Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Nguyễn Văn Thịnh TAM HÙNG ĐẤT QUẢNG NAM (Đối thoại với Chu Hảo, Nguyên Ngọc về cụ Phan Chân Trinh)

Nguyễn Văn Thịnh
TAM HÙNG ĐẤT QUẢNG NAM
(Đối thoại với Chu Hảo, Nguyên Ngọc
về cụ Phan Chân Trinh)

Vào thập niên đầu của thế kỷ XX, phong trào Duy Tân khởi phát từ mấy tỉnh Trung kỳ với các vụ “cự sưu kháng thuế” mà nhà cầm quyền gọi là “dân biến”. Phong trào lan rộng ra cả nước với nhiều hình thức như “cắt tóc đồng bào”, khuyến học với việc mở các trường “nghĩa thục” không thu học phí, Đông du… làm chấn động lòng người. Trước sự bất an cho nền thống trị, nhà cầm quyền thực dân lệnh cho chính quyền bảo hộ kết hợp với Nam triều phải giải quyết nhanh chóng và kín đáo. Kết cục là các vị thủ lĩnh của phong trào lần lượt bị bắt và kết án rất nặng. Đặc biệt trong đó có ba vị chí sỹ anh hùng của đất Quảng Nam: Tiến sỹ Trần Quý Cáp bị án xử chém xả ngang người vào ngày 17 tháng 5 năm Mậu thân (1908), tại đất Khánh Hòa ông ra pháp trường trong tư thế hiên ngang của người anh hùng thung dung tựu nghĩa. Bản án gọi là “mạc tư hữu” (không cần bằng chứng) mà sau này, tại Paris, cụ Tây Hồ có gởi bản điều trần tới Ủy Ban Nhân quyền quốc tế về vụ trấn áp ở Trung kỳ và Nguyễn Ái Quốc thì tố cáo tội ác này trước công luận: “Một nhà nho thanh cao ai cũng kính phục, bị bắt trong khi giữ chức giáo thụ và chỉ 24 tiếng đồng hồ là bị đem chém, không được xét hỏi gì cả”! Phó bảng Phan Châu Trinh chịu án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (tử hình nhưng giam lại, đày xa ba ngàn dặm, có dịp ân xá cũng không được hưởng). Tiến sỹ Huỳnh Thúc Kháng nhận án tù chung thân, lưu đày biệt xứ. Hai vị đều bị giam cầm ở Côn đảo và ở nơi địa ngục trần gian ấy, khí phách “uy vũ bất năng khuất” của bậc chí sỹ được thể hiện trong những bài thơ đầy khí phách lưu truyền hậu thế.

Ngày 1 tháng 10 năm nay, nhà nước ta tổ chức trọng thể kỷ niệm 140 năm (1876 – 2016) ngày sinh chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng (hiệu Mính Viên, tự Giới sanh). Cụ đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương năm 1900 và đỗ Tiến sỹ kỳ thi Đình năm 1904. Sau 13 năm bị cầm tù, Cụ được về đất liền và sống ở Huế. Khi nhà nước thực dân bày trò cải cách chế độ cầm quyền, cho thành lập cái gọi là Hội đồng dân biểu. Theo nguyện vọng của nhân dân, Cụ Huỳnh ra ứng cử và đạt phiếu cao nhất trong số ứng cử viên. Cụ được bàu làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ. Sau vài năm, hiểu được bản chất của trò hề thực dân “treo đầu dê bán thịt chó”, cái Hội đồng chuột ấy chẳng làm được điều gì lợi cho dân cho nước, Cụ xin rút ra khỏi Viện với lý do “bởi lúc đầu đã hiểu lầm tôn chỉ mục đích của quý Viện”! Năm 1928, Cụ làm chủ bút báo Tiếng Dân, gióng lên tiếng chuông thức tỉnh lòng yêu nước trong giới sỹ phu, trí thức trẻ và bênh vực đồng bào. Là tờ báo yêu nước có tuổi thọ lâu nhất trong cả nước lúc bấy giờ, vượt qua mọi cách cấm cản dọa nạt của nhà cầm quyền thực dân. Cuối cùng năm 1943 báo cũng bị đình bản. Tuy nhiên nơi ở của Cụ vẫn là chỗ giao lưu của các nhà yêu nước cùng các loại tân thư tiến bộ. Sau cách mạng tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Cụ ra Hà Nội. Không có ý định ra tham chính, vừa đặt chân tới thủ đô trong tình cảnh hết sức rối ren lúc đó, Cụ nói với bằng hữu trong giới sỹ phu: “Cụ Hồ vào hàng con cháu, tôi sẽ nói với Cụ nước Nam ta không thể theo chế độ cộng sản”! Nhưng sau khi tiếp xúc với Hồ Chủ tịch, Cụ nói: "Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ quốc”. Tuy đã 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời. Trước Quốc hội, Hồ Chủ tịch trịnh trọng giới thiệu danh sách thành viên Chính phủ liên hiệp: “Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Từ một chí sỹ nho học và là một yếu nhân trong phong trào Duy Tân, Cụ đã trở thành một người lãnh đạo Nhà nước cách mạng Việt Nam, góp phần rất lớn trong việc đoàn kết quốc dân ủng hộ chính quyền nhân dân lúc còn trứng nước. Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 có làm không ít người hoang mang, cụ Huỳnh tuyên bố chắc nịch: “Hội đồng chính phủ không bán nước. Chẳng qua đó chỉ là một nước cờ cao của Hồ Chủ tịch với cả nước Pháp lẫn Tưởng Giới Thạch. Anh em cứ đinh ninh thế nào mình cũng thắng thế”. Trong cương vị Quyền Chủ tịch nước khi cụ Hồ qua Pháp đàm phán hòa bình, Cụ đã lãnh đạo chính quyền kiên quyết bảo vệ Nhà nước nhân dân non trẻ trước họa thù trong giặc ngoài vô cùng phức tạp. Khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Cụ được cử làm đặc phái viên Chính phủ vào Nam Trung bộ là nơi đầu sóng ngọn gió trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc. Tuổi già sức yếu lại lâm bệnh trọng, biết không qua khỏi được, Cụ đọc cho thư ký ghi mấy lời vĩnh quyết gửi Hồ Chủ tịch: “40 năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả!”, và ngày 21/4/1947 Cụ mất tại Quảng Ngãi. Trong thư vĩnh biệt vị chí sỹ đại ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Cụ là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, chỉ nuôi chí phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Phó bảng Phan Châu Trinh sau hai năm bị lưu đày ngoài Côn Đảo, Toàn quyền Pháp lệnh cho Thống đốc Nam kỳ đích thân ra đảo làm cuộc thẩm vấn riêng. Để tỏ ra nhà nước bảo hộ có nhân quyền, dân chủ, văn minh, chúng đưa cụ về đất liền, mời cụ qua Paris dạy chữ Hán, lại cho cả người con trai cùng đi theo để mở mang sự học. Vẫn theo tinh thần “Đầu Pháp chính phủ thư”, trong khi Phạm Quỳnh chủ trương thuyết “lập hiến tôn quân” thì Cụ lớn tiếng vạch tội vua quan Nam triều u tối và hủ bại làm dân chúng hả dạ. Nhưng Cụ vẫn tin vào thiện chí của nhà nước thực dân sẽ cho dân An Nam hưởng chút ân huệ bằng một số cải cách dân sinh, dân chủ cũng khiến không ít người thất vọng. Sau 14 năm mỏi mòn đợi chờ mà nước vẫn mất, dân tình vẫn lầm than, Cụ cô đơn, hao mòn sức lực, đòi về xứ thì nhà nước thực dân cũng chiều theo. Ở Sài Gòn, Cụ vẫn được tự do diễn thuyết về các chủ đề cố hữu “Luân lý và đạo đức Đông Tây”, “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, trong khi nhà nước bảo hộ triệt hạ chỗ dựa vật chất và tinh thần của một nhà nho yêu nước nghèo túng và ngang bướng khiến Cụ kiệt sức. Khi cụ Phan nằm xuống, người bạn tâm giao Huỳnh Thúc Kháng gởi lời ai điếu: “Thôi, đất vàng một nắm, giấc mộng ngàn thu, sự nghiệp anh hùng, ngày nay hết cuộc. Chúng tôi chỉ mong mai sau này những người kế chí tiên sinh, làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta. Thì linh hồn tiên sinh sẽ được yên ổn mà ngậm cười nơi suối vàng”. Quả vậy, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, giữa bộn bề công việc sống còn của quốc gia dân tộc, nhưng tại một cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn nhớ và bàn đến việc tổ chức kỷ niệm ngày mất lần thứ 20 của cụ Tây Hồ (24/3/1926-1946). Đây là lần giỗ đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh nước nhà đã giành được độc lập tự do. Hẳn cụ Phan ngậm cười nơi chín suối, vì đối với một người đã hy sinh trọn đời cho Dân cho Nước như cụ thì không có gì mãn nguyện bằng.
Tuy nhiên gần đây, mấy người tự nhận là “kế chí tiên sinh” lại làm động giấc vị tiền nhân khả kính! Nhân ngày giỗ lần thứ 90 (2016) của nhà chí sỹ yêu nước, tại trường đại học Hoa Sen thành phố Hồ Chí Minh, ông Chu Hảo diễn thuyết về “Tư tưởng triết học của Phan Châu Trinh”. Thực ra đó chỉ là bản sao bài nói: “Chương trình vĩ đại bị dở dang của Phan Châu Trinh” của nhà văn Nguyên Ngọc cũng vào dịp này, tại địa điểm này 5 năm trước đó. Theo ông Nguyên Ngọc: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng có một đánh giá rất đáng chú ý khi nói về người đồng chí thân thiết nhất của mình – cũng là người đứng đầu nhóm “bộ ba Quảng Nam”, Cụ gọi Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Theo Cụ hiểu nhà cách mạng không chỉ là người mưu đồ một cuộc nổi dậy, chủ trương một cuộc khởi nghĩa, lật đổ một chính quyền, hơn nữa còn muốn thay đổi một xã hội, biến đổi số phận một dân tộc, chuyển cuộc sống của đất nước và con người sang một cấp độ khác, một đường hướng và một thời đại khác. Chính vì nhận thức như vậy nên Cụ đã không dành danh hiệu ấy cho ai khác trong những người chiến sĩ và anh hùng cùng thời với Cụ, ngoài Phan Châu Trinh”. Có là khiên cưỡng không khi ông nhà văn nêu ra luận điểm: “Có lẽ lâu nay, khi nói về tình thế của đất nước vào đầu thế kỷ XX, chúng ta đã tập trung chú ý vào sự mất mát đau đớn lãnh thổ, mà chưa làm rõ được hết những khía cạnh sâu xa và tinh tế này của xã hội khi đối mặt với phương Tây, với cuộc “toàn cầu hóa” lần thứ nhất, có thể gọi như vậy (Thực chất là sự kết hợp giữa giáo hội Cơ đốc đi mở mang nước Chúa với chủ nghĩa tư bản đi xâm chiếm thuộc địa cướp đoạt tài nguyên và mở rộng thị trường - NV) mà Phan Châu Trinh, với một cái nhìn sáng suốt đã là người duy nhất nhận ra một cách hết sức tỉnh táo và sáng rõ”?! Và ông kết luận với hàm ý sâu xa: “Phan Châu Trinh là nhà văn hóa tiên phong và lớn nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX – và có thể cả thế kỷ sau đó nữa như ta sẽ suy nghĩ thêm”! Người ta thường nêu ra tấm gương “bất chiến tự nhiên thành” ở các nước châu Phi thuộc Pháp, Ấn Độ thuộc Anh… nhưng thực chất thế nào, khuôn khổ bài viết này chỉ có thể nêu ra câu hỏi: Tình cảnh của các nước châu Phi sau đấy ra sao để bạn đọc tìm hiểu.
Ông Nguyên Ngọc không sai khi đánh giá: “Huỳnh Thúc Kháng vốn là người rất nghiêm túc, cẩn trọng, súc tích trong từng câu chữ phát ngôn, chắc chắn đánh giá trên đây của ông dựa trên những suy ngẫm sâu xa, những hiểu biết rất kỹ về người đồng chí tâm huyết nhất của mình, và những so sánh không hời hợt”. Vậy mời bà con ta đọc lại lời Huỳnh chí sỹ – vị chủ báo nổi danh là một trong hơn chục nhà báo huyền thoại của Việt Nam, từng đương đầu với nhà nước thực dân quỷ quyệt và đủ loại học giả trí thức tay sai, nói với đồng bào khi Cụ ở cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam: “Hồ Chí Minh tiên sinh là bậc yêu nước đại chí sỹ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm. Nói về bằng cấp thì ông Hồ không là Tiến sỹ, Phó Bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp. Tôi đã vào loại sáng nhưng cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ rất vì đại nghĩa, là một tay cao cờ, dưới lại có đội ngũ những người giúp việc tài năng, thông minh lắm, giỏi giang lắm, tin tưởng lắm, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng”.
Lịch sử ghi nhận rằng vào năm 1911, tháng 4 ngày 9 tiếp đến tháng 6 ngày 5, cụ Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành lần lượt rời Sài Gòn sang Pháp. Gần cuối Thế chiến I, nhóm “Ngũ long” nổi tiếng tụ hội ở Paris trong đó Phan Châu Trinh đã là một nhà hoạt động chính trị có nhiều kinh nghiệm trong việc tập hợp và giáo dục quần chúng. Song bằng cách nào để giành độc lập tự do cho tổ quốc thì mỗi người một cách. Giữa cao trào cách mạng sôi động của xã hội phương tây lúc đó, “tứ long” ngả theo trào lưu cộng sản dù ở mức độ khác nhau, chỉ còn lại “nhất long” là cụ Tây Hồ cô đơn bế tắc! Ông Phan Văn Trường từng gắn bó với người bạn già suốt 15 năm ở Pháp, nhận xét: “Phan Châu Trinh là một người thông minh, một người tử tế, một người bạn tốt; nhưng những đức tính này không đủ để làm nên một người cách mạng”. Nguyễn Ái Quốc không tin vào “yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương!”. Và trong khi anh bôn ba xuôi ngược vận động giải phóng dân tộc mình thì ở Paris, ông Nguyễn Thế Truyền âm thầm thu gom những bài báo của bạn, cho ra cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương” thức tỉnh đồng bào. Đặc biệt ông Nguyễn An Ninh được cụ Tây Hồ tin cẩn coi như con cháu, đã viết những dòng như sau: “Ở Paris, ông (PCT) được các chính khách Pháp trọng đãi như một ông vua”, và “Trọn mười mấy năm ở Pháp ông cứ ôm bộ “Ẩm Băng Lương Khải Siêu” cho đến ngày về nước cũng còn đem theo tàu để lót đầu nằm”. Ông (NAN) bỏ lại việc lấy bằng Tiến sỹ Luật, dùng tài viết báo và diễn thuyết cùng mối quan hệ rộng ở vùng lục tỉnh ra sức tuyên truyền, vận động, gây dựng cơ sở tiền thân của tổ chức cộng sản ở Nam kỳ (Thanh niên cao vọng). Riêng cụ Tây Hồ dù “luôn đồng ý và tôn trọng những châm ngôn của Đảng (Cộng sản) rất là hợp lý, quảng đại và nhân đạo” mà lòng riêng còn u uẩn “Khốn nỗi ở nước An Nam ta, từ ngày quan quân nước Pháp đem binh thuyền đến mà chinh phục mãi tới ngày nay, sĩ khí dân tình khởi sự chống lại chính phủ bảo hộ tiếp diễn liên miên, hết cuộc này đến cuộc khác, rốt cuộc đâu hoàn đó, chẳng nhúc nhích được chút nào”. Bây giờ thân cô, thế cô, “Không phải tôi (PCT) không biết sự ngờ vực của các quan chức người Pháp đối với tôi. Không phải tôi không biết sự căm ghét của các quan chức người Việt đối với tôi. Không phải tôi không biết mối hiềm khích của Phan Bội Châu đối với tôi. Không phải tôi không cảm thấy sự gièm pha của nhân dân Việt Nam đối với tôi, thân tợ chim lồng cá chậu, nhưng tôi không tìm cách tránh sự ngờ vực ấy”. Và trước sau như một, Cụ xác định con đường đi cho mình: “Chí của tôi là liên hiệp với Pháp” và nêu khẩu hiệu “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Thậm chí Cụ còn chủ trương cho “thanh niên của xứ này (Việt Nam) có dịp để được thi thố tình cảm ngay thẳng của mình đến với nước Pháp bằng cách đổ máu và hy sinh thân xác họ bên xác lính Pháp ở Âu Châu (Thế chiến I – NV) sẽ là có lợi cho dân chúng cả hai bên”, mà Cụ lại không chịu đăng lính nên bị nhà cầm quyền chính quốc kiếm cớ bắt giam vào ngục Santé! Trước khi về nước, tại Paris, Hội Liên hiệp Pháp–Đông Dương được thành lập, do đích thân Phan Châu Trinh làm Chủ tịch. Cụ giải thích: “Mất độc lập là một điều đau đớn, nhưng khi xét các nguyên nhân, ta phải thừa nhận là do chúng ta quá ngu si!”. Khi đọc những dòng này, người viết nhớ chuyện để đời vào năm 1867 đại quan Phan Thanh Giản gởi thơ dụ quan quân triều đình hãy dâng lục tỉnh Nam kỳ cho giặc: “Người Phú lang sa có chiến thuyền to, chở đầy quân và võ trang bằng đại bác. Không người nào có thể chống lại. Người Phú lang sa muốn đến đâu cũng đặng. Chúng ta yếu ớt không chống nổi. Mỗi lần chiến đấu mỗi lần thêm đau khổ cho ta. Mình còn ngốc thì mình đánh người Phú lang sa bằng võ khí cũng như con nai con muốn bắt con cọp. Các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo gươm khỏi chống lại. Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú lang sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi”! Bằng sự từng trải của mình, Nguyễn Ái Quốc đã nói thẳng ra với người vào bậc thúc phụ của anh: “Nếu bác (PCT) luôn tin cậy vào sự quan tâm của chính phủ (Pháp) để cải tiến mọi tình trạng hiện nay thì bác sẽ phải đợi đến muôn đời!”. Ba mươi năm sau, trước ngày Pháp mở cuộc chiến tranh tái xâm lược Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập tự do, tại Hà Nội, Cụ Hồ nói với các nhà báo trong và ngoài nước: “Nước Pháp là một xứ sở kỳ lạ. Nó đã sản sinh ra những tư tưởng tuyệt diệu nhưng khi xuất cảng, chẳng bao giờ nước Pháp cho đưa ra những tư tưởng đó!”. Suốt đời hoạt động, Cụ Hồ cũng đọc nhiều tân thư, song với Cụ, sách vở là người hướng dẫn, nhưng tìm ra con đường đi đúng nhất phải là sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn do chính mình trải nghiệm. Ông Đỗ Mười là nhà chính trị chuyên nghiệp, đưa ra một định nghĩa mang tính khái quát: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Là Việt Nam hóa tất cả những tư tưởng tiên tiến nhất, đặc sắc nhất của nhân loại và biến chúng thành hiện thực ở Việt Nam”. Dưới góc độ nhà nghiên cứu, sử gia Trần Văn Giàu đưa ra nhận định rất sắc sảo: “Tư tưởng Hồ Chí Minh khác với tư tưởng khác, phải tìm không chỉ trong sách vở, mà cả trong lời nói, hành động, ứng xử – cả trong sự nói mà không nói, viết mà không viết thì mới nắm được tư tưởng toàn diện của Cụ”.
Đều là những nhà ái quốc tâm huyết, nhưng mỗi người chịu tác động gia đình và xã hội một cách khác nhau, có sự từng trải khác nhau, đi đến những suy ngẫm và những kết luận khác nhau, đề ra những phương án chiến lược khác nhau là điều tất nhiên. Lớp hậu sinh thừa hưởng thành quả của các thế hệ tiền bối, phải biết chắt lọc điều dở, chọn lấy điều hay để định ra phương hướng thiết thực cho sự tồn tại và phát triển của đất nước mình trong từng giai đoạn lịch sử. Tuyệt đối không được xuyên tạc lịch sử vận vào ý đồ của cá nhân mình làm méo mó nhận thức, rối loạn nhân tâm. Còn với các bậc tiền nhân anh hùng hào kiệt, chúng ta cần phải thấu hiểu tâm trí và hoàn cảnh với lòng kính trọng.
Ông Nguyên Ngọc có quá trình dấn thân thực sự và đã tự tạo được sự nghiệp rất đáng ghi nhận, trong khi ông Chu Hảo được “nhúng thân” trong thùng nước thánh, thì dù danh vị cỡ nào cũng phát lộ ra cái gót chân Achille chí tử!
Trả lời phỏng vấn của một nhà báo, ông Chu Hảo cho rằng: Khái niệm mà bây giờ chúng ta dịch ra “người trí thức” xuất hiện ở Pháp và “tầng lớp trí thức” xuất hiện ở Nga vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Nó xuất hiện trong bối cảnh có những người vừa nhiều tri thức vừa biết sử dụng tri thức để tư duy độc lập, thậm chí là dám làm ngược lại vòng kim cô của cường quyền (?). Giữ được tấm lòng ngay dạ sáng đã là điều khó, chớ chẳng có người trí thức nào dở hơi đặt cho mình nhiệm vụ làm ngược lại vòng kim cô của cường quyền. Người trí thức miệt mài học tập, nghiên cứu và sáng tạo vì con người với mục tiêu Chân-Thiện-Mỹ. Trong những điều kiện lịch sử nhất định họ cũng lực bất tòng tâm nhưng kẻ sỹ biết chọn cách ứng xử thích hợp, khi cần dám “xả thân dĩ thủ nghĩa” (quên mình vì việc nghĩa). Bruno đã chẳng bị chết thiêu trên dàn hỏa đó sao? Chẳng đâu xa, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm vừa qua, có bao nhiêu kẻ sỹ, trí thức đành xếp lại những ước mơ hoài bão, hoặc chết mòn mỏi trong các nhà tù hay dưới lưỡi đao, họng súng của quân cướp nước và phường bán nước?
Từ khi loài người biết sống quần tụ, đòi hỏi phải có những người hiểu biết về tự nhiên, con người và xã hội. Từ sự hiểu biết nảy ra những phát minh sáng chế, xã hội càng phát triển. Tiền khởi, số người học rộng hiểu nhiều rất ít nên được người đời tôn vinh là nhà thông thái, có tri thức rộng. Socrate, Platon, Pitagore, Hypocrate, Leonado de Vinci, Sionkovski, Lomonosov… là những người như thế. Xã hội ngày càng tiến bộ văn minh, số người hiểu biết càng nhiều, tri thức càng chuyên sâu, hình thành một bộ phận dân chúng có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển của cả cộng đồng. Những người hiểu biết ấy, ở ta xưa gọi là kẻ sỹ (sỹ phu), nay gọi là trí thức.
Người tự trọng không ai tự nhận mình là trí thức. Căn cứ vào sở học, sở hành mà cộng đồng thừa nhận họ. Bởi số người có học ngày càng có xu hướng đại trà, nên chăng cặp từ “kẻ sỹ” hay là “trí thức” chỉ dành cho những người chẳng những có học vấn cao, phẩm giá và nhân cách xứng đáng được cộng đồng tôn kính, gửi niềm tin nơi họ. Tấm bằng Thám hoa, Bảng nhãn, ông Nghè ngày xưa và Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ thời nay chỉ nói lên hàm lượng kiến thức chứ không định được phẩm giá của một người có học. Thật khó rạch ròi chân giả giữa lúc xã hội du nhập đủ các ngưồn văn hóa thập cẩm ngoại lai theo trào lưu “mở cửa”, xu hướng “tự khẳng định mình” trong mỗi con người thỏa sức tung hoành. Người Mỹ nói: “Nhân tài của quốc gia giống như vàng trong khoáng sản”, hàm ý phải đãi, phải luyện mới ra nhân tài. Ông cha ta có sự thận trọng trong từng cách gọi: nho sỹ, kẻ sỹ, hiền tài hàm ý phẩm chất khác nhau. Hiền tài mới là nguyên khí quốc gia. Khổng Tử xưa đã phân biệt “nho quân tử” và “nho tiểu nhân”: “Nho quân tử” là người học đạo thánh hiền để sửa mình cho thành người có phẩm giá tôn quí, bần cùng không chuyển lay, uy vũ không khất phục, thủy chung không làm điều trái đạo. “Nho tiểu nhân” là người mượn tiếng học đạo thánh hiền để cầu danh cầu lợi, miệng nói những điều đạo đức mà bụng nghĩ làm những việc bất nhân bất nghĩa”. Bây giờ ta gọi là trí thức chân chính và trí thức cơ hội – thậm chí nảy nòi ra loại “trí thức lưu manh”!
Tất nhiên người trí thức không thể thiếu sự thông minh – Đó là khả năng tiếp nhận tri thức, được khoa học giáo dục cụ thể hóa bằng chỉ số IQ. Tuy nhiên lại có sự khác nhau về khả năng tiếp nhận và năng lực sáng tạo ở mỗi người. Như nhóm “Ngũ long” đều là những người thông minh tâm huyết cả nhưng chỉ một Nguyễn Ái Quốc thành công, là lãnh tụ kiệt xuất. Vậy mà ngài Giáo sư Tiến sỹ từng là quan chức hàng đầu của một Bộ trong Chính phú lại chia ra: “Có hai loại thông minh: Một là thông minh tài khéo, nghĩa là nhanh trí, ứng biến giỏi, xử lý tình huống tốt, và đây là nét cơ bản nhất của tầng lớp trí thức Việt Nam. Hai là thông minh trí tuệ, nghĩa là có khả năng sáng tạo, tư duy sâu sắc và trí thức phương Tây thuộc kiểu thông minh trí tuệ.”! Thông minh trí tuệ là khả năng tìm kiếm, phát hiện và sáng tạo ra những điều mới lạ đem ứng dụng nó vào cuộc sống để nâng cao tầm vóc một cộng đồng. Còn như sự nhanh chân, khéo tay, dẻo miệng, ứng biến lươn lẹo chỉ là thuộc tính của kẻ tôi đòi, cốt làm sao vừa ý bề trên để thỏa mãn dục vọng cá nhân! Phải chăng người viết đọc không nhiều sách của cụ Tây Hồ như Chu Tiến sỹ để có đủ tư duy nhận ra điều ấy? Vậy theo ông Chu thì những tinh hoa văn hóa Việt Nam như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Tố, Trần Đại Nghĩa… đứng ở chỗ nào?
Trong bản luận văn “Sỹ phu–Trí thức Việt Nam”, GSTS Chu Hảo từng chứng minh rằng phương châm hành xử của trí thức người Việt ta là “cấp lưu dũng thoái” (gặp dòng nước xiết phải biết dũng cảm rút lui), nghĩa là sống tùy thời – chắc ngài Tiến sỹ họ Chu không muốn nói thẳng ra là “láu cá”! Cũng trong luận văn ấy, ông Chu Hảo đánh giá điểm mạnh của trí thức Việt Nam hiện đại là: “Yêu tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, trung với Đảng, hiếu với dân, cần cù, thông minh, sáng tạo, dũng cảm, không sợ khó khăn gian khổ”, mà ai cũng biết ông đang là một trong những người đầu trò kêu gọi giới trí thức hãy vứt bỏ đi cái “vòng kim cô của cường quyền”! Vậy mà ông Chu vẫn mạnh miệng khẳng định trước cử tọa rằng: “Dẫu làm quan hay không thì tôi vẫn luôn nói cùng một giọng”!
Ông Chu Hảo nói: “Giáo dục Pháp thời ấy tạo cho xã hội Việt Nam hai tầng lớp sáng giá là trí thức và tư sản dân tộc. Những người này không chỉ đơn thuần giỏi chuyên môn của họ, mà còn là những người có phông văn hoá, có nền tảng văn hoá lớn”. Thưa ngài GSTS, điều này phải phân tích ngọn ngành. Trước hết mời ông xem lại lời cảnh báo của nhà triết học Trần Đức Thảo được đào tạo từ cái nôi Pháp quốc, nhận xét như sau: “Khi nhà cầm quyền Pháp cho phép những thanh niên Việt Nam gia đình khá giả vào theo trung học và đại học là hy vọng rằng họ theo học Pháp mà quên đi những ý niệm yêu nước của các nhà nho thời xưa và sẽ đứng về phía người Pháp ở thuộc địa hợp thành một giai cấp thống trị mới Pháp-Nam, có học vấn như nhau, quyền lợi cũng giống nhau. Nhờ đó người Pháp sẽ có thể đứng vững ở nước này”. Mặt khác thì sự sản sinh ra những tầng lớp ấy là điều tự nhiên của xã hội. Nhưng giới trí thức và tư sản thuộc địa có được bình đẳng phát triển tự do như ở chính quốc không? Giai cấp tư sản mại bản và tầng lớp trí thức tay sai có đáng là “phông” văn hóa dân tộc hay không? Thực chất cuộc cách mạng của ta lúc đó là giải phóng dân tộc, như cụ Hồ từng nói “Dân tộc không được giải phóng thì làm sao giải phóng được giai cấp”. Mỗi người từ vua đến dân kể cả trí thức và người tư sản đều cảm thấy được thoát vòng nô lệ đứng dậy làm chủ tổ quốc mình, thân phận của mình. Người vào bậc lão trượng như chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng cũng phải reo lên: “Sướng ơi là sướng, thoát thân nô lệ làm chủ nhân ông. Vui thật là vui, đổi quyền vua làm dân quốc mới”, khác nào người được “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”! Đông đảo nhân dân từ thành thị đến nông thôn bất kể giàu nghèo, quyền quý, học thức hay bình dân đều hưởng ứng đi theo cách mạng trong cuộc trường chinh chống Pháp.
Trải 10 năm, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mới đi được nửa đường. Vai trò lãnh đạo được củng cố, phát huy sức mạnh chính quyền, tập trung xây dựng hậu phương miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với chủ trương chiến lược và sách lược đúng đắn, thừa hưởng và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh: Xây dựng đội ngũ cán bộ tận tụy trung thành, động viên cao độ lòng yêu nước, đoàn kết toàn dân, tận dụng mọi mâu thuẫn thời đại hướng vào mục tiêu ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta, biết tranh thủ và tận dụng sự ủng hộ vật chất và tinh thần của các bạn đồng minh và của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, phân hóa đối phương, cô lập kẻ thù, đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận tiến tới thắng lợi lịch sử ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Chuyển sang giai đoạn hòa bình phát triển, trước những biến động bất ngờ, suy ra cũng là điều hay, tuy không khỏi bị động và lúng túng. Nền kinh tế thị trường và hội nhập thế giới bắt buộc mọi hoạt động xã hội phải chủ động và tính năng động của mỗi cá nhân. Nhưng đấy cũng là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cá nhân phát triển mọi thói hư tật xấu. Chủ nghĩa cơ hội và những hành động phục thù của đủ loại đối tượng dấy lên dưới nhiều hình thức. Lợi ích nhóm thực chất là lợi ích cá nhân thao túng chính trường, cộng với những sai lầm trong quá khứ như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, mơ hồ về một nền văn hóa mới, chính sách kinh tế duy ý chí, quản lý xã hội thời chiến… vẫn là nỗi nhức nhói trong tâm thức của nhân dân. Đạo đức xã hội tha hóa kể cả trong tầng lớp thượng tầng làm xói mòn niềm tin vào lãnh đạo. Trước sự băng hoại đạo đức xã hội, chú trọng chuyển hướng hoạt động kinh tế đồng thời chấn hưng nền giáo dục đều là những nhu cầu bức thiết. Ông Chu Hảo nhận xét là đội ngũ trí thức trẻ hiện nay rất giỏi chuyên môn nhưng nền tảng văn hoá chung thì bất ổn. Nền tảng văn hoá chung ở đây là những hiểu biết về chính trị, triết học, lịch sử, thẩm mĩ... Ông nói đúng! Nhưng ông nói một đàng ông xằng một nẻo! Cái “Giải thường văn hóa Phan Châu Trinh” của các ông đang làm rối mù lịch sử, triết học của các ông là cái lý sự cùn biến chính thành tà, biến dở thành hay! Nhìn vào cái gọi là “Đền thờ các tinh hoa văn hóa Việt Nam”, lẫn lộn vị chí sỹ đại ái quốc giữa những nhân vật nếu không nổi danh đại Việt gian thì cũng công tội nhì nhằng! Quả thật ông Nguyên Ngọc khi là anh bộ đội Cụ Hồ thì cây xà nu ấy là vũ khí, nhưng khi quay lưng lại với đồng đội, đồng bào thì cây xà nu ấy đứng làm trụ cho mớ cây leo hoang dại.
Trình tự “Khai-Chấn-Hậu” trong quá trình vận động xã hội không nhất thiết phải theo dãy số học tự nhiên. Hiện tình, cải thiện “dân sinh” là điều cấp thiết và thực sự đã có bước tiến dài*. Nhưng làm sao “chấn dân khí” được nếu cứ “khai dân trí” loạn thì việc cải thiện dân sinh biết đến bao giờ mới vượt lên?!
Vai trò của chí sỹ Phan Tây Hồ đã được lịch sử Việt Nam ghi nhận. Song ông Nguyên Ngọc nói: “Trong lịch sử không có chữ “nếu”. Nhưng suy ngẫm từ lịch sử cho hôm nay thì bao giờ cũng cần”. Và đây là cách suy ngẫm của ông: Để bênh vực tội ác diệt chủng “trời không dung, đất không tha” của những tên lính viễn chinh xâm lược, từ thực tiễn của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc, ông đã bộc lộ ra gan ruột của mình: “Nếu muốn diệt Việt cộng (là những chiến sỹ yêu nước tiên phong thời ấy – NV) thì phải giết người già, đàn bà, trẻ con”! Có là sự lạ nữa đâu khi ông tôn lên ngất trời mây tư tưởng của nhà đại ái quốc nọ là để hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm xóa bỏ ý nghĩa thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước vừa qua, làm giảm đi lòng tự hào dân tộc, mất phương hướng về tương lai đất nước, dấy loạn xã hội thì làm sao có được một quốc gia hòa bình, ổn định và phát triển? Đó là sự phủ định lịch sử trơ tráo nhất, còn có sự vong ân bội nghĩa nào bằng? Nhưng nó lại hợp với ý đồ của những thế lực đen tối đang ra sức cản phá con đường đi lên của một nước Việt Nam độc lập thống nhất, hậu họa ra sao nhãn tiền gần xa mọi người đều thấy!
Ai huyênh hoang “thế giới ngày nay không quá chú trọng tới khái niệm lãnh tụ nữa” mà sao cứ nói hoắng lên “dân tộc nào cũng cần có những đội ngũ tinh hoa mang nhiệm vụ mở lối, dẫn đường”! Ai tham vọng làm người mở lối dẫn đường?
Truyền thống của kẻ sỹ nước Nam là luôn “lấy điều liêm sỷ làm trọng” nghĩa là sống liêm chính và biết hổ ngươi. Sống liêm chính thì giữ được mình. Biết hổ ngươi thì không làm điều xấu và không chịu nhục. Như thế sẽ giữ được mình, được nhà, được nước.


(Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh Số 424 Thứ năm ngày 20 tháng 10 năm 2016)
 * Trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% nghĩa là tăng gần 14 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 10 lần, tỷ lệ nghèo từ 60% những năm 1990 nay giảm còn 20%; nông nghiệp theo hướng xuất khẩu: gạo, thủy sản, cà phê, trái cây; hàng tiêu dùng: may mặc, thủ công mỹ nghệ được thế giới biết tới; cơ sở hạ tầng giao thông phát triển… EDUARO ARARAL–PGS Khoa Nghiên cứu kinh tế Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapor (Báo Tuổi trẻ Thứ năm ngày 29/9/2016)