Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

ĐẤT NƯỚC TRƯỚC NHỮNG NGUY CƠ TỒN VONG

ĐÔNG LA
ĐẤT NƯỚC TRƯỚC NHỮNG
NGUY CƠ TỒN VONG

Sáng 9-10, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XII. Ngoài tài liệu để nghiên cứu trước, ông đã phát biểu thêm “nêu vấn đề” để “mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định”.
Ngoài ba vấn đề chính là “tình hình kinh tế - xã hội”; “đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng”; “tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội”; đến vấn đề thứ tư, ông nói:
“Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ"; “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường”.
Như vậy, một lần nữa với cách nói khác ông lại nói đến thực trạng đất nước ta đứng trước nguy cơ tồn vong.
Ông đặt câu hỏi cần “làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào?”; “"Tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?”. “Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật,  đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu. Đề án nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp cần có thêm quy định, hướng dẫn thì cách thức tổ chức thực hiện thế nào?...”
***
Trước những câu hỏi đầy bức xúc của TBT Nguyễn Phú Trọng, tôi không phải “đồng chí” của ông, nhưng nếu thể chế sụp đổ, đất nước lại hỗn loạn tan nát như Syria hiện tại thì cả nước sẽ khốn khổ, tôi và gia đình tôi cũng khốn nạn. Nên với tư cách một công dân, một nhà văn đã viết chính luận, phản biện 20 năm trời, tôi muốn trình bầy đôi điều suy nghĩ, trong dó có những ý tôi đã viết rải rác trong các bài viết, các cuốn sách.
Trong chiến tranh gian khổ, hy sinh, đói khát, nhưng vì nước mất nhà tan, người ta sẵn sàng xả thân, hy sinh quên mình vì nghĩa lớn, vì mục tiêu chung là giành lại nền độc lập, hòa bình thống nhất đất nước. Trong hòa bình lại ngược lại, bởi khi nền kinh tế ngày một phát triển, tức xã hội đã “có của”, lòng tham của con người dễ bị bắn hạ. Nhiều người vào Đảng không như thời chiến tranh để cống hiến, hy sinh mà là để có tiêu chuẩn tiến thân, thăng quan tiến chức, có điều kiện và cơ hội để kiếm lợi, kiếm danh. Thăng quan tiến chức là lý tưởng sống của nhiều người. Nền kinh tế VN quốc doanh là chủ đạo, tức vốn đầu tư là của nhà nước cũng lại là môi trường thuận lợi để người ta thực hiện việc công để thu lợi tư. Chính vì thế mới có tình trạng mua quan bán chức, luồn lách, dắt díu nhau lên để có quyền kiếm lợi. Kinh phí đầu tư của nhà nước ngày càng cao, thua lỗ, thất thoát ngày càng lớn, kết quả nhiều quan chức thì giầu lên còn dân thì gánh nợ công. Quản trị sản xuất kém không chỉ mất tiền bạc mà còn làm ô nhiễm môi trường thiên nhiên, quản trị xã hội yếu kém cũng làm suy thoái môi trường xã hội, tất cả đều ảnh hưởng xấu đến không gian sống của mỗi người.
Mong có quyền để kiếm lợi rõ ràng là xấu nhưng lại là điều tất nhiên bởi nó tuân theo nguyên lý của Chủ nghĩa Mác: Vật chất quyết định ý thức. Chính vì vậy mà xã hội mới có ngành thanh tra giám sát để ngăn chặn tham nhũng, có cơ quan điều tra để truy tố, có tòa án để xét xử. Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên sự thanh tra giám sát chính là khâu quan trọng nhất. Nhưng thực tế qua những vụ án lớn đã chứng tỏ sự thanh tra, giám sát ở ta quá yếu kém. Vụ Vinashin từ năm 2006 - 2009 tuy đã qua 11 lần thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được khuyết điểm nghiêm trọng. Tệ hại hơn ở chỗ đã không ngăn chặn được sai phạm nhưng tài sản của quan thanh tra lại “phình ra” như trường hợp ông Trần Văn Truyền chẳng hạn.
Thực trạng có hai loại cán bộ đều làm hại đất nước nhưng thái độ tỏ ra thì ngược nhau. Những người đang “ấm chỗ”, còn “ăn” được, không dại gì mà không yêu thể chế; ngược lại có những người cũng trong guồng máy thể chế, nhất là những người đã về hưu, xót xa khi thấy mình được “ăn” ít hơn, và những người tham vọng quyền lực chưa thỏa do sai phạm, cả hai đã không chỉ chống sai trái, tệ nạn của thể chế mà chống luôn chính thể chế. Họ đã công kích, phản bác từ cơ sở lý luận đến  tính chính nghĩa của hai cuộc kháng chiến giành lại nền độc lập, họ xét lại cả lịch sử cách mạng, và để tìm đồng minh, họ không ngại chiêu hồi những cá nhân, tổ chức từng là kẻ thù của chính mình.
Tất cả những điều trên đều là những yếu tố đưa đất nước đến nguy cơ tồn vong. Nhưng nếu suy xét kỹ ta thấy vẫn chưa phải là nguy cơ lớn nhất. Tham nhũng có thể làm nghèo đất nước nhưng đất nước ta vẫn giầu hơn xưa, mức sống nói chung của người dân vẫn hơn xưa rất nhiều. Hiện có những lực lượng chống phá, những người trở cờ, nhưng không thể nào mạnh bằng những đội quân từng xâm chiếm nước ta thời chiến. Nhớ lại thời trứng nước, năm 1944, đội Vũ trang Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của quân đội, được thành lập chỉ có 34 người với vài khẩu súng thô sơ; năm 1946 sau khi thành lập nước, Pháp quay lại, cả Bác Hồ và chính phủ non trẻ phải bỏ Hà Nội về rừng lập Thủ đô Kháng chiến. Vậy mà năm 1954 đất nước vẫn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động Địa Cầu”; rồi 30 năm sau, chúng ta đã giành lại được nền độc lập, thống nhất đất nước.
 Như vậy gian khổ, hy sinh, đói kém, sự chống phá vẫn chưa phải nguy cơ lớn nhất của tồn vong. Mà nguy cơ lớn nhất của sự tồn vong chính là sự thoái hóa, biến chất của chính con người, y như biến đổi gen vậy. Đầu tiên là sự thay đổi các hệ giá trị, từ đó cái xấu sẽ biến thành cái tốt, cái ác sẽ thành cái thiện và vì thế mà người xấu cũng sẽ thành người tốt. Thật e ngại là cái điều tệ hại này đã và đang nảy mầm và dần loang ra trong xã hội Việt Nam trong chính những ngày hôm nay. Như ở Liên Xô, khi sự biến chất lên đến những người giữ vị trí lãnh đạo cao nhất, từ thời Khơrutsop đến Goocbachov, thì chính họ đã làm tan vỡ Liên Xô chứ không phải là những tên ăp cắp hay những kẻ quấy rối. Đó chính là những câu trả lời cho những câu hỏi của TBT Nguyễn Phú Trọng: “làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào?”; “"Tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ là thế nào?
***  
Đất nước nhiều tệ nạn, nền kinh tế với các tập đoàn làm ăn thất thoát, thua lỗ hàng ngàn, chục ngàn tỷ, môi trường thiên nhiên ô nhiễm, môi trường xã hội biến loạn, quả là những điều tệ hại trong chính những ngày hôm nay. Nhưng nếu thể chế sụp đổ đất nước sẽ ngàn lần tệ hại hơn, bởi cuộc sống thanh bình những ngày hôm nay sẽ thay bằng sự hỗn loạn như những tấm gương đang hiện ngay trước mắt chúng ta. Nếu thế đất nước chúng ta sẽ ra sao khi các đảng toàn những người “tài đức” như Nguyên Ngọc, Huệ Chi, Quang A, Chu Hảo, Mạnh Hảo, Thị Hảo, Lập “què”, Chênh “dái lệch”, Nhất “lác”, Bùi Hằng, v.v… giành nhau quyền lãnh đạo đất nước này?
Vậy chúng ta cần phải chọn cái xấu ít nhất trong cái xấu là ủng hộ các nhà lãnh đạo, đứng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng, chỉnh đốn thành công, lập lại kỷ cương, thưởng phạt nghiêm minh, giữ gìn được sự ổn định và thúc đẩy được sự phát triển, giữ gìn được thể chế mà các nhà cách mạng và bao anh hùng liệt sĩ đã đổ biết bao mồ hôi và máu giành lại được nền độc lập và lập nên nó. Đặc biệt là phải làm tốt công tác tổ chức cán bộ. Mọi sự đề bạt, thăng quan, tiến chức phải dựa vào tài đức, mà tài đức phải dựa vào kết quả cụ thể của công việc, quyền lợi luôn gắn với trách nhiệm.
13-10-2016
ĐÔNG LA