Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

ĂN TẾT Ở VƯỜN VẢI, NGHE BÀI “TÔI KHÓC MỘT DÒNG SÔNG” CỦA ĐỨC HUY


ĐÔNG LA
ĂN TẾT Ở VƯỜN VẢI,
NGHE BÀI “TÔI KHÓC MỘT DÒNG SÔNG”
CỦA ĐỨC HUY


Xa nhà ai cũng nhớ nhà, ngày Tết ở Việt Nam là ngày gia đình đoàn tụ nên xa nhà trong những ngày Tết người ta càng nhớ nhà nhiều hơn.
Tết này là Tết thứ ba tôi xa nhà. Lần đầu là tít tận từ năm 1974, đón tết 1975 trước Ngày Giải phóng. Khi ấy tôi còn là một chàng lính trẻ chưa đầy 20 tuổi, vào chiến trường, xa nhà là xa nhà của cha mẹ mình, nơi tôi đã lớn lên thuở ấu thơ. Lần thứ hai, Tết năm 1990, tôi đã lấy vợ, có con, ở Leningrat, Liên xô, xa nhà là xa chính nhà mình, xa vợ và hai đứa con nhỏ của mình. Chính ở đây tôi đã làm hai câu thơ “Anh xa em gần nửa vòng Trái Đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa Cầu”. Lần này, khi ở Mỹ về, tôi đã đến thăm cô Hoà, mục đích chính là đến nhờ cô bốc mộ cho mẹ tôi. Cô nhiệt tình giúp nhưng cô bảo tôi phải ở lại chỗ cô hết năm âm lịch, ở lại vì tôi chứ không phải vì cô. Tôi đã chứng kiến gần chục trường hợp người ta không tin và không nhận sự cứu giúp của cô, kết quả đã xảy ra bi thảm như thế nào. Tôi nhớ những lần trước, cả những lần cô mời tôi ra lẫn những lần tôi tự đến để nhờ cô giúp việc tâm linh cho mẹ, khi tôi về, cô đều giữ tôi ở lại thêm nhưng tôi không ở. Có lần cô cáu, nói với mọi người nhưng tôi biết là cô nói với tôi: “Người ta đến, cầu xin ở lại không được, vậy mà bảo ở lại không ở. Từ nay trở đi, “ông” đéo giữ đứa nào ở lại nữa”. Vì tất cả những lý do đó nên lần này tôi quyết tâm ở lại, không chỉ ngày thường mà còn quyết tâm ở lại ăn một cái Tết với cô và đại gia đình Vườn Vải. Nơi đây, đại bản doanh của công ty của cô Vũ Thị Hoà, đang phát triển từng ngày, cây cối sum suê, suối nguồn uốn lượn, đâu đâu cũng tràn ngập đủ loại sắc hoa, đúng y như một cõi Bồng lai Tiên cảnh. Cả cô Hoà, cả anh Thu là chồng cô và tất cả những người ở Vườn Vải đều quý mến tôi, “nhà văn Đông La”, nên đúng là tôi rất sướng, chỉ khổ là phải xa vợ, con và xa cháu ngoại mà thôi!
***
Cơ duyên khéo xếp đặt, buồn buồn lang thang trên mạng, gặp bài hát của Đức Huy có cái tên là lạ: “Khóc một dòng sông”. Nghe những câu đầu: “Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều, nhất là những buổi chiều mưa rơi. Cũng may Cali trời mưa ít không như Sài gòn…”. Đúng là chỉ như những câu kể chuyện thông thường, không chút văn vẻ gì. Tôi cũng đã ở Cali (Mỹ) tổng cộng gần một năm, thấy đúng là mưa rất ít, người ta nói có kỳ mấy năm không một giọt mưa.  Nhớ lại bài hát “Khu nhà cũ”của Trương Quý Hải nếu chỉ có những câu: “Trò chơi bóng đêm, công an bắt gián điệp…” thì làm sao có thể thành bài hát? Hát thì có ai nghe? Vậy mà người nhạc sĩ có tài vẫn có thể kết nối những câu đời thường nhất với những câu chữ lung linh để có thể trở thành một bài hát giàu cảm xúc, có thể như bây giờ người ta hay nói là “chạm đến trái tim người đọc”. Lần đầu nghe câu “Trò chơi bóng đêm, công an bắt gián điệp…”, tôi phì cười, nhưng rồi nghe tiếp đoạn “Anh vô hình, ngụỵ trang, đưa em tan vào đêm”, thấy nó đã biến những từ ngữ đời thường thành ra câu hát đầy ấn tượng, tuyệt vời âm nhạc và cũng tuyệt vời văn chương!
Quay lại với bài hát của Đức Huy, tiếp nối những câu như kể chuyện thông thường, “…Cũng may Cali trời mưa ít không như Sài Gòn”,  Đức Huy viết tiếp:  “…nếu không, tôi đã khóc một dòng sông”. “Tôi đã khóc một dòng sông”, một câu vô nghĩa theo ngôn ngữ thông thường, nhưng chính nó đã biến những ngôn từ bình thường thành một bài hát rưng rưng cảm xúc, rưng rưng tâm trạng, nói lên nỗi lòng của những người con xa xứ, xa quê hương, đất nước. Đức Huy viết tiếp: “Không chi xót xa cho bằng thân phận người xa nhà, sống một mình đơn côi. Cũng may bên này thời gian qua vun vút không như Sài Gòn, nếu không, tôi đã khóc một dòng sông”. Nhưng sao lại khóc một dòng sông? Khóc một dòng sông nghĩa là gì? Nghe tiếp, ta sẽ thấy Đức Huy cho ta biết ý nghĩa của câu làm nên hồn cốt bài hát và được người nhạc sĩ đặt làm đầu đề luôn: “Một dòng sông dài, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ anh nhớ chị”. Như vậy “dòng sông” ở đây chính là nỗi nhớ được ví von, được hình tượng hoá của người nhạc sĩ.
Nghe bài hát này, ta mới hiểu tại sao người nhạc sĩ đã từ bỏ xứ mà nhiều người chống cộng điên cuồng vẫn cho là “thiên đường” để trở lại tổ quốc, và những ngày hôm nay, hạnh phúc bên người vợ trẻ và những đứa con mới chào đời, xem chừng ở tuổi ngoài 70, người nhạc sĩ mới tìm thấy thiên đường đích thực ngay trên quê hương, đất nước của mình.
Vườn Vải Phúc Yên
Sáng 30 Tết 2019 
ĐÔNG LA