GIẢI TRÍ VĂN CHƯƠNG CUỐI TUẦN:
NGUYỄN QUANG THIỀU LẠI NÓI VỀ CUỐN “NỖI BUỒN CHIẾN TRANH”.
Tôi sẽ còn viết về quan điểm “Việt Nam có thời có hai quốc gia” nhưng nay lại giải trí văn chương cuối tuần khi một bạn đọc lại nhắn tin gởi hình chụp trang facebook của Nguyễn Quang Thiều viết: “Nhà văn Việt Nam nào sẽ trở thành ứng cử viên giải Nobel?”, và khi một người cmt trả lời “Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh”, Nguyễn Quang Thiều viết: “Đây là một ý kiến hết sức nghiêm túc”.
Đến giờ thì tôi có thể khẳng định, các giải Nobel về khoa học tự nhiên đúng là một sự tôn vinh đúng đắn, giải Nobel đúng là cao quý, còn các giải Nobel Hoà bình, Văn chương thì còn tuỳ, bởi có những giải là vũ khí của thời Chiến tranh Lạnh khi xưa và Chủ nghĩa bá quyền hôm nay, như Nobel văn chương từng trao cho các tác giả ở LX và Trung Quốc chống lại đất nước họ, giải Nobel hoà bình từng trao cho Goocbachov có công đập vỡ LX, và năm nay trao cho một tổ chức chống Nga. Nhưng với Nguyễn Quang Thiều từng véo von ca ngợi “Nỗi buồn chiến tranh đã chạm vào mẫu số chung nhân loại” thì viết như trên, chọn “Nỗi buồn chiến tranh” là ứng cử Nobel Văn chương “là ý kiến nghiêm túc” đồng nghĩa với việc Thiều đề cao giá trị cuốn sách.
Quả thực, bây giờ mỗi khi thấy ông cựu bạn thân véo von về cái gì là tôi lại rùng mình kinh tởm, vì nó vừa dốt nát, vừa điêu toa. Không ngờ, cũng những lời véo von đó, có lần Thiều đã làm tôi mê mẩn khi còn rất thân nhau. Lần đó, sau khi đăng bài thơ có 4 câu của tôi, Thiều đã gọi điên thoại nói: “Đến bài này thì ông hay hơn Chế Lan Viên rồi!”:
NHỮNG CÁI XÁC
Những cánh hoa sặc sỡ
Nằm sõng xoài trên thảm có biếc
Con ba tuổi ngây thơ
Say sưa cóp nhặt
1988
Sau đó Thiều còn bình tán rất lâu. Tôi thích nghe không phải vì mình được Thiều khen làm thơ hay hơn Chế Lan Viên, người mà trong tâm tưởng tôi luôn coi như cha mình, mà trong câu nói của Thiều tôi coi CLV như một tính từ chỉ sự tài hoa và đặc biệt là tầm cao sâu về tư tưởng trong thơ. Với 4 câu chung chung trên của tôi thì có lẽ 90% người ta đọc không thấy gì, nhưng riêng Thiều không ngờ lại đồng cảm đến thế. Chính vậy, cuộc điện thoại trên chính là một trong những điều khiến tôi coi Thiều là bạn thân nhất, bạn tri kỷ, tâm giao. Bây giờ, mỗi lần thấy tôi “mắng” Thiều, bà xã tôi lại diễu: “Thật đáng đời! Ngày trước ông từng bảo cả nước chỉ mỗi thằng Thiều hiểu hết thơ ông mà!” Thú thực, hồi ấy nghe Thiều khen thì thích, chứ tôi không để ý Thiều tán gì. Phải đến tận bây giờ, tức sau vài chục năm, sau những phát ngôn, những bài viết, và những việc làm, Thiều bộc lộ rõ bản chất con người mình, tôi mới nhận ra, Thiều thích bài thơ trên của tôi chính là vì Thiều cho là tôi viết để chửi chế độ, ám chỉ cái lý tưởng mà chế độ ta theo chỉ như những xác chết sặc sỡ. Thực ra, tôi không thiển cận, có tư tưởng phản động thô thiển như Thiều nghĩ. Bài thơ trên cũng như mọi tác phẩm khi viết, tôi luôn muốn vươn đến tầm nhân loại, muốn chinh phục giải Nobel Văn chương, nếu nó đúng là giá trị cao quý đích thực. Bằng ngôn ngữ tượng trưng, bài trên tôi muốn biểu đạt cái thực trạng luôn hiện hữu trên toàn cầu, đó là chuyện thường có các giá trị đã chết trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, từ khoa học, tôn giáo, chính trị cho đến văn chương nghệ thuật. Nhưng những xác chết đó lại lấp lánh, mà loài người phần đông vẫn ngây thơ như đứa trẻ lên ba nên vẫn nâng niu cóp nhặt chúng. Như Mỹ và phương Tây luôn đi gieo rắc “tự do, dân chủ, văn minh” chẳng hạn, nhưng cứ mang đến đâu là ở đó lại loạn, như Iraq, Libya, Syria, Apganixtan, Pakistan trước đây, và hôm nay là Ukraina!
***
Quay lại cuốn NỖI BUỒN CHIẾN TRANH của BẢO NINH xem nó “chạm vào mẫu số chung nhân loại” như ý Thiều thế nào?
“Nỗi buồn chiến tranh” lần đầu được in năm 1990 với tên “Thân phận tình yêu” tại NXB Hội Nhà Văn. Chủ đề chính là cho cuộc kháng chiến giành lại nền độc lập, thống nhất đất nước của ta là một nỗi buồn. 1991, khi cuốn sách được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, dư luận đã phản đối dữ dội, đặc biệt là Tạp chí cộng sản. Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn VN khóa IV hồi đó đã phải tự phê bình bằng văn bản, đọc trước toàn Đại hội lần thứ V, còn in trên báo Công an TPHCM số 478, ra ngày 13-9-1995.
***
Cụ thể, TRẦN DUY CHÂU, trên Tạp chí Cộng sản, số 10 (tháng 10-1994) viết:
“Bảo Ninh … tạo nên một hình ảnh đảo ngược của hiện thực, chuyển đổi các giá trị, biến trắng thành đen, thay khúc ca khải hoàn của toàn dân tộc thành tiếng hát bi thương”; “Trong Nỗi buồn chiến tranh… Những người lính “mang tính chất nghĩa quân nông dân” ấy chỉ bị nhồi nhét một thứ: “liên miên chính trị, chính trị sáng, chính trị tối, tối lại cũng chính trị. Ta thắng địch thua, miền Bắc được mùa, thế giới chia làm ba phe rõ rệt”, để biến họ thành những máy giết người và bị người giết!”; “Bằng sự bôi nhọ sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân ta, Bảo Ninh không chỉ xúc phạm đến những người đang sống… còn muốn giết chết hẳn những người đã vĩnh viễn nằm xuống để cho “dân tộc quyết sinh”… Đó là sự khai tử của một ngòi bút quá nhẫn tâm đã coi họ là vật hy sinh mù quáng cho những cuồng vọng của con người”.
Trên Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, 13-9-1995, NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG SÁNG đã trả lời PHỎNG VẤN VỀ QUYỂN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH:
“… tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của anh Bảo Ninh… cái nhìn hiện thực có nét chủ quan, không đúng hẳn với hiện thực lịch sử”; “Cách nhìn nhận lại quá khứ chiến tranh và cả cách nhìn hiện tại có những biểu hiện chủ quan thiên lệch đến nặng nề tối tăm mà độc giả thông thường kể cả những người đã trải qua cuộc chiến đấu khốc liệt như trong truyện khó có thể chấp nhận”; “…Có những điều khiến người đọc phân vân: Địch và ta vào cuộc chiến phải có cái khác nhau cơ bản chứ. Toàn truyện thiên về các mặt tiêu cực bi kịch. Có cái gì đó hơi quá khích”; “quá một tý nữa thì tác giả sẽ phản lại đồng đội mình, tả họ như là hy sinh vô ích”; “việc trao giải cho Thân phận của tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) năm 1991 là thiếu chín chắn, nặng về khuyến khích một cây bút trẻ đã trải qua chiến đấu, mà coi nhẹ tính định hướng của giải thưởng”: “Sự mơ hồ và u ám trong cách nhìn của Bảo Ninh khi miêu tả cuộc kháng chiến chống Mỹ đã bị một số người thiếu thiện ý ở nước ngoài lợi dụng, nhằm xóa ranh giới giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa; thêm nữa, chính tác giả cuốn sách khi trả lời nước ngoài phỏng vấn cũng bộc lộ những quan điểm sai trái. Bạn đọc trong nước phê phán cuốn sách này càng ngày càng nhiều. Đó là sự nhắc nhở chính đáng của dư luận, là bài học kinh nghiệm của chúng ta…”.
Trên Công an thành phố Hồ Chí Minh, 20-9-1995, Nhà Văn NGUYỄN KHẢI đã TRẢ LỜI PHỎNG VẤN KHI BỎ PHIẾU TRAO GIẢI CHO CUỐN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH:
“…Chúng tôi cũng có bàn nhiều tới mặt yếu kém của từng tác phẩm, nhất là cuốn Nỗi buồn chiến tranh vì cách nhìn chiến tranh của tác giả còn phiến diện và cái không khí ngột ngạt, u ám bàng bạc trong nhiều chương sách”; “Sau khi giải thưởng được công bố, sự phản ứng của dư luận bạn đọc là tức thì, vượt khỏi cách nghĩ ban đầu của tôi. Nhiều bạn bè trong quân đội đã gặp tôi để bày tỏ sự phản đối việc trao giải của Hội Nhà văn cho Nỗi buồn chiến tranh”; “Hội Nhà văn lại tuyên dương một cuốn sách viết về chiến tranh với một tâm trạng và cách nhìn của một người bi quan thì thật hết sức lạ lùng. Các anh ấy có quyền hỏi chúng tôi: Vậy chúng tôi là những người như thế nào? Chúng tôi muốn gì? Nghe xong mà tôi ớn lạnh cả người”.
Nhà Văn VŨ TÚ NAM cũng TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ VỀ CUỐN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH. Ông nguyên là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (như Chủ tịch bây giờ) khóa IV, là thành viên của Ban chung khảo trao giải thưởng cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh, đã trả lời:
“Tôi cũng đã rất phân vân về những mặt yếu kém của cuốn sách, như: Sự mơ hồ của tác giả giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, cái nhìn u ám nặng nề, chỉ thấy sự mất mát riêng tư mà không thấy chiến thắng lớn lao do đóng góp của toàn dân… sự mơ hồ và cái nhìn u ám của anh đã khiến cuốn sách phản ánh méo mó cuộc chiến đấu thiêng liêng của dân tộc”; “Nhưng rồi giải thưởng vẫn được thông qua, và tôi cũng vẫn bỏ phiếu thuận. Trách nhiệm thuộc về toàn thể Ban Chấp hành, nhưng tôi là người chịu trách nhiệm trước nhất. Sự phê phán của công luận sau đó là chính đáng”.
8-10-2022
ĐÔNG LA