được. Thực tế ô nhiễm môi trường không chỉ có thế, những con kênh đen trong thành phố; ao chuôm, sông ngòi ở các miền quê cạn nước; mùa hạn càng ngày càng kéo dài hơn, mùa bão lụt cũng vì thế mà dữ dội hơn; tất cả đã và đang làm thiệt hại, đe dọa cuộc sống con người; đều là những bài toán lớn khó giải đặt ra trước các nhà chức trách. Khó giải bởi nguyên nhân không chỉ do chủ quan mà còn do khách quan. Dân số tăng không ngừng, tiêu pha hoang phí tăng không ngừng, con người bóc lột, tàn phá thiên nhiên nhiều hơn vì thế mà thiên nhiên nổi giận dữ dội hơn. Một ống nước thải của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh với những hóa chất thông thường (không phải cực độc như thổi phồng) giả sử xử lý chưa đạt chuẩn cũng chỉ có thể gây ô nhiễm một vùng hẹp, như một con sông chẳng hạn, còn gây ô nhiễm cả một dải biển mấy trăm km là một điều không thể. Nên vụ cá chết có thể do tác động của biến đổi khí hậu, biến đổi môi trường chung nhiều hơn. Nghĩa là cả trực tiếp lẫn gián tiếp, chính cuộc sống mỗi chúng ta cũng góp phần làm nên sự ô nhiễm đó.
Thực tế cũng chưa tìm thấy bằng chứng chứng tỏ cá chết là do nước thải của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh. Vậy tổ chức biểu tình chống Formosa là vô lý; Formosa ở Đài Loan, lợi dụng cá chết biểu tình chống việc nhà nước phụ thuộc TQ cũng lại vô lý nốt. Vậy thực chất cuộc “biểu tình ôn hòa vì môi trường” là một vụ quấy rối, gây mất trật tự, trị an; các cơ quan chức năng và tổ chức đoàn thể hoàn toàn có quyền ngăn chặn và bắt giữ những người chống đối, để giữ yên bình cho cuộc sống nhân dân.
Một người bình thường cũng dễ dàng hiểu cái lý đơn giản đó, tại sao một người có danh vị như ông Nguyễn Trọng Tạo lại hiểu ngược lại? Ông ta có bị tâm thần không khi viết: “Nhân danh ai họ ra lệnh đánh dân”.
Về cái chuyện tiếm danh “nhân dân” của ông Tạo, nhớ lại hồi bắt hai chủ blog “Nhất Lác” và “Viết Bừa” (Phạm Viết Đào), Huỳnh Ngọc Chênh viết:
Dạo rày tự dưng bọn thế lực thù địch tung tin đồn nói xấu chế độ tốt đẹp của ta hơi bị nhiều. Chúng liên tục tung tin sắp tới sẽ cho người nầy nhập kho, cho người kia đi giáo dục làm như chế độ ta được dựng lên là để chuyên đi bắt dân không bằng. Chúng đưa ra danh sách 4 người, rồi danh sách 5 người, rồi danh sách 10 người...và mới đây nhất, theo nhà văn đáng kính Nguyễn Trọng Tạo, từ Bắc Kinh gởi về danh sách đến 20 người. Nghe cái danh sách nầy, Nguyễn Trọng Tạo phải thốt lên: Bắt hết nhân dân thì sống với ai. Lúc đầu nghe bọn xấu tung ra danh sách 4 người gồm Nhất, Đào, Chênh, Lập mà trong đó đã có 2 người đi theo 258 rồi, tôi run quá”.
Tôi đã viết: “Cho một dúm những kẻ viết bậy, nói bậy, quấy rối, làm càn là “nhân dân” như cách gọi của “Tao là Tạo” và Chênh “Dái lệch” là cách nhìn lộn ngược. Cần phải thấy chuyện viết bậy, nói bậy, quấy rối, làm càn là hành động gieo mầm bất ổn, xúc phạm nghiêm trọng đến an ninh và cuộc sống bình yên của mọi người”.
Cần phải hiểu thực trạng nước ta là một nước mà trình độ khoa học công nghệ còn rất kém. Kể từ khi có Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực năm 1988, dòng vốn FDI luôn là động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Từ năm 2007 cho đến 2012, vốn FDI luôn chiếm tỷ trọng từ 21-30% trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Khoảng cách phát triển khoa học công nghệ giữa các nước phát triển và Việt Nam còn rất xa. Việc ta tự nghiên cứu để tiến kịp nước phát triển là việc khó khăn và không thể. Nên đầu tư FDI cũng là cơ hội cho Việt Nam tiếp thu được kỹ thuật- công nghệ tiên tiến nhanh nhất.
 Vì vậy việc biểu tình vô lý chống Formosa chẳng khác gì chống lại chính sách “trải chiếu hoa” mời các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ của nước ta mà là xu thế chung.
Như Chính phủ Indonesia vừa thực hiện một đợt cải cách hành chính quy mô lớn nhằm rút ngắn thời gian cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp. Theo khảo sát thường niên của Ngân hàng Thế giới, Indonesia đứng thứ 109 trên 189 về độ cởi mở trong thủ tục kinh doanh. Singapore hiện dẫn đầu, Malaysia đứng thứ 18, Thái Lan xếp thứ 49 còn VN nằm ở vị trí 90. Chính phủ Indonesia muốn thăng hạng ngoạn mục trong kỳ khảo sát tới, leo lên vị trí 40 trong danh sách. Chưa hết, theo tin của báo Thanh Niên, Ủy ban Điều phối đầu tư nước này đã chính thức thí điểm Chương trình cấp giấy phép đầu tư trong 3 giờ nếu doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện. Có phải vì vậy mới có chuyện hơn 1 tỷ USD vốn Nhật từ Việt Nam đã chảy sang Indonesia?
Còn chuyện “đánh dân”? Nếu những người biểu tình thượng tôn pháp luật, “ngoan ngoãn” giải tán thì chắc chắn sẽ không có chuyện xô xát. Thực tế đã có những người cố tình gây rối, không hiếm người làm nhiệm vụ ổn định trật tự từng bị đổ máu bởi những người biểu tình quá khích. Nên việc cưỡng chế là tất yếu. Cũng như trên thế giới việc cảnh sát dùng dùi cui, vòi rồng, lựu đạn cay... giải tán biểu tình đã là điều hiển nhiên.
Vậy mà ông Nguyễn Trong Tạo viết về những người thực thi nhiệm vụ như thế này:
Họ ăn gì mà ngu hơn bò lợn
          Thực tế họ phải làm nhiệm vụ chứ không phải ngu như bò lợn, chỉ những người ngu như bò lợn mới không hiểu, mới viết vậy mà thôi!
          14-5-2016

          ĐÔNG LA