Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

SỰ BAO BIỆN, BÊNH VỰC SAI TRÁI CHO CHUYỆN NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP ĐẠO VĂN

 ĐÔNG LA

SỰ BAO BIỆN, BÊNH VỰC SAI TRÁI CHO CHUYỆN NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP ĐẠO VĂN
Bạn Hòa Đức có “Đề nghị bác Đông La” đăng lại chuyện trang web của Hội Nhà Văn VN bênh vực sai trái chuyện Nguyễn Đăng Điệp đạo văn. Vậy thì xin chiều ý bạn vì với bọn “tai trâu” cần phải nói to, nói nhiều.
25-11-2022
ĐÔNG LA
Tôi mới thấy chỉ có một trang báo điện tử của Hội Nhà Văn Việt Nam (https://vanvn.vn/) 12-11-2022, đăng bài của Minh Quang bênh vực Nguyễn Đăng Điệp trong chuyện đạo văn.
Tôi còn nhớ, Nguyễn Quang Thiều, đương kim Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, hồi năm 2012, đã móc với Nguyễn Đăng Điệp tổ chức cuộc hội thảo về thơ của chính mình ở Viện Văn học Việt Nam, nơi Điệp là viện trưởng. Bây giờ, phải chăng đã có sự móc nối ngược lại của Điệp với Thiều để trang báo điện tử của Hội Nhà Văn đăng bài bênh vực Điệp, và chặn những comment bất lợi cho Điệp, một hành động Thiều trả ơn Điệp 10 năm về trước? Tôi nghi vậy bởi nhớ lại, khi tôi phê phán chuyện cho Luận văn Nhã Thuyên điểm 10, trong một lần gặp tôi trực tiếp, Thiều đã bảo tôi: “Thôi, ông tha cho em nó”. “Em nó” ở đây chính là Nguyễn Đăng Điệp.
Cụ thể, Minh Quang, trong bài bênh vực Nguyễn Đăng Điệp nói trên, đã cho “nhiều nhận xét” của Hoàng Thanh trên báo https://phapluatchinhsach.vn/ “Có nhiều chỗ chưa chính xác, thiếu thỏa đáng và mang tính quy chụp”. Với lý lẽ “Việc giải thích các khái niệm đều có những mô hình chung để làm rõ nội hàm”, và “Có thể coi ba khái niệm chủng tộc, môi trường, thời điểm trong lý thuyết của H. Taine như là những khái niệm/ tri thức “nền””, Minh Quang cho rằng: “Diễn giải của Nguyễn Đăng Điệp giống Đỗ Lai Thúy hay Đỗ Lai Thúy tương tự với các nhà nghiên cứu văn học khác thì không thể coi là đạo văn”.
Tôi (Đông La) cho rằng, việc sử dụng tri thức nền như một tiền đề cho một công trình sáng tạo của một tác giả thì đúng là không phải đạo văn, còn chỉ giới thuyết như Nguyễn Đăng Điệp mà lại copy gần như nguyên văn của Đỗ Lai Thuý thì đích thị là đạo văn. Tính chất đạo văn của Nguyễn Đăng Điệp còn thể hiện rõ hơn khi copy những đặc điểm riêng biệt của văn phong người khác, tệ hơn là copy cả những cái chưa chính xác, cái sai. Theo Hoàng Thanh, Đỗ Lai Thuý, trong cuốn “Phê bình văn học - con vật lưỡng thê ấy” ở trang 127- 128, viết: “Taine “khái quát những độc lực chung cho mọi sự sinh thành văn hóa nghệ thuật ở ba sức mạnh khởi nguyên: chủng tộc, môi trường và thời điểm. Chủng tộc ở đây là khí chất bẩm sinh của một cá nhân hay cả một tộc người, một quốc gia dân tộc… Khái niệm môi trường của ông còn bao hàm cả những nhân tố lịch sử và xã hội: môi sinh, giáo dục, gia đình, nghề nghiệp và hiện trạng xã hội… Thời điểm ở Taine, đó là “trình độ lịch sử của văn hóa và truyền thống”. Còn Nguyễn Đăng Điệp, trong cuốn “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” ở trang 157, viết: “Trong tư tưởng của Taine, có ba vấn đề đặc biệt khi nghiên cứu văn học là chủng tộc, môi trường, thời điểm. Chủng tộc là khí chất bẩm sinh của một cá nhân, tộc người. Môi trường ở đây được hiểu là môi trường văn hóa, lịch sử, giáo dục. Thời điểm ở đây là trình độ lịch sử văn hóa truyền thống”.
Theo tôi, viết “Chủng tộc là khí chất bẩm sinh” như Đỗ Lai Thuý là chưa chính xác. Có thể do ông đã dịch sai, hoặc ông dịch đúng nhưng chính Taine đã định nghĩa “chủng tộc” chưa chính xác, bởi “chủng tộc” là khái niệm dùng để phân loại con người theo đặc tính di truyền, còn “khí chất” hoặc “tính khí” chỉ đặc điểm thuộc tính cách của mỗi con người. Như vậy, Nguyễn Đăng Điệp không chỉ đạo văn của Đỗ Lai Thuý mà còn vì dốt đã đạo cả cái chưa chính xác y như một con vẹt.
Văn Huy, 13/11/22, trên https://phapluatchinhsach.vn/, chỉ ra cuốn “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” của Nguyễn Đăng Điệp đạo văn cũng của Đỗ Lai Thúy trong cuốn “Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỉ XX”.
Đặc biệt, Văn Huy cho biết Nguyễn Đăng Điệp, cũng trong cuốn “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại”, đã “hoát cốt đoạt thai”, “giấu đầu hở đuôi”, khi “lấy tri thức từ bài viết (Những dấu hiệu của chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài) của Lã Nguyên để viết mục khuynh hướng mang phong cách (hậu) hiện đại của tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay”. Trường hợp này, Nguyễn Đăng Điệp cũng lại dốt, cũng lại như con vẹt đạo luôn cả những cái chưa chính xác của Lã Nguyên viết về “Những dấu hiệu của chủ nghĩa Hậu hiện đại” của văn Nguyễn Huy Thiệp.
Barry Lewis đã chỉ ra những nét đặc trưng thi pháp hậu hiện đại là: Phá vỡ trật tự thời gian; Sự nhại phỏng (pastiche); Phá vỡ cấu trúc; Tính hỗn độn; Sự hoang tưởng (paranoia); Vicious circles: chỉ cái đặc tính “đi tắt”, khi ranh giới giữa cái nội tại của văn bản và thế giới ngoại tại bị xóa nhòa, khi tác giả bước vào trong văn bản và những nhân vật lịch sử có thật xuất hiện trong những tác phẩm hư cấu.
Như vậy, văn Nguyễn Huy Thiệp không có chút gì cái “dấu hiệu” của thi pháp hậu hiện đại cả nên Nguyễn Đăng Điệp hoàn toàn sai khi viết: “đến Không có vua, màu sắc hậu hiện đại trở nên khá đậm nét”. Thực ra, văn Nguyễn Huy Thiệp đôi chỗ có nét cổ phong của truyện Tàu, và đôi chỗ có giọng điệu dân phố thị lọc lõi, ranh ma giống văn của Vũ Trọng Phụng. Có lẽ là “chuyên gia” đạo văn nên Nguyễn Đăng Điệp viết thế này: “Theo chúng tôi, đây (Truyện Không có vua) là truyện ngắn vào loại xuất sắc nhất của Nguyễn Huy Thiệp”, vì Nguyễn Đăng Điệp đã không nhận ra trong truyện này Nguyễn Huy Thiệp cũng “cop” văn của Vũ Trọng Phụng: cảnh biểu quyết bố chết trong Không có vua rất giống cảnh thuê bác sĩ về chữa để cho bố mình chết của cụ cố Hồng trong Số đỏ; cảnh Hạnh trong Huyền thoại phố phường (truyện của ông Thiệp) tấn công bà Thiều cũng rất giống cảnh Xuân tóc đỏ tấn công bà Phó Đoan (trong Số đỏ).
Còn nếu cho trong văn Nguyễn Huy Thiệp có “chủ nghĩa” thì chính là cách viết tự nhiên chủ nghĩa, cái thứ chủ nghĩa tục tĩu, mất lịch sự, vô văn hoá. Thiệp viết ngôn ngữ của một bà cụ nông dân: “Các cụ toàn chim to!”, của một thôn nữ trẻ: “Có mấy tay thanh niên bên Duệ Đông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược” (truyện Những bài học nông thôn); chồng bảo vợ: “Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy lợn vịt thế vào chứ đừng ngủ không” (truyện Thương nhớ đồng quê). Chưa hết, Nguyễn Huy Thiệp còn theo những cái “chủ nghĩa” bất nhân, phi luân. Trong truyện ngắn “Tướng về hưu” có chi tiết cho việc BS phụ sản mang xác thai nhi về nấu cho chó, cho lợn ăn là “chẳng quan trọng gì”; tả những gương mặt nông dân: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”; tả một người đàn ông: “Lão già bị liệt, hai chân teo lại, lông chân như lông lợn”, “Tôi rùng mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta: mặt đen và tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó”; viết về phụ nữ: “Đàn bà không có thơ đâu… Thơ phải cao cả. Mỗi tháng các bà hành kinh một lần thì cao cả gì”; về chuyện loạn luân, chuyện bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm, Nguyễn Huy Thiệp biện minh: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b.”.
Nguyễn Đăng Điệp đạo văn của Lã Nguyên cho văn của Nguyễn Huy Thiệp có “những dấu hiệu” của Chủ nghĩa Hậu hiện đại không phải với ý phê phán mà ở chỗ này, chỗ khác luôn cho văn của Nguyễn Huy Thiệp là “thành tựu nổi bật của đổi mới”. Điều này cũng thể hiện sự dốt nát của Nguyễn Đăng Điệp khi không hiểu bản chất triết học của Chủ nghĩa Hậu Hiện đại. Theo Lyotard, “Chúng ta đang sống trong thời hậu hiện đại, thời mà tất cả những lý thuyết có từ thời Ánh sáng đều đã bị đổ vỡ”. Theo ông, tinh thần hậu hiện đại sinh ra là để “chống lại sự độc tài của các chủ thuyết” mà ông gọi là các “siêu văn bản” (métarécit)”.
Như vậy, theo tinh thần Hậu Hiện đại, Triết học Mác mà thể chế Việt Nam lấy làm nền tảng tư tưởng cũng thuộc “siêu văn bản” và “đã bị đổ vỡ”. Vậy Đảng viên Đảng Công sản Việt Nam Nguyễn Đăng Điệp ca ngợi Hậu Hiện đại thì cần phải xin ra Đảng và càng không nên đưa tác phẩm dự xét Giải thưởng Nhà nước của một nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
25-11-2022
ĐÔNG LA