NHỮNG SAI TRÁI CỦA NHÓM PHẠM VIỆT TÙNG, TRẦN ĐĂNG KHOA LIÊN QUAN TỚI BỘ PHIM “CHUYỆN THẬT 30-4-1975”
Những ngày tháng 4 năm ngoái (2021) tôi đã viết một loạt bài về ngày 30-4-1975, trong đó có những chuyện liên quan đến bộ phim “Chuyện thật 30-4-1975”. Hôm nay, 27-4-2022, xin đăng lại bài này.
27-4-2022
ĐÔNG LA
Từ bộ phim “Chuyện thật 30-4-1975” của nhóm Phạm Việt Tùng, Trần Đăng Khoa, theo dõi cả quá trình ta thấy để chống lại kết luận của Viện Lịch sử Quân sự đã có sự liên kết của Bùi Tùng, Dương Trung Quốc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Nguyệt, Phạm Việt Tùng, Lâm Thành Quý, Nguyễn Hữu Thái, v.v… Độc giả đặt câu hỏi, quỹ OBAMA đã xuất hiện tại Việt Nam ủng hộ thái độ chống đối trong các lĩnh vực như lịch sử, văn học nghệ thuật, khoa học xã hội, vậy nhóm Phạm Việt Tùng, Trần Đăng Khoa có liên quan không? Một độc giả khác viết: “Ông Phạm Việt Tùng nói trong phim: “... sẵn sàng chi cả 100 tỷ thì ông ta lấy đâu ra tiền nếu ko phải đã có các thế lực thù địch, phản động bên ngoài chống lưng, hỗ trợ về kinh phí?”
Sau đây là các phần viết phân tích cụ thể những sai trái của bộ phim ““Chuyện thật trưa 30-4-1975”
Phần 1
VỀ BỘ PHIM ĐI “TÌM LẠI LỊCH SỬ CHÂN CHÍNH” NGÀY 30-4-1975
Vào đầu phim, người dẫn chuyện nói: “Có một điều khiến đoàn làm phim trăn trở … trước sự thật lịch sử quá đỗi hiển nhiên. Chính uỷ Bùi Văn Tùng là người soạn Bản đầu hàng cho Tổng thống Cộng hoà MNVN (?)… mà mấy chục năm qua vẫn có người cố ý làm sai lịch sử”.
Nguồn gốc gây ra sự tranh cãi này là sau 30-4-1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã ghi hết công lao cho ông Bùi Tùng, cho xe tăng 843 vào Dinh Độc lập đầu tiên chứ không phải là xe 390. Người chịu trách nhiệm chính để sai lầm kéo dài hơn chục năm không ai khác lại chính là ông Bùi Tùng, vì ông vừa là Chính uỷ Lữ đoàn tăng 203, vừa là người trong cuộc. Nhưng ông đã im lặng để hưởng công. Đến khi có những yêu cầu tôn trọng sự thật lịch sử, rồi sau quá trình xem xét của các cơ quan lãnh đạo, Viện LSQS đã được giao tổ chức nghiên cứu, chỉnh sửa. Trong cuộc toạ đàm ba mặt một lời, ông Bùi Tùng đã không phản bác. Nhưng sau đó ông lại gặp và trả lời những nhà báo, đạo diễn phim tài liệu để rồi họ phát tán những thông tin sai sự thật trên báo, đài, gây ra sự mâu thuẫn và sai trái trong nhận thức của người dân về ngày lịch sử 30-4-1975 dai dẳng đến tận hôm nay!
Gần đây nhất và còn đang nóng trên mạng chính là bộ phim của nhóm Phạm Việt Tùng. Mục tiêu điều tra chính của các tác giả phim là “đối tượng” Phạm Xuân Thệ, nhưng người bị kết tội trước lại là anh Bùi Quang Thận. Họ đã kết án anh Bùi Quang Thận “cố tình bẻ cong sự thật để lịch sử bị sai lạc” vì cái câu anh Thận nói “…trên xe còn hai viên đạn pháo thì bắn một viên vào Dinh ĐL … nhưng không nổ”. Họ đưa lá thư gởi cho ông Bùi Tùng của ông Thái Bá Minh, nguyên là chiến sĩ cùng ngồi xe với anh Thận, ra viết anh Thận nói vậy là “nói láo”. Thông tin chưa được kiểm chứng không chắc chắn, mà dù trí nhớ của anh Thận đúng là không chính xác, thì một chi tiết nhỏ đó cũng không thể “bẻ cong sự thật để lịch sử bị sai lạc” được. Về anh Bùi Quang Thận, cái chuyện anh một mình vào hang ổ quân thù, treo cờ trên nóc Dinh ĐL mới chính là cái điều quan trọng. Còn chuyện dù anh Thận có nói sai, nếu là người có trách nhiệm, lẽ ra ông Bùi Tùng phải góp ý để chỉnh sửa cái chuyện nhỏ đó, đằng này ông lại cung cấp “tài liệu” cho người ta làm phim, để hôm nay họ chửi người anh hùng “nói láo” trên internet cho cả thế giới biết!
Không lẽ theo bộ phim, Lịch sử VN tôn vinh toàn những anh hùng nói dối (Phạm Xuân Thệ), nói láo (Bùi Quang Thận)?
Các tác giả bộ phim kể vì kỳ công đi tìm “lịch sử chân chính về xe 390” đã phát hiện ra “một sự thật lịch sử đang bị che lấp: ai là người thảo bản đầu hàng cho DVM?”. Nhưng rồi chính họ lại đi giúp ông Bùi Tùng che lấp sự thật lịch sử!
Phần 2
CHUYỆN BỘ PHIM NÓI VỀ SỰ KIỆN
BẮT NỘI CÁC DƯƠNG VĂN MINH
Mục đính chính của Phạm Việt Tùng và nhóm làm phim là muốn chứng minh ông Bùi Tùng có mặt ở Dinh ĐL, anh Phạm Xuân Thệ và ông Bùi Tùng đã biết nhau ở Dinh ĐL, nên anh Thệ phải chịu sự chỉ huy của ông Bùi Tùng ở cả Dinh ĐL lẫn ở Đài PT, nghĩa là công trạng trong ngày 30-4-1975 sẽ thuộc phần ông Bùi Tùng hết! Họ đưa ra nhiều chứng cớ nhưng không khách quan, đã suy diễn chủ quan theo ý mình, dẫn đến trong bộ phim có nhiều chỗ tự mâu thuẫn lẫn nhau.
Bộ phim chiếu đoạn video quay ngay sau 30-4-1975, trong đó ông Bùi Tùng xác nhận công trạng anh Phạm Xuân Thệ cùng mình “đưa TT Dương Văn Minh sang Đài PT SG” chẳng khác gì đã tố chính ông Bùi Tùng. Vì sau 15 năm, khi viết báo cáo, ông đã cho rằng vì ông ấy quân hàm cao nhất nên đã chỉ huy mọi chuyện, công trạng thuộc về mình, và ông đã quên luôn tên anh Phạm Xuân Thệ.
***
Nhân chứng quan trọng đầu tiên mà nhóm làm phim đưa ra là Trung uý Vũ Đăng Toàn, người chỉ huy xe tăng 390 là xe đầu tiên vào Dinh ĐL. Nhưng vì có thái độ thiên lệch, họ chỉ chọn những câu ông Toàn nói phục vụ cho ý đồ của họ nên lời ông Toàn không thể hiện trọn ý của ông ấy, nên không thể là chứng cớ về sự kiện bắt Nội các Dương Văn Minh trong sáng 30-4-1975. Chính xác và đầy đủ nhất ý ông Toàn là lần ông cùng ông Nguyễn Hữu Thái trả lời trong một cuộc gặp gỡ được ghi hình và chiếu trên ANTV - Truyền hình Công an Nhân dân (https://www.youtube.com/watch?v=o8ZztTvwQKY).
Ông Toàn kể, khi xe 390 dừng lại trước tiền sảnh Dinh ĐL, ông định cầm cờ nhưng thôi, vì ông Phượng đã vỗ vai bảo đã có anh Thận đang ôm cờ chạy vào Dinh rồi. Ông liền cầm một khẩu AK nhảy xuống xe đợi rồi chạy theo anh Thận để hỗ trợ. Khi hai người đến bậc tam cấp cửa Dinh thì có người đứng chặn chào theo kiểu Miền Nam rất lịch sự và giới thiệu "Tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống mời các ông lên làm việc". Tiếp theo là phần ông kể trong bộ phim: “Sau đó anh Thận bảo tôi là anh ở lại dồn nội các DVM tôi lên cắm cờ … Tôi dồn toàn bộ nội các DVM vào. Dồn xong thì là ông DVM ra đến chỗ tôi, thì là anh Phạm Xuân Thệ mấy lại hai trợ lý nữa. Bây giờ là anh Phạm Xuân Thệ chứ lúc ấy chả biết ai … thế thì anh này đến gần chỗ ông DVM ấy thì là ông này báo cáo với ông DVM “Báo cáo Tổng thống tôi là Đại uý Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó trung đoàn 66”… Sau đó chưa kịp làm gì, có một hành động gì … thì đoàn của anh Bùi Văn Tùng Chính uỷ Lữ 203 vừa lên tới”.
Theo lời anh Phạm Xuân Thệ kể, vào dinh, anh đã cùng đồng đội đi theo cầu thang lên tầng 2, người đầu tiên các anh gặp là ông Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Hạnh đã nói:
-Toàn bộ nội các đang trong phòng họp, xin mời cấp chỉ huy vào làm việc!
Phạm Xuân Thệ thấy bất ngờ, thoáng chút lo lắng vì chỉ nghĩ mình dẫn đồng đội vào Dinh để cắm cờ chứ đâu nghĩ đến chuyện “làm việc” với Dương Văn Minh. Anh và đồng đội theo Nguyễn Hữu Hạnh trên cái hành lang dẫn vào phòng có TT Dương Văn Minh. Có một nhà báo Pháp đã chụp được những khoảnh khắc này và đã đăng ngay sau 30-4-1975 bên Pháp.
Như vậy, tấm ảnh chính là vật chứng chứng tỏ ông Hạnh không thể phân thân để mà dẫn ông Toàn đi gặp ông Dương Văn Minh trước được, để rồi ông Toàn thấy anh Thệ vào “báo cáo Tổng thống” và bắt tay ông Minh! Nghĩa là chính ông Toàn là người nói dối!
Tiếp theo Phạm Xuân Thệ cùng đồng đội theo Nguyễn Hữu Hạnh vào phòng họp, anh thấy rất rộng, có khoảng 40 - 50 người ngồi. Ông Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu với anh Thệ TT Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.
Ông Dương Văn Minh bước tới, nói thận trọng:
-Chúng tôi biết Quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao.
Nghe tới đó, Phạm Xuân Thệ buột miệng phản ứng ngay, giọng kiên quyết:
-Các ông đã thất bại, đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay, không có bàn giao gì cả!
Thật may mắn, khoảnh khắc thiêng liêng nhất đó của cuộc chiến cũng đã được ghi hình. Theo tôi, đây mới chính là tấm ảnh lịch sử quan trọng nhất, hơn cả ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh ĐL, hơn cả ảnh (nếu có) anh Thận kéo cờ giải phóng lên cột cờ Dinh, hơn cả ảnh ông Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng ở Đài Phát thanh, vì trong mọi cuộc chiến, giây phút bắt sống đầu sỏ quân địch luôn là quan trọng nhất.
Thú vị ở chỗ, nếu anh Thệ không giới thiệu thì không ai có thể hiểu rõ tường tận được bức ảnh, vì trong đó ông Mẫu được chụp từ phía sau lưng, còn ông Nguyễn Hữu Hạnh đang đứng giới thiệu ông Minh, ông Mẫu với anh Thệ nhưng đã bị ông Mẫu che hết, chỉ nhô ra cái vai mà thôi. Anh Thệ cho biết trong hình còn có: một người dân mặc áo trắng, chính là người cầm cờ đã lên xe của anh ở dọc đường để dẫn đường đến Dinh ĐL; Nhà báo Đức Borries Gallasch; và ông Tô Văn Cang, một cán bộ tình báo. Như vậy, những lời anh Thệ thường kể là đúng, nhóm anh Thệ thường kể là đúng, vì chúng khớp với lời chứng của ông Nguyễn Hữu Hạnh, nhà báo Borries Gallasch và ông Tô Văn Cang, những người có mặt trong tấm hình lịch sử trên.
Bức ảnh đó chính là chứng cứ thuyết phục nhất chỉ ra ai chính là người bắt Nội các DVM! Anh Thệ đã nói rồi, đã bắt ông DVM rồi thì dù ông Bùi Tùng đến sau có nói ngàn câu cũng vô nghĩa!
***
Trong buổi Toạ đàm được tổ chức bởi Viện LSQS tại Dinh Thống nhất ngày 19-10-2005, lời anh Bùi Quang Thận kể cũng chứng tỏ ông Toàn nói sai.
Anh nói: “Sau khi vào Dinh ĐL… bản thân xe đ/c (ông Toàn) 5 người, đáng lẽ đ/c phải cử người đi để mà bảo vệ tôi chứ, nhưng mà xe đ/c đóng cửa kín mít. Đ/c bảo nằm trong xe bảo vệ, dùng pháo để bảo vệ cho đ/c Bùi Quang Thận… Các đ/c nói không đúng… Khi vào trong Dinh ĐL thì tôi chạy vào… trên xe không phải thiếu vũ khí mà rất nhiều vũ khí… nhưng không mang một thứ gì… chỉ rút cái ăng-ten có cờ giải phóng là chạy vào thôi… Cứ thế leo đến tầng 2… lúc đấy thì cũng sợ chứ không phải không sợ. Bởi vì có một mình, vũ khí không mang… nghĩ tốt nhất là bắt một người dẫn mình đi cắm cờ”.
Theo báo tienphong.vn, ngày 29/06/2006, sau cuộc gặp với các cựu binh xe tăng 390, phóng viên của báo gặp những người của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, họ đã cho phóng viên của báo biết, trong quá trình trao đổi với các chỉ huy Lữ đoàn 203 và anh Bùi Quang Thận thì không thấy ai nói về việc Vũ Đăng Toàn và Ngô Sĩ Nguyên dồn Nội các Dương Văn Minh vào phòng họp. Vì lúc đó họ chưa xuống xe. Khi nhóm Đại uý Phạm Xuân Thệ xông vào bắt Nội các Dương Văn Minh thì họ mới xuống xe.
***
Tiếp theo, trong bộ phim, Lâm Thành Quý cho biết đã “theo chỉ đạo của đ/c Võ Văn Kiệt” đi gặp nhân chứng quan trọng là ông Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Nguyễn Hữu Hạnh kể:
“Khi mà anh em yêu cầu ông Minh đi lên đài phát thanh để mà tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì ông Minh đã trả lời là ổng đã tuyên bố giao chính quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN”.
“Anh em” ở câu nói này chính là nhóm Phạm Xuân Thệ. Lâm Thành Quý đã không ngờ mình kiếm nhân chứng để bênh vực ông Bùi Tùng nhưng thực chất lại nói sự thật về nhóm anh Thệ.
Còn tiếp theo ông Hạnh nói ông biết ông Bùi Tùng là chỉ huy là chỉ huy xe tăng chứ không phải chỉ huy việc bắt DVM. Tiếp nữa, ông Hạnh nói ông Tùng “quyết định” là tỏ ý về chuyện thu băng, không phải chuyện quyết định bắt DVM. Nhóm anh Thệ đã bắt rồi, ông đến sau còn quyết định cái gì?
Thực tế, khi anh Thệ súng lên đạn trong tay, buộc ông Minh sang Đài PT, ông Minh sợ ra đường nguy hiểm nên xin thu băng ở Dinh. Anh Thệ chưa hiểu chuyện thu băng thế nào, chưa quyết, còn dùng dằng đã khiến ông Minh hoang mang. Ông Minh thấy ông BT đến, tay không súng, lớn tuổi, có vẻ điềm đạm đã khiến ông yên tâm. Borries Gallasch đã viết: “Sự hoang mang chấm dứt” khi ông Bùi Tùng đến là vì như thế.
Nhóm bênh vực ông Bùi Tùng hay đưa Borries Gallasch ra nhưng lại cố tình cắt xén và diễn dịch sai ý của Nhà báo Đức. Về chuyện Phạm Xuân Thệ bắt DVM, ông đã viết rất rõ:
“Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất, tôi chứng kiến Đại tướng Minh “lớn” - tổng thống của VN cộng hòa, đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của đoàn Đông Sơn thuộc quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, Thệ rất phấn khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh”.
Lâm Thành Quý còn đưa ra chứng cớ nữa để chứng minh “anh Tùng chắc chắn có trong Dinh ĐL”, đó là bản báo cáo của ông Sáu Trí, Đại tá tình báo, cấp trên của ông Tô Văn Cang. Báo cáo viết:
“Anh Tô Văn Cang vào đại sảnh lúc ấy bộ đội đang vây nhóm DVM Mẫu và Hạnh. Anh Cang đi lại đứng sát Diệp và Minh. Đ/c chỉ huy thiết giáp la lớn “không có bàn giao gì hết. Tất cả xếp hàng lại nhanh lên””.
Như vậy, bản báo cáo cũng xác nhận “bộ đội đang vây nhóm DVM Mẫu và Hạnh”, “bộ đội” ở đây là nhóm anh Phạm Xuân Thệ. Còn câu: “Đ/c chỉ huy thiết giáp la lớn “không có bàn giao gì hết” thì trong bài của Cao Minh mà TĐK đăng để bênh ông Bùi Tùng đã trích chính lời của ông Tô Văn Cang, câu “Không có bàn giao gì hết. Tất cả xếp hàng lại nhanh lên” là của Phạm Xuân Thệ chứ không phải của “Đ/c chỉ huy thiết giáp”. Chắc Lâm Thành Quý cố tình đặt câu nói trên vào miệng ông Bùi Tùng để phản bác chuyện anh Thệ luôn kể là “không biết ông Tùng là ai cả, chỉ biết anh Tùng khi gặp nhau ở Đài PT”, từ đó kết luận rằng, nếu anh Thệ đã biết ông Bùi Tùng thì phải chịu sự chỉ huy của ông Bùi Tùng trong lúc bắt DVM.
Nhưng chính lời ông Bùi Tùng trong phim đã bác bỏ lời Lâm Thành Quý, người bênh vực mình, ông đã xác nhận mình không biết Phạm Xuân Thệ lúc ở trong Dinh:
“… xe đầu tiên ấy thì ông Minh, ông Mẫu, rồi sau này tôi biết là có anh Thệ đi kèm cái xe đó. Tôi đi xe sau thì có nhà báo Bô-rit Ga-lat Tây Đức và anh Hà Huy Đỉnh đi cùng”.
Câu này chính là câu quan trọng nhất để làm sáng tỏ mọi chuyện. Ông Tùng không biết anh Thệ lúc đó thì chỉ huy gì? Dù ông đúng là có nói câu: “ông Minh nói với tôi là chúng tôi chờ các ông vào để bàn giao thì tôi nói các ông chả còn gì để bàn giao chỉ có đầu hàng không điều kiện” nhưng DVM đã bị bắt rồi thì câu của ông chỉ như bao câu chuyện trò bình thường mà thôi.
***
Mọi chuyện đã rõ, nhưng ta thử xem Phạm Việt Tùng, tác giả chính bộ phim, nói:
“Anh Thệ phủi anh Bùi Tùng ở Dinh ĐL ... còn gì quyền lực của ông Trung tá? Tại sao anh lại phủi ông Trung tá được, mà ông có mặt? Khi (ông BT) đã có mặt ở Dinh ĐL có nghĩa là anh Thệ nói không đúng. Cuốn sách (của Borries Galasch) nói anh Bùi Tùng đến thì trật tự… phải tin Nguyễn Hữu Hạnh… Tô Văn Cang khẳng định Bùi Tùng có mặt ở Dinh ĐL”.
Việc có nhiều người chứng kiến ông Bùi Tùng có mặt lúc anh Thệ bắt Dương Văn Minh thì không có nghĩa là anh Thệ cũng biết ông Bùi Tùng, vì anh đang “bận”, đang chú tâm bắt DVM, không để ý. Cái câu của chính ông Bùi Tùng thừa nhận mình không biết anh Thệ không chỉ chứng tỏ Lâm Thành Quý sai như đã viết mà cũng cho thấy Phạm Việt Tùng huyên thuyên như thằng say rượu!
Phạm Việt Tùng tiếp:
“Anh Toàn đến, anh chỉ có nhiệm vụ ở sân, không được vào Dinh, thế tại sao anh chấp nhận anh Thận vào để treo cờ mà anh lại không chấp nhận anh Toàn vào Dinh, mà anh Toàn là chính trị viên đại đội lúc đó là quan trọng. Anh không cho vào à? Tại sao chúng ta lại quyết định ... ủi cái cuộc chiến thực ... là anh Toàn vào. Thế thì chúng ta phải tìm ra ai là người bắt DVM? Còn ông là người quyền lực lúc đó, là đại uý, ông báo cáo thì ông Toàn biết vậy… Nhưng công việc chưa xảy ra, chưa giải quyết được vấn đề gì, thì ông Bùi Tùng tới...”
Phạm Việt Tùng vì điều tra thiên lệch nên không biết đến tấm ảnh chụp anh Thệ và đồng đội được ông Nguyễn Hữu Hạnh dẫn từ hành lang vào phòng có DVM, tức không biết ông Toàn “nói điêu”, Việt Tùng đã bị ông Toàn dắt mũi mà không biết!
Như vậy, nhóm làm phim vì không khách quan, luôn tìm tài liệu để suy diễn chủ quan, muốn tạo ra sự thật như mình muốn chứ không phải như vốn có. Cuối cùng, muốn chứng tỏ anh Thệ nói dối lại thành ra chứng minh ông Toàn nói điêu.
Phần 3
CHUYỆN CĂM CỜ TRÊN NÓC
DINH ĐỘC LẬP 30-4-1975
Tôi bị bất ngờ ở chỗ, xem kỹ bộ phim chứng tỏ anh Phạm Xuân Thệ “nói dối” ra sao thì lại thấy hoá ra trong chuyện anh Thận vào Dinh treo cờ không chỉ chứng tỏ ông Toàn “nói điêu” mà “nhân chứng thứ 3” rất quan trọng của Phạm Việt Tùng và Trần Đăng Khoa là Nguyễn Hữu Thái cũng hoàn toàn bịa đặt khi luôn kể rằng mình và Huỳnh Văn Tòng đã dẫn anh Bùi Quang Thận lên nóc Dinh ĐL treo cờ sáng 30-4-1975!
***
Chuyện cắm cờ, nguyên văn lời anh Bùi Quang Thận kể trong buổi “Toạ đàm ngày 19-10-2005” được tổ chức bởi Viện LSQS tại Dinh Thống nhất như sau:
“Khi vào trong Dinh ĐL thì tôi chạy vào… chân dép cao su, mặc áo ngắn tay, đầu đội mũ xe tăng, thì trên xe không phải thiếu vũ khí mà rất nhiều vũ khí… nhưng không mang một thứ gì… chỉ rút cái ăng-ten có cờ giải phóng là chạy vào thôi… Cứ thế leo đến tầng 2… thấy người lố nhố … Thực ra mà nói báo cáo các đ/c là lúc đấy thì cũng sợ chứ không phải không sợ. Bởi vì có một mình, vũ khí không mang, giá có vũ khí thì mình cũng yên tâm hơn… nghĩ tốt nhất là bắt một người dẫn mình đi cắm cờ. Trong đầu tôi lúc ấy, ở trình độ ít chữ, ngắn học… Cho nên là húc đầu vào cửa kính đánh động thì ông ta mới ra, mà báo cáo các đ/c là húc mạnh … đầu tôi phải băng… động thì bắt đầu trong Nội các mới ra một người, thì là tôi nghĩ bụng bây giờ túm lấy tay anh ta, lúc đầu là đòi cho gặp Tổng thống DVM, trong đầu chỉ nghĩ là bắt được DVM là mình an toàn”.
Trong một lần kể cho báo congannghean.vn anh cũng kể giống những ý chính như trên nhưng phần sau chi tiết hơn:
“…đầu tôi đập vào cửa kính trong suốt bị choáng, ngã ngồi xuống ngay trước cửa. Trong chốc lát, tôi tỉnh lại, thấy một nhân viên của ngụy quyền Sài Gòn ra mở cửa… Tôi nắm chắc lấy tay y, nói gấp:
- Cho gặp Dương Văn Minh ngay.
- Vâng, vâng... để tôi vào báo tổng thống - giọng y run run.
Một lát sau, Dương Văn Minh ra… nói tiếng được tiếng không về bàn giao chính phủ gì gì đấy. Tôi không quan tâm mà tiếp tục đề nghị dẫn tôi lên cột cờ ngay. Dương Văn Minh gọi tên nhân viên …
Tôi được đưa đến trước hai cánh cửa sắt, người dẫn đường ấn hai cánh cửa dẹp về hai phía, bên trong hiện ra một khoang giống như thùng sắt đựng lúa của nông dân.
- Mời ông vào trước.
Tôi nghiêm mặt nhìn y đầy ngờ vực. Bọn này định thủ tiêu mình hoặc chí ít nó sẽ lừa mình nhốt lại làm tù binh, con tin chắc? Như đoán được suy nghĩ của tôi, y giải thích: “Thưa ông, đây là cầu thang máy, lên cho nhanh”. Tôi sốt ruột vì thời gian đôi co. Trong tôi thoáng nghĩ, nếu chúng nó muốn bắt mình hoặc giết mình, chắc không bày cách đơn giản thế này… tôi nói: “Ông vào trước đi, nhớ quay mặt vào trong”. Y đi vào, tôi vào theo. Y với tay ấn nút, tôi giữ tay y lại hỏi: “Ông làm gì đấy?” - “Tôi ấn thang máy mà”. Lần này y trả lời tôi rõ ràng hơn. Tôi có cảm giác được nâng lên. Cánh cửa thang máy mở ra, tôi lao thẳng đến cột cờ kéo dây hạ cờ ba sọc… xuống. Do buộc quá chật… Tôi… sốt ruột quá liền đưa răng vào cắn mép trên xé rách lá cờ… Tôi rút cờ giải phóng ở cần ăng ten ra buộc vào, kéo lên… Tôi hạ cờ xuống lấy bút máy Trường Sơn mang theo ghi vào góc dưới lá cờ dòng chữ: “11h30’ ngày 30/4/75”, bên dưới ghi thêm Thận rồi kéo lá cờ lên”.
Như vậy, theo anh Thận hoàn toàn không có chuyện ông Toàn vào Dinh cùng anh, và cũng không có chuyện Nguyễn Hữu Thái và Huỳnh Văn Tòng đã dẫn anh lên nóc Dinh treo cờ.
Lúc đầu, do tuyên truyền, anh Thận tưởng người dẫn mình lên nóc Dinh là Đại tá Vũ Quang Chiêm, về sau khi gặp lại nhau để tái hiện sự kiện thì anh biết đích xác người dẫn mình chính là Lý Quí Chung.
Lý Quí Chung sau giải phóng chính là Nhà báo Chánh Trinh. Ông đã xuất bản cuốn Hồi ký, trong đó ông kể về sáng 30-4 mà khi đó ông là Tổng trưởng Thông tin, một thành viên trong Nội các DVM, nên luôn ở sát bên Tổng thống DVM khi bộ đội tiến vào Dinh ĐL. Đọc Hồi ký của ông viết về ngày 30-4-1975 ta thấy không phải như Nguyễn Hữu Thái luôn tự nhận mà chính ông mới là người dẫn anh Bùi Quang Thận lên nóc Dinh treo cờ!
Ông Lý Quí Chung viết, sau khi xe tăng vào Dinh Độc Lập, ông thấy tiếng chân người vang dội trong sảnh, có tiếng hô to: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Người bước ra khỏi phòng trước tiên là Tổng thống Dương Văn Minh. Ông bước theo… Ra đến đại sảnh, ông thấy một người bộ đội nói với tổng thống Minh: “Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy quyền”. Ông Minh quay sang tôi đang đứng bên cạnh: “Chung, toa hướng dẫn cho người này lên sân thượng””. Sau này ông mới biết đó là anh Bùi Quang Thận. Ông đưa người bộ đội trẻ đến thang máy để lên sân thượng: “Đến trước thang máy, tôi bấm nút cho cửa mở. Khi cửa mở rồi người bộ đội trẻ vẫn chưa chịu bước vào. Tôi đoán trong đời anh chưa bao giờ đặt chân vào một thang máy. Tôi nói với người bộ đội trẻ: “Anh vào đi. Không có gì lo. Tôi cùng vào với anh”. Nói xong, tôi vào trước. Sau ít giây do dự, anh bước vào... Tôi bấm nút lên tầng cuối cùng… Cách thang máy không xa, ở phía trước sân thượng, sát bên ngoài là chỗ cắm cờ. Người bộ đội đi thẳng ra đó hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống. Tôi không bước ra theo. Tôi đứng phía trong một lúc, rồi quay trở lại thang máy đi xuống trước một mình”.
Như vậy, dù là trí nhớ nhưng lời hai người trong cuộc là Bùi Quang Thận và Lý Quí Chung ý chính khá trùng nhau.
Vậy mà Nguyễn Hữu Thái luôn kể mình và ông Huỳnh Văn Tòng đã dẫn anh Bùi Quang Thận lên nóc Dinh treo cờ, để rồi “hãnh diện” là họ đã đại diện cho Miền Trung, Miền Nam đóng góp và chứng kiến giây phút thiêng liêng: đất nước đã hoà bình, thống nhất:
"Thật ngẫu nhiên, vào thời điểm lịch sử ấy trên nóc Dinh Độc Lập có 3 chàng trai của 3 miền đất nước: anh Thận ở miền Bắc, giáo sư Tòng miền Nam và tôi ở miền Trung. Cả ba anh em vừa xúc động, vừa sung sướng vừa hãnh diện”.
Về việc đó, Lý Quí Chung viết:
“Nói về sự kiện 30-4 tại Dinh Độc Lập, có một hai bài viết kể tên một ai đó đã đưa bộ đội lên hạ cờ. Tôi không biết ở Dinh Độc Lập còn có một nơi nào khác treo cờ hay không ngoài cột cờ trên sân thượng. Năm 1990, khi kỷ niệm 15 năm giải phóng miền Nam, một hãng truyền hình Nhật có mời tôi và trung tá (anh Thận) cùng tái hiện lại những giây phút tôi đưa đại uý (trung uý) Thận lên sân thượng Dinh Độc Lập để hạ cờ của chế độ Sài Gòn”.
Còn anh Bùi Quang Thận, trên TCLSQS 10-2006, anh nói đích danh Nguyễn Hữu Thái nói sai: “Tôi tuy đã về hưu nhưng trí nhớ không kém đến mức quên người đã dẫn mình lên cắm cờ trên nóc Dinh ĐL-một sự kiện trọng đại trong đời như vậy. Sự thực là chui vào thang máy chỉ có hai người như tôi đã nói trên, làm gì có nhân vật thứ 3 nào? Điều này cũng đã được ông Ngyễn Hữu Hạnh thừa nhận. Sự việc như ông Thái kể là không đúng sự thật!”
Ông Vũ Đăng Toàn trước đây kể thì không nhắc đến Nguyễn Hữu Thái, nhưng gần đây, trong chương trình gặp gỡ có mặt cả ông Toàn, ông Thái, hai người chứng nhận cho nhau những chuyện họ nói sai ở Dinh ĐL; trên một bài báo ông Toàn còn copy luôn giọng của Nguyễn Hữu Thái:
“... chạy lên tầng 2, trước mắt tôi là hình ảnh tòa nhà rộng rãi, trong nhà có khoảng 50-60 người... Sau khi hỏi ông Hạnh về chỗ thang máy để lên tầng thượng tòa nhà (cắm cờ) thì gặp anh Nguyễn Hữu Thái, Hội Sinh viên yêu nước đã nhận chỉ đường và trên đường có gặp Đại tá Vũ Chiêm cùng GS Huỳnh Văn Tòng. Có một điều đặc biệt là lịch sử không sắp đặt, ngẫu nhiên 3 người đại diện 3 vùng miền cùng hướng lên cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Đó là anh Bùi Quang Thận (quê Thái Bình) miền Bắc, anh Nguyễn Hữu Thái (quê Đà Nẵng) miền Trung, GS Huỳnh Văn Tòng người Nam Bộ. Tôi đánh giá rất cao ý nghĩa của tinh thần hợp sức, đồng lòng vì một Việt Nam thống nhất và hình ảnh lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975”.
Phần 4
XUNG QUANH CHUYỆN ÁP GIẢI
DƯƠNG VĂN MINH VÀ VŨ VĂN MẪU
SANG ĐÀI PHÁT THANH SG
Với câu ông Bùi Tùng thú nhận “… xe đầu tiên ấy thì ông Minh, ông Mẫu, rồi sau này tôi biết là có anh Thệ đi kèm cái xe đó”, ông BT không biết anh Thệ thì không thể chỉ huy ở Dinh, nên anh Thệ chỉ huy việc bắt DVM, buộc ông ta sang Đài PTSG tuyên bố đầu hàng thì sang đến nơi tất phải tổ chức soạn thảo lời đầu hàng ngay, khi ông Tùng đến thì mời tham gia, hoàn tất. Sự thật là thế, nhóm anh Phạm Xuân Thệ đã kể thế, Viện LSQS cũng đã kết luận như thế.
Vậy mà Phạm Việt Tùng đã điếc, Trần Đăng Khoa đã điếc, và toàn bộ những người bênh vực Bùi Tùng, từ nhân chứng, nhà báo, người viết sử cũng đều điếc theo Phạm Việt Tùng và TĐK, đều không hiểu ý nghĩa câu nói trên của ông Bùi Tùng. Cái sự điếc này không phải điếc âm thanh, mà điếc lương tri, nên không thể nghe ra được sự thật. Sự thật là thế, tại sao họ lại không nhận ra, để rồi kết bè, kéo cánh, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm danh dự cả anh hùng Phạm Xuân Thệ lẫn Bùi Quang Thận!
Hãy theo lại từng bước chân lịch sử.
***
Đoạn phim lịch sử quay nhóm anh Phạm Xuân Thệ dẫn giải ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu từ trong Dinh xuống sân là bằng chứng sống động nhất. Chỉ huy Phạm Xuân Thệ luôn có sĩ quan thuộc cấp và chiến sĩ hỗ trợ sát bên, thành một tổ chiến đấu hùng dũng, súng luôn trong tay, áp sát DVM, áp giải ra xe của mình.
Trong bộ phim của nhóm Phạm Việt Tùng, sau lời MC dẫn chuyện nói “Sự thật không thể che giấu”, bộ phim đã trích ra một hình ảnh trong đoạn phim trên, chỉ ra anh Phạm Xuân Thệ ở phía trái Dương Văn Minh, còn ông Bùi Tùng “đi ngay bên tay phải DVM”. Như tôi đã phân tích, nếu ta chụp thẳng hàng thì với mặt trăng ta cũng sẽ có hình ở “ngay bên”, còn ở góc khác, người được cho là Bùi Tùng đi ngoài người phóng viên thì cách DVM đến 4-5 người (xem ảnh).
Như vậy bộ phim đưa đoạn băng ra như để diễu cợt ông Tùng. Nếu người đó thật là ông thì sao một cán bộ chỉ huy cấp cao nhất ở đó lại lủi thủi “cô đơn” một mình xem người ta tác chiến như thế. Còn theo Đại tá Hoàng Hiền, cựu chiến binh E66 khẳng định, người đó không phải là ông Bùi Tùng mà “anh Xuyên quê Ninh Bình. To cao như ông Tùng nhưng mặt dài hơn”, từng “cùng lớp đại trưởng trong sư đoàn thường họp, tập huấn... gặp nhau luôn”.
Còn thực sự ông Bùi Tùng chỉ có tấm ảnh duy nhất ông luôn khoe ra, nhưng không phải là chuyện tác chiến mà ông đang tâm sự với Nhà báo tây Đức Borries Gallasch trong sân Dinh. Nếu ông đang chỉ huy tác chiến thì phải có thuộc cấp chứ, phải có xe và lái xe của mình chứ, sao ông phải đi nhờ xe ông Hà Huy Đỉnh theo sau xe anh Thệ, “tổ chiến đấu” của ông sao lại toàn là Hà Huy Đỉnh, nhà báo chế độ cũ; Borries Gallasch, Nhà báo Tây Đức; và cựu Đại uý Ngụỵ Nguyễn Hữu Thái! Thật nực cười!
***
Như vậy, sự thật hoàn toàn đúng như anh Phạm Xuân Thệ nói, anh không biết ông Bùi Tùng ở Dinh ĐL, khi sang Đài PT SG rồi thì sau khoảng 30 phút ông Bùi Tùng đến thì anh mới biết. Theo anh Phùng Bá Đam, người ngồi cùng xe với anh Phạm Xuân Thệ áp giải DVM: “Xe của chúng tôi phải luồn lách mãi mới đến được đài phát thanh Sài Gòn”. Vậy, xe chở ông Bùi Tùng đi sau xe anh Thệ không phải chỉ 30 phút mà có thể còn hơn thế. Mọi chuyện đã rõ, nhóm anh Thệ bắt DVM sang đài để tuyên bố đầu hàng thì đến nơi phải tổ chức soạn ngay lời đầu hàng chứ, không lẽ ngồi tán dóc à?
***
Trong số người trong cuộc, Đại tá Phùng Bá Đam chắc vốn là giáo viên nên kể rõ ràng và đầy đủ nhất:
“Trong lúc chờ đợi nhân viên đài phát thanh, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó; tôi (trung úy Phùng Bá Đam, trưởng tiểu ban cán bộ trung đoàn); thiếu úy Đinh Thái Quang, trợ lý tuyên huấn; Nguyễn Văn Nhu trợ lý tham mưu, đồng chí trung úy Trịnh Ngọc Ước, trợ lý chính sách …, mỗi người một ý rồi thống nhất ý tứ thảo lời tuyên bố đầu hàng, anh Thệ là người chắp bút”.
Khi các anh làm gần xong thì ông Bùi Tùng mới đến. Sau khi hai bên giới thiệu biết nhau thì anh Thệ mời ông Bùi Tùng cùng soạn thảo và cuối cùng thống nhất với nhau. Lời kể của anh Nguyễn Văn Nhu cũng có chi tiết độc đáo giúp ta nhận biết sự thật rõ nét hơn. Anh kể do xem bộ phim Giải phóng của LX, thấy lúc chiến thắng, Hồng quân LX bắt Phát-xít Đức phải đầu hàng vô điều kiện, nên anh đề nghị trong bản tuyên bố có ý “đầu hàng vô điều kiện”.
Theo anh PXT và các anh trong nhóm thì do chữ anh Thệ ông DVM không đọc được, ông đề nghị anh Thệ đọc cho chép. Riêng điều này thì còn nghi vấn khi có thông tin của Bùi Thanh trên báo Tuổi trẻ. Bùi Thanh đến Bảo tàng QĐ2 khi họ đang sắp xếp lại hiện vật, đã tình cờ thấy hai văn bản mầu xanh và nhàu nát và được cán bộ bảo tàng xác nhận là văn bản gốc do chính ông Bùi Tùng chép trưa 30-4-1975. Có điều khó hiểu là tại sao họ lại phải giấu đi để rồi phải phục dựng? Tiếc là những người có trách nhiệm không xác minh thông tin này, để rồi chuyện xuất hiện hai tấm hình chụp “hai văn bản gốc” trên càng làm cho cuộc tranh luận “Ông Tùng, ông Thệ” rắc rối thêm.
Bộ phim của nhóm Phạm Việt Tùng cũng đã đưa hình hai văn bản trên ra để khẳng định công soạn văn bản tuyên bố đầu hàng cho DVM thuộc về ông BT. Còn ông BT cũng kể tự mình soạn thảo hết hai văn bản vào hai tờ giấy mầu xanh. Xong việc ở Đài PT trưa 30-4-1975, ông vò chúng bỏ vào túi, khi cán bộ lưu trữ ở QĐ2 yêu cầu thì ông đã đưa cho họ. Như vậy, dù có đúng là hai bản gốc do BT chép, nhưng không thể thay đổi sự thật như anh Thệ kể và Viện LSQS kết luận.
Bộ phim đưa ra một loạt nhân chứng, dù họ có nói chính xác cũng không phải sự thật, vì xe họ đến Đài PT sau xe anh Thệ hơn nửa tiếng, làm sao họ có thể chứng kiến nhóm anh Thệ soạn văn bản mà kể? Họ có phần đáng trách ở chỗ khi không biết hết sự việc mà nói cứ như biết tất cả. Chưa hết, có những nhân chứng như Nguyễn Hữu Thái, người khi đưa hình ảnh lên thì cắt hết hình anh Phạm Xuân Thệ, viết thì không hề nhắc đến nhóm anh Phạm Xuân Thệ. Tệ hại hơn nữa như phân tích ở phần trên là cả Nguyễn Hữu Thái và Huỳnh Văn Tòng đã bịa đặt hoàn toàn chuyện dẫn anh Bùi Quang Thận lên nóc Dinh treo cờ,
***
Bộ phim còn đưa ra một nhân chứng mà họ và riêng Trần Đăng Khoa cho là quan trọng nhất để chứng tỏ Phạm Xuân Thệ là “Lý Thông” và “nói dối”: Borries Galasch.
Borries Galasch chỉ được biết đến khi ông Bùi Tùng nhắc đến vì mâu thuẫn “Tùng, Thệ” xảy ra. Những người bênh vực Bùi Tùng đã gởi bức ảnh chụp khi ông phóng viên đang ngồi cạnh ông Dương Văn Minh ở Đài PT lên các diễn đàn báo chí của thế giới, và cuối cùng đã tìm được ông là tác giả cuốn sách Ho-Tschi-Minh-Stadt, được xuất bản tại Tây Đức, tháng 9 năm 1975. Chính Phạm Việt Tùng (theo Tuổi Trẻ) đã kỳ công đưa được bản sách duy nhất của Borries Gallasch về VN vào giữa năm 2006. Tạp chí Xưa và Nay đã xin được tái bản cuốn sách với tên "Thành phố Hồ Chí Minh giờ khắc số O".
Như vậy ta thấy có sự cấu kết chặt chẽ từ Bùi Tùng đến Dương Trung Quốc, Phạm Việt Tùng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Nguyệt, nhóm Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Hữu Thái, và Lâm Thành Quý, v.v… để chống lại Trung tướng Anh hùng Phạm Xuân Thệ và Viện LSQS Việt Nam!
Với nhân chứng Borries Galasch, ta thử xem ông viết về một chuyện:
“… đến ngang chỗ vòi phun nước, tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng”.
Cũng chuyện đó, anh Phùng Bá Đam viết:
“Chúng tôi nhanh chóng lên xe. Ngồi phía trước: Lái xe Đào Ngọc Vân ngồi giữa Dương Văn Minh. Anh Thệ ngồi ngoài. Ngồi phía sau: bên trái là tôi (Phùng Bá Đam), ngồi giữa Vũ Văn Mẫu, ngồi bên trái Nguyễn Văn Nhu, ngồi hai bên thành xe là chiến sỹ thông tin Nguyễn Huy Hoàng và Bàng Nguyên Thất”.
Như vậy, với cùng một việc đơn giản như thế, Borries Galasch đã kể sơ lược và thiếu sót đến như thế nào khi so với một sĩ quan, người trong cuộc là nguyên Trung uý Phùng Bá Đam viết. Borries Galasch còn viết sai, viết thiếu nhiều chỗ, như khi sang Đài PTSG, anh Phùng Bá Đam viết: “đi sau hộ tống là 2 xe ô tô của đại đội 2, tiểu đoàn 7”, còn Borries Galasch viết: “Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy”. Borries Galasch viết: “Chúng tôi đi vào phòng thu thanh. Tôi ngồi ngay trước micro và bật băng của ba bài phát biểu. Ông Minh ngồi bên tay trái tôi. Chính ủy Mẫu (Tùng) và chỉ huy Phạm Xuân Thệ đứng đằng sau chúng tôi”. So với bức hình nổi tiếng chụp ở Đài PT SG thì ông cũng viết không chính xác. Còn lúc ở Đài PT, dù ông có viết đúng chuyện ông thấy ông Bùi Tùng viết văn bản tuyên bố đầu hàng, nhưng vẫn chưa phải là toàn bộ sự thật, vì ông đi cùng xe ông Tùng đến sau. Borries Galasch không đáng trách vì ông là một phóng viên nước ngoài, viết chuyện nước người ta, lại không biết tiếng, ông đã khách quan hết mức, nhưng bọn lưu manh toàn nhà này, nhà kia ở đất nước chúng tôi thì không khách quan, chúng dựa vào ông như một cái cớ để tuỳ tiện suy diễn, với mục đích xuyên tạc lịch sử, xúc phạm danh dự người anh hùng. Để đạt mục đích, chúng còn bịa đặt, thêm thắt vào bản dịch cuốn sách của Borries Galasch.
Cùng một chi tiết, Nam Hải - Tiến Long dịch trên Báo Tuổi trẻ:
“Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân giải phóng, chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện”.
Tạp chí Xưa và Nay dịch:
“Sự lộn xộn chấm dứt khi người chỉ huy của quân giải phóng, được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện”.
Ta thấy, báo tuổi trẻ dịch là “hoang mang” thì đúng hơn, vì thực tế Nội các DVM đang hoang mang khi Phạm Xuân Thệ rất quyết liệt, súng lên đạn trong tay, buộc họ ra đường nguy hiểm để sang Đài PT. Còn “Xưa và Nay” cố dịch là “lộn xộn”, ý là chưa có Bùi Tùng chỉ huy đến thì lộn xộn. Nhưng họ cố tình thêm khúc này nói ý Bùi Tùng “được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền” thì đã lòi đuôi cáo, vì đến ông Bùi Tùng còn không biết mình được giao nhiệm vụ đó thì sao Borries Galasch biết mà viết ra!
Về chuyện ở Đài PTSG, Phạm Việt Tùng, tác giả chính bộ phim nói:
“Vấn đề thảo đầu hàng cho DVM chúng ta phải nói thật, ông Thệ sờ vào bút lúc nào... Ừ thì anh bảo cầm cái giấy nghe có vẻ lô-gic lắm, nhưng mà không phải thế ... Thôi, thôi, giờ tôi bảo ông Thệ là người thảo như anh nói đi... nhưng mà tại sao thảo nguyên văn thế này mà lại bây giờ tiếng của ông DVM nó lại không vào cái nội dung của ông, mà ông bảo... tôi cứ thảo là không được. Chúng ta phải người lớn chứ... Tôi mới điện cho Dương Trung Quốc thật... Ơ thế xong rồi... Ông bảo ông thảo nhưng nội dung nó không phải như nội dung (DVM nói), ông bảo cứ của tôi thế thì không được. Thế là tôi coi như xong... Tất cả mọi người bàn, tôi không bàn, tôi coi như hỏng hết, vứt! Tôi chỉ muốn nói là nội dung của ông thảo là không phải. Chúng tôi bàn chỉ có hai vấn đề: Ông Bùi Tùng có mặt ở Dinh ĐL hay là không, với lại cái bản thảo thôi...”
Như vậy, ông Phạm Việt Tùng đã so bản ghi trí nhớ của anh Thệ về mấy chục năm trước với bản gốc, rồi hùng hồn xổ toẹt tất cả những gì anh Thệ là người trong cuộc kể. Đúng là suy luận không thoả đáng, vì chính bản thân ông Việt Tùng như trường hợp anh Thệ thì ông có nhớ được không? Ông Tùng cần biết, trong tay anh Thệ đã không còn bản gốc vì đã đánh mất, vậy muốn nói chính xác thì buộc phải nghe băng chép lại thôi, còn “nói vo” thì ai cũng sai lệch như anh Thệ. Đó là lẽ tất nhiên, không thể coi là chứng cớ để kết luận được.
Tóm lại, Phạm Việt Tùng dốt nhất là đưa hình ảnh ông Bùi Tùng vào phim, nói cái câu thừa nhận mình không biết anh Thệ lúc ở Dinh ĐL: “Thì xe đầu tiên ấy, thì ông Minh, ông Mẫu, rồi sau này tôi biết là có anh Thệ đi kèm cái xe đó”. Ông Việt Tùng đã điếc, không hiểu ý nghĩa câu nói.
Thật ra, chỉ một câu này với một người thông minh là sẽ rõ tất cả, nó xác định dù ông Bùi Tùng đúng là có mặt trong Dinh ĐL nhưng ông không biết anh Thệ, nên ông đã không chỉ huy việc bắt Nội các DVM, đúng như những tấm ảnh, thước phim xác nhận. Còn nếu ông chỉ huy thì phải có thuộc cấp hỗ trợ, bắt DVM lên xe mình chứ. Còn như câu nói trên, ông không biết DVM đi với ai thì ông chỉ huy gì? Ông phải đi nhờ xe ông Đỉnh, có một mình là bộ đội, thì chỉ huy gì? Rồi đúng là anh Thệ đã chỉ huy việc bắt DVM, buộc ông ấy phải sang Đài PT để tuyên bố đầu hàng ngay để tránh tiếp tục đổ máu, thì sang đến nơi, các anh phải soạn lời tuyên bố đầu hàng ngay, chứ không lẽ ngồi chơi à? Ngồi chơi thì đưa ông Minh sang đài làm gì?
Dù các ông bà có tìm thấy, và đưa ra hai văn bản gốc do chính tay ông Bùi Tùng viết thì cũng không thể thay đổi được sự thật lịch sử, nhóm anh Phạm Xuân Thệ đã chủ động soạn văn bản tuyên bố đầu hang cho DVM, ông Bùi Tùng đến sau đã cùng nhau hoàn thiện.
***
Ngoài chuyện “Ông Tùng, ông Thệ”, Phạm Việt Tùng còn nói:
“Về Lịch sử Quân sự tôi thấy có một điểm này tôi thấy chưa được ở chỗ là DVM hàng 9 giờ 30 giờ SG… đã xin hàng rồi… Các anh không đưa vào lịch sử thì mai kia lại làm lại”.
Trước đoạn này, bộ phim chiếu Lâm Thành Quý cũng đọc một tài liệu nói ông Tô Văn Cang đã nói với anh Thệ khi đang bắt DVM:
“… các đ/c bận hành quân nên không biết 9g30 sáng nay đã có tuyên bố đầu hàng”.
Như vậy cả hai ông Đạo diễn phim tài liệu, đều NSƯT mà không hiểu chuyện ông DVM mới chỉ yêu cầu hai bên ngưng nổ súng để bàn giao chính quyền thôi. Xin hai bên ngưng nổ súng thì hoàn toàn khác đầu hàng chứ. Thực tế, quân địch có ngưng nổ súng đâu, trên trục đường từ cầu Sài Gòn-Ngã tư Hàng Xanh- Cầu Thị Nghè, quân ta vẫn phải liên tục chiến đấu, máu của quân ta vẫn đổ, và đến tận đoạn đường Thống Nhất cuối cùng, từ Pastuer đến cổng Dinh ĐL, chiến sĩ Tô Văn Thành còn hy sinh. Khi trả lời anh Phạm Xuân Thệ trên xe jeep sang Đài PT, DVM cũng nói không thể tuyên bố đầu hàng vì sợ cấp dưới sẽ khử ngay.
Một điều đơn giản thế mà hai vị còn không phân biệt nổi thì đòi đi làm sáng tỏ sự thật lịch sử được sao? Vì vậy mà thật buồn cười khi Phạm Vệt Tùng tâm tư thế này:
“Chúng tôi rất có trách nhiệm về cái chuyện này, vì phải bảo vệ cái lịch sử. Chúng tôi có thể mất kinh tế kiểu Bùi Tiến Dũng 100 tỷ cũng được, nhưng mà lịch sử của nước ta thì không thể làm mất”.
***
Khi có những mâu thuẫn về chuyện “Ông Tùng, ông Thệ”, Ban Bí thư đã xem xét chỉ đạo, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã giao cho Viện LSQS điều tra, nghiên cứu, tổ chức toạ đàm và kết luận. Viện LSQS đã làm nghiêm chỉnh, đã kết luận có phần thiên vị ông Bùi Tùng khi cho ông ấy “lãnh đạo việc soạn thảo văn bản”, không như chính ông Bùi Tùng và phe bênh vực ông nói ngược lại là “thiên vị anh Thệ”!
Sự thật đã thiên vị vậy còn tranh cãi, làm phim, làm phiếc làm gì?
Phải chăng có sự tác động của thế lực muốn lật sử, muốn lật đổ chế độ từng làm nên lịch sử, đã đưa dân tộc qua bao khó khăn để đất nước được thanh bình, ổn định, nhân dân có cuộc sống ấm no như hôm nay.
Phần 5
TRẦN ĐĂNG KHOA: “BỘ PHIM “ĐIỀU TRA” CỦA NSƯT PHẠM VIỆT TÙNG HAY LẮM!”
Trong bài Trần Đăng Khoa trả lời “Thuý Quỳnh ghi” không biết đăng ở báo nào, được Khoa đăng lại trên facebook, TĐK cho biết bộ phim “Một sự thật lịch sử” của Phạm Việt Tùng là “rất hay”, “có nhiều tư liệu lịch sử rất quý”, vì “vẫn có sự nhập nhẹm, xuyên tạc lịch sử”, và “vẫn có người bao che”, nên “mới có đến ba bộ phim… đều khẳng định người thảo văn kiện đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh và chấp nhận đầu hàng là Trung tá, Chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng, chứ không phải Đại úy Phó Trung đoàn Phạm Xuân Thệ”.
TĐK cũng cho biết “đã từng có công văn của Trung tướng, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Tuấn Dũng gửi TCCT… yêu cầu có kết luận chuẩn xác… Tiếc là ông Nguyễn Tuấn Dũng đã nghỉ hưu nên sáng kiến của ông không được thực hiện nghiêm minh vì thế mà ông Phạm Xuân Thệ vẫn là người thảo văn bản đầu hàng cho ông Minh, và có lúc cả ông Thệ ông Tùng cùng soạn thảo như cái kết luận của Viện Lịch sử quân sự. Bản kết luận rất nhập nhằng… Nhưng bây giờ, sự thật đã rõ… mà ông Trung tướng, Phó Chủ nhiệm TCCT Trịnh Văn Quyết vẫn ký công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, phản đối bộ phim của đạo diễn Phạm Việt Tùng…”
***
Xuất phát từ sự tự phụ về tài năng văn chương, TĐK đã cho “văn” của Đại uý Phạm Xuân Thệ thì không thể viết Tuyên bố đầu hàng cho DVM được, nhưng thực tế khả năng văn chương của TĐK rất kém, như từng viết lại một cuộc chuyện trò với anh Bùi Quang Thận cũng không xong; cộng với thái độ thiên lệch, chủ quan; nên trước rất nhiều nhân chứng, vật chứng, tài liệu, TĐK đã lựa chọn sai trái, thiếu sót, nên không thể có nhận thức đúng.
Ngoài những sai chung như PVT, Lâm Thành Quý, Hôm nay, tôi sẽ chỉ ra những cái sai riêng của TĐK,
TĐK viết: Có lẽ nhiều người biết đến bộ phim “Người lính xe tăng 390 ngày ấy”, nói về những chiến sĩ trên chiếc xe tăng thực sự đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trong buổi trưa 30.4.1975. Nói “thực sự” là bởi trước đó đã có những điều tưởng vậy mà không phải vậy. Và sự nhầm lẫn ấy đã ngủ yên suốt 20 năm, cho đến khi được “người chép sử bằng hình” Phạm Việt Tùng đánh thức”.
Trong Cuộc Toạ đàm ngày 19-10-2005 tại Dinh Thống Nhất, có “ba mặt một lời”, cả ông Tùng, ông Thệ, ông Thận…, anh Bùi Quang Thận kể, khi đến cổng Dinh ĐL, xe 843 của anh đã đâm vào cổng phụ bên trái 3 lần thì “cái cánh cửa giữa bung ra thì xe đ/c Toàn mới chạy đường ngang đến… Xe đ/c Toàn vào Dinh ĐL trước chứ còn không hề húc”.
Như vậy, TĐK viết xe 390 là xe “thực sự đã húc đổ cổng chính Dinh Độc lập” là viết sai, và đó không phải là chuyện nhầm lẫn “đã ngủ yên suốt 20 năm” mà “sự nhầm lẫn” chính là việc cho xe 843 vào Dinh ĐL đầu tiên chứ không phải xe 390.
Như vậy, chuyện xe 843 là xe đầu tiên húc “bung” cổng Dinh ĐL mới chính là chiến công, đã đột phá, mở cửa, dọn đường cho xe 390 vào Dinh ĐL đầu tiên. Bản báo cáo thành tích để khen thưởng, tặng thưởng huân chương do chính ông Vũ Đăng Toàn, trưởng xe 390, Bí thư chi bộ, Chính trị viên đại đội viết, theo lời anh Thận: “không hề có xe 390, bởi vì không phải thành tích của anh ta… anh ta không dám nhận khen thưởng”. Có lẽ vì vậy mà Bộ Tư lệnh QĐ2, sau 30-4-1975, chắc “cho tiện”, đã xác định công đầu thuộc về xe 843 thì cho xe 843 vào Dinh đầu tiên luôn! Dù bản chất vấn đề không thay đổi nhưng vẫn là một sự sai lầm đáng tiếc, sự thật phải là sự thật, không thể nói khác được. Điều này đã bị bọn xấu lợi dụng, như là một chứng cớ để bọn chúng cho Lịch sử VN không trung thực, thường được tô vẽ. Và với tầm nhìn thiển cận, thái độ băng nhóm, “người chép sử bằng hình” Phạm Việt Tùng đã làm bộ phim “Người lính xe tăng 390 ngày ấy” tiếp tay cho bọn xấu. Với những chiến sĩ ngày nào trên xe 390 đúng là từng có những hành động anh hùng, có chiến công, nhưng vì bộ phim tô vẽ, rồi tùng beng ca ngợi họ như quảng cáo thuốc của bọn lang băm, khi sự thật được làm rõ, chứng tỏ họ có phần nói điêu thì với những người hiểu chuyện, bộ phim đã làm xấu đi hình ảnh của họ rất nhiều. Phạm Việt Tùng không phải đã “đánh thức” sự thật như TĐK viết mà đánh thức, kích động sự tham lam, dẫn người ta đến chỗ nói dối!
Chuyện ở Đài PT SG, TĐK viết: “Liệu có cấp dưới nào lại lệnh cho cấp trên, giao nhiệm vụ cho cấp trên làm điều nọ điều kia không? Làm gì có chuyện ngược đời ấy. Điều đó chứng tỏ ông Thệ đã bịa đặt và nói như ông Việt Tùng là “ăn gian””.
Đại tá Phùng Bá Đam, người trong cuộc viết: “Trong lúc chờ đợi nhân viên đài phát thanh… mỗi người một ý … Anh Thệ chấp bút, làm gần xong thì một người cao to, đội mũ cứng đeo súng k59 bước vào đứng nhìn chúng tôi một lúc rồi hỏi "Các anh ở đâu?” Anh Thệ trả lời "Tôi Phạm Xuân Thệ đoàn phó đoàn Đông Sơn" … Rồi người đó tự giới thiệu: "Tôi trung tá Bùi Tùng… Khi vào Dinh Độc lập, các anh trong chỉ huy lữ đoàn nói Dương Văn Minh đã được đưa ra đài phát thanh Sài Gòn tôi vội ra đấy luôn". Đồng chí Thệ… nói may quá anh đã ra đây, mời anh cùng tham gia, rồi đưa bản thảo cho đồng chí Bùi Tùng xem, đọc xong đồng chí Tùng nói "Các anh làm thế là được".
Như vậy, anh Phùng Bá Đam nói đúng với diễn tiến của sự việc có hình ảnh, phim ảnh chứng minh, còn TĐK đã nhai lại lời Phạm Việt Tùng, nói anh Thệ bịa đặt, “ăn gian” thì chính TĐK là người đã bịa đặt.
TĐK viết: “Một trong những chứng cứ “không thể chối cãi” khẳng định ông Bùi Văn Tùng chính là người đã thảo lời đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ như ông vẫn mạo nhận, đó là: bản viết tay do chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo (đến nay vẫn còn được lưu giữ rất rõ ràng)”.
Nếu chứng minh được ông Bùi Tùng chỉ huy việc bắt Nội các DVM ở trong Dinh ĐL, rồi dẫn sang Đài, thì TĐK viết như trên là có lý. Nhưng bộ phim của Phạm Việt Tùng đã đưa chính ông Bùi Tùng ra “tự thú” mình không biết anh Thệ, tức không có chuyện ông ta chỉ huy việc bắt DVM, chỉ theo xe anh Thệ sang Đài PT thôi, thì ông Bùi Tùng không thể “soạn thảo” như TĐK viết mà chỉ có thể được mời cùng soạn thảo tiếp. Tôi đã viết, dù các ông bà có tìm thấy, và đưa ra hai văn bản gốc do chính tay ông Bùi Tùng viết thì cũng không thể thay đổi được sự thật lịch sử như Viện LSQSVN đã công bố. Chúng cũng chỉ có thể chứng tỏ không phải anh Thệ đọc văn bản cho ông DVM chép mà là cho ông Bùi Tùng chép.
***
Về việc Trung tướng Trịnh Văn Quyết ký công văn, đầy đủ hơn, TĐK viết: “ông Trung tướng, Phó Chủ nhiệm TCCT Trịnh Văn Quyết vẫn ký công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, phản đối bộ phim của đạo diễn Phạm Việt Tùng, khẳng định ông Phạm Xuân Thệ vẫn là người thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh … hoàn toàn đi ngược lại với với những lời khẳng định của các nhân chứng cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là đi ngược lại với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề lịch sử này trong cuốn Chính sử “Nam Bộ Kháng chiến””
TĐK viết “ngược lại với với những lời khẳng định của các nhân chứng cả trong nước và quốc tế” như trên là sai, chỉ ngược với những nhân chứng, mà do thái độ làm phim thiếu khách quan, các ông đã chọn ra thôi.
Đặc biệt, liệu có thật như TĐK viết, có “sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề lịch sử này (tức phải viết ông Bùi Tùng là người thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh ở Đài PT SG)”? Có lẽ nào, tất cả các cơ quan và cá nhân lãnh đạo tối cao trong hệ thống chính trị của Nhà nước VN lại chỉ đạo những người viết sử viết cho ông Bùi Tùng như vậy?
Còn nữa, TĐK viết: “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” là bộ chính sử, một công trình khoa học cấp nhà nước, do Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trương. Bộ sách do Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn, nhà báo, nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng làm chủ biên… Tham gia có rất nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng. Trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Đó là các đồng chí: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng bộ Nội vụ Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy tp HCM Võ Trần Trí. Đồng chí Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương”.
TĐK hiểu như trên là sai hoàn toàn, vì thực tế Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng không chủ trương mà chỉ có việc THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ngày 07 tháng 11 năm 2001 đã ra QUYẾT ĐỊNH Số: 1431/QĐ-TTg QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN LỊCH SỬ NAM BỘ KHÁNG CHIẾN.
Thật buồn cười khi một ông Nhà thơ, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, mà tôi là một hội viên, lại không phân biệt nổi Thủ tướng với Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.
TĐK viết: “Tham gia có rất nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng. Trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Đó là các đồng chí: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng bộ Nội vụ Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy tp HCM Võ Trần Trí. Đồng chí Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương”.
Theo Quyết định của Thủ tướng thì thực ra 5 vị Ủy viên Bộ Chính trị trong Hội đồng Chỉ đạo Biên soạn LSNB là Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Võ Trần Chí, Lê Phước Thọ, và Bùi Thiện Ngộ. Như vậy, TĐK đã biến ông Bùi Thiện Ngộ và ông Lê Phước Thọ thành ông Nguyễn Minh Triết và Tô Huy Rứa!
Trần Đăng Khoa nên hiểu, thể chế của xã hội VN là dân chủ chứ không phải là quân chủ hay độc tài, vì vậy dù có Hội đồng Chỉ đạo Biên soạn LSNB như trên thì cũng chỉ có thể chỉ đạo việc soạn sử cho đúng sự thật chứ không thể soạn theo ý chủ quan của bất kỳ cá nhân, hoặc cơ quan nào, kể cả Chủ tịch nước hay Bộ Chính trị. Vì vậy, hoàn toàn không thể có chuyện “chỉ đạo” những người viết sử viết về ông Bùi Tùng như TĐK viết cả.
Có sự ngây ngô như thế bởi TĐK đã không hiểu sự “CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN” khác với sự “BIÊN SOẠN”. Sự chỉ đạo giống như Đảng lãnh đạo Nhà nước chứ không làm thay Nhà nước. Sự chỉ đạo là tư tưởng, đường lối chung, là chiến lược. Còn biên soạn là công việc cụ thể viết sử. Câu chữ, văn phong hay hay dở; nội dung, chi tiết sai hay đúng, đầy đủ hay thiếu sót phụ thuộc vào nguồn tài liệu, vào tài và tâm của những người biên soạn, tức những người trực tiếp viết.
Vì vậy, thật liều lĩnh khi TĐK viết: “Trong cuốn chính sử quan trọng này, không có một chữ nào nói ông Thệ soạn thảo văn bản đầu hàng cho Dương văn Minh mà chỉ khẳng định người thảo văn bản là ông Bùi Văn Tùng. Ông Thệ chỉ đưa ông Minh ra đài phát thanh. Nội dung trong chính sử là thế và tất cả chỉ có thế. Cũng có thể xem đó như là kết luận của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về sự kiện lịch sử này”.
Liều lĩnh vì khi TĐK viết như vậy, Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ phải gánh những sai sót do khả năng yếu kém của những người viết về ngày 30-4-1975 trong bộ sử “Nam bộ kháng chiến”.
TĐK viết: “Trong Lời giới thiệu ở những trang đầu cuốn sách, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết: “Tôi rất vinh dự viết Lời giới thiệu cho bộ sách quý "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" - một công trình khoa học đồ sộ”.
Thực tế, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không viết cụt lủn như thế, mà với tư duy chính xác của người từng học toán, ông đã rất thận trọng, rất chí lý khi viết:
“Lịch sử Nam Bộ kháng chiến là một tác phẩm lớn, chứa đựng nhiều tư liệu quý báu nhưng chưa thể phản ánh đầy đủ tầm vóc của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Tôi đề nghị các nhà khoa học, các tác giả hãy tiếp tục nghiên cứu để sao cho không một chiến công nào, sự hy sinh nào, một sự kiện lịch sử nào bị lãng quên”.
Như vậy, “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” có thể là một pho sử giá trị nhưng về ngày 30-4-1975 còn những sai sót, và như “chỉ đạo” của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hồi đó, nó cần phải được sửa không chỉ một lần mà nhiều lần cho đến khi hoàn chỉnh.
Theo tôi, một đất nước không thể có “Sử Việt Nam”, “Sử Quân đội”, và “Sử Nam bộ” đối chọi nhau như đa nguyên, đa đảng vậy. Có thể có nét đặc thù riêng, có nét phong phú và độc đáo riêng, nhưng những sự kiện chính của Lịch sử đất nước thì phải thống nhất, phải đúng với sự thật!
Thật thú vị, ông NGUYỄN TRỌNG XUẤT, Nguyên Tổng Thư ký Ban biên soạn công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, chắc do đọc tôi phê phán quan điểm sai trái về lịch sử của Nguyên Ngọc, nhân danh lãnh đạo “Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh” trao giải thưởng tác phẩm lịch sử, ông Xuất đã chủ động làm quen, viết email cho tôi, và còn mời tôi dự một buổi họp, liên hoan mừng việc soạn công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến. Tiếc là công trình đó quá lớn, tôi cũng bận, nên không chú ý, và khi đó tôi cũng chưa viết về ngày 30-4-1975. Nếu tôi đã viết và được ông Xuất hỏi, tôn trọng sự thật, thì ngày 30-4-1975 trong cuốn “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” chắc chắn sẽ đúng hơn.
***
Vào trang facebook của Chien Hoang, một CCB E66, thấy chia sẻ bài QUỸ OBAMA PHÁT TÁC & TRƯA 30/4/1975 VIỆT TÙNG Ở ĐÂU? Của HOÀNG NGUYỄN, trong đó có đoạn:
“Khi quỹ OBAMA đã xuất hiện tại Việt Nam với nhiều hình thức, nhiều băng nhóm cũng được mọc lên nhất là trong lĩnh vực lật sử, nghệ thuật và giáo dục… Vậy Việt Tùng, Trần Đăng Khoa, và thuyết minh phim có ở trong nhóm này không? Câu trả lời giành cho an ninh VIỆT NAM”; “Ông Việt Tùng chỉ thích lấy tư liệu phe đổi lập và những người có lợi cho ông khi làm phim. Ông cứ nói đại theo kiểu chụp mũ để lừa đảo thì ai có thể nghe cho được hả ông Việt Tùng?”
Một độc giả là Kim Liên nhắn tin cho tôi:
“Thưa anh! Bài viết của anh rất logic và quá hay ạ. Anh đã phân tích chặt chẽ, chỉ ra sự bất nhất của ông BT, sự ngu dốt bền bỉ của nhóm làm phim. Nếu cơ quan chức năng ko sớm vào cuộc và xử lý những hành vi sai trái của nhóm làm phim và những cơ quan có thẩm quyến cấp phép phát sóng bộ phim này trên VTC1 và VTV4 thì ko biết nó còn phát tán như thế nào nữa anh ạ… Khi đọc tài liệu và xem bộ phim mà uất ức tột cùng. Ông Phạm Việt Tùng nói: “... sẵn sàng chi cả 100.000.000.000 ... thì ông ta lấy đâu ra tiền nếu ko phải đã có các thế lực thù địch, phản động bên ngoài chống lưng, hỗ trợ về kinh phí, không có liệu ông ta có dám nói to như vậy không ạ?”
***
Như vậy, chuyện “ông Tùng ông Thệ” không chỉ là chuyện đúng sai của chuyện viết sử mà nó cũng gây tác hại to lớn đối với nhận thức của người dân như nhiều chuyện sai trái khác. Như trong Hội Nhà Văn VN từng có chuyện Dương Thu Hương viết, ngày 30-4-1975 đã khóc như cha chết vì đội quân chiến thắng của mình là đội quân man rợ; rồi tiếp là sự tung hô Nguyễn Huy Thiệp viết truyện lịch sử cho Vua Quang Trung như tên thảo khấu, du côn, “Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả”; và tiểu thuyết “Nỗi buồn Chiến tranh” của Bảo Ninh cho cuộc kháng chiến vĩ đại dẫn đến ngày toàn thắng 30-4-1975 là “nỗi buồn”. Không “kém” Hội Nhà Văn, Hội Sử học cũng có những công trình nghiên cứu “đổi mới lịch sử” của đám Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, muốn tôn vinh Nguyễn Ánh ngang hàng vua Quang Trung, cho chuyện anh hùng Lê Văn Tám là hư cấu để tuyên truyền. Đám trí thức “chấy rận” như Nguyễn Quang A, Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc cũng bầy trò thảo luận bôi bẩn bình tượng Võ Thị Sáu, cho chuyện Võ Thị Sáu là tuyên truyền, là ba xạo. Và trong lĩnh vực xuất bản từng có chuyện xuất bản cuốn sách về Gạc Ma đã xuyên tạc lệnh của Bộ trưởng QP VN “không nổ súng trước”, tránh khiêu khích, thành lệnh “không được nổ súng”, để bịa đặt chuyện lãnh đạo nước ta khiếp sợ, lệ thuộc TQ.
Khi cả hệ giá trị thuộc khoa học xã hội bị lộn ngược, từ chính trị tư tưởng, lịch sử, văn chương, cho đến văn hoá xã hội, thì kẻ xấu, kẻ lưu manh, kẻ ác sẽ thành người tốt, chúng sẽ được xã hội lựa chọn để nắm quyền. Đó chính là lúc ở Liên Xô, người ta đã bầu chọn từ Khơrutsop đến Goocbachov nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất, và chính họ đã đập vỡ Liên Xô mà sau nhiều năm, các mảnh vỡ vẫn chưa tìm lại được vị trí siêu cường như xưa. Nhưng Nga người ta giỏi hơn, mạnh hơn, có khốn nạn một chút nhưng nước ngoài không can thiệp được, còn Việt Nam thì ngoại bang sẽ lại can thiệp, và sẽ lại chiến tranh.
14-6-2021
ĐÔNG LA
TÓM TẮT
Về những vấn đề chưa rõ và còn tranh cãi trong ngày lịch sử 30-4-1975, trong quá trình nghiên cứu để phê phán bộ phim tôi phát hiện thêm những điều chính yếu sau:
-Theo lời kể của anh Bùi Quang Thận trong buổi Toạ đàm ở Dinh Thống Nhất, xe tăng 843 là xe húc bung cánh cổng chính Dinh ĐL rồi mới chết máy. Như vậy, công đột phá, mở cửa dọn đường cho xe 390 vào sân Dinh đầu tiên chính là xe 843.
-Tấm ảnh chụp ông Nguyễn Hữu Hạnh dẫn nhóm anh Phạm Xuân Thệ ở hành lang, trên đường tiến vào phòng bắt Nội các Dương Văn Minh chứng tỏ lời ông Vũ Đăng Toàn nói sai sự thật khi kể ông Nguyễn Hữu Hạnh dẫn mình vào phòng “dồn nội các DVM” trước rồi mới thấy anh Thệ vào “Báo cáo Tổng thống”
-Tấm ảnh chụp khoảnh khắc anh Thệ bắt TT Dương Văn Minh với câu nói “Các ông đã thất bại, đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay, không có bàn giao gì cả!” là chứng cớ chứng tỏ anh Thệ chỉ huy bắt DVM, không phải ông Bùi Tùng. Còn ông Bùi Tùng vào sau, dù ông nói gì cũng không có ý nghĩa gì nữa đối với việc bắt Nội các DVM.
-Đoạn phim có chỗ chính miệng BT nói: ““… xe đầu tiên ấy thì ông Minh, ông Mẫu, rồi sau này tôi biết là có anh Thệ đi kèm cái xe đó. Tôi đi xe sau thì có nhà báo Bô-rit Ga-lat Tây Đức và anh Hà Huy Đỉnh đi cùng” chứng tỏ ông không biết anh Thệ lúc ở Dinh ĐL nên hoàn toàn không có chuyện ông chỉ huy anh Thệ như ông viết báo cáo và các đài, báo đưa tin.
-Vậy anh Thệ đúng là người chỉ huy bắt và buộc ông DVM sang đài PT tuyên bố đầu hàng thì sang đến nơi tất phải tổ chức soạn thảo văn bản ngay, khi ông Bùi Tùng đến, biết nhau, thì anh Thệ mời ông soạn tiếp và hoàn thiện, tất cả đều đúng với lời kể của nhóm anh Thệ và kết luận của Viện LSQS.
-Theo lời kể và ý kiến của anh Bùi Quang Thận, và Hồi ký của ông Lý Quí Chung (Nhà báo Chánh Trinh), người dẫn anh Thận lên nóc Dinh ĐL treo cờ là ông Lý Quí Chung, ông Nguyễn Hữu Thái thường kể và viết sách mình cùng ông Huỳnh Văn Tòng dẫn anh Thận lên nóc Dinh ĐL treo cờ là hoàn toàn sai sự thật.
20-6-2021
ĐÔNG LA