Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

LẼ VÔ THƯỜNG CỦA KIẾP NGƯỜI QUA NHỮNG KỶ NIỆM VỚI MỘT NGƯỜI BẠN (Với Nguyễn Khắc Kế)

ĐÔNG LA
LẼ VÔ THƯỜNG CỦA KIẾP NGƯỜI
QUA NHỮNG KỶ NIỆM 
VỚI MỘT NGƯỜI BẠN
 (Với Nguyễn Khắc Kế)
Số phận tôi thật kỳ lạ, vì tôi gần như “cái gì cũng biết”, tự tay làm được nhiều cái, nên tôi có thể làm chủ được đến 90% cuộc đời mình. Ngay đến kiếm sống là việc khó khăn nhất tôi cũng tự “chế” ra được sản phẩm bán lấy tiền xây nhà dựng cửa, nuôi con ăn học. Một lần gặp, chính anh bạn Kế ở Nha Trang bảo “Người tự chủ được như anh mới đúng là hạnh phúc!”. Vậy mà có khoảng 10% những chuyện vượt khỏi tầm tay tôi, gần như tôi bị dồn đến chân tường, rồi như có cơ duyên mầu nhiệm xếp đặt, có những người đã xuất hiện trên đường đời giúp đỡ tôi; người gần, người xa, người lâu, người mau, có người chỉ nói một câu nhưng đã giúp tôi đổi cả cuộc đời. Một trong những người bạn định mệnh đó chính là ông bạn Nguyễn Khắc Kế ở Nha Trang nói trên.
Tôi gặp Kế ở Leningrat, LX (cũ) cuối năm 1989, trong một chuyến đúng là đi buôn xuyên quốc gia để chữa cháy cho tình trạng tôi bị bọn lãnh đạo mới ở viện nghiên cứu giật khỏi tay công trình chiết xuất thuốc chống ung thư của mình. Lẽ ra tôi phải ở đó 5-6 năm gì đó, chính Kế đã giúp tôi gần như “trốn chạy” khỏi nước Nga sau khi dự tính của tôi đã được thực hiện.
Nhưng chính hơn nửa năm ở Lêningrat đó cũng như hơn một năm ở chiến trường, dù chỉ là những khoảng thời gian rất ngắn so với cuộc đời dài, chúng lại để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất và những kỷ niệm không bao giờ quên. Đúng như Chế Lan Viên viết những nơi đó đã “hóa tâm hồn” tôi, chúng luôn làm tôi nhớ về những giai đoạn đầy sóng gió của cuộc đời.
Nhưng như người ta thường nói, ông Trời không lấy hết của ai bao giờ, chính trong cái khúc quanh đó tôi lại có một chuyến du lịch đã không mất tiền còn được trả lương, còn có cả quân lính sai phái nữa. Với một điều kiện, chỉ trong một tuần học ôn, tôi phải thi đậu tiếng Nga. Khó ở chỗ tôi chỉ được học tiếng Nga có mấy trăm tiết ở trường, sau gần chục năm đi làm đã quên hết, trong khi lại vừa mới đi học một lớp tiếng Anh tập trung 1 năm ở Sở Y tế về. Định mệnh đúng là tai quái nhưng tôi đã vượt qua được, trong khi hai người vừa ở trung tâm luyện tiếng Nga ra, ngồi cùng bàn phỏng vấn với tôi trước một bà Nga Xô to như con voi, lại bị trượt! Chắc thần thánh đã phù hộ cho tôi vì vậy mà tôi đã được đến một trong những thành phố đẹp nhất thế giới.
Thành phố đẹp nhất vào những ngày hè ấm áp của phương Bắc với những đêm trắng trong vắt, rực rỡ. Tôi vẫn còn nhớ như in những lúc đi qua những khoảnh rừng phong, ngước nhìn những chiếc lá non mỏng manh như làm bằng thủy tinh mầu xanh vàng, ướt đẫm ánh nắng, đã nửa đêm nhưng chỉ như chiều tà, mà thời gian cứ mãi chiều tà như vậy:
Hồi ấy “Việt cộng” ta quan tâm chủ yếu là đi lùng mua hàng để đóng thùng gởi về VN. Tôi rảnh hơn vì có mấy chục thằng lính để sai phái nên mới bảo anh bạn Kế dẫn tôi tham quan thành phố. Kế là thổ công vì đã từng học ở “Len” 5-6 năm. Tôi “bắt” Kế dẫn đi xem viện bảo tàng Hermitagiơ (chính là Cung điện Mùa Đông xưa) bên bờ sông Nê-va:
  
Vì có máu văn chương nên tôi thật hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng trực tiếp, nguyên bản những tác phẩm nghệ thuật đã trở thành bất tử như tranh của Rê-pin, Van-gốc, Lê-vi-tan:
Và tượng của Ca-nô-va với bức 3 cô gái nổi tiếng:
Cùng tuyến phố bờ sông cũng có một nơi tuyệt đẹp, mà dãy phố phía sau có Đại giáo đường nổi tiếng Ixaakievxki:
 Không  gian phía trước giáo đường là một khoảng công viên cây cối sum suê, râm mát, và đặc biệt phía gần đường bờ sông có đặt bức tượng Pie Đại Đế cưỡi ngựa tuyệt đẹp, nơi du khách thường rất thích chụp hình. Tôi cũng có chụp, tiếc là đã làm mất tiêu rồi!
Một hôm thơ thẩn ngoài công viên bên chỗ ở, nhìn mấy cô bé con mặc áo bông tròn như cái kẹo trượt tuyết đọng trên cầu trượt, tôi nhớ hai đứa con nhỏ đau cả tim:

Tôi nghĩ nỗi nhớ của mình muốn về đến được SG thì nó phải đi cong theo dáng trái đất, nên đã viết bài có hai câu thơ mà sau này có nhiều người thích:
Anh xa em gần nửa vòng Trái Đất
Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa Cầu
Được ở một thành phố tuyệt đẹp, dễ kiếm tiền, lẽ ra tôi phải ở hết 5,6 năm gì đó, nhưng tôi không quen cảnh chụp giật, xô bồ. Tôi nhớ một lần Kế dẫn đến chơi một người bạn "nghiên cứu sinh", chuyện trò chẳng thấy nghiên cứu gì mà toàn nghiên cứu đánh quả. Ít lâu sau Kế bảo "bị maphia Nga bóp cổ chết rồi!". Không còn một chút lưu luyến nào nữa, tôi đã nhờ Kế: “Ông giúp tôi về thôi!”. Kế đã đi mua ngay mấy chai “Lúa mới” đút lót thằng quản lý mắt xanh thế là thành công. Nhưng tôi ngạc nhiên hôm đi mua vé thấy Kế không mua một mà là 2 . Kế bảo: “Em về luôn cùng anh”. Tôi rất mừng nhưng thật tiếc cho Kế. Kế giỏi tiếng Nga, ráng ở lại, biết đâu giờ đại gia rồi!
Tôi ở “Len” chỉ hơn nửa năm. Nhưng cũng đủ hưởng hết các mùa ở đó. Lúc đến là cuối năm trước, từ phòng chờ sân bay Sheremetyevo (Шереме́тьево) nhìn ra bên ngoài tôi thấy mênh mông một bầu trời trắng đục mầu của tuyết. Có người lạnh quá đã chảy cả máu mũi. Cây cối bị giá lạnh tuốt sạch lá, trơ ra đến từng cọng nhỏ trông như cái tăm. Chỉ riêng loài tùng bách là coi cái lạnh không ra gì, vẫn cứ luôn biếc xanh. Có lẽ vì thể mà người ta đã ví người quân tử là tùng bách chăng? Còn lúc tôi về là mùa hè, sau khi đã được hưởng những đêm trắng trong vắt, nắng vàng như mật. Nắng mà vẫn mát lạnh vì mặt trời không bao giờ qua giữa đỉnh đầu mà chỉ vẽ một vòng cung phía chân trời mà thôi.
***
Sau vài năm cả gia đình tôi ra Nha Trang thăm nhà Kế:
Thằng nhỏ nhà Kế (nhỏ nhất) giờ đang vi vu bên Đức rồi.
          Vậy mà trước Tết vừa rồi, Kế gọi điện bảo kỳ này em vào SG tái khám gặp anh nhá, em bị bệnh nặng đấy. Tôi có linh tính Kế gặp chuyện chẳng lành, quả đúng thế, sau Tết chuẩn bị vào, Kế bảo đã phẫu thuật ung thư gan!
Bạn bè như vậy nên được tin Kế bị trọng bệnh làm sao mà tôi không buồn lo cho được? Gặp nhau tôi cũng nói với Kế về chuyện cô Vũ Thị Hòa đã chữa khỏi một số người bị ung thư. Với người khác nhờ, tôi chỉ cho địa chỉ của cô, với Kế tôi sẵn sàng dẫn Kế ra gặp cô trực tiếp, năn nỉ cô giúp Kế là người bạn từng “sống chết có nhau” của tôi. Chỉ với điều kiện là phải tin tưởng cô và phải sống theo lối sống dân dã ở vườn vải, nơi cô. Tôi bảo trí thức dở dở ương ương là khó theo đó. Nghe hết mọi lẽ Kế bảo tính em đúng là khó mà theo được cô thật, thôi cứ thử ăn chay xem thế nào rồi tính sau.
Tôi đã góp ý, tặng sách cho Kế để Kế áp dụng phương pháp thực dưỡng. Để Kế yên tâm và quyết tâm hơn, tôi đã viết một loạt bài về cơ sở khoa học của phương pháp thực dưỡng chống ung thư. Không như một số người thân tôi đã góp ý, không hiểu và không áp dụng, đều đã chết, Kế cũng là dân khoa học tự nhiên, từng được chọn du học nên đã dễ dàng hiểu được vấn đề, chỉ cần quyết tâm thôi. Thực tế vừa qua Kế đã quyết tâm.
Đến hôm nay thì dựa trên cơ sở cả khoa học lẫn thực tế đã chứng tỏ, tôi tin là Kế sẽ chiến thắng được bệnh ung thư.
Cầu mong Trời Phật phù hộ cho những kẻ lầm đường đã tìm được lối!
TPHCM
14-5-2017

ĐÔNG LA