Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

ĐĂNG LẠI BÀI VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC NHÂN CỰU BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THIỆN NHÂN “TRÁM” CHỖ ĐINH LA THĂNG LÀM BÍ THƯ TPHCM

ĐÔNG LA
ĐĂNG LẠI BÀI VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC NHÂN CỰU BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THIỆN NHÂN “TRÁM” CHỖ ĐINH LA THĂNG LÀM BÍ THƯ TPHCM

Việc cựu Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân trám chỗ ông Đinh La Thăng làm Bí thư TPHCM hiện có hai luồng ý kiến trái chiều, phe ủng hộ cho ông là người tốt, được đào tạo cơ bản; phe phản đối cho tính ông trung dung, thiếu tính đột phá, sáng tạo, suốt quá trình công tác dài ông “chưa làm được gì”!
Riêng tôi thấy 4 năm ông Nhân làm Bộ trưởng Giáo dục là giai đoạn ông có đất dụng võ nhất, tôi đã viết trong bài “phản biện” TT Nguyễn Tấn Dũng trả lời trực tuyến khi mới lên nắm quyền:
            “Dưới thời Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Minh Hiển, ngành giáo dục nước ta có quá nhiều chuyện quái lạ: có học sinh học cấp hai chưa biết đánh vần, có học sinh học dốt muốn trượt không được, có học sinh không làm được bài thì hát một bài thầy sẽ cho điểm cao. Bộ trưởng mới Nguyễn Thiện Nhân mới lên một thời gian đã có công hạ được chỉ số khá giỏi của học sinh xuống cho gần với sự thực. Nhưng nhiệm vụ chính của bất kể ông bộ trưởng nào cũng phải làm là đưa chất lượng thực của học sinh lên chứ không phải kéo xuống. Có lẽ ông Nguyễn Thiện Nhân bận quá còn chưa có nhiều giải pháp cụ thể cho điều này”.
            Nay ông Nhân về làm Bí thư TPHCM tôi cũng thuộc phe ủng hộ. Thứ nhất vì ông là người tốt, mà hiện nay người tốt dần ít đi thì tốt như ông là quan trọng; thứ hai làm bí thư là làm lãnh đạo mà tài lãnh đạo là tài tổ chức, là tài xử dụng người tài hơn mình chứ không như bộ trưởng, một vị trí có tính chất “tư lệnh ngành”; thứ ba ông được đào tạo thuần “tây”, nói thạo tiếng “Tây”, để phát triển đến “Tầu” cũng phải hướng sang “Tây” thì dù nước ta thực hiện “ngoại giao đa phương” để phát triển cũng phải chú trọng hướng về “Tây”. Nên người được đào tạo như ông Nhân rất phù hợp cho vị trí lãnh đạo một thành phố đầu tầu phát triển như TPHCM. Rất mong ông phát huy được sở trường, đạt được những thành tựu ấn tượng ở cương vị mới này.
            Còn 4 năm ông Nhân làm giáo dục để thay đổi cả một nền giáo dục là quá ngắn. Nhưng ông chưa làm cho nền giáo dục nhích lên một nấc nào cũng là rất tiếc cho một người tâm huyết như ông. Còn tiếc hơn nữa là nền giáo dục của ta đến nay, tôi phải nói tục một câu cho nó sướng miệng là “đéo biết chúng nó làm cái gì nữa?” Vậy mà một đất nước muốn phát triển bền vững, dựa được vào chính bản thân mình buộc phải trông cậy vào sự phát triển của nền giáo dục, Bởi sự phát triển phải dựa vào nhân lực mà nhân lực lại do nền giáo dục đào tạo ra. 
            Có lẽ cả ông Nhân hôm qua và cả ngành giáo dục hôm nay vẫn chưa nhận ra được thực chất những vấn đề và chưa đưa ra được những lời giải đúng cho nền giáo dục, vẫn thay đổi tùm lum các hình thức, cách thức tổ chức giáo dục chạy theo đủ các kiểu, khiến cho học sinh, phụ huynh cũng phải chạy theo hoa cả mắt, còn tâm trí đâu mà học bài nữa.
            Vì vậy mà hôm nay lại muốn đăng lại bài này.
           12-5-2017
           ĐÔNG LA
Cần thay máu nền giáo dục

Là con dân nước Việt với 4000 năm văn hiến và một lịch sử oai hùng có ai không đau lòng khi đọc những dòng này: “ theo báo cáo của hai tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thuộc ĐH Harvard với tựa đề: Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó cho biết: Số bằng sáng chế được cấp năm 2006: Hàn Quốc: 102.633;Trung Quốc: 26.292; Singapore: 995; Thailand: 158; Malaysia:147; Philippines: 76; Việt Nam: 0”.  Và ông đại sứ Nhật Bản phát biểu tại buổi Hội thảo về “phát triển, hợp tác kinh tế Việt- Nhật về sản xuất các thiết bị phụ trợ ” ngày 03-04/4/2009 tại Hà Nội rằng:"Việt Nam các bạn mới sản xuất được thùng carton".
Trong các nguyên nhân thì nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất là do nền giáo dục của chúng ta yếu kém. Sau đây là bài Cần thay máu nền giáo dục tôi viết về giáo dục đã lâu, hôm nay xin đăng lại: 
Kỳ thi tuyển sinh đại học những năm vừa qua, quá nhiều học sinh đạt điểm kém. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT ở một kỳ thi, trong số 898.166 thí sinh thi vào 97 trường theo đề thi chung của Bộ ở 4 khối thi A, B, C, D chỉ có 161.615 em đạt điểm từ 15 trở lên (17,99%); gần 300.000 (1/3) em có điểm 3 bài thi từ 6 trở xuống; số thí sinh đạt điểm 0 cả ba môn thi có 6.233!
Điều này là kết quả tất yếu của sự học tủ, học lệch, học vẹt. Đề thi ra đúng cái mình được dạy, được luyện, được “mớm” cho thì làm được, còn không thì bó tay. Nhưng tại sao lại có tình trạng học tủ, học lệch? Bởi khả năng tiếp nhận tri thức trong khoảng thời gian nhất định của con người chỉ có hạn. Với mục tiêu tốt đẹp là đào tạo con người toàn diện, nền giáo dục của ta coi trọng các môn học như nhau đối với mọi học sinh; rồi trong mỗi môn học, chúng ta cũng muốn truyền thụ thật sâu, thật rộng kiến thức cơ bản cho học sinh. Và như vậy tất dẫn đến sự quá tải, học sinh không thể gánh vác nổi cái mong muốn tốt đẹp đó nên phải tự cứu lấy mình, bằng cách tự phân ra các môn chính phụ, những vấn đề chính phụ trong mỗi môn, nhằm giành thời gian đào sâu hơn những vấn đề có thể phải đối mặt trong kỳ thi vào đại học hóc búa, phải học tủ, học lệch, phải bám vào các lớp luyện thi và trông cậy vào may rủi khi đi thi.
Một vấn đề nữa cũng tạo nên sự quá tải đó là nền giáo dục của chúng ta đã coi tất cả các môn tự nhiên cũng như xã hội quan trọng như nhau đối với mọi học sinh. Những học sinh thiên về toán lý hóa có muốn cũng không đủ thời gian đi sâu vào các môn xã hội. Tri thức thì mênh mông, khả năng tiếp thu giới hạn, vậy đòi hỏi quá cao là không thể. Có lẽ ta nên coi trọng các môn như nhau nhưng yêu cầu đối với các đối tượng học sinh khác nhau thì khác nhau. Ví dụ như môn lịch sử, nếu học sinh có mục tiêu thi vào các ngành khoa học tự nhiên thì không thể có đủ thời gian để thuộc tất cả ngày giờ các trận đánh, bao nhiêu quân địch bị chết trong mỗi trận… đi thi bị điểm thấp và ảnh hưởng đến kết quả học tập, tất sẽ chán ghét môn này. Như vậy, việc ép học môn sử không thể làm cho con cháu chúng ta thêm yêu đất nước được. Vậy yêu cầu về môn sử đối với học sinh thiên về khối A không thể giống như với học sinh có ước muốn theo học ngành này. Vậy việc chia ban học là cần thiết. Nhưng làm sao giải được bài toán về đào tạo nhân cách toàn diện. Theo tôi, chính sự quyến rũ của những bài giảng khiến cho học sinh yêu những vấn đề trong đó chứ không phải do những biện pháp cưỡng chế bằng thi cử. Không ai bắt con em chúng ta học sử Trung Quốc nhưng phim lịch sử Trung Quốc hay quá nên chúng hiểu biết lịch sử Trung Quốc hơn sử nước ta. Cần dạy cho học sinh khối A hiểu biết về lịch sử, khơi dạy tình yêu bằng cách giảng dạy những ý nghĩa sâu sắc của sự kiện, chứ không phải buộc học sinh phải thuộc những sự kiện như những nhà nghiên cứu lịch sử.
Tất cả những vấn nạn trên đã vẽ ra thực trạng nền giáo dục của chúng ta: nặng nề, cồng kềnh, tốn kém nhưng lại kém hiệu quả; chúng chỉ ra cho mọi người thấy cái nghịch lý: con cháu chúng ta mang “gen Việt” thông minh (giải quốc tế, du học sinh, con em Việt kiều học giỏi) nhưng học nhiều hơn lại tiếp thu ít hơn, khả năng vào đời kém hơn so với những nước phát triển. Đây là bài toán lớn nhất mà ngành giáo dục cần phải giải.
      Theo tôi trước hết cần phải thay đổi tư tưởng cơ bản của nền giáo dục nước ta, đó là cần phải thay đổi phương pháp truyền đạt tri thức và cách đánh giá khả năng của học sinh. Cần phải làm sao cho học sinh học để hiểu biết, thu nhận tri thức chứ không phải học để đối phó với thi cử; cần trao cho các em phương pháp tiếp cận và khám phá tri thức làm cơ sở sau này ra đời vận dụng chứ không phải học thuộc tri thức. Bởi tri thức mênh mông và sản sinh không ngừng, không ai có thể nhồi nhét hết được. Lẽ tự nhiên, nếu học thuộc người ta chỉ có thể thuộc được lượng nhỏ, còn nắm được cách khám phá, người ta sẽ hiểu biết nhiều lần hơn. Giống như trao cho các em cái cần câu, chỉ cách câu, các em sẽ bắt được nhiều cá. Song song với thay đổi cách truyền đạt cần phải thay đổi cách đánh giá. Cần phải ra đề thi sao đó để đánh giá sự hiểu biết, khả năng suy luận, phương pháp giải quyết những vấn đề chứ không phải kiểm tra trí nhớ, khả năng thuộc bài. Làm sao mỗi đề thi như một công trình nhỏ, các em hoàn toàn có thể mang tài liệu vào thực hiện công trình ấy y như sau này các em bước vào đời làm việc vậy. Tại sao người lớn chúng ta cần “phao” khi làm việc, chúng ta không cần phải bỏ sức một cách vô lý để học thuộc những điều mà chỉ cần tra tài liệu và bấm chuột máy tính là có thể biết tất cả. Có người bạn chở con đi thi, đứa con hỏi: “Ba ơi, Xuân Diệu sinh năm nào?”/ “Xuân Diệu sinh năm nào thì kệ ông ấy, con hỏi làm gì?”/ “Ba chả biết gì cả, con đi thi mà không thuộc là rớt đó”. Ngay bản thân tôi cũng từng có đứa con gái thi khối D, khi làm văn xong cháu nói: “Ba ơi con bị tủ đè rồi”/ “Nghĩa là sao?”/ “Học lệch tủ thì bị đè chớ sao, con không học bài “Sóng”/ “Con cứ đọc hiểu kỹ bài thơ rồi tự làm cũng được chớ cần gì phải thuộc”/ “Người ta có in nó ra đâu mà đọc, nhưng con cũng có nhớ và làm được, chỉ sợ không đúng đáp án thôi”. Bình thơ mà cũng có đáp án, thế đấy! Cũng may là cháu giỏi văn và thày chấm cũng đánh giá đúng phần “tự làm” của cháu. Với kiểu ra đề thi đã và đang sử dụng ở ta thường không nhắm vào sự hiểu biết bản chất tri thức mà chủ yếu nhắm vào những kỹ xảo tính toán (với các môn tự nhiên), khả năng học thuộc lòng (với các môn xã hội). Học sinh chỉ cần nhầm ngày sinh tác giả, quên tên một tác phẩm, viết không đúng chiều dài một con sông, quên ngày giờ một trận đánh, không thuộc một công thức tính toán… là không có điểm. Trong khi cái sự “thuộc” này chỉ là một phần rất nhỏ để đánh giá khả năng của một con người. Trái lại nó lại ngốn số lượng thời gian rất lớn của học trò, khiến cho con cháu chúng ta tuổi hồn nhiên mà tối ngày bù đầu với bài vở. Sự đánh giá khả năng của học sinh bằng sự thuộc bài như vậy là phi lý và phản khoa học nhất của nền giáo dục VN. Nó phi lý bởi chỉ cần tra tài liệu là biết cần gì phải thuộc; nó phản khoa học bởi để giải quyết một vấn đề có hiệu quả cần phải hiểu biết sâu sộng chứ không cần phải thuộc, mà để thuộc tất không thể có thời gian để hiểu biết sâu rộng.
     Nếu thay đổi được cách dạy và cách thi cử như trên tất cả những vấn nạn về quá tải, về luyện thi, về quay cóp… sẽ tự nhiên biến mất mà không cần một biện pháp tốn kém nào cả; ngược lại với chuyện học nhiều hiểu ít trước đây, học sinh ta sẽ học ít hiểu nhiều, chất lượng giáo dục sẽ tăng lên. Tất nhiên đây là một việc rất khó, phải biến đổi cả một hệ thống, gần như thay máu cả một nền giáo dục, nên phải có một quá trình, không thể ngày một ngày hai mà đuợc.
Đã có nhiều nhà khoa học, học giả phân tích phương pháp phi lý, phản khoa học của nền giáo dục VN.
     Đó là phương pháp giáo dục thụ động, thầy đọc trò chép, nhồi nhét, học vẹt; đó là mặt tiêu cực của tâm lý Á Đông coi thầy như cha, thầy nói trò phải nghe, thầy dậy gì trò được biết nấy, phương pháp lấy thầy làm trọng tâm … Tất cả đã tiêu diệt khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo của học sinh. Vậy điều cần thiết là phải làm ngược lại theo phương pháp giáo dục tiên tiến của những nước phát triển. Một tác giả ở Úc cho biết phương pháp của họ là lấy trò làm trọng tâm (learner based approach). Khi học, trò tự do thảo luận với sự hỗ trợ tối đa của thầy. Một du học sinh ở Anh cho biết trước khi đến Anh: “Trước một sự kiện, phản xạ tự nhiên của tôi là What, Who và cũng chỉ dừng ở đó. Nhưng với người Anh thì khác. Tiếp ngay sau What? Who? sẽ là Why? Đối với họ, câu hỏi Ai? Cái gì? rất quan trọng, nhưng câu hỏi Tại sao? còn quan trọng hơn nhiều. Câu hỏi Tại sao dẫn ta đến nguyên nhân, bài học mà nhờ đó lần sau ta sẽ thành công lớn hơn hay tránh được sai lầm đã mắc”. Một giáo viên ở Mỹ cho biết ngay từ bậc tiểu học đã chú trọng đến lối suy nghĩ phân tích (critical thinking), tạo cho các em chủ động. Khi học về số bình quân thì các em tự đi hỏi về chiều cao của bạn học; ăn những viên kẹo sô-cô-la M&M đủ mầu cũng cho các em về khái niệm xác xuất thống kê; để tìm tỷ lệ ô-xy trong không khí thì các em làm ngay thí nghiệm dùng nước, đèn cầy, lọ thủy tinh… rồi tính toán. Một tác giả khác cho biết một em gái 12 tuổi chọn thuyết trình về đề tài “Hồng quân Trung Quốc”. Em đã đến thư viện tìm đọc các sách báo và xem tất cả cuốn băng video nói về hồng quân. Sau mấy tuần lễ miệt mài như thế, em kết luận : “Sách báo, phim ảnh nói về đề tài này không thống nhất gì cả”. Em muốn gặp và phỏng vấn trực tiếp một chiến sĩ hồng quân thứ thiệt”.
      Cũng có nhiều ý kiến về sách giáo khoa, cho nội dung SGK vừa nặng lại vừa yếu, đầy tính ''hàn lâm'' nhưng ít tính ứng dụng, thực hành, không hỗ trợ tốt cho học sinh phát triển năng lực sáng tạo. Sự biên soạn sách giáo khoa vô cùng quan trọng. Một cuốn sách được soạn tốt, đọc đến đâu hiểu đến đấy thì việc học nhiều không phải là gánh nặng mà là sự thú vị. Trái lại, một cuốn sách soạn dở, người đọc không hiểu, mà khi đã không hiểu thì dù có học ít bao nhiêu cũng sẽ là quá tải. Sự khó hiểu đối với tri thức không chỉ vì nó cao sâu mà còn vì sự truyền đạt. Một vấn đề hóc búa, có khi ta không hiểu một tí gì khi đọc ở cuốn sách này nhưng lại hoàn toàn có thể hiểu khi đọc một cuốn sách khác. Vậy việc biên soạn sách giáo khoa cần phải giao cho những người có trình độ cao, có kinh nhiệm giảng dạy, có khả năng diễn đạt mạch lạc, phải hiểu được khả năng tiếp nhận của học sinh; cần chú ý sự giải thích, tránh nói tắt, làm sao học sinh khá trở lên có thể tự hiểu, người thầy chỉ cần hỗ trợ. Cũng giáo viên ở Mỹ đã nhắc ở trên cho biết: “Một cuốn sách giáo khoa ở Hoa Kỳ rất đầy đủ. Sách các môn chính của bậc trung học như Anh ngữ, toán, khoa học thực nghiệm, khoa học xã hội thường dầy trên 500 trang vì ngoài phần giảng giải kiến thức chính, còn phần bài tập, ôn luyện đều có đủ trình độ từ dễ đến khó để học sinh nào muốn học hỏi thêm có thể dùng sách nhà trường cung cấp mà không phải mua thêm sách ở ngoài”.  
Như vậy giảm tải là giảm sự nhồi nhét, học vẹt, thay đổi phương pháp đánh giá dẫn đến lối học vẹt như thế, chứ không phải là giảm gọn giáo trình. Nếu chỉ cắt gọt một cách cơ học đơn giản là đã chủ động tạo ra những lỗ hổng kiến thức, trong khi sự phát triển của tri thức là một hành trình liên tục. Tôi cũng đã viết, người ta không thể chỉ biết cái cũ mà không biết cái mới, bởi cái cũ hôm qua là đúng thì hôm nay không còn hoàn toàn đúng nữa; nhưng người ta cũng không thể chỉ biết có cái mới, bởi để hiểu được cái mới người ta cần phải biết cái cũ. Có tác giả cũng chỉ ra sự phi lý không chỉ ở chuyện học vẹt mà còn ở sự lặp lại vô bổ. Các chương trình học cứ lặp lại hoài, như môn sử: lớp 4, lớp 5 học rồi, đến lớp 6, 7, 8, 9 lại học lại và đến lớp 10, 11, 12 học lại lần nữa, lên đại học học tiếp. Sự lặp lại vừa tốn thời gian vừa tạo nhàm chán nên không hiệu quả. Kết quả thi môn sử vào đại học thấp nhất vừa qua là dẫn chứng cụ thể nhất.
      Và cuối cùng để có trò giỏi không thể không có thầy giỏi. Theo giáo sư Hoàng Tụy cần phải đổi mới các trường sư phạm, ở các nước, chỉ giáo viên mẫu giáo, tiểu học mới cần được đào tạo kỹ về nghiệp vụ sư phạm, còn giáo viên THCS và THPT trở lên thì trước hết phải được đào tạo vững vàng về chuyên môn khoa học rồi mới bổ túc kiến thức và kỹ năng sư phạm. Ông cũng đề nghị cải cách chế độ lương cho giáo viên và có một ý kiến mang tính chiến lược: “Thú thật, tôi chưa hiểu nổi vì sao ta có thể bỏ ra 3-4 trăm triệu đô la cho SEA games để tạo một bứt phá về thể thao mà chưa bao giờ dám chi một khoản tiền ngang như thế để tạo một bứt phá về giáo dục…”./.

2006-2009
BÌNH LUẬN
Cho em xin góp ý là ngoài việc quá tải ra thì phương pháp giảng dạy với cả nội dung của mình còn hơi thiếu khoa học. Dẫn đến hiệu suất tiếp thu kém, tức là công sức bỏ ra thì nhìu nhưng thực ra không nắm bắt được nhìu mà quanh đi quẩn lại chỉ là tiểu tiết lằng nhằng là chủ yếu. Em nghĩ là điều này đúng cả đối với khoa học tự nhiên lẫn xã hội. Bài giảng mình coi trọng tiểu tiết quá mức mà không làm nổi bật được ý tưởng chủ đạo.
Em học phổ thông ở quê miền Tây, đại học ở Sài Gòn, sang Mỹ học 2 năm và chuẩn bị qua Úc học tiếp năm tới. Em hy vọng sau này cũng đóng góp cho giáo dục nước nhà. Mong là bài đọc hôm nay có giúp ích sau này.
Kính mến!
QUANG NAM • 4 năm trước

Bài viết này anh viết đã lâu rồi, không biết có thấu tai mắt của mấy vị lãnh đạo giáo dục chưa? Chắc là chưa, vì chẳng thấy cải kiếc gì cả…