Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG: "TA ĐÁNH MÌNH"?

ĐÔNG LA
TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG: "TA ĐÁNH MÌNH?
         
Có lẽ tôi đúng là “hâm” thật, cái lúc vào đời làm công chức, cần phải phấn đấu, cần phải ca ngợi Đảng Bác, để thăng quan tiến chức, nhiều kẻ còn đội trên đạp dưới, tôi lại đi phản biện, viết truyện ngắn đầu tiên “Chuyện về hai người” bênh vực ông viện trưởng về hưu chống lại người đang nắm đầu mình.
            Trí thức “cấp tiến” bây giờ là phải có tinh thần chống chế độ, ghét quan chức, thù công an, nói xấu Đảng Bác. Xưa cần tiến thân phải yêu Đảng kính Bác, nhất loạt gọi “Bác Hồ”, nay phải gọi là “ông Hồ” mới là đổi mới.
            Còn tôi giờ đúng là chẳng cần phải làm cái quái gì nữa để mà phấn đấu nhưng lại viết tiếp về TBT Nguyễn Phú Trọng, nói như dân gian là lại “bênh chằm chặp”. Bởi một lần nữa về tham nhũng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sáng 17/10/2016, ông nói: “Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta”.
Ông nói quá đúng như vậy nhưng lại có bọn kiếm cớ xiên xẹo đủ kiểu để chống đối ông. Như một bài có cái đầu đề ngang ngược “Ta tự đánh vào ta” thì khác 'mẹ nó' tư tưởng bác Hồ rồi thưa Tổng Bí Thư”. Mở ra đọc thì biết là trò thay “tít” để câu “viu”, còn tác giả là Hà Hiển nào đó viết “Các đoạn đã dẫn trên chứng minh cụ Hồ luôn coi tham ô, lãng phí, quan liêu, có thể gọi chung là tham nhũng là “kẻ địch”, “kẻ thù”, là “giặc” chứ tuyệt nhiên không có câu nào cụ nói đó là “ta” cả. Thế thì với phát biểu mới nhất của đồng chí Tổng bí thư rằng chống tham nhũng là “ta tự đánh vào ta” thì đó là một tư tưởng khác xa với tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng em biết phải nghe ai bây giờ? Hu hu…”
Viết vậy người này không biết mình đã lấy cái dốt của mình đi chê bai người khác.
Trước hết để tham nhũng phải là quan chức, mà quan chức chỉ có thể là “quân ta” chứ không thể là “quân địch”. Nhưng “ta” này là bọn “ta” đã thoái hóa, biến chất thành những kẻ có hại như quân địch mà giờ mọi người gọi là “giặc nội xâm”. Đó là một cách ví von. Dùng cái kia để ví cho cái này, dù giống nhưng vẫn không thề là đồng nhất. Nên có bọn “ta” như “địch” nhưng chúng vẫn ở trong hàng ngũ quân ta. TBT Nguyễn Phú Trọng nói “ta đánh ta” là vì thế. Thực tế là vậy, ngôn ngữ cũng thể hiện như vậy. Như chính Hà Hiển viết: “Cụ Hồ luôn coi tham ô… là “kẻ địch””. Chữ “coi” ở đây cũng đã thể hiện sự ví von rồi. Cái tinh tế phong phú của sắc thái tiếng Việt chính là ở những chỗ như thế.
***  
Nguyên văn thể hiện đầy đủ những ý TBT Nguyễn Phú Trọng là:
"Chúng tôi tha thiết muốn làm hiệu quả, vì nói mà không làm là mất uy tín, không của cá nhân ai mà của Đảng, Nhà nước. Nhưng thực tế vô vùng khó khăn. Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta. Ai dám nhận kỷ luật, chỉ kiểm điểm nghiêm túc rồi thôi";
"Thực tế cuộc sống là thế nên chống tham nhũng chưa được như mong muốn. Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh và thông cảm với cái chung".
Ông đã nhận ra cái khó của việc chống tham nhũng với cái nhìn rất sâu sắc ở tầm tư tưởng của một nhà lãnh đạo bởi nguyên nhân chính của tham nhũng là lòng tham thuộc bản chất con người mà Đạo Phật cũng cho là cái độc đầu bảng trong “tham, sân, si”. Ai cũng dễ ghét tham nhũng nhưng có cơ hội, khi xung quanh tham nhũng cả, chỉ mình không tham nhũng thôi mới là khó. Chính vậy TBT đã đặt ngược lại câu hỏi khó trả lời đối với cử tri: "Mỗi người tự xem mình có suy thoái không, có thích khen sợ chê không, có tham ô, có ham chức quyền không?"
***
TBT Nguyễn Phú Trọng cũng nói sự thoái hóa biến chất tham ô tham nhũng của cán bộ đảng viên nếu không ngăn chặn được sẽ dẫn tới “hậu quả khôn lường”. Như Liên Xô thời Gooc-ba-chov đã đẻ ra tầng lớp đặc quyền, đặc lợi. Chính tầng lớp này đã công khai thúc đẩy sự tan vỡ Liên Xô, thay đổi thể chế, để hợp thức hóa tài sản, gây ra một thảm trạng xã hội mà chính Exin nói “Maphia hóa còn hơn cả Ý”.
Không phải bây giờ các vị lãnh đạo mới kêu gọi chống tham nhũng. Ngay từ hồi 15h chiều 16/6, 2006, sau 9 năm làm Thủ tướng, Thủ tướng Phan Văn Khải khi phát biểu chia tay trên diễn đàn quốc hội đã nói:
"Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đuc khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và QH… Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho tôi được nghỉ trong thời gian sắp tới".
Đến lượt “đ/c kế nhiệm” là TT Nguyễn Tấn Dũng. Vừa nhận chức, ông đã thực hiện ngay một cuộc trả lời trực tuyến. Về quốc nạn tham nhũng, với câu hỏi “Thưa Thủ tướng, Thủ tướng sẽ thể hiện quan điểm Sắt và Sạch như thế nào trong việc chống tham nhũng?” Ông trả lời: “… theo tôi, người lãnh đạo muốn chống được tham nhũng thì phải có được mấy điều kiện: Thứ nhất là, phải có quyết tâm chống tham nhũng… phải dám chống tham nhũng dù bất cứ kẻ tham nhũng là ai, ở vị trí nào, không sợ phức tạp, không sợ bị trù úm, trả thù, mất ghế… Thứ hai, bản thân anh phải không tham nhũng, không dính đến tham nhũng, không bao che tham nhũng mới kiên quyết được… phải hiểu biết luật pháp, làm đúng luật pháp. Đương nhiên, tham nhũng là có tội, nhưng không dám chống tham nhũng hay chống tham nhũng mà không đúng luật pháp cũng là có tội”.
Và rồi cho đến lúc ông “nghỉ” Thủ tướng mới đây, thực tế tham nhũng như thế nào thì ai cũng biết, đã thành “giặc nội xâm”.
Dường như lịch sử được lặp lại. Nhìn lại quá trình đổi mới của đất nước, những quyết định quan trọng nhất ở thời điểm quan trọng nhất lại xuất phát từ những vị lãnh đạo mà dư luận lại cho một cách đầy cảm tính sai trái là “bảo thủ”, “giáo điều”, “khốt-ta-bít”. Như TBT Trường Chinh lại chính là kiến trúc sư của công cuộc đổi mới và TBT Nguyễn Văn Linh chính là thuyền trưởng lèo lái công cuộc đổi mới. Còn những ngày hôm nay, trọng trách tổng chỉ huy cuộc chiến chống giặc nội xâm khó khăn từng khiến bao người thất bại lại đang được chất lên vai một người có dáng hiền lành như một ông giáo, một nhà nghiên cứu, đó là đương kim lãnh đạo cao nhất: TBT Nguyễn Phú Trọng.
19-10-2016

ĐÔNG LA