Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

LỊCH SỬ THÀNH VĂN- NGÀY TOÀN THẮNG KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI 30-4-1975

 ĐÔNG LA

LỊCH SỬ THÀNH VĂN

NGÀY TOÀN THẮNG KẾT THÚC

CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI 30-4-1975

Hôm nay là ngày 30-4-2022, tức đã 47 năm trôi qua từ ngày Giải Phóng, Thống Nhất đất nước 30-4-1975, ngày tôi là một chiến sĩ, cũng có mặt trong cánh quân hướng Đông Bắc của Quân đoàn 4, tiến công từ phía Long Khánh-Biên Hoà. Tôi đăng lại bài Lịch sử thành văn mà tôi đã viết sau khi tìm hiểu rất nhiều tài liệu để tìm hiểu những mâu thuẫn, phản bác những ý kiến sai trái, mà quan trọng nhất là dựa vào ý kiến những người trong cuộc, ba mặt một lời, trong cuộc Hội thảo do Viện Lịch sử Quân sự VN tổ chức ngày 19/10/2005. Nhưng phải “trọng chứng hơn trọng cung”, phải đối chiếu với nhân chứng, vật chứng, những tấm ảnh, những thước phim, những trang viết để nhận diện sự thật, vì ngay những nhân chứng và những người trong cuộc, nhân vật lịch sử, cũng nhớ sai, và buồn hơn là có những người cố tình nói sai.
Đến hôm nay thì tôi có thể tự tin biết chính xác những chuyện chủ yếu xảy ra trong ngày lịch sử 30-4-1975. Riêng chuyện ở Đài Phát thanh SG và hai văn bản gốc do ông Bùi Tùng viết ở Đài Phát thanh SG thì mới có chứng mới là lời kể của CCB Nguyễn Văn Phúc từng là chiến sĩ liên lạc của ông Bùi Tùng. Để khách quan, nghe cả hai phía, phía bộ binh và lính tăng, và phải dựa vào chứng cớ, tôi đã sửa lại một chút. Tôi đã hiểu rõ hơn những điều còn tranh cãi, và tin là hai tấm hình chụp mà phía ông BT đưa lên đúng là ảnh chụp hai văn bản gốc. Chỉ duy nhất còn lại điều tôi băn khoăn là tại sao cán bộ ở Bảo tàng QĐ2 sao phải giấu hai bản gốc đi, và tại sao ông Bùi Tùng lại phải nghe băng phục dựng? Có điều, dù vậy thì kết luận của Viện Lịch sử Quân sự là rất đúng với bản chất sự thật, nhưng để thành văn bản lịch sử, tất phải có tinh chế, mài giũa những thô nháp của đời sống. Tôi sẽ viết một bài bàn về lời chứng của CCB từng là chiến sĩ liên lạc của ông BT sau, còn bây giờ xin giới thiệu lại một bài viết rất kỳ công của tôi.
30-4-2022
ĐÔNG LA
LỊCH SỬ THÀNH VĂN
NGÀY TOÀN THẮNG KẾT THÚC
CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI 30-4-1975
Phần 1
TRẬN ĐÁNH ÁC LIỆT TRƯỚC CỬA NGÕ SÀI GÒN
Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, ngày 21 tháng 4, "cánh cửa thép" Xuân Lộc đã bị mở toang, Quân Giải phóng đã có mặt trước cửa ngõ Sài Gòn. Thất bại này đã dẫn đến sự từ chức của Nguyễn Văn Thiệu, cũng vào ngày 21 tháng 4 năm 1975, sau 10 năm làm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Ông ta đã xuất hiện trên truyền hình trách móc Mỹ cắt giảm viện trợ đồng thời cũng chính là những lời tự thú mình là tổng thống của một chính quyền tay sai tồn tại bằng viện trợ, tồn tại vì viện trợ: “…các ông đưa tôi chỉ có 3 đôla mà thúc giục chúng tôi đi bằng máy bay, ghế hạng nhất, mướn phòng 300 đôla một ngày ở khách sạn, ăn ba hay bốn miếng bít-tết và uống bảy tám ly rượu Tây một bữa. Đấy là điều kỳ quặc không bao giờ làm được”. Ở lúc khác ông ta cũng nói: “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!” Và rồi, trong lời tuyên bố từ chức dài đến 3 tiếng đồng hồ ấy, ông ta kết luận: “Hoa Kỳ là một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo”. Thực tế, Nguyễn Văn Thiệu đã cố tình không hiểu, bởi Mỹ bỏ rơi VNCH không phải Mỹ vô nhân đạo mà vì chính Mỹ đã thất bại!
Năm 1990, Nguyễn Văn Thiệu gặp lại chiến hữu tị nạn tại Orange County, California, ông ta thú nhận thân phận nô lệ của chính quyền VNCH khi nói về “nguyên nhân mất nước”: “Bởi vì mình chịu cái sự nô lệ về viện trợ”. Viên thiếu tá biệt kích dù từng chất vấn Tổng thống Dương Văn Minh sáng 30-4-1975 tại Dinh Độc lập: “Tại sao đầu hàng?” đã chất vấn Nguyễn Văn Thiệu như một bị can: “Đào ngũ trong thời chiến phải được đem ra xử bắn hay không? Vì trong ngày tôi chiến đấu cuối cùng tại SG tôi không thấy mặt tổng thống?”
***
Năm ngày sau khi TT Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu diễn ra từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 với 5 cánh quân, tiến đánh Sài Gòn mà đích cuối cùng là Dinh Độc lập, đầu não chế độ VNCH. Quân đoàn1 đánh hướng Bắc, Quân đoàn 3 hướng Tây Bắc, Quân đoàn 4 hướng Đông Bắc; Binh đoàn Cửu Long (Đoàn 232) hướng Tây Nam, và Quân đoàn 2 hướng Đông Nam.
Kết quả, Quân đoàn 2 là đơn vị đầu tiên đã chiếm được Dinh Độc lập, treo cờ trên nóc Dinh, bắt sống Nội các Dương Văn Minh và buộc TT DVM tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát thanh.
Quân đoàn 2 có Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Linh, chính ủy. Nguyễn Hữu An từng là người trực tiếp chỉ huy trận đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lần này, Quân đoàn 2 của ông được giao nhiệm vụ tiến công với chiều sâu nhiệm vụ khoảng 70 km, trên một diện rộng 86 km từ Căn cứ Nước Trong, Chi khu Long Bình, Tổng kho Long Bình, Chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, đến Cảng và Bến phà Cát Lái, hợp điểm cùng các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập.
17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, cuộc tiến công của quân ta trên hướng Đông và Đông Nam Sài Gòn bắt đầu. Lực lượng pháo binh của Quân đoàn 2 và các đơn vị bạn đồng loạt trút bão lửa vào các mục tiêu quan trọng. Các chiến sĩ Quân đoàn 2 bắt đầu nổ súng lần lượt đánh chiếm Căn cứ Nước Trong; Khu vực Long Thành; Quận lỵ Nhơn Trạch, áp sát vùng nội đô.
Chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975, theo lệnh của bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Trung dẫn đầu Phi đội Quyết thắng do Trung uý Nguyễn văn Lục chỉ huy, gồm 3 chiếc A-37, cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) thẳng hướng Sài Gòn, ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, làm rung chuyển Sài Gòn, khiến ngụy quân, ngụy quyền hoảng loạn, làm đảo lộn cả kế hoạch di tản bằng máy bay của người Mỹ. Trước đó, ngày 8 tháng 4 năm 1975, lúc 8 giờ 30 phút sáng, Nguyễn Thành Trung khi còn là Trung úy Không lực VNCH, nhận được lệnh xuất kích từ sân bay Biên Hòa, lái máy bay F5-E ném bom dinh Độc Lập, làm kinh hồn, bạt vía đầu não Chế độ VNCH.
Sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, Tư lệnh Quân đoàn cho các trận địa pháo 130mm ở Nhơn Trạch bắn vào Sân bay Tân Sơn Nhất, mở đầu cuộc tổng công kích.
Cũng ngày 29/4/1975, Quân đoàn 2 tổ chức Binh đoàn Thọc sâu, gồm Trung đoàn 66 bộ binh, thuộc Sư 304; Lữ đoàn Thiết giáp 203, và một số đơn vị khác. Chiều 29/4/1975, Binh đoàn Thọc sâu bắt đầu xuất phát từ căn cứ Nước Trong, vượt qua cầu Sông Buông, đánh chiếm Căn cứ Long Bình, cầu Xa lộ (Đồng Nai).
Trước đó vài ngày, trận đánh Cầu Rạch Chiếc, giữ cầu, thông tuyến trên trục lộ chính của hướng tấn công của quân ta đã được thực hiện bởi Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động. Lữ đoàn do Đ/c Nguyễn Thanh Tùng làm Lữ đoàn trưởng; Đ/c Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang, nguyên Chỉ huy cụm điệp báo H63) làm Chính ủy. Trận đánh đã diễn ra vô cùng ác liệt, quân ta do nổ súng bất ngờ, rạng sáng ngày 28-4 đã nhanh chóng chiếm được cầu, nhưng quân địch đông gấp 10 lần và hỏa lực cực mạnh với nhiều máy bay, xe tăng, pháo, tàu chiến, nên trưa 28.4.1975, quân ta phải rút quân. Có những chiến sĩ đã tình nguyện chặn hậu, đánh địch đến viên đạn cuối cùng và bị địch bắt sống, tra tấn vô cùng dã man.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu, nguyên chính uỷ Lữ đoàn, bồi hồi nhớ lại:
“Trong trận đánh quyết tử này, tổng cộng 52 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Có những đồng chí chấp nhận hy sinh để anh em được bảo toàn lực lượng, như đồng chí Nguyễn Văn Thất (người Thanh Hóa) ở lại đầu cầu chặn đường truy đuổi của địch, một mình đánh đến khi hết đạn, lính VNCH bắt được và chặt anh làm đôi ném xác xuống bãi cỏ. Chiến sĩ liên lạc Võ Văn Tần, dù bị gãy chân vẫn dùng lựu đạn quyết tử, diệt 5 tên. Khi bị bắt, bị tra tấn dã man, đồng chí vẫn không khai một lời”.
Ông Nguyễn Đức Thọ, chiến sĩ thuộc Z23, người bắn quả đạn đầu tiên diệt tháp canh, kể:
"Đồng chí Minh cùng quê Quảng Xương với tôi, bị chúng dùng báng súng quật nát mặt rồi mổ bụng moi gan!"
Ngày 29.4.1975, các chiến sĩ đặc công được lệnh tấn công chiếm lại cầu Rạch Chiếc và giữ được nguyên vẹn cầu để khoảng gần 9 giờ, mũi thọc sâu của QĐ2 đã tiến đến, các xe tăng đã phối thuộc với các chiến sĩ E66 tiếp tục tiến công, tiêu diệt những tên địch vẫn chống cự quyết liệt, rồi vượt qua cầu, tiếp tục hành tiến, thần tốc tiến vào cửa ngõ thành phố, tiếp tục mở cánh cửa máu, tiến vào trung tâm, giải phóng Sài Gòn!
Vào lúc Căn cứ Cát Lái, điểm cố thủ cuối cùng của địch ở phía Đông – Nam Sài Gòn, bị đập vỡ tan tành, Binh đoàn Thọc sâu đã tràn qua Quận Thủ Đức.
Khoảng 9 giờ sáng 30/4/1975, phân đội đi đầu của lực lượng thọc sâu là Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203 do Nguyễn Tất Tài, Lữ đoàn trưởng, và Bùi Văn Tùng là chính uỷ, cùng các đơn vị hiệp đồng đã tiến sát cầu Sài Gòn, bắt đầu mở cánh cửa máu, đánh vào Dinh Độc Lập.
Quân địch trên cầu và khu vực lân cận vẫn còn nhiều. Chúng dùng những thùng phuy chứa đầy đất cát làm nơi ẩn nấp, đồng thời làm chướng ngại vật, và dùng hỏa lực của tám chiếc xe M.113, bốn xe M.41, sáu chiếc tàu chiến đậu ở Tân Cảng, và cả máy bay, kết hợp với bộ binh chống cự quân ta quyết liệt. Ngay từ những phút đầu, hai chiếc xe tăng của ta thuộc C1 đã bị bắn cháy. Thấy đội hình phân đội xe tăng đi đầu bị dồn lại, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 xe tăng Ngô Văn Nhỡ cho lái xe vọt lên để xử lý. Bất chấp hỏa lực địch nã vào tới tấp, Ngô Văn Nhỡ vẫn bình tĩnh mở nắp xe, đứng lên chỉ huy bộ đội chiến đấu, và anh đã anh dũng hy sinh cùng với một số cán bộ, chiến sĩ xe tăng, công binh khác.
Đại tá Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, trực tiếp chỉ huy, ông lập tức lệnh cho Trung đoàn 66 tiến lên đầu cầu, chế áp hỏa lực địch. Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ lệnh cho Trung úy Hoàng Quốc Trị, Đại đội trưởng đại đội 15 ĐKZ, bắn thẳng vào 6 cụm chốt của địch. Trần Minh Công, Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn thiết giáp 203, đi cùng Phó Tư lệnh Hoàng Đan, lên chỉ huy đánh chiếm cầu. Đại trưởng 4 xe tăng, Bùi Quang Thận lệnh cho các xe bắn vào xe tăng địch. Địch vẫn điên cuồng chống trả, C1 bị cháy thêm hai chiếc xe tăng nữa. Cuối cùng quân ta, với sức mạnh hiệp đồng binh chủng, pháo tăng và ĐKZ đã bắn cháy 4 chiếc xe M113, hai chiếc xe M41, và 4 khẩu pháo 85 nòng dài của Trung đoàn 68 cũng hạ nòng bắn thẳng, tiêu diệt 2 tàu chiến địch ở phía hạ lưu Sông SG; hơn 100 tên địch còn lại trên mặt cầu đã kinh hoàng bỏ vũ khí tháo chạy. Vậy là khoảng 9h30, cánh cửa vào SG đã được mở toang, cái cánh cửa vô hình nhưng phải mở bằng máu, bằng lửa và bằng lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của quân giải phóng.
21-6-2021
ĐÔNG LA
Phần 2
GIÂY PHÚT XE TĂNG HÚC BUNG CỔNG DINH ĐỘC LẬP VÀ CỜ GIẢI PHÓNG TUNG BAY TRÊN NÓC DINH
Đương kim Tổng thống VNCH thời điểm sáng 30-4-1975 là Dương Văn Minh, người mới nhận chức Tổng thống từ Trần Văn Hương vào ngày 28 tháng 4 năm 1975. Dương Văn Minh chính là người mà năm 1963 đã lãnh đạo cuộc đảo chính bắn chết anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố Vấn Ngô Đình Nhu và xử tử hình “Bạo chúa Miền Trung” Ngô Đình Cẩn. Khi Quân Giải phóng đã tấn công đến Cầu Sài Gòn, Dương Văn Minh buộc phải đọc Tuyên bố “yêu cầu hai bên cùng ngưng nổ súng”. Băng ghi âm được phát trên đài Phát thanh Sài Gòn đúng 9h30 phút.
Dù Dương Văn Minh đã đọc tuyên bố yêu cầu ngưng nổ súng như vậy, nhưng trên đường tiến công của Binh đoàn Thọc sâu của quân ta vẫn bị quân địch chống trả tới cùng.
Sau khi phá tan ổ kháng cự ở Cầu Sài Gòn, lực lượng đi đầu Binh đoàn Thọc sâu của Quân đoàn 2 vượt qua Cầu Sài Gòn. Phó Tư lệnh Hoàng Đan chỉ thị cho Lữ đoàn xe tăng 203 cho Tiểu đoàn 1 đi đầu, Tiểu đoàn 2 bám theo; chỉ thị cho Trung đoàn đặc công 116; Trung đoàn bộ binh 66 bám sát đội hình xe tăng tiến về hướng Dinh Độc Lập; Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 có nhiệm vụ đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn.
Đến gần 10 giờ, mũi tiến công đến ngã tư Hàng Xanh, Ngô Sĩ Nguyên, Pháo thủ số 1 trên xe tăng 390, thấy hai chiếc xe M113 và một đoàn xe ô tô, cũng là lúc anh nghe thấy lệnh của Trưởng xe Vũ Đăng Toàn:
-Mục tiêu!
Ngô Sĩ Nguyên bóp ngay cò súng, các quả đạn bay trúng mục tiêu làm hai chiếc xe M113 toác ra và cháy bùng lên.
Đoàn quân được lệnh tiếp tục rẽ trái tiến lên. Đi đầu là xe tăng 387 của trưởng xe Lê Tiến Hùng, khi xe 390 dừng lại bắn xe địch, xe 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã vượt lên đi thứ hai, xe 390 của Trưởng xe Chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn đi thứ ba. Tiếp theo sau là chiếc xe Jeep chở Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 66.
Đến Cầu Thị Nghè, một ổ kháng cự của địch có cả xe tăng M41 và xe thiết giáp M113 đã bất ngờ bắn vào đội hình quân ta. Xe 387 dẫn đầu bị trúng đạn. Trưởng xe Lê Tiến Hùng bị thương và một chiến sĩ công binh ngồi trên xe đã hy sinh. Xe 843 của Bùi Quang Thận dừng lại lập tức bắn cháy các xe của địch, dập tắt ổ kháng cự cuối cùng. Xe tăng 390 lại lao lên dẫn đầu. Ngoài Trưởng xe Vũ Đăng Toàn, trên xe 390 còn có Ngô Sĩ Nguyên, Pháo thủ số 1; Lê Văn Phượng, Đại đội phó kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2; và Lái xe Nguyễn Văn Tập. Xe tăng 843 đi sau, trên xe 843, ngoài Trưởng xe Bùi Quang Thận có Thái Bá Minh, Pháo thủ số 1; Nguyễn Văn Kỷ, Pháo thủ số 2; và Lái xe Lữ Văn Hỏa.
Các chiến sĩ đều được hướng dẫn trước, qua cầu Thị Nghè, đi qua 7 ngã tư, rẽ trái là sẽ tới Dinh Độc lập. Nhưng lần đầu đi giữa phố phường của một thành phố lớn, san sát nhà cửa, các chiến sĩ bị ngợp, không chỉ có các ngã tư mà còn có các ngã ba, khiến các chiến sĩ không thể nhận diện chính xác thứ tự các ngã tư. Xe 390 đã đi quá đường, vượt qua ngã tư thứ 7 là Hồng Thập Tự-Công Lý (nay là Nguyễn Thị Minh Khai-Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đi khoảng hơn chục mét đến cổng một trường học thấy bảng hiệu ghi là trường Lê Quý Đôn, nhận ra đã lạc đường, Lái xe Nguyễn Văn Tập nói với Trưởng xe Vũ Đăng Toàn:
-Xe mình có khi bị lạc rồi!
Vừa lúc đó có một thanh niên đi ngược tới, Nguyễn Văn Tập ngừng xe, xuống giữ ngay anh chàng lại, nói với trưởng xe:
-Anh Toàn ơi, bảo nó dẫn mình tới Dinh Độc lập.
Chàng thanh niên sợ hãi:
-Các ông cho con về cất đồ.
Chờ một chút thấy chàng trai rẽ vào đường gần đó mất hút luôn, Nguyễn Văn Tập nhớ ra sau lưng mình chính là ngã tư thứ 7, nên anh cho xe lùi ngay lại, “đánh vào tay trái”, rẽ về hướng Dinh Độc lập.
***
Trong khoảng thời gian đó, ở trong xe 843, Bùi Quang Thận cũng không nhớ chính xác thứ tự các ngã tư, đến một ngã tư anh lệnh cho xe rẽ trái, chạy hết một dãy phố đến một ngã ba đầu một con đường lớn, nơi có chiếc cổng sắt lớn dẫn vào một công viên ghi “SỞ THÚ SÀI GÒN”. (Bây giờ là ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm-Lê Duẩn). Anh ra lệnh dừng xe. Đang bối rối, rất may, từ phía trước, anh thấy một phụ nữ đi xe máy lao tới. Anh ra hiệu cho xe dừng lại, nhưng chiếc xe vẫn lao đi như không biết đến cử chỉ của anh. Anh lập tức bắn ba phát chỉ thiên. Người phụ nữ sợ quá phanh gấp chiếc xe máy chững lại. Trước mắt, anh Thận thấy một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi mặt mày tái mét. Chắc chị ta đã kinh hồn bạt vía bởi luôn bị tuyên truyền, khi Việt Cộng chiếm thành phố sẽ có một “cuộc thảm sát đẫm máu”, “sẽ rút móng tay của từng cô gái một vì sơn móng tay”, sẽ bắt và giết hết những đứa con lai của những người phụ nữ quan hệ với lính Mỹ.
Với giọng từ tốn, anh Thận đã trấn an được người phụ nữ, rồi đề nghị:
- Chị chỉ hộ tôi đường vào Dinh Độc Lập.
- Tôi chỉ xong ông cho tôi đi chứ - người phụ nữ vừa nói vừa run.
- Vâng, xong việc, chị hoàn toàn tự do- Anh quả quyết.
- Ông đang đứng trước hướng Dinh Độc Lập đó – chị nói mà không dám chỉ tay - nó phía sau tàn cây như rừng phía cuối đường nầy đó.
Bùi Quang Thận nhìn thẳng, từ đầu đường Thống Nhất, anh thấy Dinh Độc Lập không đồ sộ như suy nghĩ của anh, nhưng nó là khu nhà bề thế như nằm sau rừng cây. Anh lập tức lên xe, lệnh tiến thẳng đến cổng Dinh Độc lập. Qua ngã tư cuối cùng, Bùi Quang Thận thấy Dinh Độc lập sừng sững trước mặt. Xe 843 rú ga vượt qua đoạn đường cuối tới đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) ngay trước cổng dinh. Không biết quân địch trong Dinh thế nào, Bùi Quang Thận lệnh cho Pháo thủ Thái Bá Minh bắn pháo lên trời để thị uy, nhưng Minh bóp cò 2 lần đạn vẫn không nổ. Minh hét bảo Pháo thủ 2 Nguyễn Văn Kỷ thay đạn, và đó cũng là lúc Lái xe Lữ Văn Hỏa đã lái xe đến gần cổng Dinh có những hàng rào kẽm gai và chướng ngại vật. Bùi Quang Thận hô:
-Cứ lao thẳng vào!
Vì xe đang chạy nhanh, lại tránh chướng ngại vật, xe lạng sang phía trái về phía cổng phụ, Lữ Văn Hỏa vội kéo cần lái phải, chỉnh thẳng hướng, đâm xe thẳng vào cổng. Phải đâm ba lần cánh cổng chính Dinh Độc lập mới bật ra, lần thứ 3, bánh xe đâm vào trụ cổng trái rất vững, làm xe chết máy, dừng lại.
***
Lúc này, xe 390 từ hướng Đường Công Lý cũng vừa chạy đến. Lái xe Nguyễn Văn Tập thấy xe 843 dừng lại trước cổng phụ, nói với Trưởng xe Vũ Đăng Toàn:
-Bây giờ thế nào?
Vũ Đăng Toàn quát, giọng hơi gắt:
-Tông vào đi chứ còn thế nào nữa!
Tập lập tức nghiến răng kéo cần lái phải, đánh vuông góc, chỉnh đầu xe đúng giữa, húc tiếp vào hai cánh cổng chính đã bung ra, chạy vào sân Dinh, thực hiện một “đường cua” đẹp nhất trong cuộc đời lái xe tăng của anh. Pháo thủ Lê Văn Phượng, lúc xe ở ngay trước cổng, đứng trên tháp pháo, anh nhìn thấy thấp thoáng một nhà báo cầm máy ảnh, chạy lom khom trong sân Dinh. Đó chính là nữ nhà báo người Pháp Francoise Demulder, người đã chụp được khoảnh khắc lịch sử, chiếc xe tăng 843 sau khi húc bung cổng chính, chết máy nằm ở cổng phụ bên trái; xe tăng 390 húc tiếp cổng chính, đúng khoảnh khắc đang vượt qua cổng vào sân Dinh Độc lập. Nguyễn Văn Tập tiếp tục rú ga cho xe chạy nhanh vòng qua phía phải bồn có đài phun nước đến cửa dinh, rồi dừng lại. Pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên cầm AK nhảy ngay xuống xe thì thấy một người chạy lại nói:
-Vừa rồi tôi không cắt cầu dao điện bánh xe thì xe của anh chắc cháy rồi!
Nguyên trả lời:
-Cảm ơn nhé!
Người đàn ông đó chính là Lê Văn Hinh, một tình báo viên với mật danh H5. Trong vai “thiếu úy cảnh sát dã chiến”, từ ngày 18/4, anh đã được cử vào làm bảo vệ khu vực Dinh Độc lập. Sáng ngày 30/4/1975, anh biết đoàn xe tăng của quân giải phóng sẽ không thể húc đổ cổng được vì tất cả hàng rào đã bị cài điện. Khoảng 10 giờ 30 phút, ông đã tìm gặp ngay viên thiếu tá cảnh sát, người đang giữ chìa khóa hệ thống điện trong Dinh Độc lập, khôn khéo thuyết phục “người anh em” ngắt toàn bộ cầu dao trung tâm điều khiển điện của hàng rào. Vì vậy, đoàn xe tăng của quân giải phóng đã húc đổ cổng chính và cổng phụ, an toàn tiến vào sân dinh.
Cũng vào lúc xe 390 vừa ngừng, Trưởng xe Vũ Đăng Toàn định cầm cờ nhảy xuống xe, lên cắm cờ, Lê Văn Phượng vỗ vai Toàn:
-Thôi anh, đã có đồng chí Thận đang cầm cờ chạy theo xe mình vào kia rồi!
Toàn nghe Phượng, ở lại xe, lệnh cho anh em sẵn sàng chi viện cho anh Bùi Quang Thận cầm cờ tiến vào Dinh.
Còn Bùi Quang Thận, trước đó ít phút, khi xe 843 chết máy, kẹt lại cổng phụ của Dinh, anh quyết định thoát ly khỏi xe, chạy bộ vào cắm cờ. Anh giao nhiệm vụ cho các đồng đội chi viện cho mình và dặn: “Các cậu ở lại, mình vào Dinh. Nếu không thấy mình quay ra, cũng không thấy lá cờ này nhô lên, thì tức là mình đã chết ở trong Dinh rồi!”
Bùi Quang Thận vượt qua các bậc tam cấp, lao vào trong Dinh, từ ngoài trời nắng tháng tư như đổ lửa, anh thấy mát rượi. Chân anh mang dép cao su, mặc áo ngắn tay, đầu đội mũ xe tăng, trên xe nhiều vũ khí nhưng anh vội, không mang một thứ gì, chỉ rút cái ăng-ten có cờ giải phóng là chạy vào. Theo cầu thang ở chính giữa sảnh, anh leo đến tầng 2, thấy người lố nhố. Bất chợt anh cũng thấy sợ khi một mình, tay không vũ khí, chạy vào hang ổ quân địch. Anh nghĩ giá có vũ khí thì cũng yên tâm hơn. Rồi anh nghĩ bụng “Bây giờ tốt nhất là bắt một người dẫn mình đi cắm cờ”. Với cách nghĩ của một chàng trai nông dân, học mới lớp 7, “ít chữ, ngắn học”, như sau này chính anh kể, anh đã húc đầu vào tấm kính ngăn phòng, đánh động, để Dương Văn Minh đi ra. Cái húc khá mạnh, khiến anh bị choáng, ngã ngồi xuống, một lát anh tỉnh ngay lại, phải băng đầu. Anh thấy đi ra một người, chính là Nguyễn Văn Diệp, Tổng trưởng tài chính, được lệnh ra đón quân giải phóng. Anh nghĩ bụng, bây giờ phải túm lấy tay anh ta ngay, đòi gặp Tổng thống DVM, bắt được DVM là mình sẽ an toàn. Anh nắm chắc lấy tay ông Diệp, quát to:
- Cho gặp Dương Văn Minh ngay.
- Vâng, vâng... để tôi vào báo tổng thống - giọng ông Diệp run run.
Phía Nội các Dương Văn Minh, khi xe tăng vào Dinh Độc Lập, đang ở trong phòng. Ông Lý Quí Chung, Tổng trưởng thông tin, thấy tiếng chân người vang dội trong sảnh, và nghe rõ tiếng hô to: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Người bước ra khỏi phòng trước tiên là Tổng thống Dương Văn Minh. Lý Quí Chung bước theo. Vừa bước ra hành lang ông thấy ở đầu kia có người bộ đội cầm cờ và hô to: “Mọi người giơ tay lên!”. Ông Minh, ông Mẫu và mọi người nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, Lý Quí Chung thấy một người bộ đội nói với tổng thống Minh: “Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy quyền”. Ông Minh quay sang nói: “Chung, toa hướng dẫn cho người này lên sân thượng”. Sau này ông Chung mới biết đó là anh Bùi Quang Thận. Ông đưa anh Thận đến thang máy để lên sân thượng, những người còn lại theo ông Dương Văn Minh trở lại phòng. Riêng ông Nguyễn Hữu Hạnh ở lại để đón quân giải phóng nơi đầu cầu thang xuống tầng 1. Người ông gặp đầu tiên là Đại uý Phạm Xuân Thệ cùng đồng đội ở Trung đoàn 66, súng lăm lăm trong tay đang lao lên (chi tiết sẽ viết số sau).
Còn Bùi Quang Thận cầm cờ đi theo Lý Quí Chung trong một hành lang dài, rồi rẽ phải đến một thang máy nhỏ. Ông Chung bấm nút mở cửa, mời Bùi Quang Thận bước vào. Anh lần đầu thấy thang máy nên ngần ngừ bước vào, rồi lại quay ra ngay lập tức, nghi ngờ, “Hắn định giở cái trò khỉ gì thế này? Mình đi cắm cờ, nó lại giam mình vào cái hộp bằng inox này sao đi cắm cờ được?” Lý Quý Chung giải thích, "Dạ thưa, ông vào đi. Đây là cái thang máy. Tôi đưa ông đi cắm cờ mà". Anh thấy gã có vẻ thành thật nhưng vẫn cảnh giác, vì không có súng, anh bắt gã vào trước, úp mặt vào tường. Lý Quí Chung bấm nút, thang máy đưa Bùi Quang Thận và ông ta lên đến tầng thượng, ra đến cột cờ, anh thấy lá cờ địch quá to, còn lá cờ của mình chỉ là cờ hiệu trên nóc xe tăng nên quá nhỏ giữa cái không gian lồng lộng của nóc Dinh. Vì lá cờ địch được chằng buộc rất kỹ vào dây kéo nên Bùi Quang Thận phải dùng răng cắn đứt mép rồi xé ra. Lúc này, Trần Đức Tình, chiến sĩ thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, QĐ2, cũng đã có mặt trên nóc dinh. Thấy Bùi Quang Thận cứ dứt dứt không đứt, Tình nói:
-Thôi tội gì, tôi có dao đây!
Nói xong, anh cầm dao cắt rời mối nối góc cờ địch với dây kéo.
Gỡ xong cờ địch, Bùi Quang Thận thay lá cờ giải phóng lỗ chỗ vết đạn của mình vào, rồi kéo lên. Bất chợt, anh lại hạ cờ xuống, đưa tay xem đồng hồ, lấy bút thận trọng ghi: 11 giờ 30 ngày 30-4 và ký tên Thận lên góc lá cờ, xong, anh lại kéo cờ lên trở lại.
Cùng lúc Bùi Quang Thận lên treo cờ trên nóc dinh, dưới sân, Đào Ngọc Vân, lái xe jeep của Phạm Xuân Thệ, cũng lấy lá cờ của người đàn ông đi theo chỉ đường, chạy lên ban công phất cờ. Tiếp đó, Đại trưởng Phạm Duy Đô thuộc Trung đoàn 116 đặc công, cũng ngồi trên xe 843 với Bùi Quang Thận, khi xe 843 tiến vào dinh, Phạm Duy Đô đã xuống xe, cũng lao lên ban công, rút lá cờ trong túi ra phất báo hiệu cho các xe tăng tiến vào. Trên ban công, mọi người thường thấy hai người phất cờ là vì như vậy.
***
Lúc này, dưới sân, nhiều xe tăng đã vào sân, dàn đội hình. Các chiến sĩ bộ binh cũng đã vào nhiều, họ gom toàn bộ số lính ngụy đưa vào góc sân dinh và canh giữ những vị trí cần thiết. Còn ngoài đường Thống Nhất, xe tăng, xe bọc thép, xe ô tô chở bộ binh vẫn nối đuôi nhau tiến về hướng dinh. Tiếng súng bắn chỉ thiên mừng chiến thắng của quân giải phóng nổ vang trời. Nhưng vẫn còn lẻ tẻ đâu đó những tiếng súng kháng cự hận thù lầm lạc của những người lính thuộc một chính quyền tay sai bại trận. Từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao (nay là Sở Ngoại vụ TP.HCM), những tay súng biệt kích dù 81 đã bắn trúng Tô Văn Thành, chiến sĩ tiểu đoàn 7 bộ binh đang ngồi trên thành xe tăng. Đó là chiến sĩ giải phóng cuối cùng hi sinh ngay trước cổng Dinh Độc Lập.
Còn trong dinh, Phạm Xuân Thệ đang buộc Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh SG đọc lời Tuyên bố đầu hàng!
21-6-2020
ĐÔNG LA
Phần 3
NHỮNG GIÂY PHÚT THIÊNG LIÊNG NHẤT KẾT THÚC HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI
Trong ngày lịch sử 30-4-1975, sự kiện quan trọng nhất là việc Đại uý Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 66, Sư 304, Quân đoàn 2, cùng các đồng đội là Trợ lý Tác chiến Nguyễn Văn Nhu, Trợ lý Cán bộ Phùng Bá Đam, Lái xe Đào Ngọc Vân, và hai chiến sĩ thông tin Bàng Nguyên Thất, Nguyễn Huy Hoàng đã bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các Chế độ tay sai Việt Nam Cộng Hoà. Tiếp theo, Phạm Xuân Thệ cùng đồng đội đã buộc và áp giải Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh SG tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đó chính là những giây phút thiêng liêng nhất, chấm dứt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta, kéo dài đến 117 năm, giành lại chủ quyền, hoà bình và thống nhất đất nước. Trong hành trình dài đằng đẵng ấy đã có biết bao xương máu và mồ hôi của bao thế hệ cha anh đã đổ ra để Phạm Xuân Thệ và các đồng đội, cũng bất chấp hy sinh, tới được đích kết thúc cuộc kháng chiến đầu tiên!
Trung đoàn bộ binh 66 có Trung đoàn trưởng là Nguyễn Sơn Văn, Chính uỷ là Lê Xuân Lộc, được giao nhiệm vụ cùng Lữ đoàn Xe tăng 203 và các đơn vị khác thuộc Binh đoàn Thọc sâu đánh chiếm mục tiêu chính là Dinh Độc lập và các mục tiêu khác. Tiểu đoàn 8 (D8), có Trương Quang Siều làm tiểu đoàn trưởng, Hoàng Trọng Tình làm chính trị viên, được giao nhiệm vụ chính là đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong trận đánh ác liệt ở Cầu Sài Gòn, D8 đã bị thương và hy sinh gần chục chiến sĩ. Vượt qua Cầu Sài Gòn, sau khi quân ta tiếp tục đập tan chốt chặn cuối cùng của địch ở cầu Thị Nghè, Đại đội 6 (D8) cùng với Tiểu đoàn 7 và Đại đội 4 của Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào dinh Độc Lập, phần còn lại của D8 rẽ phải tiến theo đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, vào đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Đúng 10 giờ 30 phút, Đồng chí Toàn, trung đội trưởng Trung đội 1, kéo cờ Giải phóng lên cột cờ ở Đài. Cùng thời gian đó, Đại đội 7 đã chiếm Cục An ninh Quân đội và một chiến sĩ của Đại đội đã hy sinh!
Còn Đại uý Phạm Xuân Thệ, đêm trước ngày 30/4 lịch sử, được Ban Chỉ huy Trung đoàn và Bộ Tư lệnh Sư đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đi đầu của Trung đoàn 66, cùng Lữ đoàn xe tăng 203 tiến về Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc lập, Đài phát thanh, và Bộ tư lệnh Hải quân.
Phạm Xuân Thệ ngồi trên chiếc xe Jeep (chiến lợi phẩm lấy từ Đà Nẵng) do Đào Ngọc Vân lái, bám theo đội hình đi đầu của mũi thọc sâu. Trên đường qua Cầu Thị Nghè vào dinh Độc Lập quân ta cũng không biết đường. Khi qua cầu một đoạn, chỗ Thảo cầm viên, Phạm Xuân Thệ phải cho xe dừng lại để hỏi. Rất may trong đám đông đứng bên đường, bỗng có một người tay cầm cờ giải phóng chạy ra nói:
- Tôi biết đường.
Phạm Xuân Thệ mừng quá nói:
- Mời ông lên xe
Phùng Bá Đam mở cửa xe kéo ông lên ngồi cạnh. Đến đường Thống Nhất, mọi người trên xe nhìn thấy Dinh Độc lập mầu trắng xa xa, phía cuối đường. Tiếp tục cho xe chạy thẳng đến Dinh Độc Lập, từ xa, Lái xe Đào Ngọc Vân thấy cổng vẫn đóng nhưng sau đó, anh thấy chiếc xe tăng đi đầu hùng dũng lao tới, húc vào cổng phụ bên trái, làm cánh cổng chính bung ra, nhưng bị mắc kẹt tại đó; chiếc thứ hai trên đường từ phía phải tới, rẽ phải, húc tiếp vào cổng chính và lao vào sân, vòng qua phía phải bồn có đài phun nước chạy về phía cửa Dinh. Phạm Xuân Thệ lệnh cho lái xe bám theo xe tăng lao qua cổng, vòng qua phía trái cái bồn, cũng tiến thẳng, dừng xe trước cửa Dinh.
Trong sân dinh, binh lính địch đã hạ vũ khí đầu hàng, mặt mày ủ rũ, sợ hãi… Sau đó, xe tăng và bộ binh của quân ta cũng nhanh chóng ập vào.
Phạm Xuân Thệ và đồng đội nhảy xuống xe Jeep, mấy nhà báo xúm lại chỉ cho họ chạy lên trên, chỗ nội các chính quyền Sài Gòn đang chờ. Vào dinh, Phạm Xuân Thệ và đồng đội theo cầu thang giữa sảnh, chạy lên tầng một. Người đầu tiên Phạm Xuân thệ gặp là ông Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH, người thân tín của Tổng thống Dương Văn Minh. Nguyễn Hữu Hạnh nói:
-Toàn bộ nội các đang trong phòng họp, xin mời cấp chỉ huy vào làm việc!
Có một nhà báo Pháp đã chụp được những khoảnh khắc này và đã đăng ngay sau 30-4-1975 bên Pháp.
Phạm Xuân Thệ thấy bất ngờ, thoáng chút lo lắng, Anh chỉ nghĩ mình dẫn đồng đội vào Dinh cắm cờ chứ đâu nghĩ đến chuyện “làm việc” với Dương Văn Minh, cấp trên cũng không lường trước được tình huống này để dặn dò các anh. Theo Nguyễn Hữu Hạnh dẫn đến phòng họp, Phạm Xuân Thệ thấy rất rộng, có khoảng 40 - 50 người ngồi. Thấy quân giải phóng, tất cả lục tục đứng dậy. Một người cao lớn, mặt vuông chữ điền, đeo kính trắng bước lên. Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu: “Báo cáo cấp chỉ huy, đây là ông Dương Văn Minh, Tổng thống”. Rồi ông ta chỉ tay vào một người hơi thấp, trán cao, đeo kính trắng, giới thiệu: “Đây là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu”, ông Mẫu khẽ cúi đầu chào đáp lễ.
Ông Dương Văn Minh bước tới, nói thận trọng:
-Chúng tôi biết Quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao.
Nghe tới đó, Phạm Xuân Thệ không biết chuyện bàn giao như thế nào, nên buột miệng phản ứng ngay, giọng kiên quyết:
-Các ông đã thất bại, đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay, không có bàn giao gì cả!
Dương Văn Minh bị hẫng, chuyển từ tư thế chủ động sang bị động lúng túng, ông liền rút trong túi ra khẩu súng ngắn Browning đặt lên bàn. Anh Thệ nhận súng. (Khẩu súng hiện đang ở Bảo tàng Quân đội).
Thật may mắn, khoảnh khắc thiêng liêng nhất đó của cuộc chiến cũng đã được ghi hình. Đây chính là tấm ảnh lịch sử quan trọng nhất.
Khi đó, ngoài sân, những tiếng súng nổ ăn mừng chiến thắng của Quân Giải Phóng vang khắp Dinh Độc Lập, khiến nội các của Dương Văn Minh lo sợ! Trong đầu Phạm Xuân Thệ lúc này chỉ nghĩ phải buộc Dương Văn Minh lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng ngay, tránh tiếp tục đổ máu vô ích càng sớm càng tốt, anh nói tiếp:
-Yêu cầu ông phải sang đài phát thanh tuyên bố đầu hàng ngay, tránh tàn quân của các ông kháng cự, đổ máu vô ích!
Dương Văn Minh ngập ngừng:
-Cấp chỉ huy có thể cho tôi thâu băng ở ngay đây được không? Bây giờ súng nổ như vầy, e rằng ra ngoài đường sẽ nguy hiểm.
Phạm Xuân Thệ ngần ngừ, anh cũng chưa có kiến thức về chuyện ghi âm rồi phát trên đài, nên chưa biết trả lời ra sao thì Dương Văn Minh đã nói với Lý Quí Chung, Tổng trưởng Thông tin, đi kiếm máy thu băng. Phạm Xuân Thệ cũng đành chờ xem sao.
Lúc này, Bùi Văn Tùng, Trung tá, Chính uỷ Lữ đoàn xe tăng 203 bước vào. Ông thấy Phạm Xuân Thệ tay lăm lăm súng ngắn, tưởng là cán bộ quân đoàn đang làm việc, nên không tham gia. Dương Văn Minh thấy ông Tùng cao to, đứng tuổi, nghĩ là cấp chỉ huy, nên cũng nói lại câu nói bàn giao chính quyền, Bùi Văn Tùng cũng phản bác và nói chỉ có đầu hàng vô điều kiện thôi. Thấy giọng Bùi Văn Tùng điềm đạm không quyết liệt như Phạm Xuân Thệ, Dương Văn Minh bình tĩnh hơn và nói đang cho người đi lấy máy để ghi âm lời tuyên bố đầu hàng.
Nhưng rồi mãi không thấy Lý Quý Chung quay lại, Nguyễn Hữu Hạnh nói với Bùi Văn Tùng:
-Ở ngoài đường sợ không có an ninh, sợ phe đối lập nó ám hại!
Bùi Văn Tùng trấn an:
-Cả Sài Gòn quân giải phóng đã giải phóng rồi. Ông Dương Văn Minh đi với chúng tôi, xong việc, chúng tôi đưa ông Minh về lại đây đảm bảo an ninh.
Phạm Xuân Thệ sốt ruột, không thể chờ thêm được nữa, anh cương quyết bắt Dương Văn Minh phải ra đài phát thanh ngay. Thấy Dương Văn Minh lo sợ khi nghe thấy tiếng súng, anh đã trấn an Dương Văn Minh: “Đó là tiếng súng Quân Giải phóng ăn mừng. Chúng tôi đã làm chủ Sài Gòn, sẽ bảo đảm an toàn cho ông đi”. Dương Văn Minh cam chịu chấp nhận. Khi xuống đến tiền sảnh, Dương Văn Minh vẫn chưa hết lo lắng và nói: “Mời các ông đi xe của tôi, xe của tôi là xe chống đạn”. Nhưng Phạm Xuân Thệ không đồng ý, buộc Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu phải lên chiếc xe Jeep của mình.
Anh xếp cho Dương Văn Minh ngồi ghế đầu, phía trong, anh ngồi phía ngoài để canh giữ, che chắn. Ghế sau gồm có Vũ Văn Mẫu ngồi giữa, hai bên là Nguyễn Văn Nhu và Phùng Bá Đam. Sau cùng là Bàng Nguyên Thất và Nguyễn Huy Hoàng. Bùi Văn Tùng lên xe thứ hai của Nhà báo Hà Huy Đỉnh, có Borries Gallasch (báo Der Spiegel, Tây Đức), Nguyễn Hữu Thái, và Huỳnh Văn Tòng đi theo. Chiếc xe chạy thứ 3 là của Nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên hãng AP, ông chở một số chiến sĩ nhảy lên xe ông. Hai sĩ quan thuộc nhóm Phạm Xuân Thệ là Nguyễn Văn Nhu và Phùng Bá Đam tổ chức đi sau hộ tống là 2 xe ô tô của đại đội 2, tiểu đoàn 7.
Hành trình ngắn ngủi Phạm Xuân Thệ chỉ huy đồng đội áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu từ trong Dinh Độc lập ra sân, đi một đoạn rồi lên xe, đã được nhà báo người Úc Neil Davis quay, trở thành thước phim quý giá, ghi lại giây phút lịch sử sống động trưa ngày 30/4/1975 ở Dinh Độc lập.
Từ Dinh Độc Lập ra đài phát thanh khoảng 3km, Lái xe Đào Ngọc Vân được Dương Văn Minh chỉ đường. Trên đường đi, Phạm Xuân Thệ hỏi Dương Văn Minh:
-Ông thấy sức mạnh của Quân giải phóng thế nào?
Dương Văn Minh đáp:
-Tôi biết, khi Quân giải phóng tiến công vào là chúng tôi sẽ thất bại!
Phạm Xuân Thệ hỏi tiếp:
-Tại sao ông biết thất bại mà không tuyên bố đầu hàng trước?
Dương Văn Minh trả lời:
-Khi Quân giải phóng chưa tiến công vào, bên dưới tôi còn rất nhiều người chưa đồng tình với tôi, nếu tôi tuyên bố đầu hàng trước, thì họ sẽ khử tôi ngay.
Khi xe của Phạm Xuân Thệ đến Đài Phát thanh thì Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn 66 đã chiếm giữ. Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Siều và Chính trị viên Hoàng Trọng Tình ra đón và báo cáo:
-Báo cáo Trung đoàn phó, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếm giữ đài an toàn, nhưng chưa tìm được nhân viên.
Phạm Xuân Thệ:
-Tôi biểu dương Tiểu đoàn 8 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!
Nói xong, anh nói nhỏ với hai cán bộ chỉ huy D8: “Mình đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang đây để tuyên bố đầu hàng đấy. Các cậu lên phương án bảo vệ và cử ngay người đi tìm kỹ thuật viên”.
Sau khi Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu yên vị, Bàng Nguyên Thất và Nguyễn Huy Hoàng chốt giữ cửa ra vào. Hoàng Trọng Tình tìm cách kiếm nhân viên đài phát thanh. Rất may có nhà báo Kỳ Nhân, ông đề nghị:
-Các anh theo tôi về làng báo chí, mười mấy ông chuyên viên làm ở đây đều cùng ở làng báo chí Thảo Điền với tôi.
Hoàng Trọng Tình liền cử Trần Viết Cả và Đinh Văn Lâm ở đơn vị trinh sát đi với nhà báo Phạm Kỳ Nhân.
Trong lúc chờ người đi tìm nhân viên đài phát thanh thì Phạm Xuân Thệ nói với các trợ lý Phùng Bá Đam, Đinh Thái Quang, và Nguyễn Văn Nhu, Trịnh Ngọc Ước cùng bàn bạc để thống nhất nội dung bản thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện cho Dương Văn Minh. Mấy người liền chụm đầu góp ý cho Phạm Xuân Thệ chắp bút. Nguyễn Văn Nhu nói:
-Em nhớ hồi xem phim Giải phóng của Liên Xô đánh Phát-xít Đức, khi Đức đọc lời đầu hàng có ý “đầu hàng không điều kiện”, nên mình phải cho ý này vào anh Thệ ạ.
Làm xong, Phạm Xuân Thệ giao bản soạn thảo cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc. Dương Văn Minh loay hoay mãi không đọc nổi vì chữ Phạm Xuân Thệ viết khó đọc. Lúc này, Trung tá Bùi Tùng đã tới, ngồi bên Dương Văn Minh, thấy vậy, ông với tay cầm tờ giấy đọc, và ông thấy có ý chưa chuẩn, ông hỏi Phạm Xân Thệ:
-Anh là ai?
Phạm Xuân Thệ trả lời:
-Tôi là Phạm Xuân Thệ, Phó đoàn Đông Sơn (biệt danh của Trung đoàn 66).
Phạm Xuân Thệ hỏi:
-Vậy anh là ai?
Bùi Văn Tùng giới thiệu:
-Tôi là Bùi Tùng, Trung tá, Chính ủy Lữ đoàn 203. Tôi tưởng các anh là người của Quân đoàn nên tôi không tham gia. Tôi vào dinh, thấy các anh đưa Dương Văn Minh sang đây, nên tôi đến đây luôn.
Phạm Xuân Thệ vui mừng:
-May quá, chúng tôi đang bàn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh, mời anh cùng làm luôn.
Lúc này Bùi Tùng nói với Dương Văn Minh:
-Bây giờ ông Minh sẽ nói theo văn bản mà tôi sẽ sửa.
Dương Văn Minh:
- Thượng cấp muốn tôi nói thế nào thì xin viết ra giấy
Chính ủy Tùng lấy một tờ giấy pơ luya màu xanh trong tập giấy có sẵn trên bàn và bắt đầu viết. Xong, ông đưa tờ giấy cho Dương Văn Minh và nói: “Ông xem đi. Có vấn đề gì cần đề nghị thì nói”. Ông Minh đọc xong, thò tay vào túi áo dưới của mình lấy bút ra viết thêm hai chữ “Đại tướng” vào sau chữ “Tôi” và gạch hai chữ “Tổng thống” trong văn bản đi rồi vừa trả lại cho Chính ủy Tùng. Ông nói:
-Xin thượng cấp cho bỏ hai chữ Tổng thống và xin chỉ đọc là Đại tướng Dương Văn Minh thôi.
Bùi Tùng không chấp nhận:
- Không được, dù làm một ngày, một giờ thì cũng phải chịu trách nhiệm, ông nhận chức tổng thống từ Trần Văn Hương những hai, ba ngày rồi. Nếu ông không xưng danh là Tổng thống thì làm sao có thể lệnh giải tán được chính quyền?
Dương Văn Minh đành chấp thuận. Đinh Thái Quang, trợ lý Tuyên huấn, mở máy ghi âm để thu lời ông Minh thì cuộn băng bị rối, Phùng Bá Đam vội chạy vào phòng Hệ thống trưởng Truyền thanh Sài Gòn Nguyễn Văn Thăng lấy chiếc cặp và một số băng ghi âm, có cả băng trắng, đưa cho Quang thu nhưng băng vẫn bị rối.
Trong lúc Quang đang loay hoay sửa máy thì Borries Gallasch, Nhà báo Tây Đức, đề nghị dùng máy của ông, và được chấp thuận ngay. Ông ngồi xuống bên Dương Văn Minh, ghi âm toàn bộ lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh: "Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".
Ghi âm xong, mọi người bàn nhau phải có lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng mới có giá trị, ông Bùi Tùng nói Phạm Xuân Thệ làm luôn, Phạm Xuân Thệ nói ông Tùng làm đúng hơn. Thấy hai người cứ đùn đẩy nhau, Phùng Bá Đam đề nghị ông Bùi Tùng thay mặt quân giải phóng Miền Nam chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng là đúng nhất. Vì ông là người chỉ huy cao nhất ở đó, lại quê ở Miền Nam, thay mặt quân giải phóng Miền Nam là phù hợp. Ông Tùng đồng ý, lấy tờ giấy pơ - luya màu xanh trên bàn viết rồi đọc cho máy ghi âm: "Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố: Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn".
Ông Bùi Tùng đọc xong thì thủ tướng Vũ Văn Mẫu xin được phát biểu, ông Tùng gạt đi và nói "không cần thiết" nhưng ông Mẫu vẫn nài nỉ "Xin chỉ huy cho tôi nói ngắn gọn, chỉ kêu gọi không có đổ máu, không có tàn sát". Cuối cùng mọi người đồng ý, ghi âm tiếp lời Vũ Văn Mẫu: "Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền Cách mạng".
Khi tất cả đã được chuẩn bị chu đáo, các nhân viên kỹ thuật cũng được tìm về, mọi người sang phòng bá âm, và buổi phát thanh trực tiếp đầu tiên trong ngày lịch sử trọng đại 30-4-1975, ngay tại Thành phố SG vừa mới được giải phóng, bắt đầu. Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch tổng hội sinh viên Sài Gòn, đã trở thành phát thanh viên "bất đắc dĩ":
-Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của Chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này.
Tiếp theo, đài phát lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, lời của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và lời của Chính uỷ Bùi Văn Tùng thay mặt quân giải phóng chấp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh. Đồng hồ lúc này chỉ 13h20 (giờ Hà Nội là 12h20).
Một đám đông kéo đến đài phát thanh, trong đó có Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Được mời phát biểu trực tiếp trên sóng, ông xúc động nói và hát vang bài “Nối vòng tay lớn”!
***
Mọi việc xong, Phạm Xuân Thệ đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu trở lại Dinh Độc Lập. Anh đã hành động một cách quyết liệt chỉ với một suy nghĩ làm sao để hai bên tránh đổ máu vô ích càng sớm càng tốt, nhưng đó chỉ là suy nghĩ tự phát của anh. Về dinh, biết một cán bộ quân đoàn có thái độ rất căng khi ông đến dinh mà không thấy Dương Văn Minh đâu, Phạm Xuân Thệ đã rất lo lắng, không biết là mình đã làm đúng hay sai? Chỉ đến khi người đứng đầu quân đoàn, Tư lệnh Nguyễn Hữu An ôm anh chảy nước mắt xúc động, nói anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì anh mới an tâm và tràn trề hạnh phúc. Anh mới thấy mình may mắn hơn biết bao đồng đội. Chiến công là của chung, của cả dân tộc, nhưng lịch sử đã chọn anh có mặt trong giây phút thiêng liêng nhất, bắt sống tổng thống một chế độ tay sai, chấm dứt hai cuộc kháng chiến vĩ đại dài hơn một thế kỷ của dân tộc. Còn Tướng Nguyễn Hữu An, người từng chỉ huy đánh đồi A1 trong Trận Điện Biên Phủ, nay lại chỉ huy một trong năm cánh quân của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã đánh chiếm được Dinh Độc lập, đầu não của quân thù, trong hồi ký của mình đã viết, giọt nước mắt của ông chảy ra khi ôm Phạm Xuân Thệ là giọt nước mắt hạnh phúc nhất trong suốt cuộc đời chinh chiến của ông!
TP Hồ Chí Minh ngày 21-6-2021
ĐÔNG LA