Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

CON ĐƯỜNG “LÀM ẾCH” CỦA TRẦN MẠNH HẢO

ĐÔNG LA
CON ĐƯỜNG “LÀM ẾCH” CỦA 
TRẦN MẠNH HẢO
(Đông La tại Hà Nội)
Trong đoạn đầu bài "Ly Thân", làm tiếng ếch gọi mưa  trên danluan,  NguyễnThanh Giang đã trích lời của Đỗ Trường ca tụng Trần Mạnh Hảo như sau: 
“Tôi rất thích đọc những bài thơ tứ tuyệt, hoặc những bài thơ viết về quê hương, đất nước của ông. Đọc những bài thơ này, ta như đang trở về với hồn thiêng sông núi, khí phách của cha ông hình như cũng còn phảng phất đâu đây. Không phải là người nghiên cứu văn học, nhưng nếu phải đưa ra một nhận định, ai là người tiếp nối hồn thơ những Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn... Hồ Xuân Hương, Tản Đà, tôi sẽ nghĩ ngay đến Huy Cận và Trần Mạnh Hảo”. 
Trong đoạn kết, Nguyễn Thanh Giang cũng đã dùng những lời cao quý nhất để ca tụng TMH
“Những gì Trần Mạnh Hảo đã nói, đã viết đủ để người ta yêu quý ông như một nhà thơ thiên bẩm và nể trọng như một vị khoa bảng trứ danh… Đặc biệt, loạt chính luận đặc sắc của ông đã giúp cải tạo nhận thức chính trị-xã hội, đóng góp tích cực cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam”.
Đáp lại, trong bài viết trước đó: Kính gửi nhà báo, nhà nghiên cứu chính trị, nhà khoa học, nhà dân chủ Nguyễn Thanh Giang, lần đầu tiên tôi thấy TMH nhún mình đến tội nghiệp trước một người như vậy. TMH đã tự ví mình “chỉ bằng con kiến so với quả núi”, cho NTG trong: “phong trào dân chủ là một trong những ngòi bút nặng ký nhất hiện nay như Hà Sĩ Phu, thật là hiếm có”. Thì ra, trong cái vẻ ngông ngạo đến vĩ cuồng, TMH hoàn toàn không tự tin vào mình, đã tự thú trước ông “viện sĩ” giá 100 đô rằng mình “trình độ yếu kém, học hành không đến nơi đến chốn”. Điều này đã giải thích tại sao khi viết, TMH luôn phải dựa vào một thế lực nào đó, như trước đây đã từng dùng “động tác giả” lừa được các vị có trọng trách trong lĩnh vực báo chí, chiếm được diễn đàn, “đánh” các vị giáo sư; ngược lại, những ngày hôm nay, lại dựa vào thế lực chống đối để chống phá nhà nước. Đặc biệt, vì luôn viết với ý đồ, khen chê bằng được theo ý mình, nên TMH đã không dựa vào một cơ sở đạo lý, tri thức nào cả. Vì thế, trước đây khi “đánh” các GS, TMH đã viết bằng mớ lý luận “bới bèo ra bọ”, còn giai đoạn sau này, để chống chế độ, TMH đã học và noi theo những thần tượng qua sự bộc bạch với NTG như sau: “TMH đã đọc hầu hết những bài viết quan trọng của anh trên các trang web, rất khâm phục tư duy tổng hợp cuả anh, tính logic cuả vấn đề, sức bung phá cuả một tri tuệ uyên thâm, sắc bén, chinh phục người đọc và làm cho bọn độc tài phải câm họng, không sao tranh cãi”.
Đến đây thì bạn đọc đã hiểu tại sao NTG, dù sao thì cũng là người có học, lại đi ca tụng một người mà những học giả chân chính luôn cho là “vô học” như thế. NTG ca ngợi TMH qua đoạn trích sau đây:
“Tôi từng bức bối, tởm lợm cái bọn trâng tráo vô luân dám ngang ngược tung hô “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước”, “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân” nhưng không dám, và cũng không tìm được cách nói vừa văn hoa, vừa đã đời như Trần Mạnh Hảo… Trần Mạnh Hảo xổ toẹt cả cuộc kháng chiến chống Pháp: “Năm 1945, nếu Việt Nam không có ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN, thì nước Việt Nam vẫn giành được độc lập. Nên nhớ là sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Nhật ở Đông Dương đã trao chính quyền, trao độc lập cho người bản xứ. Chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim chính ra đã là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập…”
Như vậy, cả hai thày trò “Giang hồ”, “bất Hảo” này đều mù lịch sử, thực sự là phản động, bất lương.
Nếu ai hiểu lịch sử toàn diện sẽ thấy dân ta, từ khi 3 ông ông vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị Pháp bắt đi đầy, đã thực sự bị mất nước. Riêng ông Vua Bảo Đại, một người chỉ say mê tán gái và săn thú, có số mệnh ba chìm bảy nổi nhất vì sinh vào đúng buổi giao thời của lịch sử. Từ vị trí một ông vua bù nhìn của nước Việt Nam quân chủ thuộc Pháp chuyển sang làm Quốc trưởng bù nhìn Đế quốc Việt Nam thuộc Nhật, rồi làm “tù binh” của Việt Minh với câu nói nổi tiếng: “Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”, nhưng khi Pháp quay lại, lại chứng tỏ chỉ là một người cơ hội, coi trọng cuộc sống thân xác hơn là danh dự, đã quay lại với chủ cũ sau hai lần làm phản, làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam do Pháp dựng lên. Còn với cái Đế quốc Việt Nam mà TMH và NTG cho là dân ta đã giành được “độc lập” thì thật là bậy bạ. Theo Đế quốc Việt Nam:
“Đế quốc Việt Nam được thành lập như một bộ phận của chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á của Nhật. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là một trong những khẩu hiệu và khái niệm được dùng để biện hộ cho sự chiếm đóng của Đế quốc Nhật Bản tại Đông Á từ thập niên 1930 cho đến hết Đệ nhị thế chiến, trong đó các chính quyền bản xứ phải vận động người dân và nền kinh tế trong nước phục vụ cho lợi ích của Đế quốc Nhật Bản. Các chính quyền này trên danh nghĩa được độc lập song thực tế không có nhiều quyền lực, hầu hết các chính sách quan trọng đều do lực lượng quân quản Nhật quyết định (tiêu biểu như chính phủ bù nhìn Mãn Châu quốc của cựu hoàng đế Phổ Nghi hay chính phủ Đế quốc Đại Hàn)…
Trong thời kỳ cầm quyền, Đế quốc Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề: Sự tận thu tài nguyên của quân đội Nhật bản để phục vụ chiến tranh, và sự tranh giành chính quyền hoặc ảnh hưởng của nhiều thế lực khác nhau, và nhất là Nạn đói Ất Dậu làm chết gần 2 triệu người”.
***
TMH trong các bài viết rất hay trang sức bằng triết học, khoa học, giáo lý tôn giáo; có điều do không hiểu, nếu nói theo như vẹt thì đúng nhưng cứ tự phân tích diễn giải một chút xíu thôi là lộ ra ngay cái dốt.  Như TMH đã viết về Đức Phật:
“… Đức Phật khoác trên mình tấm vải gai thực tại của thầy tu khổ hạnh, chân đất cô độc đi giữa vô minh để ăn mày chân lý…”.
Thực tế, như đã viết ở bài trước, Đức Phật ăn mày là ăn mày thật để sống chứ không phải “ăn mày chân lý” một cách văn vẻ như ông Hảo viết. Mà thực tế Đức Phật đã tự tìm ra chân lý chứ không phải do “ăn mày” mà có. Sau khi nhận ra phép tu khổ hạnh là sai lầm, một ngày chỉ ăn mấy giọt thực phẩm, đến nỗi sờ vào bụng thì đụng xương sống, ngài đã uống sữa mà một thôn nữ đã dâng cho, rồi đến ngồi bên một gốc cây Bồ-đề và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ cho đến khi giác ngộ, tức tìm ra được chân lý. Thế rồi, sau 49 ngày thiền định, ngài đã đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35. Như vậy, sự giác ngộ của Đức Phật là một kết quả có tính thực chứng, do tu luyện, mà cụ thể là thiền định, thân thể ở thế kiết già, tâm trở về không, khi đó những khả năng siêu phàm đã được khai mở, ngài đã đạt được tứ thiền, chứng lục thông, thấy được tiền kiếp, các cõi sống, thấy được nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ. Trong đó, riêng về luật nhân- quả, ngài nói:
“… ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại, ...chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng 'Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đọa xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên...”
Nếu loài người ai cũng hiểu được luật này chắc sẽ không có sai lầm để rồi dẫn đến những hậu quả thảm khốc; NTG và TMH cũng sẽ không có những bài viết lăng nhăng và tôi giây phút này đây cũng không phải bực mình ôm cái máy tính viết.
Trên đây là những cái “đặc sắc” về mặt chính luận của TMH, còn bây giờ chúng ta hãy xem về phần thơ.
***
 NTG viết: “Tôi chợt nhớ ra, vào lúc nào đó tôi cũng đã từng lầm nhẩm những câu thơ như tráng ca của Trần Mạnh Hảo”. Để thuộc thơ một người tất phải mê đắm lắm. Giờ tôi sẽ thử lấy “võ” phê bình của TMH để phân tích những khổ thơ của chính TMH mà NTG đã mê xem sao.  
TMH vốn hay bắt bẻ người ta “viết sai tiếng Việt” nhưng thật thú vị, đúng như câu ngạn ngữ “gậy ông lại đập lưng ông”, nếu mang thơ TMH ra phân tích thì sẽ thấy, những điều TMH chê bai người khác, nếu viết về chính mình, sẽ là đúng nhất.
Trước khi xem thơ ông Hảo thế nào, tôi nói chung về thơ một chút. Đặc thù của ngôn ngữ thơ ca chính là sản phẩm của trí tưởng tượng. Đó là việc mượn cảnh tả tình, dùng hình nói ý. Ngay với nước ngoài, khi bàn về ngôn ngữ thơ, Reverdy cũng viết: “Đặc tính của hình ảnh gợi cảm mạnh mẽ là xuất hiện từ chỗ ngẫu nhiên tương cận của hai sự thực rất xa nhau, mà chỉ tinh thần mới thấy mối liên hệ”. Chính vậy, có nhiều câu thơ sai với ngôn ngữ giao tiếp nhưng lại làm nên vẻ đẹp lung linh của thi ca. Có điều, để được vậy, nhà thơ phải có tài, đó là việc sử dụng những hình ảnh tương hợp để biểu cảm, biểu đạt, dùng từ phải “đắt”. Như nghệ thuật xiếc và các môn thể dục nghệ thuật, các động tác càng khó, càng mất thăng bằng thì càng hay, nhưng chúng chỉ thành công khi người nghệ sĩ giữ được thăng bằng, nếu không thì tiết mục sẽ bị hỏng, thậm chí diễn viên bị tai nạn. Như hai câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” và hai câu Kiều: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Thực tế không ai có thể “múc ánh trăng” hay “xẻ vầng trăng” được, nhưng vì được sử dụng một cách tương hợp, những hình ảnh đó đã làm cho những câu thơ trở thành lung linh, bất tử.
Với TMH, rõ ràng TMH cũng rất giỏi “làm xiếc ngôn ngữ”, có điều có tạo được hiệu quả thẩm mỹ hay không, xin xem đoạn mà NTG đã trích trong bài “Tôi mang Hồ Gươm đi” sau đây:

Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh
Lá rụng trời xao động cổ thành
Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng
Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh

Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông

Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây
Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy
Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng
Mà cả trời kia xuống hết cây?”

Đây là bài tiêu biểu của TMH, còn được Phú Quang phổ nhạc. Một bài hát hay, lời có đóng góp nhưng không phải quyết định, cái chính là giai điệu, bởi có những bản nhạc không lời vẫn trở thành bất tử như Fur Elise của Beethoven chẳng hạn. Thuận Yến thật tuyệt vời khi “gọt rũa” một bài thơ đánh Tàu máu lửa của Dương Soái thành bài tình ca thật mượt mà Gửi Em Ở Cuối Sông Hồng. Còn bài thơ của TMH ở trên cũng có rất nhiều hình ảnh lạ như “gió níu hoàng hôn”, “Muốn mang hồ đi trú đông”, “khiêng vác sông Hồng”, rồi “gói heo may” v.v… nghĩa là nghe rất kêu. Nhưng đi sâu phân tích cụ thể về ngôn ngữ, như cách TMH vẫn hay làm với người khác, ta sẽ thấy bài thơ hoàn toàn rỗng về ý, TMH đúng là điển hình về việc “viết sai tiếng Việt”. Như câu “Lá rụng trời xao động cổ thành”. “Lá rụng đầy trời làm xao động cổ thành” thì mới có nghĩa chứ còn “Lá rụng trời” là lá rụng gì? Cái khó ở chỗ này là viết cho có nghĩa thì không thành thơ mà viết thành thơ thì lại không có nghĩa. Rồi bài thơ viết về Hồ Gươm sao lại có sông “đổi dòng” ở đó? Rồi nữa, muốn “mang hồ đi trú đông” sao lại “Mà không khiêng vác được sông Hồng”, ông Hảo muốn “mang hồ” đi cơ mà, sông Hồng thì có liên quan gì? Theo truyền thuyết, Hồ Gươm là nơi Lê Lợi sau khi dùng gươm thần đánh đuổi được giặc Minh đã “hoàn kiếm” lại cho Long Vương qua Thần Kim Quy, như vậy, câu “Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh”, TMH đã “nói điêu”!
Thực ra do kém về ngôn ngữ, nói chung là kém tài, TMH đã dùng nhiều từ chủ yếu để ép vần nên rất gượng và làm những câu thơ vô nghĩa như trên.
Ta thử xem những câu thơ của Chế Lan Viên sau đây, rõ ràng là rất lạ, rất không thực, nhưng lại nhiều tình, lắm ý bởi ông đã dùng những hình ảnh rất tương hợp để diễn tả:

          Cái rét đầu mùa anh rét xa em
          Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
          Một đắp cho em ở vùng sóng bể
          Một đắp cho mình ở phía không em

          Ngay như hai câu của tôi:

  Anh xa em gần nửa vòng trái đất
Nỗi nhớ cũng cong theo dáng địa cầu

 Thực tế nỗi nhớ thì làm sao mà cong được, nhưng để diễn tả tình cảm của những người rất xa nhau rõ ràng là phù hợp. TMH, ngoài “tài” “làm xiếc” ngôn ngữ, nếu theo “lý luận” về đổi mới của Nhà văn Nguyễn Minh Châu, thơ TMH cũng điển hình cho lối viết “minh họa”.
Với khổ thơ mà một lần tôi đã nhắc:

          Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất
                   Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai
                   Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp
                   Rạch chân trời một lối đến tương lai

Ở đây cũng có sự ép vần khiên cưỡng, để vần với “tương lai” ở câu kết thì TMH phải viết “con trai” ở câu trên, chính vậy mới làm cho khổ thơ lủng củng, khấp khểnh về nghĩa. Sao lại “bất kỳ từ điểm nào trên trái đất/  Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai”? Có phải TMH muốn đe dọa thế giới bằng chuyện nước ta có nhiều con trai, rồi sẽ “cung ứng” cho quân đội nhiều lính không? Rồi sao “đất nước mang dáng hình tia chớp/ Rạch chân trời một lối đến tương lai”? Nghĩa là cho nước ta là một “tia chớp” chỉ “lối đến tương lai” bằng cách “rạch chân trời” một nhát, còn tương lai cho cái gì thì TMH không nói; còn ý muốn nói tương lai đó là tương lai của nước ta thì viết như vậy nghĩa là cho nước ta là một quả bom sẽ mở được lối đến tương lai bằng cách nổ một phát!
Chính vì thế tôi mới viết: “Một đoạn ‘thơ” rất có vần nhưng ý thì lủng củng, nghĩa theo ngữ pháp thì vô nghĩa, còn tứ thì "Rạch chân trời một lối đến tương lai" đúng là một ví dụ tiêu biểu về lối “minh họa”.
Còn đây là điển hình cho việc TMH minh họa về “hồn thiêng sông núi”:

Tất cả núi đều đổ ra biên giới
Tất cả rừng đều cuộn tới chở che
Giặc phương Bắc mà liều mình lao tới
Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè

Có điều “núi” đã chiến đấu được như vậy thì đất nước còn cần gì đến “nhiều con trai”, còn cần gì đến quân đội, súng ống đạn dược nữa.
Còn hai khổ sau:

Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai
*
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn
Đất nước là một cuộc hành quân

thì là điển hình cho lối viết “minh họa”, cách viết một chiều, chỉ mô tả bề mặt hiện thực chứ không thâm nhập bề sâu, đã miêu tả chiến tranh như ngày hội, dù có hy sinh gian khổ nhưng chỉ có niềm vui mà không có đau thương, người lính Cụ Hồ như con rô bốt chỉ biết xông lên chiến đấu và chiến thắng!
Riêng hai câu này:

Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm

thì thật thản nhiên, vô cảm, điển hình cho lối “sáng tác”, nghĩa là những người có chút năng khiếu, có thể sản xuất ra hàng loạt thơ ca bằng cách ghép vần làm ra những câu thơ chung chung, nghe kêu “beng beng”, nhưng là những câu thơ giả, không đúng với hiện thực.
Một người tài trí như vậy, từng được chế độ trọng vọng, được nhiều giải thưởng văn chương cao quý, nếu có khái niệm tham nhũng danh tiếng có lẽ TMH thuộc hàng đầu bảng, nghĩa là TMH thuộc hạng “số đỏ”, tại sao lại có quá nhiều sai trái và thái độ ngược ngạo như vậy? Không chỉ TMH, trong giới văn chương, không ít người đã thành danh, được ca tụng vì đã có công “hô khẩu hiệu”, như Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy… chẳng hạn, tức đã được lịch sử trả công. Vậy cũng là sòng phẳng, cũng là đúng thôi. Chỉ tiếc là họ đã lầm, mình được vinh danh vì tài trí chứ không phải vì công, nên đã khụng khiệng, thành những “ông kễnh”, vì tham vọng chưa thỏa, vì sai trái, vì ganh ghét đố kỵ, họ đã hiện nguyên hình là những kẻ phản trắc, cơ hội!
Với sai trái của TMH tôi đã viết nhiều, nhiều người khác cũng đã viết, từ “phản” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của TMH, nhưng riêng về thơ thì bài này là bài lần đầu tôi bình thơ TMH. Còn ông NTG thì đúng là một nhân vật kỳ lạ, cả phía công quyền lẫn những người cùng hội cùng thuyền với ông đều công kích, phỉ báng. Dương Thu Hương từng cho Nguyễn Thanh Giang là “một kẻ ăn gian nói láo”. Nhà văn Hoàng Tiến: “Tôi đánh giá Thanh Giang là con người háo danh, cá nhân chủ nghĩa, và tham gia phong trào với tính cơ hội nặng…  Cái xấu tính của Thanh Giang là lối ứng xử hai mặt. Ông Giang lên tiếng… đã gây phẫn nộ … Nhiều thương binh nổi đoá xông đến nhà ông Giang đe doạ đập phá. Ông Giang phải viết thư cầu cứu công an”. Theo Báo cand online trong bài Đội lốt “dân chủ”, ăn chặn đô la viết NTG là một: “Tri thức rởm được lật tẩy dưới lốt “dân chủ”, sự thật chỉ là kẻ lừa phỉnh, tham lam, ăn chặn đô la bố thí từ bên ngoài”. Mà ông chủ của NTG chính là Nguyễn Gia Kiểng, cũng theo bài báo trên, cho biết là “kẻ cầm đầu một tổ chức phản động lưu vong”. Thật tội nghiệp! Một ông già U80 như ông Giang sao còn vì tiền hay còn vì cái gì nữa mà phải hành động khốn khổ như vậy?
Còn việc Nguyễn Thanh Giang suy tôn TMH là “chú ếch đầu đàn gọi mưa” thì với tư duy thơ “bom nổ mở lối đến tương lai”, ý thức chính trị coi  Đế quốc Việt Nam của Bảo Đại và Trần Trọng Kim thuộc Nhật, “có công” làm 2 triệu dân ta chết đói, là chính nghĩa, e rằng con ếch TMH không phải gọi “cơn mưa dân chủ” mát lành mà họ tưởng tượng ra mà lại gọi mưa bom, bão đạn giội tiếp xuống đất nước thân yêu này, mà trong suốt chiều dài thăm thẳm của lịch sử, dân Việt mới thực sự được hưởng cuộc sống thanh bình vỏn vẹn có 3 thập kỷ!
      Cần phải vạch mặt bọn khùng điên này!
 TPHCM
12-8-2012
Sửa
16-5-2017

        ĐÔNG LA