Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

ĐĂNG LẠI MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN NHÂN LỄ KỶ NIỆM CỦA HỘI ĐÔNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG

ĐÔNG LA

ĐĂNG LẠI MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
NHÂN LỄ KỶ NIỆM
CỦA HỘI ĐÔNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG
Sáng 22/10/2016 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất.  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Về mặt “được”, ông nói: “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hội đồng, những đóng góp của các thành viên Hội đồng qua các nhiệm kỳ… Trân trọng ghi nhận những đóng góp, cống hiến đó, hôm nay Đảng, Nhà nước trao tặng Hội đồng Lý luận Trung ương Huân chương Độc lập hạng nhất”; còn mặt “chưa được” ông cũng thẳng thắn chỉ ra: “Trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, phê phán và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chưa thể hiện rõ sự sắc sảo về khoa học, tính chiến đấu và sức thuyết phục chưa cao”; “Cần chú trọng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận; đấu tranh không khoan nhượng bằng những luận cứ khoa học sắc bén, giàu sức thuyết phục”.
     Đọc những dòng trên tôi không khỏi bật cười vì tôi đã thực hiện những điều TBT Nguyễn Phú trọng nói hôm nay từ 20 năm về trước. Nhưng duyên cớ nào đã khiến tôi quan tâm và viết về một lĩnh vực quá khó ngay cả đối với những người chuyên nghiên cứu trong khi tôi thực tế vào đời lại làm công tác nghiên cứu hóa dược tại Viện Công nghiệp Dược thuộc Bộ Y tế (giờ không còn), một lĩnh vực hoàn toàn không dính dáng đến lý luận. Giờ ngẫm lại thấy tất cả là do sự xếp đặt của cơ Trời mà thôi, nghĩa là cuộc đời đúng là có số mệnh?
     ***
     Nhân có ý kiến “chỉ đạo” của TBT, tôi sẽ trích đăng lại một số bài tôi viết về lý luận để bạn đọc coi giải trí. Có điều muốn giải trí được thì phải hiểu, nhưng hiểu được những lý luận liên quan đến khoa học, triết học lại không dễ.
Ban đầu tôi đến với lý luận qua cửa ngõ văn chương, thấy mấy ông nhà thơ bàn về những điều liên quan đến khoa học, triết học sai quá tức khí mà viết. Khoảng 1997, Đỗ Minh Tuấn, nhà thơ, đạo diễn, hình như từng làm nghiên cứu ở viện Triết, đã xuất bản cuốn “Ngày văn học lên ngôi”. Cuốn sách có nhiều khái niệm lạ, đưa ra nhiều ý lạ, làm hoa mắt nhiều người, nhất là các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, ức ĐMT chê văn chương kháng chiến như “một thứ dây dẫn” mà không sao cãi lại được. Tôi tò mò đọc và đã viết một bài gởi cho TC Văn nghệ Quân Đội. Nhà Phê bình Đại tá Hồng Diệu, Trưởng Ban phê bình, đã liên lạc có ý khen và cảm ơn tôi. Sau khi bài được đăng, từ một người hoàn toàn xa lạ, tôi đến và được tạp chí tiếp đón nồng nhiệt. Nhà văn Nam Hà ôm chầm lấy tôi “Đông La đây à?!”; Nhà thơ Anh Ngọc bảo: “Đang ăn cơm đọc bài của ông hay quá rơi cả đũa”; còn anh Hồng Diệu từ đó trở thành một người anh thân thiết.
Hôm nay xin giới thiệu bài đầu này:
ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN
VỚI ĐỖ MINH TUẤN
VỀ MỘT SỐ BÀI VIẾT
(Trích từ cuốn
BIÊN ĐỘ CỦA TRÍ TƯỢNG TƯỢNG,
NXB VĂN HỌC, 2001)

            Đỗ Minh Tuấn, trong bài đối thoại với Đức Uy (VN số 32, 1995), viết: “Sự sụp đổ của quyết định luận, sự ra đời của thuyết bất định Heizenberg; sự giác ngộ ra các chiều kích mới của thế giới và của bản thân đã đẩy con người vào mê hồn trận của một thế giới chập chờn bất định, trong đó người ta buồn nôn vì mất định hướng … Trong cuộc khủng hoảng tinh thần này, nhân loại tìm thấy lời giải đáp cho cái bối rối hiện sinh trong sự phiêu lưu của người anh hùng …”.
          Nói như vậy, Đỗ Minh Tuấn đã nói theo tinh thần của chủ nghĩa duy tâm vật lý. Khi các nhà bác học đã phát hiện ra ánh sáng cũng như các hạt vi mô đều có bản chất nhị nguyên sóng và hạt, Heisenberg đã phát biểu “Nguyên lý bất định”: người ta không thể xác định chính xác đồng thời vị trí hoặc động lượng của các  hạt cơ bản. Thực tế, nó là một phát minh kỳ diệu, giúp con người hiểu rõ hơn bản chất của tự nhiên, của cấu tạo vật chất, giải thích được bao nhiêu hiện tượng khoa học, mang lại bao ứng dụng. Có thể đúng khi nói nó đã chỉ ra được sự hạn chế của cơ học cổ điển và thế giới quan theo quyết định luận máy móc, nhưng với chủ nghĩa duy vậtquyết định luận khoa học, nó mở rộng tầm nhìn toàn diện hơn về thế giới, làm sao “sự ra đời của thuyết bất định” lại “đẩy con người vào mê hồn trận của một thế giới chập chờn bất định”?
          Trong bài Đọc CUỐN “NGÀY VĂN HỌC LÊN NGÔI”, tôi lại bàn tiếp VỀ NGUYÊN LÝ BẤT ĐỊNH với Đỗ Minh Tuấn:
“Có thể nói Nguyên lý bất định chính là vật chứng của tri thức tác giả Ngày văn học lên ngôi. Qua sự hiểu biết về nguyên lý bất định, những người am tường sẽ xác định được trình độ của anh như thế nào? Anh tư duy ra sao? Khoa học tìm ra nguyên lý bất định, thì anh bảo con người bị đẩy vào cõi chập chờn bất định. Thế Einstein tìm ra thuyết Tương đối, thấy không gian cong, thời gian và khối lượng co giãn, rồi những phát minh ra phản vật chất,… thì anh bảo con người bị đẩy vào đâu?
          Khi Newton đưa ra thuyết hấp dẫn, chính Laplace đã tư duy theo kiểu như vậy. Ông đã cho rằng vũ trụ là tất định. Từ  những quy luật khoa học, từ một tọa độ xác định, người ta có thể xác định được mọi chuyển động  xảy ra trong vũ trụ. Suy luận như vậy là logic trong phạm vi cơ học Newton. Nhưng từ điều này, ông đã đi xa hơn nữa khi áp dụng  cho cả các quá trình xã hội và hành vi con người thì lại sai lầm. Quyết định luận máy móc của ông đồng nhất tính nhân quả với tất yếu, phủ nhận tính ngẫu nhiên, dẫn đến thuyết định mệnh gắn liền niềm tin vào thần linh. Các nhà triết học duy tâm hiện đại theo tinh thần thực chứng cũng đã đi theo vết bánh xe đổ, cũng tư duy một cách máy móc theo những quy luật cơ học như Laplace vậy. Khi Heisenberg tìm ra Nguyên lý bất định, họ phủ nhận chế ước nhân quả và tính khách quan của thế giới vi mô. Thực tế không phải vậy. Dù chuyển động có tính bất định, nhưng các hạt vi mô (như electron) vẫn chuyển động theo các quỹ đạo mà các phương trình sóng của cơ học lượng tử  vẫn xác định được xác xuất hiện diện của chúng  như những đám mây điện tử, tạo nên những liên kết nguyên tử, phân tử, gây ra những khả năng phản ứng xác định, phù hợp với thực nghiệm. Hơn nữa, cơ học lượng tử cũng là cơ sở cho hầu hết những khoa học, nền tảng của sinh học, hóa học hiện đại, công nghệ thông tin … Nếu nó bất định theo nghĩa loạn xà ngầu thì còn làm cơ sở cho cái gì? Nói tóm lại, dù có tính bất định, nhưng các hạt vi mô chỉ bất định trong không gian của thế giới vi mô, ngoài giới hạn ấy, chúng lại xây nên thế giới mà chúng ta đang sống đây theo những quy luật khoa học hoàn toàn xác định. Đây chính là bài toán vĩ đại mà trí tuệ loài người còn chưa giải được để có thể đưa ra những quy luật thống nhất, diễn tả được mọi quá trình vật lý. Nếu chủ nghĩa duy vật biện chứng coi những phát minh khoa học chỉ là chính chúng, là những thành tựu của tiến bộ, và đặt nó trong tổng thể tri thức của nền văn minh nói chung, thì những người theo chủ nghĩa duy tâm vật lý  đã luận giải một cách duy tâm những phát minh ở đầu thế kỷ XX  (thuyết Tương đối, Cơ học lượng tử…), đã coi “vật chất biến  mất”,  “không  có  chủ  thể  thì  cũng  không  có khách thể”; đã đồng nhất quy luật khoa học với quy luật cuộc sống. Đây chính là những “tư tưởng triết học hiện đại” mà tác giả “Ngày văn học lên ngôi” đã “dày công” thu lượm được, nên mới đưa ra những kết luận chắc như đinh đóng cột rằng: “lịch sử tư duy đi từ quyết định luận đến bất định luận”. Có điều, anh không ngờ rằng, viết vậy mình đã tự mâu thuẫn, bởi nhiều chỗ anh lại lấy chính tư tưởng của MarxEngels làm cơ sở để biện bác. Anh viết: “Chủ nghĩa Marx chủ trương một thái độ duy vật lịch sử, một phươg pháp khoa học...”(Tr.32). Tại sao lại như vậy?  Lẽ ra  anh phải viết như thế này chứ : “Lịch sử tư duy đi từ quyết định luận máy móc đến quyết định luận biện chứng ”;  rồi : “Sự sụp đổ của quyết định luận máy móc, sự ra đời của nguyên lý bất định đã giúp cho con người hiểu đúng hơn bản chất của tự nhiên, đưa con người tới  một cuộc sống ổn định hơn, khi nó giúp người ta đưa ra được những phương thức sản xuất mới hơn...”.
          Như vậy, tác giả  Ngày văn học lên ngôi đã tiếp cận được những tri thức của khoa học và triết học hiện đại, tiếc là anh lại không đủ trình độ  để hiểu, để phân tích đánh giá, nên đã không nắm được bản chất của vấn đề, chỉ chạy theo cái danh  xưng  triết học hiện đại, và đã lầm lẫn coi chúng là chân lý, một bước tiến mới của nhận thức.
          Tác giả Ngày văn học lên ngôi cũng tùy tiện khi nói, với phương Đông, việc  phát hiện ra nguyên lý bất định như một phát hiện hồn nhiên của chú bé trong “Hoàng đế cởi truồng” của Anđecxen. Chỉ có người không hiểu khoa học  mới nói một cách “hồn nhiên” như vậy thôi. Tất nhiên, mọi quy luật khoa học đều hiển nhiên, nhưng để tìm ra cái hiển nhiên ấy thì không phải chuyện đùa! Phải có trí tuệ siêu đẳng của các nhà bác học, dựa trên một nền tảng tri thức và những kiểm chứng.
          Bắt đầu từ khi Max Planck phát minh ra quy luật: Năng lượng của một vật chỉ phát xạ gián đoạn, từng phần một, tức lượng tử. Tiếp theo các nhà bác học phát hiện ra bản chất nhị nguyên sóng-hạt của ánh sáng và các hạt vi mô. Từ đó, Heisenberg mới phát biểu nguyên lý bất định, cơ sở của một cơ học mới: Cơ học lượng tử. Có điều, Heisenberg không phải phát minh nguyên lý bất định một cách hồn nhiên.  Mà ông phải thực hiện một thí nghiệm giả định. Để phát hiện vị trí của một hạt vi mô người ta buộc phải “quan sát” nó bằng một cái khe hở. Nếu khe càng hẹp, sẽ xác định được vị trí càng chính xác, nhưng như vậy, lại làm cản trở càng mạnh sự chuyển động của hạt và gây ra sai số càng lớn về vận tốc; và ngược lại. Nguyên lý bất định được phát biểu : sự xác định tọa độ và vận tốc của hạt không thể đồng thời chính xác. Nguyên lý này, ngoài ý nghĩa khoa học, còn dẫn tới một quan điểm triết học, một cái nhìn ngược với cái nhìn tất định của quyết định luận Laplace. Chính từ đây, hai khuynh hướng triết học duy tâmduy vật đã dựa vào để phát triển tư tưởng theo hai khuynh hướng cũng trái ngược nhau. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khắc phục được sự hạn chế của cái nhìn máy móc theo quyết định luận Laplace, còn triết học duy tâm đưa ra vô định luận .
          Trong thực tế, nhìn một cách toàn cục có so sánh, xã hội loài người chưa bao giờ ổn định như hôm nay. Sự đối  kháng Đông-Tây lớn nhất đã được hòa giải. Nước ta cũng ở trong dòng phát triển ổn định. Mà cái nền tảng của mọi nền tảng xây nên sự ổn định ấy chính là những thành tựu khoa học. Nó giúp loài người không chỉ hiểu được bản chất của tồn tại, còn thúc đẩy công nghệ, kinh tế phát triển.  
Không chỉ Đỗ Minh Tuấn, trước Đỗ Minh Tuấn rất lâu, GS Cao Xuân Huy, một người không có chuyên môn khoa học cũng đã hiểu sai về khoa học khi muốn lấy khoa học làm cơ sở để đưa ra những tư tưởng triết học của mình. Đến lượt Nguyễn Huệ Chi là học trò cụ Cao Xuân Huy, cũng vì không hiểu khoa học, đã xuất bản và quảng bá công trình của thầy mình, không ngờ rằng chính mình đã vạch áo thầy cho thiên hạ xem lưng. Chính ông Nguyễn Huệ Chi cũng có những bài viết về mối liên quan giữa vật lý và triết học rất buồn cười mà tôi đã chỉ ra.
Thật thú vị khi nhà bác học tật nguyền thiên tài S.Hawking lại có ý y như là nhận định về chuyện nghiên cứu lý luận trên ở Việt nam vậy : “Đến thời điểm này, đa số các nhà khoa học quá bận rộn vào việc phát triển những lý thuyết để trả lời câu hỏi như thế nào và chưa bận tâm đến việc trả lời câu hỏi vì sao? Mặt khác, những triết gia là những người mà công việc là đặt ra câu hỏi vì sao, lại không đủ điều kiện để thông tuệ được các lý thuyết hiện đại. Ở  thế kỷ 18, các nhà triết học xem toàn bộ kiến thức của loài người trong đó có khoa học tự nhiên là thuộc lĩnh vực của họ...? Song đến thế kỷ 19, 20, khoa học trở nên quá toán học đối với những nhà triết học... Các triết gia giới hạn các câu hỏi lại đến mức mà Wittgenstein, nhà triết học danh tiếng nhất của thế kỷ này đã thốt lên: “Nhiệm vụ duy nhất còn lại của triết học là phân tích ngôn ngữ”.
Phú Nhuận  
Sáng 11-7-1997

(Tạp chí Văn Nghệ Quân đội 9-1997)