ĐÔNG
LA
ĐỌC
THƠ TRONG
TIỆC
CƯỚI CON TRAI TẠI MỸ
Chiều
ngày 29 tháng 7 (giờ Mỹ) tức sáng 30-7 (giờ VN), gia đình chúng tôi có tổ chức
một bữa tiệc nhỏ, ấm cúng để mừng lễ cưới của con trai chúng tôi. Gia đình cô
con dâu phần nhiều ở Mỹ nên con trai tôi chiều vợ muốn tổ chức tại Mỹ. Khi hai
đứa con còn nhỏ, tôi là ông bố quyết đoán trong việc nuôi nấng hai đứa ăn, học,
nhưng khi chúng trưởng thành, hai đứa con tôi, cả trai lẫn gái, đều có tính độc
lập cao, nên tôi để chúng toàn quyền quyết định cuộc sống riêng tư. Đó cũng là
một cái phúc của nhà tôi. Dù sao, tổ chức tại Mỹ không thể đông vui như ở VN.
Nhớ hồi đám cưới con gái tôi, riêng “gia đình cô Hoà” đã khoảng 40 người. Cô
nói với tôi “Đấy là em không cho đi hết đấy, đám cưới con trai anh thì sẽ đi
nhiều hơn”. Đám cưới đông người đi tất sẽ vui và chắc chắc sẽ “có lời”, nhưng
tôi cũng thấy làm phiền những người ở xa quá, từ Bắc vào SG phải tốn đủ thứ tiền,
vé máy bay, ăn ở, và tiền “mừng các cháu” nữa.
Lễ cưới con trai tôi rất gọn nhẹ, nhưng hiện đại, trang trọng,
ấm cúng và vui vẻ. Hình ảnh cũng rất nhiều nhưng con tôi nó lại không thích
khoe khoang ồn ào, nên lúc này đúng là tôi mới chỉ có một tấm này thôi:
Tất
nhiên, trong phần nghi lễ tôi phải đại diện hai gia đình nói mấy câu cảm ơn quý
khách như thông lệ, xong tôi nói:
-Con trai tôi là cháu đích tôn của cha mẹ tôi nhưng hôm nay
họ nhà tôi chỉ có duy nhất một mình tôi mà thôi, nên tôi rất nhớ về cha mẹ và những người
thân của tôi. Vừa rồi anh bạn MC giới thiệu tôi là nhà văn nên tôi muốn đọc một
bài thơ cho khác thiên hạ một chút. Bài thơ tôi viết về mẹ, liên quan đến con
trai tôi đây ở chuyện, khi cháu mới 2 tháng tuổi, mẹ tôi từ ngoài Bắc đã vào SG
bế cháu hơn nửa năm. Bài thơ tên là “Mẹ
đến thành phố”. Xin phép được đọc tặng quý vị.
Mọi người vỗ tay và tôi đã đọc bài thơ sau đây:
Mẹ
đến thành phố
Cực nhọc vượt qua sáu lăm con dốc cuộc đời
mình
Lần đầu mẹ đến một thành phố
Thành phố còn bình thường
Sao mẹ quá bỡ ngỡ
Bàn chân quen lội bùn run rẩy trên mặt nhựa
phẳng gương
Nhà của con đây xin mẹ bước vô
Căn phòng nhỏ tuềnh toàng của người kỹ sư còn
nghèo khó
Mười bốn mét vuông gạch hoa vẫn làm mẹ ngơ
ngác
Con hiểu nền đất nhà mình vẫn lầm bụi quanh
năm
Chẳng phải để dạo chơi mẹ lặn lội đến đây
Đứa cháu nội đầu tiên vừa tròn hai tháng tuổi
Con ân hận biết bao khi đã sáu lăm năm gian
khổ
Năm tháng cuối đời mẹ chẳng được nghỉ ngơi
Ôm đứa cháu xinh mắt mẹ rạng ngời
Mẹ hãy để nàng dâu miền Nam trổ tài nấu ăn đón
mẹ
Suốt một đời
chỉ rau muống chấm tương
lác đác bữa cua đồng, cá nhỏ
Món cà-ri lạ lùng mẹ lại chẳng quen ăn
Ôi mẹ của con!
Người mẹ bình thường như bao bà mẹ nông dân!
Tưởng dấu chân gánh thóc của mẹ phủ kín cả mặt
đất này
cực nhọc
Vạn triệu hạt mồ hôi mặn mòi như những giọt
nước mắt
Chưa hết nỗi khổ này lại chồng tiếp nỗi đau
kia
Nhìn mái đầu bạc phơ thương biết bao nhiêu!
Con bỗng thấy những nắng, những mưa, những bão
giông
cuồn cuộn trong từng sợi tóc
Bao chờ mong, bao lo toan hằn trong từng nếp
nhăn khóe mắt
Cặm cụi một đời chỉ biết hy sinh
Ôi mẹ ngàn lần, ngàn lần yêu kính của con!
Sáu lăm tuổi lần đầu đến một thành phố
Hạt gạo ở đây người ta coi bé nhỏ
Nhưng quen như ở nhà mẹ cứ mang thùng gạo ra
đong./.
Lúc đầu, bàn với MC đạo diễn trước, nhưng rồi tôi thấy ồn ào
quá, thơ thẩn chắc không hợp với nước Mỹ thực dụng, tôi bảo đạo diễn là thôi.
Nhưng anh chàng bảo tôi yên tâm, lát lữa sẽ rất yên lặng, lịch sự và người ta
cũng rất trân trọng văn hoá và sự độc đáo, chú cứ tự do làm những gì chú thích.
Vì vậy, khi tôi đọc xong bài thơ, anh chàng MC là người đầu
tiên nói với tôi:
-Chú đọc bài thơ tuyệt lắm!
-Tôi sợ những người sống ở Mỹ không hiểu.
-Sẽ có nhiều người hiểu và chú cũng không cần tất cả phải hiểu.
-OK!
Los Angeles
31-7-2018
ĐÔNG
LA