Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

CHÚC MỪNG NĂM MỚI, GIAO THỪA CỦA TUỔI (thơ)

 CHÚC MỪNG NĂM MỚI

GIAO THỪA CỦA TUỔI (thơ)



Tôi sẽ quay lại viết, có thể cần viết nhiều về tâm linh vì hiểu đúng về tâm linh sẽ giúp chúng ta có thái độ đúng đắn đối với những người đã khuất: Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ, những người ruột thịt và những người thân; và những anh hùng dân tộc, những liệt sĩ đã có công, đã hy sinh thân mình vì dân, vì nước. Hiểu đúng về tâm linh cũng giúp chúng ta có thái độ đúng hơn về các Đấng thiêng liêng, về các tôn giáo, dù để hiểu cặn kẽ là một điều không thể vì thế giới tâm linh nằm ngoài tầm với của khoa học.
Hôm nay giao thừa đón Tết, tôi sẽ đăng lại bài thơ về giao thừa, nhưng không phải giao thừa của thời gian mà là “giao thừa của tuổi”.
Gần đây có bạn đọc mới quen là Văn Tùng cứ say mê đánh cái thứ văn chương tục tĩu, thô bỉ, nên cứ nhờ tôi chỉ dẫn nguồn văn bản của những câu mà tôi đã trích ra để phê phán thứ văn chương phản thẩm mỹ, phản luân lý, và phản nhân tính đó.
Có điều, nếu hiểu về lý luận văn chương thì thấy tất cả các ngôn ngữ đều bình đẳng, đều có thể sử dụng. Nhưng nhà văn có tài sẽ sử dụng những từ nhạy cảm phù hợp với văn cảnh, hoặc có thể dùng các biện pháp tu từ viết một cách thanh tao, văn hoá; ngược lại những kẻ bất tài lại hãnh tiến luôn theo đuôi và dựa vào những trường phái quái dị của nước ngoài để viết ra những câu chữ thô tục của dân vô học, đầu đường xó chợ, thú tính.
Còn tôi, khi sáng tác tôi rất hiểu sự sử dụng ngôn ngữ cũng thuộc phạm vi của sự đổi mới văn chương. Với tư duy hủ nho đã biến văn chương như cô gái mặc kín mít, kiêng kỵ mọi thứ liên quan đến giới tính là điều lạc hậu, nhưng như cô gái mặc hở hang thế nào cho đẹp, viết cởi mở thế nào cho hay lại phụ thuộc vào tài năng, tài hoa của nhà văn, nhà thơ.
Giờ coi lại, tôi thấy mình đã viết khá nhiều và khá bạo. Như bài “Đêm thiêng” là tôi viết về đêm tân hôn, và đã không ngại viết về chuyện sinh hoạt vợ chồng: “Ta hãy mang hai nửa phần chông chênh nhập vào nhau khăng khít/ Lắp ráp một cuộc đời!”; ở bài khác tôi viết: “Ta hãy ngấm vào nhau như mưa trên biển cát/Như tự ngàn xưa và mãi mãi ngàn sau”. Anh Nguyễn Ngọc Thu cùng làng và cũng là nhà thơ, có lần anh bảo “tôi thích bài “Cánh đồng quê” của chú”. Tôi biết anh có “máu yêu đương” nên nói vậy vì bài thơ của tôi có đoạn: “Sao là cánh? Sao là đồng? Sao lại Chùa Mô, Đằng Miều, Con Cóc?/ Những cái tên lạ lùng đã khắc dấu hồn ta/ Nhớ vệt bùn hôm nao em làm ta lấm áo/ Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê/ Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ”.
Năm mới, xin chúc tất cả người ruột thị, bạn bè thân thiết, bạn đọc thân thương, nói theo tiếng Anh cho gọn “Happy New Year!!!!”
Xin đăng lại bài “Giao thừa của tuổi” cũng có những ngôn từ, những hình ảnh như những "cảnh nóng" trên phim.
30 tết Quý Mão
(21-1-2023)
ĐÔNG LA
GIAO THỪA CỦA TUỔI
Tặng tuổi hoa niên
Ta từng rủ nhau hái trộm nhãn đầu mùa
Hái trộm bắp ngô non ngày đầu đọng sữa
Nay lại cùng em cấu thóc về làm cốm
Sao không còn vui trò tinh nghịch hồn nhiên?
Phải ta đã để lại phía sau lưng những năm tháng tuổi thơ?
Ở trước ta đã là giao thừa của tuổi
Ta đang chạm vào một khoảng đời thần diệu
Em không còn em của hôm xưa
Có một ngọn lửa vô hình đã cháy lên chiều nay
Một nỗi khát khao anh chưa từng biết
Một nỗi chông chênh anh chưa hề gặp
Một con thuyền trôi trên biển say
Thôi hãy tạm biệt những năm tháng thơ ngây
Anh muốn được lấy trộm trên môi em nụ hôn đầu mật ngọt
Lấy trộm trên ngực em một điều bí mật
Ta hãy cùng vào vầng sáng của si mê!
Anh muốn buộc con thuyền thời gian
Dừng lại nơi giao thừa của tuổi
Để trái cây mãi đầu mùa chín tới
Em mãi là em của phút giây nay./.
Đông La