Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

LỊCH SỬ THÀNH VĂN- NGÀY TOÀN THẮNG KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI 30-4-1975 Phần 2 GIÂY PHÚT XE TĂNG HÚC BUNG CỔNG DINH ĐỘC LẬP VÀ CỜ GIẢI PHÓNG TUNG BAY TRÊN NÓC DINH

 LỊCH SỬ THÀNH VĂN- NGÀY TOÀN THẮNG KẾT THÚC

CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI 30-4-1975
Phần 2
GIÂY PHÚT XE TĂNG HÚC BUNG CỔNG DINH ĐỘC LẬP VÀ CỜ GIẢI PHÓNG TUNG BAY TRÊN NÓC DINH


Chuyện xe tăng húc cổng Dinh ĐL và cắm cờ trên nóc Dinh cũng nhiều chuyện mâu thuẫn, sai trái, kể cả bịa đặt.
Đầu tiên là chuyện cho xe 843 của anh Bùi Quang Thận vào Dinh ĐL đầu tiên, có lẽ do, như lời anh Bùi Quang Thận kể trong “Cuộc tọa đàm khoa học về một số vấn đề xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975” của Viện Lịch sử quân sự, xe 843 của anh húc cổng phụ bên trái 3 lần thì cánh cổng chính bung ra, chính là công đầu. Sau 30-4-1975, chính anh Toàn trưởng xe 390, bí thư chi bộ, khi viết báo cáo thành tích cũng không viết xe 390. Sau chỉnh lại cho đúng là xe 390 của Vũ Đăng Toàn vào Dinh ĐL đầu tiên. Nhưng rồi anh Vũ Đăng Toàn lại nói sai là mình đã cầm AK bảo vệ Bùi Quang Thận vào Dinh, anh Thận đi cắm cờ thì mình “dồn Nội các DVM” trước cả nhóm anh Phạm Xuân Thệ. Cũng trong “Cuộc tọa đàm”, anh Thận nói: “Sau khi vào Dinh ĐL… bản thân xe đ/c (ông Toàn) 5 người, đáng lẽ đ/c phải cử người đi để mà bảo vệ tôi chứ, nhưng mà xe đ/c đóng cửa kín mít. Đ/c bảo nằm trong xe bảo vệ, dùng pháo để bảo vệ cho đ/c Bùi Quang Thận… Các đ/c nói không đúng”. Anh Thận cũng cho biết không có chuyện Nguyễn Hữu Thái và Huỳnh Văn Tòng đã dẫn anh lên nóc Dinh treo cờ. Lúc đầu, do tuyên truyền, anh Thận tưởng người dẫn mình lên nóc Dinh là Đại tá Vũ Quang Chiêm, về sau khi gặp lại nhau để tái hiện sự kiện thì anh biết đích xác người dẫn mình đó chính là Lý Quí Chung.
Hôm nay, tôi sẽ đăng tiếp Phần 2 của “Lịch sử thành văn”.

29-4-2023
ĐÔNG LA
Phần 2
GIÂY PHÚT XE TĂNG HÚC BUNG CỔNG DINH ĐỘC LẬP VÀ CỜ GIẢI PHÓNG TUNG BAY TRÊN NÓC DINH
Đương kim Tổng thống VNCH thời điểm sáng 30-4-1975 là Dương Văn Minh, người mới nhận chức Tổng thống từ Trần Văn Hương vào ngày 28 tháng 4 năm 1975. Dương Văn Minh chính là người mà năm 1963 đã lãnh đạo cuộc đảo chính bắn chết anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố Vấn Ngô Đình Nhu và xử tử hình “Bạo chúa Miền Trung” Ngô Đình Cẩn. Khi Quân Giải phóng đã tấn công đến Cầu Sài Gòn, Dương Văn Minh buộc phải đọc Tuyên bố “yêu cầu hai bên cùng ngưng nổ súng”. Băng ghi âm được phát trên đài Phát thanh Sài Gòn đúng 9h30 phút.
Dù Dương Văn Minh đã đọc tuyên bố yêu cầu ngưng nổ súng, nhưng trên đường tiến công của Binh đoàn Thọc sâu của quân ta vẫn bị quân địch chống trả tới cùng.
Sau khi phá tan ổ kháng cự ở Cầu Sài Gòn, lực lượng đi đầu Binh đoàn Thọc sâu của Quân đoàn 2 vượt qua Cầu Sài Gòn. Phó Tư lệnh Hoàng Đan chỉ thị cho Lữ đoàn xe tăng 203 cho Tiểu đoàn 1 đi đầu, Tiểu đoàn 2 bám theo; chỉ thị cho Trung đoàn đặc công 116; Trung đoàn bộ binh 66 bám sát đội hình xe tăng tiến về hướng Dinh Độc Lập; Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 có nhiệm vụ đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn.
Đến gần 10 giờ, mũi tiến công đến ngã tư Hàng Xanh, Ngô Sĩ Nguyên, Pháo thủ số 1 trên xe tăng 390, thấy hai chiếc xe M113 và một đoàn xe ô tô, cũng là lúc anh nghe thấy lệnh của Trưởng xe Vũ Đăng Toàn:
-Mục tiêu!
Ngô Sĩ Nguyên bóp ngay cò súng, các quả đạn bay trúng mục tiêu làm hai chiếc xe M113 toác ra và cháy bùng lên.
Đoàn quân được lệnh tiếp tục rẽ trái tiến lên. Đi đầu là xe tăng 387 của trưởng xe Lê Tiến Hùng, khi xe 390 dừng lại bắn xe địch, xe 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã vượt lên đi thứ hai, xe 390 của Trưởng xe Chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn đi thứ ba. Tiếp theo sau là chiếc xe Jeep chở Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 66.
Đến Cầu Thị Nghè, một ổ kháng cự của địch có cả xe tăng M41 và xe thiết giáp M113 đã bất ngờ bắn vào đội hình quân ta. Xe 387 dẫn đầu bị trúng đạn. Trưởng xe Lê Tiến Hùng bị thương và một chiến sĩ công binh ngồi trên xe đã hy sinh. Xe 843 của Bùi Quang Thận dừng lại lập tức bắn cháy các xe của địch, dập tắt ổ kháng cự cuối cùng. Xe tăng 390 lại lao lên dẫn đầu. Ngoài Trưởng xe Vũ Đăng Toàn, trên xe 390 còn có Ngô Sĩ Nguyên, Pháo thủ số 1; Lê Văn Phượng, Đại đội phó kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2; và Lái xe Nguyễn Văn Tập. Xe tăng 843 đi sau, trên xe 843, ngoài Trưởng xe Bùi Quang Thận có Thái Bá Minh, Pháo thủ số 1; Nguyễn Văn Kỷ, Pháo thủ số 2; và Lái xe Lữ Văn Hỏa.
Các chiến sĩ đều được hướng dẫn trước, qua cầu Thị Nghè, đi qua 7 ngã tư, rẽ trái là sẽ tới Dinh Độc lập. Nhưng lần đầu đi giữa phố phường của một thành phố lớn, san sát nhà cửa, các chiến sĩ bị ngợp, không chỉ có các ngã tư mà còn có các ngã ba, khiến các chiến sĩ không thể nhận diện chính xác thứ tự các ngã tư. Xe 390 đã đi quá đường, vượt qua ngã tư thứ 7 là Hồng Thập Tự-Công Lý (nay là Nguyễn Thị Minh Khai-Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đi khoảng hơn chục mét đến cổng một trường học thấy bảng hiệu ghi là trường Lê Quý Đôn, nhận ra đã lạc đường, Lái xe Nguyễn Văn Tập nói với Trưởng xe Vũ Đăng Toàn:
-Xe mình có khi bị lạc rồi!
Vừa lúc đó có một thanh niên đi ngược tới, Nguyễn Văn Tập ngừng xe, xuống giữ ngay anh chàng lại, nói với trưởng xe:
-Anh Toàn ơi, bảo nó dẫn mình tới Dinh Độc lập.
Chàng thanh niên sợ hãi:
-Các ông cho con về cất đồ.
Chờ một chút thấy chàng trai rẽ vào đường gần đó mất hút luôn, Nguyễn Văn Tập nhớ ra sau lưng mình chính là ngã tư thứ 7, nên anh cho xe lùi ngay lại, “đánh vào tay trái”, rẽ về hướng Dinh Độc lập.
***
Trong khoảng thời gian đó, ở trong xe 843, Bùi Quang Thận cũng không nhớ chính xác thứ tự các ngã tư, đến một ngã tư anh lệnh cho xe rẽ trái, chạy hết một dãy phố đến một ngã ba đầu một con đường lớn, nơi có chiếc cổng sắt lớn dẫn vào một công viên ghi “SỞ THÚ SÀI GÒN”. (Bây giờ là ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm-Lê Duẩn). Anh ra lệnh dừng xe. Đang bối rối, rất may, từ phía trước, anh thấy một phụ nữ đi xe máy lao tới. Anh ra hiệu cho xe dừng lại, nhưng chiếc xe vẫn lao đi như không biết đến cử chỉ của anh. Anh lập tức bắn ba phát chỉ thiên. Người phụ nữ sợ quá phanh gấp chiếc xe máy chững lại. Trước mắt, anh Thận thấy một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi mặt mày tái mét. Chắc chị ta đã kinh hồn bạt vía bởi luôn bị tuyên truyền, khi Việt Cộng chiếm thành phố sẽ có một “cuộc thảm sát đẫm máu”, “sẽ rút móng tay của từng cô gái một vì sơn móng tay”, sẽ bắt và giết hết những đứa con lai của những người phụ nữ quan hệ với lính Mỹ.
Với giọng từ tốn, anh Thận đã trấn an được người phụ nữ, rồi đề nghị:
- Chị chỉ hộ tôi đường vào Dinh Độc Lập.
- Tôi chỉ xong ông cho tôi đi chứ - người phụ nữ vừa nói vừa run.
- Vâng, xong việc, chị hoàn toàn tự do- Anh quả quyết.
- Ông đang đứng trước hướng Dinh Độc Lập đó – chị nói mà không dám chỉ tay - nó phía sau tàn cây như rừng phía cuối đường nầy đó.
Bùi Quang Thận nhìn thẳng, từ đầu đường Thống Nhất, anh thấy Dinh Độc Lập không đồ sộ như suy nghĩ của anh, nhưng nó là khu nhà bề thế như nằm sau rừng cây. Anh lập tức lên xe, lệnh tiến thẳng đến cổng Dinh Độc lập. Qua ngã tư cuối cùng, Bùi Quang Thận thấy Dinh Độc lập sừng sững trước mặt. Xe 843 rú ga vượt qua đoạn đường cuối, qua luôn đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) chạy ngang qua ngay trước cổng dinh. Không biết quân địch trong Dinh thế nào, Bùi Quang Thận lệnh cho Pháo thủ Thái Bá Minh bắn pháo lên trời để thị uy, nhưng Minh bóp cò 2 lần đạn vẫn không nổ. Minh hét bảo Pháo thủ 2 Nguyễn Văn Kỷ thay đạn, và đó cũng là lúc Lái xe Lữ Văn Hỏa đã lái xe đến gần cổng Dinh có những hàng rào kẽm gai và chướng ngại vật. Bùi Quang Thận hô:
-Cứ lao thẳng vào!
Vì xe đang chạy nhanh, lại tránh chướng ngại vật, xe lạng sang phía trái về phía cổng phụ, Lữ Văn Hỏa vội kéo cần lái phải, chỉnh thẳng hướng, đâm xe thẳng vào cổng phụ. Phải đâm ba lần cánh cổng chính Dinh Độc lập mới bật ra, lần thứ 3, bánh xe đâm vào trụ cổng trái rất vững, làm xe chết máy, dừng lại.
***
Lúc này, xe 390 từ hướng Đường Công Lý cũng vừa chạy đến. Lái xe Nguyễn Văn Tập thấy xe 843 dừng lại trước cổng phụ, nói với Trưởng xe Vũ Đăng Toàn:
-Bây giờ thế nào?
Vũ Đăng Toàn quát, giọng hơi gắt:
-Tông vào đi chứ còn thế nào nữa!
Tập lập tức nghiến răng kéo cần lái phải, đánh vuông góc, chỉnh đầu xe đúng giữa, húc tiếp vào hai cánh cổng chính đã bung ra, chạy vào sân Dinh, thực hiện một “đường cua” đẹp nhất trong cuộc đời lái xe tăng của anh. Pháo thủ Lê Văn Phượng, lúc xe ở ngay trước cổng, đứng trên tháp pháo, anh nhìn thấy thấp thoáng một nhà báo cầm máy ảnh, chạy lom khom trong sân Dinh. Đó chính là nữ nhà báo người Pháp Francoise Demulder, người đã chụp được khoảnh khắc lịch sử, chiếc xe tăng 843 sau khi húc bung cổng chính, chết máy nằm ở cổng phụ bên trái; xe tăng 390 húc tiếp cổng chính, đúng khoảnh khắc đang vượt qua cổng vào sân Dinh Độc lập. Nguyễn Văn Tập tiếp tục rú ga cho xe chạy nhanh vòng qua phía phải bồn có đài phun nước đến cửa dinh, rồi dừng lại. Pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên cầm AK nhảy ngay xuống xe thì thấy một người chạy lại nói:
-Vừa rồi tôi không cắt cầu dao điện bánh xe thì xe của anh chắc cháy rồi!
Nguyên trả lời:
-Cảm ơn nhé!
Người đàn ông đó chính là Lê Văn Hinh, một tình báo viên với mật danh H5. Trong vai “thiếu úy cảnh sát dã chiến”, từ ngày 18/4, anh đã được cử vào làm bảo vệ khu vực Dinh Độc lập. Sáng ngày 30/4/1975, anh biết đoàn xe tăng của quân giải phóng sẽ không thể húc đổ cổng được vì tất cả hàng rào đã bị cài điện. Khoảng 10 giờ 30 phút, ông đã tìm gặp ngay viên thiếu tá cảnh sát, người đang giữ chìa khóa hệ thống điện trong Dinh Độc lập, khôn khéo thuyết phục “người anh em” ngắt toàn bộ cầu dao trung tâm điều khiển điện của hàng rào. Vì vậy, đoàn xe tăng của quân giải phóng đã húc đổ cổng chính và cổng phụ, an toàn tiến vào sân dinh.
Cũng vào lúc xe 390 vừa ngừng, Trưởng xe Vũ Đăng Toàn định cầm cờ nhảy xuống xe, lên cắm cờ, Lê Văn Phượng vỗ vai Toàn:
-Thôi anh, đã có đồng chí Thận đang cầm cờ chạy theo xe mình vào kia rồi!
Toàn nghe Phượng, ở lại xe, lệnh cho anh em sẵn sàng chi viện cho anh Bùi Quang Thận cầm cờ tiến vào Dinh.
Còn Bùi Quang Thận, trước đó ít phút, khi xe 843 chết máy, kẹt lại cổng phụ của Dinh, anh quyết định thoát ly khỏi xe, chạy bộ vào cắm cờ. Anh giao nhiệm vụ cho các đồng đội chi viện cho mình và dặn: “Các cậu ở lại, mình vào Dinh. Nếu không thấy mình quay ra, cũng không thấy lá cờ này nhô lên, thì tức là mình đã chết ở trong Dinh rồi!”
Bùi Quang Thận vượt qua các bậc tam cấp, lao vào trong Dinh, từ ngoài trời nắng tháng tư như đổ lửa, anh thấy mát rượi. Chân anh mang dép cao su, mặc áo ngắn tay, đầu đội mũ xe tăng, trên xe nhiều vũ khí nhưng anh vội, không mang một thứ gì, chỉ rút cái ăng-ten có cờ giải phóng là chạy vào. Theo cầu thang ở chính giữa sảnh, anh leo đến tầng 2, thấy người lố nhố. Bất chợt anh cũng thấy sợ khi một mình, tay không vũ khí, chạy vào hang ổ quân địch. Anh nghĩ giá có vũ khí thì cũng yên tâm hơn. Rồi anh nghĩ bụng “Bây giờ tốt nhất là bắt một người dẫn mình đi cắm cờ”. Với cách nghĩ của một chàng trai nông dân, học mới lớp 7, “ít chữ, ngắn học”, như sau này chính anh kể, anh đã húc đầu vào tấm kính ngăn phòng, đánh động, để Dương Văn Minh đi ra. Cái húc khá mạnh, khiến anh bị choáng, ngã ngồi xuống, một lát anh tỉnh ngay lại, phải băng đầu. Anh thấy đi ra một người, chính là Nguyễn Văn Diệp, Tổng trưởng tài chính, được lệnh ra đón quân giải phóng. Anh nghĩ bụng, bây giờ phải túm lấy tay anh ta ngay, đòi gặp Tổng thống DVM, bắt được DVM là mình sẽ an toàn. Anh nắm chắc lấy tay ông Diệp, quát to:
- Cho gặp Dương Văn Minh ngay.
- Vâng, vâng... để tôi vào báo tổng thống - giọng ông Diệp run run.
Phía Nội các Dương Văn Minh, khi xe tăng vào Dinh Độc Lập, đang ở trong phòng. Ông Lý Quí Chung, Tổng trưởng thông tin, thấy tiếng chân người vang dội trong sảnh, và nghe rõ tiếng hô to: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Người bước ra khỏi phòng trước tiên là Tổng thống Dương Văn Minh. Lý Quí Chung bước theo. Vừa bước ra hành lang ông thấy ở đầu kia có người bộ đội cầm cờ và hô to: “Mọi người giơ tay lên!”. Ông Minh, ông Mẫu và mọi người nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, Lý Quí Chung thấy một người bộ đội nói với tổng thống Minh: “Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy quyền”. Ông Minh quay sang nói: “Chung, toa hướng dẫn cho người này lên sân thượng”. Sau này ông Chung mới biết đó là anh Bùi Quang Thận. Ông đưa anh Thận đến thang máy để lên sân thượng, những người còn lại theo ông Dương Văn Minh trở lại phòng. Riêng ông Nguyễn Hữu Hạnh ở lại để đón quân giải phóng nơi đầu cầu thang xuống tầng 1. Người ông gặp đầu tiên là Đại uý Phạm Xuân Thệ cùng đồng đội ở Trung đoàn 66, súng lăm lăm trong tay đang lao lên (chi tiết sẽ viết số sau).
Còn Bùi Quang Thận cầm cờ đi theo Lý Quí Chung trong một hành lang dài, rồi rẽ phải đến một thang máy nhỏ. Ông Chung bấm nút mở cửa, mời Bùi Quang Thận bước vào. Anh lần đầu thấy thang máy nên ngần ngừ bước vào, rồi lại quay ra ngay lập tức, nghi ngờ, “Hắn định giở cái trò khỉ gì thế này? Mình đi cắm cờ, nó lại giam mình vào cái hộp bằng inox này sao đi cắm cờ được?” Lý Quý Chung giải thích, "Dạ thưa, ông vào đi. Đây là cái thang máy. Tôi đưa ông đi cắm cờ mà". Anh thấy gã có vẻ thành thật nhưng vẫn cảnh giác, vì không có súng, anh bắt gã vào trước, úp mặt vào tường. Lý Quí Chung bấm nút, thang máy đưa Bùi Quang Thận và ông ta lên đến tầng thượng, ra đến cột cờ, anh thấy lá cờ địch quá to, còn lá cờ của mình chỉ là cờ hiệu trên nóc xe tăng nên quá nhỏ giữa cái không gian lồng lộng của nóc Dinh. Vì lá cờ địch được chằng buộc rất kỹ vào dây kéo nên Bùi Quang Thận phải dùng răng cắn đứt mép rồi xé ra. Lúc này, Trần Đức Tình, chiến sĩ thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, QĐ2, cũng đã có mặt trên nóc dinh. Thấy Bùi Quang Thận cứ dứt dứt không đứt, Tình nói:
-Thôi tội gì, tôi có dao đây!
Nói xong, anh cầm dao cắt rời mối nối góc cờ địch với dây kéo.
Gỡ xong cờ địch, Bùi Quang Thận thay lá cờ giải phóng lỗ chỗ vết đạn của mình vào, rồi kéo lên. Bất chợt, anh lại hạ cờ xuống, đưa tay xem đồng hồ, lấy bút thận trọng ghi: 11 giờ 30 ngày 30-4 và ký tên Thận lên góc lá cờ, xong, anh lại kéo cờ lên trở lại.
Cùng lúc Bùi Quang Thận lên treo cờ trên nóc dinh, dưới sân, Đào Ngọc Vân, lái xe jeep của Phạm Xuân Thệ, cũng lấy lá cờ của người đàn ông đi theo chỉ đường, chạy lên ban công phất cờ. Tiếp đó, Đại trưởng Phạm Duy Đô thuộc Trung đoàn 116 đặc công, cũng ngồi trên xe 843 với Bùi Quang Thận, khi xe 843 tiến vào dinh, Phạm Duy Đô đã xuống xe, cũng lao lên ban công, rút lá cờ trong túi ra phất báo hiệu cho các xe tăng tiến vào. Trên ban công, mọi người thường thấy hai người phất cờ là vì như vậy.
***
Lúc này, dưới sân, nhiều xe tăng đã vào sân, dàn đội hình. Các chiến sĩ bộ binh cũng đã vào nhiều, họ gom toàn bộ số lính ngụy đưa vào góc sân dinh và canh giữ những vị trí cần thiết. Còn ngoài đường Thống Nhất, xe tăng, xe bọc thép, xe ô tô chở bộ binh vẫn nối đuôi nhau tiến về hướng dinh. Tiếng súng bắn chỉ thiên mừng chiến thắng của quân giải phóng nổ vang trời. Nhưng vẫn còn lẻ tẻ đâu đó những tiếng súng kháng cự hận thù lầm lạc của những người lính thuộc một chính quyền tay sai bại trận. Từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao (nay là Sở Ngoại vụ TP.HCM), những tay súng biệt kích dù 81 đã bắn trúng Tô Văn Thành, chiến sĩ tiểu đoàn 7 bộ binh đang ngồi trên thành xe tăng. Đó là chiến sĩ giải phóng cuối cùng hi sinh ngay trước cổng Dinh Độc Lập.
Còn trong dinh, Phạm Xuân Thệ đang buộc Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh SG đọc lời Tuyên bố đầu hàng!
21-6-2020
ĐÔNG LA