TRẦN ĐĂNG KHOA VÀ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT VIẾT SỬ
Bài trước tôi viết: “Xuất phát từ sự tự phụ về tài năng văn chương, Trần Đăng Khoa đã cho “văn” của Đại uý Phạm Xuân Thệ thì không thể viết Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh được, nhưng thực tế khả năng văn chương của TĐK rất kém, như từng viết lại một cuộc chuyện trò với anh Bùi Quang Thận cũng không xong”. Vậy hôm nay tôi đăng lại bài viết về chuyện TĐK viết sử cùng với Nguyễn Khắc Nguyệt, là một trong những người trong đoàn xe tăng tiến về Dinh ĐL sáng ngày 30-4-1975, cũng là người ra sức bênh vực ông Bùi Tùng và viết sử, nhưng cũng viết sai.
26-4-2023
ĐÔNG LA
Cuộc tranh cãi về ngày 30-4-1975 mà các thế lực chống VN cho là “Bọn Việt Cộng tranh công” đã kéo dài gần nửa thế kỷ. Nguyên nhân là do chia phe trong thái độ và nhận thức: giữa bộ đội xe tăng và bộ binh, giữa vùng miền, dẫn đến tình trạng tự do đến mức tuỳ tiện nói và viết ngược nhau về Ngày Lịch sử 30-4-1975, kể cả đã in ấn sử sách, làm phim ảnh, dẫn tới cái hiện trạng cùng một nước VN lại có Sử VN, Sử Quân đội và Sử Nam bộ đối chọi nhau. Lạ lùng là có những người trong cuộc, những nhân chứng lại “nói điêu”, các nhà văn, nhà báo, nhà sử, nhà phim ảnh theo đó đã không chỉ viết sai, nói sai mà còn bốc đồng quy kết sai trái những người anh hùng. Có điều không ngờ rằng những người đã có vị trí xã hội, danh tiếng lại sai trái ngây ngô đến thế.
Dưới đây là vài ý về Trần Đăng Khoa và Nguyễn Khắc Nguyệt viết sử. Trần Đăng Khoa là một nhân vật mà thời chiến tranh từng được cả hệ thống truyền thông của đất nước có nhiệm vụ tuyên truyền là thần đồng, nay đã là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn VN; còn Nguyễn Khắc Nguyệt là một cựu lính tăng, nay là đại tá về hưu và cũng thành nhà văn.
CHUYỆN TRẦN ĐĂNG KHOA VIẾT SỬ
NHÂN 30-4-2020, Trần Đăng Khoa đã viết “NHĂC LẠI VIỆC ÔNG THỆ ÔNG TÙNG” trên facebook:
“Tôi nghĩ ông Tùng có đóng góp rất lớn, người thảo thư đầu hàng cho TT Dương Văn Mimh, thảo thư chấp nhận đầu hàng và trực tiếp đọc lời chấp nhận đầu hàng thay mặt Quân GP. Tất cả đã rõ… tôi lại phải bàn trong tạp chí Hồn Việt… cũng vì ông Phạm Xuân Thệ vẫn một mực khẳng định vai trò lịch sử của mình, chứ không phải đại tá Bùi Văn Tùng”.
Trần Đăng Khoa khẳng định như vậy vì tin vào “nhân chứng thứ ba”, nhà báo Đức Borries Gallasch; điều thứ hai, Trần Đăng Khoa cho là anh Phạm Xuân Thệ không thể “trèo lên đầu” ông Tùng được, ông Tùng là cấp trên”.
Từ đó, TĐK đã “rất hỗn” khi nhắn nhủ Trung tướng Phạm Xuân Thệ, một người anh hùng, như thế này:
“Và thế cũng vinh hạnh lắm rồi. Đời một người lính trận, có được kỳ tích như vậy, lại lên được đến trung tướng, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân là quá vinh quang rồi, đừng nhận những gì không phải của mình. Điều đó rất không hay. Nếu người ta không biết, thì có thể nhận nhằng, dù là “tạo nghiệp”, chẳng hay ho gì, nhưng mọi người đều biết cả, người ta còn đưa ra những bằng cớ rất rõ ràng, mà vẫn cứ cãi lấy được thì không thể chịu nổi. Mà thôi, kẻ tranh công theo kiểu Lý Thông thì thời nào cũng có, chẳng bàn làm gì, nhưng Viện Lịch sử quân sự thì phải khách quan. Chính vì thiếu sự khách quan mới có chuyện lùm xùm”.
Đặc biệt Khoa còn cho cả một cơ quan nghiên cứu lịch sử của quân đội thiếu khách quan trong “Cuộc tọa đàm khoa học về một số vấn đề xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975” của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam ngày 19/10/2005, và thật liều lĩnh cho công trình nghiên cứu trọng đại về lịch sử như “chia xôi thịt”:
“… khi tổ chức cuộc hội thảo, ông Thệ lại là trung tướng - Tư lệnh Quân đoàn, còn ông Bùi Văn Tùng chỉ là đại tá đã về hưu, lại là cấp dưới ông Thệ rất xa, vì thế mới có sự nhập nhèm, nên Viện Lịch sử quân sự mới có kết luận theo kiểu vui vẻ cả, như chia xôi chia thịt trong mâm cỗ làng: Ông Thệ thảo thư đầu hàng, ông Tùng thảo thư chấp nhận đầu hàng, hoặc lằng nhằng hơn, cả hai người cùng soạn thảo”.
Tôi đã chỉ ra nhiều sai trái ngây ngô của Trần Đăng Khoa, nay chỉ đăng lại chút để mọi người biết tài viết sử của TĐK.
***
Trong một bài viết TĐK kể trực tiếp hỏi chuyện anh Bùi Quang Thận, nhưng TĐK lại viết quá sai:
“Vừa qua khỏi cầu Thị Nghè, anh (anh Thận) lại đụng phải 3 chiếc xe tăng địch xông ra đánh chặn. May sao, Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội 4, ngồi trên chiếc tăng 390 đã chỉ huy bắn cháy luôn cả 3 chiếc tăng ấy”.
Theo anh Thận và nhiều người trong cuộc kể, đến Cầu Thị Nghè, xe của anh Lê Tiến Hùng đi đầu bị trúng đạn, anh Hùng bị thương và một chiến sĩ hy sinh. Xe 843 của anh Thận đã tiêu diệt xe tăng địch, mở đường cho quân ta tiếp tục tiến công. Còn xe 390 của anh Toàn, trên một chương trình của VTV, anh Nguyên kể, đến ngã tư Hàng Xanh, xe 390 thấy 2 xe M113 địch, và đã “bắn toác ra”.
Viết như vậy Trần Đăng Khoa đã lẫn lộn lung tung giữa xe 843 và 390, giữa Ngã tư Hàng Xanh với cầu Thị Nghè.
TĐK viết: “… lữ đoàn tăng 203 đã chia làm 2 mũi, hướng theo đường Hồng Thập Tự tốc thẳng vào Dinh Độc Lập”.
Đoàn xe chia 2 mũi sao lại hướng theo một đường “Hồng Thập Tự” được?
TĐK viết: “Lúc 10 giờ 15 phút, chiếc xe tăng 843 của Bùi Quang Thận dẫn đầu đã vượt qua các ổ đề kháng, vượt qua khu Nhà Xanh, vượt qua cả những họng súng đang ngơ ngác của địch, lừng lững tiến thẳng vào cửa Dinh Độc Lập”.
Khi qua Cầu Thị Nghè quân ta không còn gặp ổ đề kháng nào, và đường từ đó tới Dinh ĐL cũng không có khu nào gọi là “khu Nhà Xanh”.
TĐK viết: “Phải đến cú húc thứ ba cánh cổng sắt mới chịu đổ sập. Bùi Quang Thận cho xe tốc thẳng vào sân dinh… Trước mặt anh, lố nhố những xe tăng, xe bọc thép tuyến phòng ngự cuối cùng của địch bảo vệ Dinh…”
Theo anh Thận kể, xe 843 húc 3 lần cổng phụ trái thì cánh cửa cổng chính đã bung ra, nhưng xe anh chết máy; xe 390 chạy tới, rẽ phải vào Dinh. Xe 843 nổ máy lại vào Dinh sau xe 390. Trong Dinh lúc này chỉ có ít bộ binh địch, hoàn toàn không có “lố nhố những xe tăng, xe bọc thép”.
TĐK viết: “Qua bậc tam cấp, anh (anh Thận) bị đánh bật trở lại. Hàng rào đặc biệt chống đỡ chăng? Bùi Quang Thận ngỡ ngàng một chút, rồi chợt nhận ra đó chỉ là bức tường kính trong suốt mà thoạt đầu anh không nhìn thấy, cũng chẳng biết nó là cái gì”.
Theo anh Thận kể, anh vào Dinh, chạy lên tầng 1, anh nói có chút bông đùa, vì “văn hoá thấp, ngắn học”, anh đã “đánh động” Nội các DVM bằng cách húc đầu vào tấm kính ngăn phòng, mạnh đến nỗi “đầu tôi phải băng”. Như vậy Bùi Quang Thận chủ động húc đầu vào tường kính trên lầu 1 để “đánh động” chứ không phải như tưởng tượng bay bổng của ông nhà thơ cho Bùi Quang Thận vì là anh nông dân nên không nhận ra cái tường kính sang trọng của Dinh ĐL của Chế độ SG.
NHỮNG SAI TRÁI CỦA ÔNG NGUYỄN KHẮC NGUYỆT KHI VIẾT VỀ NGÀY 30-4-1975
Đại tá Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã viết “Đơn đề nghị “V/v đăng Thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đề nghị xem xét việc tuyên dương danh hiệu AHLLVTND cho đồng chí Bùi Văn Tùng” ghi ngày 23/4/2020, gởi đăng trên Tạp chí điện tử Hòa nhập.
Trong đơn, Nguyễn Khắc Nguyệt tự giới thiệu “Là những người trực tiếp chiến đấu trong đội hình Lữ đoàn xe tăng 203 tham gia cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh” và trình bầy công trạng của ông Bùi Văn Tùng:
“… ngay khi có mặt tại dinh Độc Lập, chính ủy Bùi Văn Tùng đã trả lời Dương Văn Minh khi ông ta nói “đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao”: “Các ông đã bại trận! Các ông không còn gì để bàn giao cả mà phải đầu hàng vô điều kiện!”. Ngay sau đó, chính ông đã quyết định đưa Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Tại Đài phát thanh, ông đã thảo Lời tuyên bố đầu hàng để Dương Văn Minh đọc trước máy ghi âm và cũng chính ông thay mặt Quân giải phóng chấp nhận đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Hành động của ông đã góp phần làm tan rã nhanh chóng hệ thống chính quyền Sài Gòn và ý chí chiến đấu của binh sỹ VNCH, kết thúc chiến tranh được nhanh nhất, tiết kiệm xương máu chiến sỹ, đồng bào, góp phần giữ gìn thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Hành động đó đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta như một dấu chấm hết vĩ đại”.
Như vậy ông Nguyễn Khắc Nguyệt đã viết không chính xác thời khắc bắt Nột các DVM so với những lời kể của những người trong cuộc trong nhóm anh Phạm Xuân Thệ, không chính xác so với ngay lời của chính ông Bùi Tùng nói ngay sau ngày 30-4-1975 và lời Trong Hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Hữu An, từng là Tư lệnh QĐ2, đơn vị chiếm Dinh Đl, công nhận công trạng bắt Nội các DVM của nhóm anh Thệ. Nguyễn Khắc Nguyệt cũng viết sai so với lời của những nhân chứng chứng kiến nhóm anh Thệ bắt DVM như nhà báo Hà Huy Đỉnh, Borries Gallasch, đại đội trưởng thuộc trung đoàn 116 đặc công Phạm Duy Đô, cơ sở tình báo, kỹ sư Tô Văn Cang. Còn chuyện soạn văn bản, Nguyễn Khắc Nguyệt cũng đã viết sai so với lời kể của nhóm anh PXT, chính là những người đầu tiên soạn văn bản tuyên bố đầu hàng cho DVM ở đài phát thanh.
Ông Nguyễn Khắc Nguyệt cũng đã viết cuốn sách: “Bút ký lính tăng HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP”. Ông Nguyệt từng là chiến sĩ lái xe tăng 380 trong đoàn xe vào dinh Độc lập cùng với hai xe tăng 390 và 843 ngày 30/4/1975 nhưng trong cuốn sách cũng có những chi tiết ông viết không chính xác. Ông kể rằng sau khi xe đi đầu của Lê Tiến Hùng bị trúng đạn ở Cầu Thị Nghè, xe 843 của anh Bùi Quang Thận lao lên dẫn đầu, xe 390 của anh Nguyễn Đăng Toàn đi thứ 2. Nhưng chính anh Nguyễn Đăng Toàn kể, Bùi Thanh đã viết trên Báo Tuổi trẻ, xe 390 của anh dẫn đầu, xe 843 đi theo sau! Bùi Thanh hỏi Nguyễn Đăng Toàn: “Nhưng tại sao chiếc xe 843 đi sau lại húc vào cổng dinh Độc Lập trước?” Nguyễn Đăng Toàn trả lời: “Chúng tôi đi lạc vì không biết đường. Xe 390 của chúng tôi cứ thẳng tiến theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và không biết chính xác phải quẹo trái ở ngã tư nào để đến dinh. Khi xe 390 vượt qua luôn ngã tư Công Lý - Hồng Thập Tự, đến cổng Trường Lê Quý Đôn thì mới nhận ra sai, đã lùi lại!”
Nguyễn Khắc Nguyệt viết mọi người được hướng dẫn xe qua cầu Thị Nghè vượt qua 7 ngã tư rẽ trái là tới Dinh Độc lập, nhưng xe Bùi Quang Thận rẽ trái ngã tư thứ 6 thì gặp người phụ nữ hỏi đường, Bùi Quang Thận thấy Dinh Độc lập là “ngôi nhà mầu trắng thấp thoáng phía xa”. Như vậy, Nguyễn Khắc Nguyệt cũng viết sai, vì ai ở SG cũng biết, nếu vượt qua 6 ngã tư thì đến đường Pasteur, rẽ trái thì thấy Dinh Độc lập đã sừng sững trước mặt rồi! Sự thật, theo chính anh Bùi Quang Thận kể, anh được hướng dẫn vượt qua 4 ngã tư, nhưng đã không nhớ, khi đến một ngã tư anh lệnh cho xe rẽ trái, chạy hết một dãy phố đến một ngã ba đầu một con đường lớn có chiếc cổng sắt lớn dẫn vào một công viên ghi “SỞ THÚ SÀI GÒN”. Khi thấy một phụ nữ, anh hỏi đường thì thấy, nhìn thẳng ở cuối đường Thống Nhất, Dinh Độc Lập là khu nhà bề thế như nằm sau rừng cây. Như vậy, Bùi Quang Thận khi qua cầu Thị Nghè đã rẽ ngay ngã tư đầu tiên đến cổng Thảo Cầm viên, ngã ba Lê Duẩn-Nguyễn Bỉnh Khiêm bây giờ!
Nguyễn Khắc Nguyệt cũng bịa đặt hoàn toàn khi viết về xe 843, sau khi chết máy vì húc không đổ cổng phụ dinh Độc lập, đã khởi động lại được, và: “Trong xe 843 Hoả… lao vào sân dinh… Hoả tăng ga cho xe 843 chạy song song với xe 390. Hai chiếc xe như hai người lính cận vệ hai bên cho người đại đội trưởng của mình”. Đây là cảnh hoàn toàng tưởng tượng của ông Nguyệt, vì không có ai thấy, và không có thước phim hay tấm ảnh nào chứng thực, mà chỉ có một xe 390 đi đầu vào Dinh ĐL, và khi xe 390 ngừng, Trưởng xe Vũ Đăng Toàn định cầm cờ nhảy xuống xe, lên cắm cờ, Lê Văn Phượng vỗ vai Toàn:
-Thôi anh, đã có đồng chí Thận đang cầm cờ chạy theo xe mình vào kia rồi! Toàn nghe Phượng.
Như vậy, dù là người trong cuộc, nếu chỉ nhìn bằng mắt mình, nghe bằng tai mình, người ta chỉ biết một phần rất nhỏ sự thật, nếu lại lấy mình làm chuẩn, tất sẽ dẫn đến chuyện xuyên tạc sự thật.
9-5-2021
ĐÔNG LA