LỊCH SỬ THÀNH VĂN- NGÀY TOÀN THẮNG KẾT THÚC
CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI 30-4-1975
Hôm nay là ngày 28-4-2022, tôi sẽ dần đăng lại từng phần bài Lịch sử thành văn mà tôi đã viết sau khi tìm hiểu rất nhiều tài liệu từ nhiều phía để tìm hiểu những mâu thuẫn, phản bác những ý kiến sai trái, mà quan trọng nhất là dựa vào ý kiến những người trong cuộc, ba mặt một lời, trong cuộc Hội thảo do Viện Lịch sử Quân sự VN tổ chức ngày 19/10/2005. Tất cả phải “trọng chứng hơn trọng cung”, phải đối chiếu với nhân chứng, vật chứng, những tấm ảnh, những thước phim, những trang viết để nhận diện sự thật, vì ngay những nhân chứng và những người trong cuộc, nhân vật lịch sử, vì thời gian đã quá xa nên cũng nhớ sai, và buồn hơn là có những người cố tình nói sai.
Đến hôm nay thì tôi có thể tự tin biết chính xác những chuyện chủ yếu xảy ra trong ngày lịch sử 30-4-1975. Có điều, rất mừng là sau bao tìm hiểu, nghiên cứu, tôi thấy kết luận của Viện Lịch sử Quân sự là rất đúng với bản chất sự thật, nhưng để thành văn bản lịch sử, tất phải có tinh chế, mài giũa những thô nháp của đời sống.
Bọn lật sử, trở cờ, phản trắc vì nhiều tham vọng hoang tưởng danh lợi cá nhân, không dễ từ bỏ hành động, chúng chính là mầm mống gây ra những hậu hoạ, như Liên Xô tan vỡ năm 1991, và hôm nay chiến tranh giữa Nga và Ukraina đang xảy ra. Vì vậy, những cơ quan và cá nhân có chức trách cần quan tâm hơn nữa, nghiêm minh hơn nữa trong việc thực thi trọng trách và pháp lý; tất cả công dân VN có lương tri, có trí tuệ cần kiên trì, kiên quyết lên tiếng chống lại những cái sai, cái xấu, cái ác về chính trị tư tưởng, về lịch sử cách mạng.
Xin giới thiệu “Lịch sử thành văn” về Ngày 30-4-1975, Ngày Lịch sử, Ngày Toàn thắng, kết thúc hai cuộc kháng chiến vĩ đại.
30-4-2023
ĐÔNG LA
Phần 1
TRẬN ĐÁNH ÁC LIỆT TRƯỚC CỬA NGÕ SÀI GÒN
Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, ngày 21 tháng 4, "cánh cửa thép" Xuân Lộc đã bị mở toang, Quân Giải phóng đã có mặt trước cửa ngõ Sài Gòn. Thất bại này đã dẫn đến sự từ chức của Nguyễn Văn Thiệu, cũng vào ngày 21 tháng 4 năm 1975, sau 10 năm làm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Ông ta đã xuất hiện trên truyền hình trách móc Mỹ cắt giảm viện trợ đồng thời cũng chính là những lời tự thú mình là tổng thống của một chính quyền tay sai tồn tại bằng viện trợ, tồn tại vì viện trợ: “…các ông đưa tôi chỉ có 3 đôla mà thúc giục chúng tôi đi bằng máy bay, ghế hạng nhất, mướn phòng 300 đôla một ngày ở khách sạn, ăn ba hay bốn miếng bít-tết và uống bảy tám ly rượu Tây một bữa. Đấy là điều kỳ quặc không bao giờ làm được”. Ở lúc khác ông ta cũng nói: “Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!” Và rồi, trong lời tuyên bố từ chức dài đến 3 tiếng đồng hồ ấy, ông ta kết luận: “Hoa Kỳ là một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo”. Thực tế, Nguyễn Văn Thiệu đã cố tình không hiểu, bởi Mỹ bỏ rơi VNCH không phải Mỹ vô nhân đạo mà vì chính Mỹ đã thất bại!
Năm 1990, Nguyễn Văn Thiệu gặp lại chiến hữu tị nạn tại Orange County, California, ông ta thú nhận thân phận nô lệ của chính quyền VNCH khi nói về “nguyên nhân mất nước”: “Bởi vì mình chịu cái sự nô lệ về viện trợ”. Viên thiếu tá biệt kích dù từng chất vấn Tổng thống Dương Văn Minh sáng 30-4-1975 tại Dinh Độc lập: “Tại sao đầu hàng?” đã chất vấn Nguyễn Văn Thiệu như một bị can: “Đào ngũ trong thời chiến phải được đem ra xử bắn hay không? Vì trong ngày tôi chiến đấu cuối cùng tại SG tôi không thấy mặt tổng thống?”
***
Năm ngày sau khi TT Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu diễn ra từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 với 5 cánh quân, tiến đánh Sài Gòn mà đích cuối cùng là Dinh Độc lập, đầu não chế độ VNCH. Quân đoàn1 đánh hướng Bắc; Quân đoàn 3 hướng Tây Bắc; Quân đoàn 4 hướng Đông Bắc; Binh đoàn Cửu Long (Đoàn 232) hướng Tây Nam; và Quân đoàn 2 hướng Đông Nam.
Kết quả, Quân đoàn 2 là đơn vị đầu tiên đã chiếm được Dinh Độc lập, treo cờ trên nóc Dinh, bắt sống Nội các Dương Văn Minh và buộc TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát thanh.
Quân đoàn 2 có Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Linh, Chính ủy. Nguyễn Hữu An từng là người trực tiếp chỉ huy trận đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lần này, Quân đoàn 2 của ông được giao nhiệm vụ tiến công với chiều sâu nhiệm vụ khoảng 70 km, trên một diện rộng 86 km từ Căn cứ Nước Trong, Chi khu Long Bình, Tổng kho Long Bình, Chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, đến Cảng và Bến phà Cát Lái, hợp điểm cùng các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập.
17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, cuộc tiến công của quân ta trên hướng Đông và Đông Nam Sài Gòn bắt đầu. Lực lượng pháo binh của Quân đoàn 2 và các đơn vị bạn đồng loạt trút bão lửa vào các mục tiêu quan trọng. Các chiến sĩ Quân đoàn 2 bắt đầu nổ súng lần lượt đánh chiếm Căn cứ Nước Trong; Khu vực Long Thành; Quận lỵ Nhơn Trạch, áp sát vùng nội đô.
Chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975, theo lệnh của bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Trung dẫn đầu Phi đội Quyết thắng do Trung uý Nguyễn văn Lục chỉ huy, gồm 3 chiếc A-37, cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) thẳng hướng Sài Gòn, ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, làm rung chuyển Sài Gòn, khiến ngụy quân, ngụy quyền hoảng loạn, làm đảo lộn cả kế hoạch di tản bằng máy bay của người Mỹ. Trước đó, ngày 8 tháng 4 năm 1975, lúc 8 giờ 30 phút sáng, Nguyễn Thành Trung khi còn là Trung úy Không lực VNCH, nhận được lệnh xuất kích từ sân bay Biên Hòa, lái máy bay F5-E ném bom dinh Độc Lập, làm kinh hồn, bạt vía đầu não Chế độ VNCH.
Sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, Tư lệnh Quân đoàn cho các trận địa pháo 130mm ở Nhơn Trạch bắn vào Sân bay Tân Sơn Nhất, mở đầu cuộc tổng công kích.
Cũng ngày 29/4/1975, Quân đoàn 2 tổ chức Binh đoàn Thọc sâu, gồm Trung đoàn 66 bộ binh, thuộc Sư 304; Lữ đoàn Thiết giáp 203, và một số đơn vị khác. Chiều 29/4/1975, Binh đoàn Thọc sâu bắt đầu xuất phát từ căn cứ Nước Trong, vượt qua cầu Sông Buông, đánh chiếm Căn cứ Long Bình, cầu Xa lộ (Đồng Nai).
Trước đó vài ngày, trận đánh Cầu Rạch Chiếc, giữ cầu, thông tuyến trên trục lộ chính của hướng tấn công của quân ta đã được thực hiện bởi Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động. Lữ đoàn do Đ/c Nguyễn Thanh Tùng làm Lữ đoàn trưởng; Đ/c Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang, nguyên Chỉ huy cụm điệp báo H63) làm Chính ủy. Trận đánh đã diễn ra vô cùng ác liệt, quân ta do nổ súng bất ngờ, rạng sáng ngày 28-4 đã nhanh chóng chiếm được cầu, nhưng quân địch đông gấp 10 lần và hỏa lực cực mạnh với nhiều máy bay, xe tăng, pháo, tàu chiến, nên trưa 28.4.1975, quân ta phải rút quân. Có những chiến sĩ đã tình nguyện chặn hậu, đánh địch đến viên đạn cuối cùng và bị địch bắt sống, tra tấn vô cùng dã man.
“Trong trận đánh quyết tử này, tổng cộng 52 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Có những đồng chí chấp nhận hy sinh để anh em được bảo toàn lực lượng, như đồng chí Nguyễn Văn Thất (người Thanh Hóa) ở lại đầu cầu chặn đường truy đuổi của địch, một mình đánh đến khi hết đạn, lính VNCH bắt được và chặt anh làm đôi ném xác xuống bãi cỏ. Chiến sĩ liên lạc Võ Văn Tần, dù bị gãy chân vẫn dùng lựu đạn quyết tử, diệt 5 tên. Khi bị bắt, bị tra tấn dã man, đồng chí vẫn không khai một lời”.
Ông Nguyễn Đức Thọ, chiến sĩ thuộc Z23, người bắn quả đạn đầu tiên diệt tháp canh, kể:
"Đồng chí Minh cùng quê Quảng Xương với tôi, bị chúng dùng báng súng quật nát mặt rồi mổ bụng moi gan!"
Ngày 29.4.1975, các chiến sĩ đặc công được lệnh tấn công chiếm lại cầu Rạch Chiếc và giữ được nguyên vẹn cầu để khoảng gần 9 giờ, mũi thọc sâu của QĐ2 đã tiến đến, các xe tăng đã phối thuộc với các chiến sĩ E66 tiếp tục tiến công, tiêu diệt những tên địch vẫn chống cự quyết liệt, rồi vượt qua cầu, tiếp tục hành tiến, thần tốc tiến vào cửa ngõ thành phố, tiếp tục mở cánh cửa máu, tiến vào trung tâm, giải phóng Sài Gòn!
Vào lúc Căn cứ Cát Lái, điểm cố thủ cuối cùng của địch ở phía Đông – Nam Sài Gòn, bị đập vỡ tan tành, Binh đoàn Thọc sâu đã tràn qua Quận Thủ Đức.
Khoảng 9 giờ sáng 30/4/1975, phân đội đi đầu của lực lượng thọc sâu là Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203 do Nguyễn Tất Tài, Lữ đoàn trưởng, và Bùi Văn Tùng là chính uỷ, cùng các đơn vị hiệp đồng đã tiến sát cầu Sài Gòn, bắt đầu mở cánh cửa máu, đánh vào Dinh Độc Lập.
Quân địch trên cầu và khu vực lân cận vẫn còn nhiều. Chúng dùng những thùng phuy chứa đầy đất cát làm nơi ẩn nấp, đồng thời làm chướng ngại vật, và dùng hỏa lực của tám chiếc xe M.113, bốn xe M.41, sáu chiếc tàu chiến đậu ở Tân Cảng, và cả máy bay, kết hợp với bộ binh chống cự quân ta quyết liệt. Ngay từ những phút đầu, hai chiếc xe tăng của ta thuộc C1 đã bị bắn cháy. Thấy đội hình phân đội xe tăng đi đầu bị dồn lại, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 xe tăng Ngô Văn Nhỡ cho lái xe vọt lên để xử lý. Bất chấp hỏa lực địch nã vào tới tấp, Ngô Văn Nhỡ vẫn bình tĩnh mở nắp xe, đứng lên chỉ huy bộ đội chiến đấu, và anh đã anh dũng hy sinh cùng với một số cán bộ, chiến sĩ xe tăng, công binh khác.
Đại tá Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, trực tiếp chỉ huy, ông lập tức lệnh cho Trung đoàn 66 tiến lên đầu cầu, chế áp hỏa lực địch. Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ lệnh cho Trung úy Hoàng Quốc Trị, Đại đội trưởng đại đội 15 ĐKZ, bắn thẳng vào 6 cụm chốt của địch. Trần Minh Công, Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn thiết giáp 203, đi cùng Phó Tư lệnh Hoàng Đan, lên chỉ huy đánh chiếm cầu. Đại trưởng 4 xe tăng, Bùi Quang Thận lệnh cho các xe bắn vào xe tăng địch. Địch vẫn điên cuồng chống trả, C1 bị cháy thêm hai chiếc xe tăng nữa. Cuối cùng quân ta, với sức mạnh hiệp đồng binh chủng, pháo tăng và ĐKZ đã bắn cháy 4 chiếc xe M113, hai chiếc xe M41, và 4 khẩu pháo 85 nòng dài của Trung đoàn 68 cũng hạ nòng bắn thẳng, tiêu diệt 2 tàu chiến địch ở phía hạ lưu Sông SG; hơn 100 tên địch còn lại trên mặt cầu đã kinh hoàng bỏ vũ khí tháo chạy. Vậy là khoảng 9h30, cánh cửa vào SG đã được mở toang, cái cánh cửa vô hình nhưng phải mở bằng máu, bằng lửa và bằng lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của quân giải phóng.
21-6-2021
ĐÔNG LA