Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

NGÀY GIỖ MẸ

 NGÀY GIỖ MẸ

Vào ngày này cách đây 14 năm, 2-8 (ÂL), 2008, là ngày mẹ tôi qua đời. Tôi đã viết thành một truyện ngắn để lưu giữ, như lịch sử của gia đình. Là chuyện riêng, thực 100%, vậy mà đăng lên nó đã lấy không ít nước mắt của bạn đọc, nhất là mấy bà, mấy cô, đơn giản là vì ai cũng có mẹ, mà tình mẹ thì thiêng liêng, chỉ có những kẻ mất nhân tính, thành ác quỷ mới không có. Tôi đã đăng đi đăng lại cái truyện ngắn nhiều lần, nay ngày giỗ mẹ xin đăng lại vài đoạn:
“… Từ sân bay, tôi thuê tắc xi về quê, nhưng rất nóng ruột vì nó chạy như rùa bò bởi sợ bị bắn tốc độ. Cứ được một khúc lại có điện thoại. Rồi cuối cùng tôi cũng về đến được đầu làng. Chuyện trò với tài xế dọc đường, tôi đã nguôi đi phần nào nỗi đau mất mẹ, nhưng khi thấy văng vẳng tiếng kèn, trống đám ma, nỗi đau trong lòng tôi lại bùng phát, mỗi lần “về quê” đồng nghĩa “về với mẹ”, nay mẹ mất rồi, tôi về với ai?
Loạng choạng xách đồ đạc theo con ngõ quen thuộc, tôi lao về nhà gặp mẹ. Gần tới nhà, tôi thấy lá cờ đám ma mà tôi từng gặp đây đó ở các con hẻm Sài Gòn khi nhà ai đó có tang, thì nay ác thay, nó lại cắm ngay đầu ngõ nhà mình! Rải rác hai bên đường mấy bà mấy cô túm năm tụm ba, thấy tôi một bà kêu lên: “A, Thằng Hùng về kia rồi, cháu ơi về nhanh lên, mẹ mất rồi, cháu ơi!”. Đến lúc này tôi không kìm nổi nước mắt được nữa. Đến cổng, tôi chỉ thấy nhấp nhoáng người vào người ra tấp nập; tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn bầu, tiếng nhị được khuyếch đại inh ỏi, trộn với tiếng gào khóc của cô em gái, 4 đứa cháu, cùng với bà con, cô bác. Tất cả mọi người đổ dồn về phía tôi. Một bà thân thích nào đó, vì tôi quá chú ý đến mẹ nên không còn biết là ai nữa, kéo tay tôi vào nhà: “Vào gặp mẹ đi cháu”. Tôi lao đến bên quan tài kê giữa nhà. Mẹ tôi đó, giờ đã lọt thỏm trong chiếc quan tài màu vàng nâu mộc mạc, trên nắp có vắt những dải khăn trắng, có lẽ là khăn tang dành cho vợ con tôi; dưới ánh nến bập bùng, qua ô kính nhỏ, tôi thấy gương mặt mẹ thanh thản, không có dấu vết gì của bệnh tật cả, mắt nhắm nghiền như người đi ngủ. Tôi nấc lên: “Mẹ ơi!” Tiếng gọi ngắn ngủi, thầm thì, chìm lấp trong những tiếng gào khóc xung quanh, nhưng nỗi đau trong lòng tôi thì thăm thẳm mênh mông!
Rồi mọi người kéo tôi ra giường, tôi ngồi thất thần như khúc gỗ kệ cho họ mặc áo tang và thắt khăn. Tôi bỗng thấy mình bé nhỏ biết bao, thế là từ nay tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ!... Sau đó, thật lạ, tôi nguôi đi rất nhanh, mẹ tôi cũng đã gần 90 rồi. Mà có ai tránh được cái chết? Từ các thánh nhân, vua chúa xưa đến các nguyên thủ quốc gia nay. Đức Phật cũng từng dạy: “Không ở trên không, không ở dưới biển, không ở rừng núi, không một chỗ nào trốn được cái chết”; rồi: “Ngay đến chư Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thinh văn còn phải bỏ cái thân vô thường, huống nữa là phàm phu". Tôi không chỉ đã làm tròn bổn phận mà còn được xóm giềng coi như một tấm gương về lòng hiếu thảo… Đúng 11 giờ trưa… quan tài được mấy thằng cháu trong họ khỏe như voi nâng trên vai khiêng ra đầu ngõ đặt lên xe tang kéo tay. Tôi và ông anh đi giật lùi đúng theo tục “cha đưa mẹ đón”. Nhà tôi ở rìa làng nên cách nghĩa địa không xa. Đám ma mẹ tôi không “phương tướng” đuổi quỷ mở đường; không “thể kỳ” ghi câu “Dĩ lĩnh vân mê”; không “minh tinh” ghi chức tước, họ tên, thụy hiệu… chỉ có hương án, người đánh chiêng và cờ dẫn đường trước xe tang. Cũng không có cảnh con gái trưởng và con dâu trưởng vừa khóc vừa lăn đường thảm thiết. Tục lệ chỉ còn thế, mà nếu có còn đủ thì mẹ tôi, một người chỉ quen cho chứ ít khi biết nhận, sẽ rất ngại khi phải nhận những gì quá long trọng. Sau một lúc, anh em con cháu chúng tôi cùng bà con xóm giềng đã rồng rắn đưa mẹ tôi đến nghĩa địa. Huyệt đào chỗ ruộng lúa đang làm đòng, khoảng nới rộng của nghĩa trang. Cũng chẳng có lễ tế thổ thần, quan tài mẹ tôi được hạ huyệt. Mỗi người cầm một hòn đất ném xuống mộ, tôi tra sách thì biết tục đó gọi là “đi dong nhan”. Rất nhanh sau đó nấm mộ đã thành hình, vòng hoa được ốp xung quanh, mấy khoanh cỏ được đắp lên để đồ cắm nhang, bát cơm cúng với quả trứng luộc và cắm chiếc đũa vót cho sơ ra như gai nhọn. Chiếc đũa chữ Hán Việt là “khoái”, chữ “khoái” có một nghĩa là lính bắt cướp; cái gai nhọn chữ Hán Việt là “thứ”, “thứ” có nghĩa là đâm chết. Vì vậy, chiếc đũa gai tượng trưng cho một người lính bảo vệ, được người xưa dùng làm bùa trừ ma quỷ.
Thế là cát bụi lại trở về với cát bụi, thân thể mẹ tôi rồi sẽ tan dần vào lòng đất, ngay trên cánh đồng quê này, nơi đã nuôi sống bao đời người dân quê tôi. Một lần tôi đã viết:
Đất như bị lột da vẫn không kịp cho những vụ chiêm mùa
Những vụ mùa xếp hàng chờ nhau đến lượt
Cánh đồng là nguồn mạch của hồn thơ tôi, những câu thơ hay nhất của tôi chính là viết về cánh đồng này, về những người thân yêu… Thôi mẹ hãy an nghỉ. Cầu mong Trời, Phật phù hộ độ trì cho linh hồn mẹ được siêu thoát và sớm được tái sinh đúng như Phật dạy: “Chúng sanh nào tình và tưởng bằng nhau thì sẽ phát sinh vào cõi người… Bởi tưởng là thông sáng, tình là u mê. Nếu tình và tưởng ngang bằng nhau thì không lên và cũng không đi xuống”. Trước sáu cõi, thần thức có thể được đầu thai vào cõi cao hơn, sung sướng hơn cõi người, nhưng con chỉ cầu xin Trời, Phật cho mẹ con được trở lại cõi người, cái cõi có lắm gian nan, lắm khổ đau, nhưng cũng nhiều niềm vui này, để rồi các con lại được làm con của mẹ, các cháu lại được làm cháu của bà, cứ thế mãi mãi, vô lượng kiếp!”
***
Mẹ tôi có điều đặc biệt, không chỉ theo lẽ thường sinh tôi ra trên đời mà mẹ còn là nguồn cảm hứng bất tận cho văn chương của tôi. Giờ ngẫm lại, theo thực dụng, văn chương với tôi đúng là trò vô tích sự, nhưng dường như lại có một sự xếp đặt vô hình để tôi phải thực hiện sứ mệnh, nếu Đời bất công thì Trời sẽ trả công bằng cho tôi. Đến giây phút này, tôi thấy cái được lớn nhất của đời mình là có được một cuộc sống yên bình, chỉ là những điều bình thường thôi, nhưng nhìn vào “Đời là bể khổ” thì lại thấy những điều bình thường đó lại vô cùng quý giá, có những người dù là tỷ phú đô-la, nguyên thủ quốc gia, tổng thống cũng không có được. Nghĩ vậy nên nhiều khi viết rất ngại, rất cực, nhưng thấy có điều gì mình cần phải lên tiếng là tôi lại cặm cụi viết.
Nhớ lại cái cơ duyên huyền bí, nó được bắt đầu chính là hôm anh bạn cùng lớp tên là Trường dẫn tôi đến nhà người đồng hương của anh là cô Anh Thơ chơi. Thấy cô là nhà thơ, tôi đã đọc một bài thơ tôi làm dạng “tán gái”, bị cô chê: “Hình như cháu cũng có năng khiếu đấy. Nhưng thơ thế chưa được. Thơ giờ phải thực, phải tình cảm, phải sâu sắc, và đặc biệt là không được giống ai”.
Hôm đó ra về, tôi cũng tự ái, tối ấy cắn bút nghĩ, thơ thực, tình cảm thì dễ nhất là viết về mẹ, và để “không giống ai”, tôi sẽ viết ra chỉ những gì chính mắt mình nhìn thấy. Và tôi đã làm xong một bài có khổ thơ sau:
Đêm thoáng lạnh trùm chiếc chăn nhẹ
Nhớ gió Bấc khô thổi rụng lá xoan vàng
Mẹ ơi nếp da dầy chân mẹ!
Đã bao nhiêu rồi vết nứt nẻ dọc ngang?
Sáng sau, tôi mang bài thơ đến ngay nhà cô Anh Thơ, không ngờ cô quá ngạc nhiên, kêu lên: “Cháu ơi, mày có tài đấy cháu ạ”. Sau đó, chỉ một thời gian ngắn, cô còn thấy tôi “có tài quá” nên cô đã giới thiệu tôi đến gặp những người được cho là tài năng nhất, thông minh nhất làng văn chương Việt Nam: Chế Lan Viên, Nguyễn Khải. Thú vị là cả văn lẫn thơ họ đều khen tôi hết lời, riêng Chế Lan Viên còn đề nghị trao giải cho tôi trong cuộc thi Thơ của HNV TPHCM 1986, rồi ông chủ động đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM, tạo nên một mối quan hệ vô cùng thân thiết và những kỷ niệm không bao giờ quên.
Không chỉ bài thơ đầu đó mà còn nhiều bài thơ sau tôi cũng viết về mẹ. Khi con trai đầu lòng của tôi hai tháng tuổi, mẹ tôi đã vào Sài Gòn giúp vợ chồng tôi, bế cháu, tôi cũng làm bài thơ về “sự kiện” đó:
Cực nhọc vượt qua sáu lăm con dốc của cuộc đời mình
Lần đầu mẹ đến một thành phố
Thành phố còn bình thường
Sao mẹ quá bỡ ngỡ
Bàn chân quen lội bùn run rẩy trên mặt nhựa phẳng gương
Trong bài thơ dài “Tổ quốc- nửa bàn chân dính bùn và máu” tôi làm dự cuộc thi dài 2 năm “Chào đón Giao thừa Thiên niên kỷ” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bài thơ được xếp đầu nửa chặng đầu gần 5000 bài, được tặng thưởng hàng năm 1998, cũng có nhiều hình ảnh của mẹ tôi:
Mẹ đã sinh ra con trong niềm vui của một ngày chiến thắng
Nhưng đất nước đã kiệt cùng sau bao giặc giã triền miên
Trong cây sào giẻ rách trĩu nặng lúc nào cũng có sẵn ở nhà ta
Mẹ lọc ra những mảnh lành lặn nhất
Mẹ ngồi khâu những mũi kim li ti như con kiến
Như khâu bằng sợi chỉ của nỗi nghèo khó và sự tằn tiện của mẹ
Mẹ bọc tuổi thơ con
Và con đã lớn lên
Con lớn lên bằng tương cà mắm muối, hạt lúa, củ khoai
Trong đất bùn, trong nắng hạ mưa giông, trong những đêm hanh hao nứt nẻ đôi bàn chân của mẹ
Con không biết màu vàng của vàng, màu bạc của bạc, màu lấp lánh của hào quang phú quý
Nhưng con cũng không biết đến những gian manh, hiểm ác lọc lừa
Trong ngôi nhà phía trước toàn là cánh cửa
Mẹ không có của cải để cất giữ, chỉ cất giữ tình thương
Mà tình thương thì không cần ổ khóa
Bạn bè đã đến với con như về nhà mình
Tuổi thơ con trắng tinh như tờ giấy
Chỉ khí phách của ông, đức độ của cha, lòng yêu của mẹ được ghi khắc trong con
Chỉ những con chữ của thầy cô là tài sản duy nhất của con
Ôi mẹ kính yêu!
Đến nỗi nghèo khó của mẹ cũng trở thành một điều thiêng, một điều quý giá!
***
Vài dòng chia sẻ nhân ngày giỗ mẹ tôi, đăng vài tấm ảnh kỷ niệm, nhắc nhở để con, cháu luôn nhớ về nguồn cội của mình.
2-8 ÂL
28-8-2022
ĐÔNG LA