ĐÔNG LA
VÕ VĂN KIỆT VÀ HOÀ HỢP DÂN TỘC
Trước khi vào bài chính, tôi có một ý muốn giải thích rất giống bạn “Hùng Trọc”, mà nếu không, bạn đọc rất dễ hiểu sai về tôi và nhất là bọn suy diễn đểu có cớ viết bậy, đó là tôi chỉ phê phán những người có nhận thức sai trái ủng hộ chế độ cũ, luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá đất nước, còn nói chung tôi hoàn toàn không có thái độ phân biệt đối xử đối với những người vì hoàn cảnh nào đó mà phải theo chế độ cũ.
Sau ngày giải phóng, đơn vị tôi đóng quân ở Biên Hoà, bên hông phải chung cư đơn vị tôi ở có một con hẻm mà nhà đầu tiên là nhà chị Bảy Sa.
Tôi đã vào chơi rồi được chị và cả gia đình rất quý mến nên có nhiều kỷ niệm. Tôi lần đầu biết cạo gió thấy đau vô cùng chính là do má chị dùng “dầu gió xanh” cạo cho tôi khi bị sốt. Tôi lần đầu ăn bánh mì do chị mua cho, thấy có cái bột gì đó ngon ngon, chị bảo “pa-tê” đó, và hột vịt lộn tôi ăn lần đầu cũng chính là do chị dẫn đi ăn. Chị hơn tôi 7 tuổi, nghĩa là hồi ấy còn trẻ và chị khá đẹp. Một lần chị rủ tôi đi xem “xi-nê”, thấy chị mặc cái áo vải MUSLIN mỏng dính, trong suốt, nên “trông thấy hết”, đạo đức cách mạng trong tôi nổi lên: “Đề nghị chị thay áo!”. Đặc biệt có chuyện tôi để ý, cha chị là một liệt sĩ, nhưng chị lại lấy một lính người Úc (đã thua chạy) làm trong sân bay Biên Hoà, và người em út là Thắng lại đi lính Ngụỵ. Dù còn rất trẻ tôi đã nhận ngay ra rằng, chuyện ta-địch với đất nước chúng ta chỉ là một tai nạn do những nước lớn gây ra, nếu những người từng là “địch” nếu không thù hận và không tìm cách chống phá thì phía “ta” không nên phân biệt đối xử. Rồi năm 1983, tôi gặp vợ tôi, biết bả có 1 chú ruột là cha tuyên uý, một chú út là đại uý Ngụy, cả hai đều bị tù, dù không thích và biết sẽ có ảnh hưởng nếu tôi có tham vọng thăng quan tiến chức, nhưng rồi tôi coi trọng tình người cao hơn hết nên vẫn làm đám cưới. Thú vị là sau đó, tôi và gia đình vợ đúng là hình mẫu của sự hoà hợp dân tộc, vì chuyện ta-địch hoàn toàn không có một chút dấu vết nào trong quan hệ của gia đình chúng tôi.
Có điều, đối với đất nước, với nhân loại, tôi là một nhà văn, một nhà lý luận phê bình, tôi có sứ mệnh phải lên tiếng phê phán những quan điểm sai trái, phải bảo vệ những chuẩn mực của đạo lý. Vì vậy mà tôi đã quan tâm và viết về tất cả những gì liên quan đến đúng sai, tốt xấu từ lâu. Cũng chính vì vậy mà tôi quan tâm đến chuyện “Ông nghị” Hoàng Duy Hùng “dắt mũi” “anh Tư Sang”.
Tôi rất buồn cười khi ông Trương Tấn Sang trả lời Hoàng Duy Hùng “Thưa ông nghị, ý kiến của ông nghị là hoàn toàn đúng” khi Hoàng Duy Hùng cho “anh Tư và em” có cùng một “mẫu số chung” là “lòng yêu nước”. Điều này thực ra “anh Tư” do bị HDH dắt mũi mà nói vậy, chứ tỉnh táo thì không một ông cựu UVBCT, Chủ tịch nước nào lại công nhận cái điều mà, nếu nó đúng, thì có nghĩa là Bác Hồ với Ngô Đình Diệm; Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn, v.v… với Nguyễn Văn Thiệu đều cùng có một cái “mẫu số chung” là “lòng yêu nước”!
Một bạn trẻ cho rằng “trong thời điểm hiện tại cần những người như ông HDH này để ít nhất là có tiếng nói trong cộng đồng người Việt hải ngoại!” Quả thực nếu không coi cái video “Hùng Trọc” bóc mẽ HDH qua cuộc gặp ông Trương Tấn Sang, tôi đã rất thích thú trước “hiện tượng quay đầu của Hoàng Duy Hùng”. Nhưng khi tôi xem kỹ video Hoàng Duy Hùng “dắt mũi” Trương Tấn Sang và tìm hiểu thêm thì thấy HDH từng được bầu làm nghị viên Thành phố Houston với chương trình tranh cử chống cộng điên cuồng mới kiếm được phiếu bầu của dân Việt di tản ở đó. Vì vậy HDH không phải là một con nai tơ, khi chống cộng cực đoan không được thì buộc phải thay đổi hành động. Hoàng Duy Hùng biết không thể phủ nhận được thực tại vững mạnh và tiến bộ trong nước thì phải công nhận, và HDH “cáo” ở chỗ muốn mình, muốn những người chống cộng như mình cũng được công nhận để được chia phần cái thành quả của đất nước mà họ từng tìm mọi cách để chống phá điên cuồng. Vì vậy HDH thực chất là một hàng binh nhưng lại tham vọng được công nhận như một thượng khách nên đã có những mánh lới rất khôn khéo. HDH đã liên tục đăng video với những nhận xét rất đúng, rất khách quan về thực tại trong nước, có tác dụng rất tốt làm thức tỉnh những người còn mê lầm ở hải ngoại. Nhưng HDH vẫn còn nguyên đó cái bản chất cố hữu, nên có tham vọng tẩy não người trong nước, muốn mọi người đồng nhất mọi chuyện đúng sai, tốt xấu trong quá khứ. Tiếc là một số cựu quan chức, kể cả ở cấp thượng đỉnh, vì muốn là người nhân ái, vị tha đã vô tình tiếp tay cho HDH. Đây là một điều rất nguy hiểm! Bởi nếu vậy thì ta phải viết lại lịch sử, phải thay đổi tất cả chuẩn mực của đạo lý. Xâm lược, làm tay sai, rồi giết người, cướp của sẽ không phải là tội ác. Tôi đã trả lời bạn trẻ nói trên rằng, chuẩn mực về chính nghĩa, phi nghĩa, đúng, sai, tốt, xấu là vĩnh cửu. Ai có nhận thức sai thì phải phân tích, phê phán, ngược lại, nếu xã hội chấp nhận cái sai là giá trị thì cái sai sẽ sinh sôi, phát triển, trở thành lực lượng vững mạnh; khi đó xã hội sẽ lại loạn, đất nước sẽ lại có chiến tranh!
Cái đáng buồn và đáng lo hơn ở chỗ là khuynh hướng lộn ngược các giá trị không chỉ như chuyện “anh Tư” ngây thơ bị đắt mũi nói trên mà còn được coi là kim chỉ nam của nhiều kẻ cơ hội, đón gió, trở cờ ở trong tất cả các lĩnh vực của xã hội VN, từ chính trị tư tưởng cho đến lịch sử, văn chương, văn hoá nghệ thuật. Tôi cho đó là những nguy cơ diệt vong cuộc sống yên bình của đất nước nên đã viết hết cả từ lâu, nhân dịp con covid-19 làm cụt hứng viết sách Amazon của tôi, tôi sẽ lần lượt cho đăng lại.
Hôm nay, tiếp nối “chuyện anh Tư”, tôi cho đăng chuyện ông Võ Văn Kiệt, một bậc tiền bối của “anh Tư Sang”, cũng có những ý kiến gây tranh cãi về “hoà hợp dân tộc”.
7-4-2020
ĐÔNG LA
VÕ VĂN KIỆT VÀ HOÀ HỢP DÂN TỘC
Võ Văn Kiệt không chỉ là một cố Thủ tướng mà còn là một nhà cách mạng, từng sẵn sàng hy sinh thân mình, tham gia cách mạng từ hồi trứng nước, chống ngoại xâm vì nền độc lập của Tổ quốc. Ông đã hy sinh rất lớn lao khi cả vợ và ba con ông đã bị chết vì bom đạn của địch. Sau ngày thống nhất ông cũng có đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ông xứng đáng được nhà nước vinh danh khi một đại lộ tại TPHCM mang tên ông. Ông bằng tuổi cha tôi, tôi cũng học cùng khóa, cùng Trường Đại học Tổng hợp TPHCM với Võ Hiếu Dân, con gái ông. Dân học Sinh, tôi học Hóa, có một năm ăn cùng nhà ăn tại khu Đại học Thủ Đức.
Võ Văn Kiệt có tính quảng giao, cởi mở, không cố chấp với những người thuộc chế độ cũ. Từ rất sớm, ông đã mời họ làm việc, sẵn sàng lắng nghe, sử dụng tri thức và kinh nghiệm của họ.
Thực tế Võ Văn Kiệt là một nhà chiến thuật chứ không phải chiến lược. Ông là người của những việc cụ thể, xuất phát từ thực tiễn chứ không phải là một nhà lý luận. Nhiều câu nói của ông rất được lòng quần chúng khiến ông đúng là một tấm gương của sự hòa hợp dân tộc. Nhưng cũng chính điều này đã bị những kẻ xấu lợi dụng.
Nhân dịp 30 năm ngày đất nước thống nhất, ông đã trả lời báo Quốc Tế (vnexpress ngày 15/4/2005 đăng lại):
“Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Câu “Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” của ông đã thành nổi tiếng nhưng xem chừng không ổn. Về nỗi buồn mất mát thì cả hai phía, hai miền Nam-Bắc đều có, nhà tôi anh ruột tôi cũng hy sinh. Nhưng xếp ngang nhau niềm vui chiến thắng của người giải phóng với nỗi buồn thất bại của những người theo địch rõ ràng là không đúng. Chúng ta có thể tha thứ để hòa hợp nhưng đúng sai thì không thể hòa cả làng. Sẽ phải viết lại lịch sử không đúng với thực tế để chiều theo tình cảm và làm trái đạo lý sao? Biết giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh và cho cả người dân ra sao?
Về lòng yêu nước, ông cũng nói: “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào” (BBC, 14 tháng 6 năm 2008); “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả” (BBC, 11 tháng 6 năm 2008”.
Nói như ông, những người thuộc VNCH cũng hoàn toàn có quyền yêu nước theo kiểu của họ, có quyền đòi lại nước của họ, vậy ông có trả lại cho họ không? Nếu trả thì ông tham gia cách mạng làm chi? Hoặc sau giải phóng, ông nhờ một số chuyên gia chế độ cũ làm cố vấn, theo tinh thần trên, người ta cũng hoàn toàn có thể nói ông chỉ giỏi đánh giặc, không biết làm kinh tế, vậy sứ mệnh của ông xong rồi, ông nên nghỉ, giao quyền lại cho họ làm kinh tế, ông có chịu không?
Vì vậy những kẻ quấy phá có dã tâm dựng Võ Văn Kiệt như một ngọn cờ, luôn cho Võ Văn Kiệt là điển hình của sự đổi mới, đối nghịch với xu hướng giáo điều, bảo thủ trong ban lãnh đạo ĐCSVN là không đúng. Thực tế đúng là cần có một người như Võ Văn Kiệt nhưng tất cả như ông đất nước sẽ loạn!
15-12-2015
ĐÔNG LA