Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

CUỘC ĐỐI THOẠI VỀ “LÒNG YÊU NƯỚC” CỦA ÔNG HOÀNG DUY HÙNG VÀ ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG

ĐÔNG LA
CUỘC ĐỐI THOẠI VỀ “LÒNG YÊU NƯỚC” CỦA ÔNG HOÀNG DUY HÙNG VÀ ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG

Bài trước tôi có nhắc tới cái video mà ông Hoàng Duy Hùng “dắt mũi” ông cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hôm nay tôi viết rõ thêm chuyện này, cũng là để cho những người chống VN xem VN có tự do ngôn luận không? Một nhà văn chân sát đất như tôi có dám phê phán cái sai của một ông cựu chủ tịch nước không? Không chỉ phê phán quan chức đã về hưu mà khi ông TT Nguyễn Tấn Dũng mới nhận chức, tôi cũng đã từng phản biện cuộc đối thoại trực tuyến của ông.
 , sau khi ông Trương Tấn Sang thừa nhận với ông Hoàng Duy Hùng là mình tham gia đấu tranh xuất phát từ lòng yêu nước chứ không phải từ lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, Hoàng Duy Hùng hỏi:
-Thưa anh Tư cái “vấn đề chủ nghĩa” đó em học có lẽ là… 60 chục cái (?-nghe không rõ) về triết, từ triết Các Mác, Chủ nghĩa Cộng sản, rồi đủ thứ hết,  đầy hêt rồi. Nhưng mà tất cả những cái đó như anh Tư Sang nói nó chỉ là cái xuất phát cho những nhận định gì đó rất là mơ hồ chứ thực tế là do chính cái lòng yêu nước của những người sinh viên như thời kỳ anh Tư (Sang) hay sau này là cái thế hệ của em á cũng xuất phát từ lòng yêu nước đó. Vậy thì em nghĩ rằng là chúng ta cùng có một cái chung
một cái mẫu số chung, dầu chúng ta có thể xuất phát từ những chủ nghĩa này hay chủ nghĩa này, nhưng mà thực tế nó chỉ có một cái mẫu số chung thôi, đó là lòng yêu nước, đó là dân tộc Việt Nam. Và chính cái mẫu số chung này là chúng ta có thể xuất phát từ nhiều khía cạnh, nhưng chúng ta có thể hoà hợp trên cái mẫu số chung này. Anh Tư Sang là ông chủ tịch nước của Nước Cộng hoà XHCNVN, anh từng là đảng viên cao cấp của ĐCSVN, nhưng mà anh cùng với em cùng có một cái mẫu số chung đó là lòng yêu nước. Em xuất phát từ con cháu của người VNCH, nhưng em nhìn ra cái lòng yêu nước của anh, và cũng hy vọng anh cũng nhìn ra cái lòng yêu nước của em, để rồi chúng ta cùng hoà hợp với nhau cho mẹ VN. Em cũng hy vọng tất cả những người cộng sản khác sẽ nhìn những người quốc gia khác, họ thấy rằng là có thể xuất phát từ nhiều khía cạnh, góc cạnh của lịch sử, nhưng cũng chỉ vì lòng yêu nước đó. Không biết cái nhận định đó của em có đúng không thưa anh tư Sang?”
Anh Tư Sang:
-Hoàn toàn đúng! Chúng ta gặp nhau trước hết vì lòng yêu nước, trước hết là những con người tốt với nhau, dù rằng chính kiến, tôn giáo, sắc tộc… các chuyện có thể khác nhau do cái gia đình mình sinh ra … Tất cả những người yêu nước sẽ gặp nhau … Những thời kỳ đất nước chìm đắm, thời kỳ nô lệ, các cụ tiền bối trước khi có ĐCS ra đời thì các phong trào Cần vương, Văn thân, … Duy tân, Đông du, Đông kinh, v.v… ý kiến họ rất khác nhau… chắc những con người đó… họ đều gặp nhau ở cái chỗ là xuất phát là người yêu nước… Thưa ông nghị, ý kiến của ông nghị là hoàn toàn đúng
Hoàng Duy Hùng:
-Cám ơn anh Tư” (Hết trích)
Thật vô cùng ngạc nhiên và buồn cười khi một người như “anh Tư Sang”, nguyên Uỷ viên BCT ĐCSVN, nguyên Chủ tịch nước VN,  lại đi đồng nhất lòng yêu nước của những chiến sĩ cách mạng đánh đuổi quân ngoại xâm với “lòng yêu nước” của những người theo chế độ tay sai được dựng lên bởi Pháp, rồi đến Mỹ, những người đã chống lại chính công cuộc giành lại chủ quyền đất nước?! Nếu ngày xưa “anh Tư” cũng có tư tưởng như vậy thì không thể được kết nạp vào Đảng chứ đừng nói gì đến chuyện lên đến tận chức Uỷ viên BCT, Chủ tịch nước!
Tôi có thể khẳng định rằng hiểu “hoà hợp dân tộc” như “anh Tư Sang” là sai! Chính sách “Hoà giải Hoà hợp dân tộc” của nhà nước VN là không phân biệt đối xử, là luôn chào đón những người từng “lầm đường, lạc lối”, biết “quay đầu là bờ” trở về; nhưng phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật VN, chung tay xây dựng đất nước. Hoàn toàn không có chuyện như Hoàng Duy Hùng nghĩ và được “anh Tư”: “Thưa ông nghị, ý kiến của ông nghị là hoàn toàn đúng!”, “Hoà hợp dân tộc” là đồng nhất chính nghĩa với phi nghĩa, đồng nhất mọi chuyện đúng sai, phải trái.  
Vậy thế nào là chính nghĩa, phi nghĩa? Hôm nay tôi đăng lại bài này như là lý lẽ cho cái kết luận “anh Tư Sang” sai ở trên của tôi.
6-4-2020
ĐÔNG LA

BÀN VỀ CHÍNH NGHĨA

      Trong lời mở đầu cuốn Bóng tối của ánh sáng tôi đã viết:
       “Có những cuộc tranh luận không bao giờ đi tới hồi kết. Và còn gay cấn hơn nữa khi người ta còn chia ra chiến tuyến; mà khi đã coi nhau như kẻ địch, mọi lý lẽ tất sẽ vô nghĩa. Nhưng dù ở phe nào nếu là người có lương tri cũng phải thừa nhận: cướp của, giết người phải là xấu; và cao rộng hơn, tự vệ phải là chính nghĩa và xâm lược phải là phi nghĩa, v.v... Đó là những điều hiển nhiên, chỉ có những người phi nhân tính mới hiểu ngược lại. Nhưng thật kỳ lạ, trong thực tế ta vẫn gặp những người như vậy; và còn quái lạ hơn nữa, họ còn “xả thân” vì cái “lý tưởng” phản nhân tính đó, trong khi họ lại không thuộc lớp người vô học mà là trí thức”.
    Chính vì như thế, trong những ngày tháng 4 hôm nay, tôi lại như một người lẩn thẩn, ngồi gõ máy tính bàn về chuyện “chính nghĩa”, cái bài học luân lý vỡ lòng, tưởng đến một đứa trẻ con mới biết đọc chữ cũng hiểu được này.
       ***
    Cuộc chiến giữa Việt Nam với Pháp rồi với Mỹ mà chiến thắng thuộc về Việt Nam, làm chấn động thế giới, từng phải đổi bằng núi xương sông máu, nguyên nhân khởi đầu có lẽ phải tính từ ngày 8 tháng 2 năm 1762, ngày sinh của Nguyễn Ánh, người mà để chống lại Nguyễn Huệ giành quyền lực, đã “cõng rắn cắn gà nhà”, qua một mối cơ duyên với Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), một Giám mục người Pháp. Năm 1777, Nguyễn Ánh trốn thoát khỏi Nguyễn Huệ chạy ra đảo Thổ Chu và đã gặp Bá Đa Lộc ở đó. Sau đó chính ông giám mục này đã “xui” Nguyễn Ánh cầu viện Pháp. Nguyễn Ánh đã sẵn sàng giao ấn tín và con mình làm con tin, nhờ Bá Đa Lộc làm  Đặc sứ yết kiến Vua Pháp Louis XVI, ký Hiệp ước Versailles, xin nhường đảo Côn Lôn và cho Pháp độc quyền sử dụng cảng Đà Nẵng để đổi lấy sự viện trợ về quân sự.
     Nhưng rồi Nguyễn Huệ, vị vua Quang Trung bách chiến bách thắng, từng khiến xác quân Xiêm mà Nguyễn Ánh cầu viện chất nghẹt cả dòng sông Tiền trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, rồi xác quân xâm lược nhà Thanh chất cao như núi ở Đống Đa, lại phải chịu thua số mệnh, đã bị chết bất đắc kỳ tử khi chuẩn bị Nam tiến chinh phạt Nguyễn Ánh.  Nước Pháp đã không phải tốn “một xu” nào trong việc Nguyễn Ánh giành được quyền lực, nhưng cái Hiệp ước Versailles định mệnh kia vẫn là cái cớ cho Pháp thực hiện dã tâm xâm lược VN. Giữa thế kỷ 19, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế đã thúc đẩy Pháp mở chiến tranh giành giật thuộc địa và Việt Nam đã trở thành nạn nhân. Một ủy ban có tên là Commission de la Cochinchine đã được vua Napoléon III chấp thuận, và 1858, đã chọn Đà Nẵng làm điểm khởi đầu trong kế hoạch đánh chiếm Việt Nam.
     Thế rồi hơn một thế kỷ rưỡi sau đó, máu đã không ngừng đổ trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta, gây ra bao nhiêu tang tóc, và oái oăm nhất là đến tận bây giờ thù hận vẫn còn ngút trời, không phải giữa người Việt với quân xâm lược mà lại là giữa người Việt với nhau, nhất là ở một bộ phận nhỏ những người Việt Hải ngoại, bởi sự cố chấp và cái nhìn phi lịch sử.
      Rõ ràng khi Pháp xâm lược, những cuộc kháng chiến của quân dân nhà Nguyễn đã nổ ra và đều bị thất bại, đến khi Vua Hàm Nghi, rồi Vua Duy Tân bị Pháp bắt đi đầy, tên Việt Nam đã bị xoá khi Liên bang Đông Dương được thành lập, thì dân ta đã hoàn toàn mất nước. Vậy thì bao nhiêu vua quan bù nhìn mà Pháp dựng lên sau đó để thực hiện sự đô hộ, rồi đến lượt Mỹ thế chân Pháp lập nên chính thể VNCH, làm sao có được sự chính danh; rồi những đội quân tay sai được hình thành trong những thể chế đó để chống lại công cuộc giành độc lập của chính đồng bào mình, sao có thể là chính nghĩa?
      Chính vì không có chính danh và chính nghĩa như vậy, dù có làm tay sai cho hai cường quốc có tiềm lực kinh tế giầu nhất, với sự tham chiến trực tiếp của quân Pháp, rồi nửa triệu quân Mỹ và chư hầu, cuối cùng Pháp, Mỹ và VNCH vẫn phải thất bại trước hai cuộc kháng chiến giành độc lập của dân ta.
    Giờ đây để biện hộ cho việc làm tay sai cho sự xâm lược, người ta vẫn cố tình biến cuộc chiến giành độc lập của dân ta thành cuộc chiến ý thức hệ, đồng nhất quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Liên Xô và Trung Quốc giống như quan hệ của Quốc gia Việt Nam với Pháp và VNCH với Mỹ.
      Khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh  nước Việt Nam mới, Pháp quay lại, chính quân đội của nhà nước mới ấy đã với cách đánh du kích, cướp súng của địch đánh địch. Rồi chính ông KS Trần Đại Nghĩa đã chế tạo được súng badôca, bắn cháy được xe tăng; rồi ông KS Nguyễn Trinh Tiếp sáng chế ra SKZ, có thể bắn phá tan tành các lô cốt địch có tường bê tông cốt thép dày gần 1 mét, làm kinh hồn bạt vía quân Pháp. Từ vị thế của một nhà nước chống thực dân đó chúng ta mới nhận được viện trợ của các nước ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa giành lại chủ quyền đất nước.
      Còn VNCH không phải được ra đời từ những người VN mà đã xuất phát từ chuyện Pháp quay lại, sau khi phát xít Nhật thua quân Đồng minh, dựng lên. Ngày 8 tháng 3 năm 1949Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại, vị vua mà ngày 25 tháng 8 năm 1945, đã đọc bản Tuyên ngôn Thoái vị trước cửa Ngọ Môn. Như vậy thực chất Bảo Đại hoàn toàn không còn vai trò gì với VN, mà chỉ có vai trò trong sự kiện trên giúp Pháp xây dựng một chính quyền bù nhìn để làm đối trọng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng rồi Pháp đã thua tại Điện Biên Phủ, Mỹ thế chân Pháp ngăn cản không cho VN thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ngô Đình Diệm đã xuất hiện để làm công cụ cho Mỹ thực hiện ý đồ. Theo GS Trần Chung Ngọc:
    “Đã viết về “Cụ Hồ” mà lại không viết về “Cụ Diệm” thì quả là một điều thiếu sót, vì dù sao ông Diệm cũng đã là Tổng Thống của miền Nam trong 9 năm.  Nhưng bài này tuyệt đối không phải để đối chiếu so sánh “Cụ Diệm” với “Cụ Hồ” vì không ai có đôi chút hiểu biết lại đi làm công việc vô trí này.  Tại sao?  Vì một đằng suốt đời sống gian khổ, tổ chức, tập họp những người yêu nước chống Pháp, mong giành lại độc lập và thống nhất cho đất nước [Cụ Hồ], một đằng làm quan cho Pháp, bắt người yêu nước chống Pháp tra khảo, rồi nằm yên vị trong các Trường Dòng Công Giáo ở Mỹ, Bỉ trong khi nước nhà sôi bỏng vì chiến tranh, kháng chiến chống Pháp trở lại Đông Dương, rồi phút cuối trở về làm “chí sĩ cứu tinh dân tộc” [Cụ Diệm]. 
     Không ai có thể phủ nhận là chính cựu Hoàng Bảo Đại đã bổ nhiệm ông Diệm về làm Thủ Tướng.  Nhưng những chi tiết từ đâu mà cựu Hoàng Bảo Đại bổ nhiệm ông Diệm thay vì không phải ai khác thì rất ít được viết đến.   Có chăng chỉ là sơ sài như ông Diệm được Hồng Y Spellman ủng hộ”; “Sau Điện Biên Phủ, Eisenhower muốn ủng hộ một chính phủ mở rộng hơn là chính phủ của ông Vua, người không được quần chúng ủng hộ mấy vì đã từ lâu bị coi như là một bù nhìn của Pháp và Mỹ.  Do đó Mỹ muốn có một người Quốc Gia ở địa vị cao ở Nam Việt Nam để làm giảm sự hấp dẫn của Hồ Chí Minh.  Kết quả là Bảo Đại đã cho Diệm một chức vụ mà Diệm vẫn muốn – Thủ Tướng.  [Về chuyện này Bernard Fall viết trong The Two Viet-Nams, trang 244:  “Ý thức được rằng mình đang ném ngai vàng đi, Bảo Đại bắt Diệm phải thề trung thành với ông, và nhiều nhân chứng có thẩm quyền quả quyết là Diệm cũng còn quỳ xuống trước Hoàng Hậu Nam Phương là sẽ làm hết sức trong phạm vi quyền lực của mình để “giữ ngai vàng cho Hoàng Tử Bảo Long, con của Bảo Đại” (Fully realizing that he was throwing his throne away, Bao Dai allegedly made Diem swear a solemn oath of allegiance to him, and several authorative witnesses affirm that Diem also swore on his knees to Empress Nam-Phuong that he would do everything in his power “to preserve the throne of Viet-Nam for Crown Prince Bao-Long”, son of Bao Dai.) Nhưng chúng ta đã biết, chỉ hơn 1 năm sau, Diệm đã dùng tiền của CIA để tổ chức cuộc Trưng Cầu Dân Ý gian lận để phế bỏ Bảo Đại và lên làm Tổng Thống.  Về vụ này Bernard Fall cũng viết, trang 257: “Trong hầu hết các nơi bỏ phiếu, có nhiều ngàn phiếu nhiều hơn là số cử tri đã bỏ cho Diệm. Thí dụ, Ở vùng Saigon - Chợ Lớn, đếm được 605,205 phiếu trên số 450,000 cử tri ghi danh”. (In nearly all electoral areas, there were thousands more “Yes” votes than voters.  In the Saigon-Cholon area, for example, 605,025 votes were cast by 450,000 registered voters)].
     Tới đây thì chuyện chính nghĩa mới cả phi nghĩa đã quá rõ, không còn gì phải nói nữa. Nhưng bộ phận cái dân Việt mình đã sai lại sĩ diện nên thù dai, họ cho dân ta đã thắng trong chiến tranh nhưng lại bị thất bại khi bị đô hộ bởi Chủ nghĩa Cộng sản. Những lời nói như vậy thực sự chỉ là tiếng kêu của con vẹt, vô nghĩa lý, bởi họ chẳng hiểu Chủ nghĩa Cộng sản mà người dân Việt đi theo là cái gì. Dân ta chỉ đi theo cái Chủ nghĩa Cộng sản tốt đẹp, cũng như bản thân tôi đã ca ngợi cái chủ nghĩa đó trong bài Các Mác – một tình yêu bao la, đó chính là cái chủ nghĩa kêu gọi đấu tranh xóa bỏ sự bất công và nô dịch, để tiến tới một xã hội mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện để phát triển sự tự do của mỗi người” (Tuyên ngôn ĐCS). Tuy nhiên, từ lý thuyết biến thành thực tế là cả một quá trình và không tránh khỏi nhiều sai lầm, và chúng ta cũng phải thừa nhận là còn lâu lắm mới có thể có một xã hội có những đặc tính của Chủ nghĩa Cộng sản. Trong thực tiễn cũng có những sự nhân danh sai trái, có chủ nghĩa cá nhân độc tài, có chủ nghĩa phong kiến bạo chúa, có chủ nghĩa diệt chủng… đều khoác áo Chủ nghĩa Cộng sản. Còn ở nước ta, dù cũng có sai lầm trong Cải cách ruộng đất và những ấu trĩ trong những bước đầu xây dựng đất nước sau những năm tháng dài chiến tranh, nhưng với việc đi theo “lý tưởng cộng sản” mà từ năm 1945 với 2 triệu người chết đói, không có vị thế gì trên trường quốc tế, Việt Nam đã trở thành một nước mà dù còn nhiều yếu kém, vẫn có thể hiên ngang sánh vai với tất cả các nước trên thế giới, kể cả Pháp và Mỹ. Tôi thấy nước Mỹ thật kỳ lạ, một nước luôn ở trên tuyến đầu chống Chủ nghĩa Cộng sản nhưng lại là xứ sở ra đời bản Tuyên ngôn giải phóng nô lệ bởi Tổng thống Abraham Lincoln, ngày 22 tháng 9 năm 1862, y như việc hiện thực hóa một phần nào đó tinh thần của bản Tuyên ngôn đảng Cộng sản của Mác, ra đời trước đó 14 năm, 21 tháng 2 năm 1848. Và những ngày hôm nay, cũng chính nước Mỹ đã xuất hiện những dấu hiệu của CNCS, đã xuất hiện tầng lớp “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, và những ông tỷ phú như Bill Gates và Warren Buffett đã sử dụng tiền của cá nhân mình vào những mục đích công cộng trên toàn thế giới.
      Vì thế, tôi thấy những người chống Cộng thực ra họ chống cái mà do sự thiếu hiểu biết họ đã tưởng tượng, do cuộc chiến tranh lạnh đã vẽ ra trong đầu óc họ.
     Người ta hay mang chuyện Cải cách Ruộng đất ra để tố cáo tội ác và tính phi luân của Chế độ Cộng sản ở nước ta, trong khi những nhà lãnh đạo đã tích cực sửa sai, đã cách chức đến cả tổng bí thư. Ngược lại, những người này lại lờ đi chuyện Ngô Đình Diệm đã đàn áp và thủ tiêu các giáo phái và đưa ra luật 10/59 lê máy chém khắp nơi để diệt cộng; nhà tù đã mọc lên nhiều hơn trường học, với những cái tên khét tiếng như nhà ngục Chín hầm ở Huế, nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc v.v… Những hành động tàn sát chính đồng bào mình đó không chỉ là hành động nhất thời mà còn được coi là quốc sách. Mức độ tàn ác quá lớn làm mất lòng dân chúng đến độ đã làm phật ý cả Mỹ, để rồi Diệm đã phải chịu quả báo nhãn tiền, bị giết bởi chính thuộc cấp của mình, với sự bật đèn xanh của CIA. Ấy vậy mà đến tận giờ vẫn không ít người tôn thờ Ngô Đình Diệm và tính chính nghĩa của “Nền Đệ nhất Cộng hòa”. Hãy xem đoạn văn dưới đây gởi những quan thầy Pháp của Ngô Đình Thục, anh ruột Ngô Đình Diệm, người đã dựa vào thế lực công giáo, giúp em mình đoạt quyền từ Bảo Đại, để xem rõ hơn cái tính “chính nghĩa” đó:
     "...Với tư cách là người con của một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến An-nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi (Ngô Đình Khả) cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ-an và Hà-tịnh.
      Có thể tôi lầm, tuy nhiên, thưa Đô Đốc, tôi xin thú thực là không tin – cho đến khi được chứng minh ngược lại – rằng các em tôi đã phản lại truyền thống của gia đình chúng tôi đến như thế, một gia đình đã tự mình gắn liền với nước Pháp từ lúc ban đầu, trong khi ông cha của những quan lại bây giờ hầu hết đều chống lại Pháp...."
      Như vậy theo logic, “Đệ nhất Cộng hòa” đã không chính nghĩa thì “Đệ nhị Cộng hòa” sao chính nghĩa?
       Hãy xem ông Tổng thống nền “Đệ nhị cộng hòa” Thiệu trong giờ phút cuối cùng tại vị, ngày 21 tháng Tư năm 1975 trong Dinh Độc Lập, nói trong Diễn văn từ chức, theo Pierre Darcourt trong VIETNAM, QU’AS TU FAIT DE TES FILS?, dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa:  
    “… Liên quan đến thảm trạng quân sự … ông Thiệu chỉ rõ: chính Hoa Kỳ là kẻ phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề nầy:
      - Tôi đã nói với người Mỹ là: “các ông muốn tôi làm những gì mà quân đội của các ông với 300 tỷ Mỹ kim, đã không làm được trong sáu năm”.
      - Tôi đã nói với họ là: “Các ông muốn rút ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong danh dự và bây giờ các ông đòi hỏi chúng tôi phải làm những chuyện vô lý và không thể làm được. Điều hành một cuộc chiến với viện trợ quân sự bị cắt xén thì có khác nào mấy ông trao cho tôi 3 Mỹ kim mỗi ngày mà bảo chúng tôi phải sống như một du khách hạng sang”.     
     Một lãnh tụ của một quốc gia sao lại nói “chính Hoa Kỳ là kẻ phải chịu trách nhiệm” về công việc của nước mình, phải chăng ông thú nhận chính Mỹ mới là chủ nước mình, còn ông chỉ là kẻ đánh thuê?
       Trong: Nguyễn Văn Thiệu wiki , với lòng hận thù ngút trời, ông ta từng nói: “Đối với Cộng sản Việt Nam không có hội đàm/ thương thảo, mà chỉ có đem bom ném lên đầu chúng nó!”, nhưng ông  ta lại: “Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống cộng”; rồi “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!”.
     Thật tức cười khi một ông tổng thống lại chiến đấu chỉ vì tiền viện trợ? Tướng Cao Văn Viên, trong một cuộc phỏng vấn lúc cuối đời, đã có một số nhận xét về Nguyễn Văn Thiệu cũng như so sánh giữa Nguyễn Văn Thiệu và Ngô Đình Diệm:
      "Mỗi người độc tài theo cách riêng. Tổng thống Diệm cai trị nước như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống cộng, tự ban cho mình 'thiên mạng' cứu nước… Còn ông Thiệu thì theo đường lối 'độc tài trong dân chủ'… Bàn tay sắt trong đôi găng nhung”.
     Henry Kissinger trong hồi ký của mình đã cho rằng, Nguyễn Văn Thiệu đã điều hành quốc sự theo một kiểu "tàn bạo", "xấc láo", "ích kỷ, độc ác" với những "thủ đoạn gần như điên cuồng". Ông ta cũng tiết lộ rằng, khi nói về việc Nguyễn Văn Thiệu ngăn cản Mỹ ký hiệp định Paris, Tổng thống Nixon đã giận dữ thốt lên: "Ông sẽ hiểu thế nào là sự tàn bạo nếu tên đểu giả đó không chịu chấp thuận. Ông hãy tin lời tôi"!

       Như vậy là quá rõ. Cái chuyện chính nghĩa với cả phi nghĩa nên xếp lại, cái cần nhất là nhìn đúng thực trạng hiện tại của đất nước, đưa ra những giải pháp phù hợp, để thúc đẩy sự phát triển. Chứ còn mãi ôm hận, muốn làm cách mạng thay đổi chế độ thì thật là ảo tưởng viển vông, bởi với hơn nửa triệu quân Mỹ cùng với núi tiền của đổ vào còn không làm được gì, thì thử hỏi các vị chống chế độ bây giờ làm được gì? Đến như ông Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, người chống cộng khét tiếng nhất, người lính Ngụy cuối cùng rút chạy khỏi SG sau những cố gắng phản công tuyệt vọng, từng phải thốt lên: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê”; rồi: “Việt Cộng gọi chúng tôi là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ. Nhưng rồi chính nhân dân Mỹ cũng gọi chúng tôi là những con bù nhìn của người Mỹ, chứ không phải là lãnh tụ chân chính của nhân dân Việt Nam”. Và rồi chính ông là quan chức VNCH đầu tiên đã phải thừa nhận những thành quả đã đạt được ở trong nước và thấy, những người Việt hải ngoại cần phải xóa bỏ hận thù, cùng nhau dựng xây đất nước. Vậy mà đến nay, sau gần 40 năm hòa bình, trong nước hoàn toàn chẳng còn quan tâm đến cái chuyện “Mỹ” với chả “Ngụy”, vậy mà vô mấy trang chống cộng, tôi thật e ngại khi thấy mối thù hận vẫn còn cao chất ngất, và có lẽ không bao giờ hóa giải được, bởi không phải do vô học mà sự lầm lạc đó lại được xác tín một cách rất trí thức. Đó chính là cái nghịch lý vẫn thường có trong cuộc đời này, nó chính là sự ngu dốt của những kẻ trí thức. Vì là trí thức nên họ có lý lẽ, nhưng tri thức của họ lại chưa đủ, cộng với sự thành kiến làm méo mó cách nhìn, nên họ sẽ mãi mãi lầm đường lạc lối!
  
               Trong một bài nhớ về ngày 30-4, tôi đã viết:
      “Nhìn cảnh máu lửa trên ti vi, người Việt giết người Việt mình, tôi thấy cuộc sống loài người sao có những điều vô lý thế, và nhận thấy chính lòng tham của những kẻ mạnh là cội nguồn sâu xa nhất. Chúng ta đã trở thành nạn nhân của cái lòng tham của những nước lớn, rồi dẫn đến chuyện chúng ta lại trở thành nạn nhân của chính chúng ta bởi những cố chấp, những thù hận; bởi sự nô lệ cho những ý thức phản tiến bộ và phản nhân văn.
       Nếu nước Mỹ hiểu lịch sử Việt Nam và hành động theo chính nghĩa, không hoang tưởng ra cái học thuyết domino sai lầm, sẽ không có cuộc chiến Việt - Mỹ cay đắng, làm đến 3 triệu người Việt Nam và gần 60000 người Mỹ thiệt mạng, và lòng người đến nay vẫn còn ly tán. Và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng không phải "thú nhận" với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết rằng: “Sáu mươi năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Roosevelt đã muốn hai nước Việt - Mỹ thật sự là bạn. Quá trình này đã có những bước gập ghềnh. Tuy nhiên, tôi vô cùng hạnh phúc chứng kiến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà đáng lẽ phải có từ cách đây 60 năm”.
       TPHCM
      27-4-2012
     ĐÔNG LA