“TÔI MUA CHO BÀ CHỨ KHÔNG PHẢI CHO CÔ”
Sáng nay, thứ hai, nhưng vợ chồng cô con gái và cô cháu ngoại còn ở nhà chúng nó, chưa về, vì sau 30-4, còn được nghỉ ngày Quốc tế Lao động 1-5. Xuống tầng trệt, nằm võng đung đưa, lại thấy vang lên tiếng rao quen thuộc:
-Bánh mì nóng đây!
Đó là tiếng rao của một bà gần 70, dáng người gầy như cây củi, khắc khổ, lam lũ. Trước đây bà xã tôi hay mua. Sáng điểm tâm cái bánh mì kẹp với chả lụa, pa-tê, trứng ốp-la, thêm mấy lát dưa leo, mấy cọng rau mùi (ngò rí)… thì cũng rất tuyệt. Vì vậy mà rất quen và hiểu rõ hoàn cảnh của bà: chồng chết, có đứa con trai ham chơi hơn ham làm. Hôm nào bà bán được khá, nó lại “xin mẹ chút tiền tiêu vặt!” Cách đây vài tháng bà còn bị ngã gẫy tay, gần đây lại bị nhiễm covid. Gia đình tôi là một gia đình bình thường, nhưng tôi chứng kiến vô vàn người bất hạnh hơn mình, từ người thân, bạn bè, người quen sát sạt trước mắt mình, trong đó có bà bán bánh mì. Gần đây cả nhà tôi thực hiện giảm cân, ít ăn tinh bột, nên ít mua bánh mì của bà. Mỗi lần mua, cả bà xã, cả tôi phải giải thích, và thường cho thêm tiền bà. Nhưng ngoại trừ những ngày bệnh hoặc có việc, sáng nào bà cũng đi ngang qua nhà tôi, với tiếng rao có phần chờ đợi, nghe mà não ruột! Sáng nay, nghe tiếng rao, tôi rời khỏi cái võng, mở cửa kêu:
-Bánh mì!
Bà bánh mì quay lại. Tôi nói:
-Lấy cho tôi một ổ!
-Chú mua cho cô hả?
-Hôm nay là ngày lễ, tôi mua cho bà chứ không phải mua “cho cô”. Chiếc bánh có mấy ngàn nhưng tôi đưa cho bà 100.000 đ, đã nhiều lần nên bà không ngại mà vui vẻ nhận, và luôn cám ơn tôi.
***
Cách đây vài tuần, cái máy tính macbook của tôi nó trục trặc, mang ra tiệm quen. Chủ tiệm là một anh chàng đẹp trai, thân thiện, cỡ tuổi con trai tôi, nhưng nó nghỉ vì vợ đẻ. Hôm sau đi tiếp thì mới gặp anh chàng. Tôi hỏi: “Vợ đẻ hả?”/ “Dạ!”/ “Mấy ký?”/ “Có 2 ký chín à”/ “Cũng trung bình”. Anh chàng bảo tôi để máy lại, sửa xong sẽ kêu. Khoảng mấy tiếng sau, anh chàng kêu “chú Hùng ra lấy máy”. Tôi hỏi: “Bao nhiêu?”/ “3 trăm, chú!”. Tôi lấy hai tờ 500 ngàn bỏ túi. Đến tiệm, tôi đưa tờ 500 ngàn trả tiền công, anh chàng đưa lại tôi 200.000. Tôi cầm 200.000 bỏ túi, nhưng lại cầm tờ 500.000 khác đưa cho anh chàng:
-Đây là tiền tao mừng đứa con mày chào đời!
Số tiền nhỏ thôi nhưng làm anh chàng quá ngạc nhiên, và có lẽ cả đời anh bạn sẽ không gặp một ai mà chỉ sau vài lần gặp lại làm cái việc “kỳ cục” như thế!
***
Trước nữa mấy tháng, một chiều thứ bảy tôi chở bà xã đi nhà thờ. Đến nơi, xuống xe bả bảo: “Giờ ông đi mua hai cái đùi gà, nhà còn phở với nước không à”. Tôi đi dọc theo một dãy phố thấy một tiệm ghi “Phở gà Quảng Ngãi”. Còn nhớ hồi sinh viên nghỉ hè về Bắc, đi qua “ga gà” Quãng Ngải, đứa nào cũng để dành tiền để ăn gà vì dân ở ga chào mời quá nhiều. Một lần ăn phải chắc gà cũ, tôi bị “ngộ độc thực phẩm”, đau bụng gần chết, đúng là “đòn đau nhớ đời!” Rẽ vô quán, chủ quán cũng lại là một anh chàng rất đẹp trai. Tôi hỏi: “Bán chú hai cái đùi, cả cái phần háng, được không?”/ “Được chứ! Chú là người biết ăn đó! Phần đó là ngon nhất của con gà”. Làm xong, anh chàng hỏi tôi: “Cặp kính mát chú mua ở đâu đấy? Cháu thích lắm! Chú chỉ chỗ cháu sẽ đi mua”/ “Ở nhà tao còn mấy cái nữa, đứa cháu ở Đức gởi về. Mày thích tao sẽ cho mày một cái”/ “Hết bao nhiêu cháu sẽ trả?”/ “Đâu được! Mày trả mấy trăm ngàn thì tao cũng chả làm được gì mà lại làm mất cái tấm lòng từ thiện của tao. Thôi, yên tâm đi, tao sẽ về lấy cho mày”.
Cũng như anh bạn chủ tiệm sửa máy tính, anh chàng chủ quán phở quá ngạc nhiên vì cái ông khách “kỳ cục”!
***
Đó chỉ là những cách ứng xử từ thiện của tôi chứ không phải làm từ thiện. Khoe từ thiện thì không còn từ thiện nữa nhưng tôi là nhà văn muốn viết tất cả về những điều tốt đẹp, lương thiện, dù nhỏ. Hồi nhỏ và mới vào đời, tôi thường thần tượng mấy người tài năng, noi gương họ, nhưng giờ đã từng trải thấy có nhiều người có tài, thành danh, thành đạt nhưng lại nhố nhăng quá, nên những người mà tôi khâm phục bây giờ chính là những người tốt, những người làm từ thiện chân chính. Mình có tấm lòng từ thiện nên rất khâm phục những người làm được những việc mà mình không thể làm được. Tôi là nhà văn, thích nằm võng đung đưa ngẫm ngợi và viết lách, không tài nào thức khuya dậy sớm lo nấu cơm từ thiện; quyên góp, thu nhặt, để rồi trèo đèo, lội suối, mang những đồ cần thiết đến những vùng sâu, vùng xa. Thật khâm phục NSƯT Đức Lưu khi mới đọc bài báo viết, chị đã 83 tuổi, phóng viên nói “như nhiều người chỉ ngồi thở thôi còn mệt”, chị vẫn “chăm chỉ làm từ thiện xa”, đến tận vùng rừng núi Bắc Kạn.
Cũng vì có tấm lòng từ thiện, nên tôi thường viết ca ngợi cái tốt, cái hay, người lương thiện; phê phán cái sai, cái xấu; chống lại cái ác; nhất là những kẻ xã hội cho là tài năng, thành danh, thành đạt, nhưng lại rất dốt, rất lưu manh, mị dân, cơ hội, đón gió, trở cờ, phản bội, phản động. Chính chúng gieo mầm hỗn loạn, gieo mầm chiến tranh như Ukraina hôm nay!
2-5-2022
ĐÔNG LA