Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

VỀ VÀI ĐÁNH GIÁ ĐỐI NGHỊCH NHAU VỀ NGUYÊN TBT ĐỖ MƯỜI KHI ÔNG QUA ĐỜI


ĐÔNG LA
VỀ VÀI ĐÁNH GIÁ ĐỐI NGHỊCH
VỀ NGUYÊN TBT ĐỖ MƯỜI
KHI ÔNG QUA ĐỜI

Nhân sự kiện Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười vừa từ trần ngày 1/10, nhiều bài viết của những người có chức trách gần cận và hiểu biết nhất về ông khiến tôi bất ngờ khi hiểu rõ và cụ thể hơn về tài đức của một vị nguyên lãnh đạo cao nhất Việt Nam đã lèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua được giai đoạn phong ba bão táp nhất trong công cuộc tìm đường làm ăn của đất nước sau cuộc chiến khốc liệt. Ngược lại, cũng có những kẻ phản trắc, cơ hội, trở cờ luôn nhìn xã hội VN cũng như các vị lãnh đạo đất nước qua cái tâm địa đen tối, thiển cận của chúng. Chúng luôn biến trắng thành đen, biến người có công thành người có tội.
Nguyễn Khắc Mai, 24/9, khi trả lời phỏng vấn của BBC, nói:
“Một trong hai sự kiện nổi trội liên quan đến ông Đỗ Mười (cùng với việc dự Hội nghị Thành Đô) là chủ trương đánh tư sản hay còn gọi là “cải tạo công thương nghiệp”.
“Theo như tôi hiểu, ông làm điều này rất hung hăng vì học vấn ít, và cuồng tín cao.”
“Hệ lụy của việc cải tạo công thương nghiệp rất bi thảm, khốc liệt, để lại tai họa rất lớn cho dân tộc.”
“Nhưng có vẻ là trong nhiều năm ông Đỗ Mười tự hào về mình đã làm được việc kinh thiên động địa.”
“Đến lúc cuối đời, ông không có vẻ gì ăn năn, hối cải về sai lầm của mình cả.”
Giống như chuyện làm giám đốc một “Trung tâm Minh triết” mà không hiểu nổi nghĩa hai chữ “minh triết” nên thường đưa ra những ý kiến như tôi đã viết là thứ “minh triết du côn”, Nguyễn Khắc Mai nói như trên cũng thuộc dạng mù tịt về thực tế, chỉ biết nói lăng nhăng bằng một giọng phản động.
 Trước hết phải xác định rằng, việc “đánh” tư sản mại bản và “cải tạo tư sản” sau chiến thắng 1975 là một điều tất yếu. Bởi dân tộc ta từng hy sinh hàng mấy triệu người để giành lại nền độc lập, thống nhất đất nước, không phải là để cho bọn tư sản Ba Tàu làm giàu. Nền kinh tế của Việt Nam Cộng hòa, theo Googlle: “Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối, và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện... và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường”.
Còn cái sai của ta thời đó chính là do cái sai chung, do trình độ, sau mấy chục năm chiến tranh, cả nhà nước cũng như toàn dân ta thực sự chưa biết làm kinh tế. Thời miền Bắc “xây dựng XHCN” thực ra là nói cho nó kêu, chứ đó chỉ là nền kinh tế thời chiến “tất cả quên mình cho tiền tuyến” giản đơn, chủ yếu là việc trồng lúa và sản xuất ít hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, ít nhà máy công nghiệp nặng.
Chúng ta cũng sai lầm mang tính lý luận, khi xây dựng XHCN chỉ bằng hai bàn tay trắng, mà sau này tự phê là “căn bệnh duy ý chí”. Triết học Mác chỉ ra, xã hội XHCN chỉ được xây dựng trên nền tảng XHTB cực phát triển với phạm vi toàn thế giới. So với với quy luật “lượng đổi chất đổi” của phép biện chứng cũng sẽ thấy sai trái. Chỉ khi nào lượng chất mới tích lũy đủ khi đó chất cũ sẽ thành chất mới, chứ không thể nào có chuyện một chất cũ đột nhiên biến thành chất mới. Vì vậy việc đánh tư sản mại bản sau 1975 là đúng, nhưng xóa bỏ ngay mọi thành phần sản xuất tư nhân là sai, lẽ ra phải làm như “đổi mới” sau này.
Nhưng những hậu hoạ thời ấy do chúng ta sai về chính sách cũng chỉ một phần. Cái chính là do hậu quả chiến tranh, “chiến lợi phẩm” là Sài Gòn và các đô thị miền Nam “ăn trắng mặc trơn” ăn theo cuộc chiến, chúng ta tay trắng về khoa học công nghệ cũng như máy móc và nguyên vật liệu, trình độ sản xuất kém, trình độ tổ chức sản xuất kém, v.v… Cả hai miền bị cắt viện trợ đột ngột, phương “Tây” thì cô lập, phương “Ta” thì gây chiến biên giới hai đầu đất nước, v.v… Vậy mà chúng ta vẫn đứng vững, vượt qua, rồi đến được những ngày như hôm nay thì đúng là một kỳ tích! Có điều, con đường đến với mỗi tiến bộ luôn phải trả giá đắt, bằng rất nhiều mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu nữa. Còn sau khi mọi chuyện đã rồi, ngồi phán đúng sai, nên thế này, nên thế kia thì quá dễ. Người có trí là phải nhìn thấy sâu vào bản chất vấn đề, chỉ có loại ngu và hời hợt mới chỉ nhìn thấy những hiện tượng bên ngoài và phán lăng nhăng mà thôi.
***
Ngược lại những ý kiến sai trái về Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười của những kẻ như Nguyễn Khắc Mai, một trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trong nhiều năm, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã chia sẻ với báo chí những ấn tượng lớn nhất về cố Tổng bí thư. Đặc biệt là kỳ tích chống lạm phát. Vào năm 1986, khi TBT Trường Chinh khởi xướng Đổi mới, lạm phát đạt kỷ lục gần 800%. Khi ông Đỗ Mười lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, năm 1988, đã thực hiện nhiều giải pháp đã đưa tỷ lệ lạm phát xuống 10% vào năm 1992!
Ông Lê Đức Thúy nói:
“Khi ông Đỗ Mười lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì …  thời gian triển khai đường lối Đổi mới vào cuộc sống chưa nhiều. Chính phủ đang phải xoay sở làm sao cho đủ cơm áo gạo tiền với trăm nghìn công việc ngổn ngang bên trong, bên ngoài. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ông Đỗ Mười trên cương vị đứng đầu Chính phủ và sau đó đứng đầu Đảng, là một trong những lãnh đạo chủ chốt đã tổ chức thực hiện thành công đường lối Đổi mới của Đại hội lần thứ VI; đưa đường lối Đổi mới vào cuộc sống một cách toàn diện bằng hoạt động điều hành của Chính phủ”.
 “Đầu thập niên 1990, Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (1991-2000). Ông Đỗ Mười chủ trì đề án này với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, … ông huy động trí tuệ của nhiều cơ quan, cá nhân, …  đồng ý mời nhóm các giáo sư từ đại học Harvard tham gia ý kiến, lắng nghe các vấn đề về kinh tế thị trường…”
“Cuộc đời tôi vinh dự được giúp việc cố Tổng bí thư Đỗ Mười, có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Trong số đó, tôi ấn tượng với ông không chỉ là người lăn lộn thực tiễn, biết lắng nghe, tập hợp trí tuệ mà trong lúc bận rộn với công việc chỉ đạo, điều hành vẫn luôn dành thời gian tự nghiên cứu. Ông đọc rất nhiều tài liệu cả trong và ngoài nước. Hễ có thời gian rỗi lúc nào là ông tranh thủ đọc…
Có lẽ trong số lãnh đạo mà tôi được biết, ông là người đọc nhiều nhất, học hỏi nhiều nhất và vì vậy ông đã thay đổi được rất nhiều về tư duy. Đặc biệt, ông luôn gắn với thực tiễn và lấy thực tiễn để soi rọi những nguyên lý sách vở, điều chỉnh cho phù hợp.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, không phải ý kiến nào của một nhà lãnh đạo cũng đúng, cũng mới; không phải quyết định thực tiễn của lãnh đạo thì không có mặt hạn chế. Nhưng với tôi, tâm huyết của nhà lãnh đạo Đỗ Mười với đất nước và việc lắng nghe ý kiến của chuyên gia, đồng chí, đồng nghiệp đã giúp ông làm xuất sắc nhiệm vụ của mình và nay ông ra đi thanh thản”.
TP Hồ Chí Minh
3-10-2018
ĐÔNG LA