Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

ĐƠN GÓP Ý VỀ ĐỀ NGHỊ TRUY TẶNG ĐẠI TÁ BÙI TÙNG DANH HIỆU ANH HÙNG

 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP-TỰ DO-HẠNH PHÚC
-o-
ĐƠN GÓP Ý VỀ ĐỀ NGHỊ TRUY TẶNG ĐẠI TÁ BÙI TÙNG DANH HIỆU ANH HÙNG
Kính gửi: Phòng biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tôi là Nhà Văn Đông La (tên thật là Nguyễn Văn Hùng), Hội viên Hội Nhà Văn VN. Tôi cũng là một Cựu Chiến binh, từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, hiện đang sinh sống tại TP HCM.
Theo Báo Quân đội Nhân dân thứ sáu, 02/06/2023, có đăng “danh sách các tập thể, cá nhân được các cơ quan, đơn vị đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”, và báo “mong nhận được ý kiến góp ý của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân”. Vì vậy, tôi xin gởi ý kiến góp ý về trường hợp Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2, nguyên Phó hiệu trưởng về Chính trị Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1, Binh chủng Tăng thiết giáp, không xứng đáng là một anh hùng.
***
Như chúng ta đều biết ngày Chiến thắng vĩ đại 30-4-1975 đã trôi qua 48 năm, vậy mà những tranh cãi về sự thật lịch sử, về công trạng kéo dài đến tận hôm nay chưa dứt.
Nguồn gốc gây ra sự tranh cãi này xuất phát từ chuyện, sau 30-4-1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã ghi hết công lao cho ông Bùi Tùng, cho xe tăng 843 vào Dinh Độc lập đầu tiên chứ không phải là xe 390. Sau hơn chục năm, và liên tục sau đó, những ý kiến của những người trong cuộc, những nhân vật lịch sử, và những nhân chứng đã cho biết có nhiều chuyện được viết bởi báo chí, kể cả sử sách đã không đúng với sự thật. Như chuyện nhóm Đại uý Phạm Xuân Thệ đã bắt Nội các Dương Văn Minh ở Dinh ĐL sáng 30-4-1975 chứ không phải Trung tá Bùi Tùng, và xe tăng 390 vào Dinh Độc lập đầu tiên chứ không phải xe 843.
Người chịu trách nhiệm chính để sai lầm kéo dài hơn chục năm không ai khác chính là ông Bùi Tùng, vì ông vừa là Chính uỷ Lữ đoàn tăng 203, vừa là người trong cuộc. Nhưng ông đã im lặng để hưởng hết công. Đến khi có những yêu cầu tôn trọng sự thật lịch sử, rồi sau quá trình xem xét của các cơ quan lãnh đạo, Viện Lịch sử Quân sự đã được giao tổ chức nghiên cứu, chỉnh sửa. Trong cuộc toạ đàm ba mặt một lời, ông Bùi Tùng đã không phản bác. Nhưng sau đó ông lại gặp và trả lời những nhà báo, đạo diễn phim tài liệu để rồi họ phát tán những thông tin sai sự thật trên báo, đài, gây ra sự mâu thuẫn và sai trái trong nhận thức của người dân về ngày lịch sử 30-4-1975 dai dẳng đến tận hôm nay!
***
Trong bộ phim tài liệu của nhóm Phạm Việt Tùng, Trần Đăng Khoa có chiếu đoạn video quay ngay sau 30-4-1975, trong đó ông Bùi Tùng đã xác nhận công trạng anh Phạm Xuân Thệ cùng mình “đưa TT Dương Văn Minh sang Đài PT SG”, nhưng sau 15 năm, khi có yêu cầu kể lại sự thật lịch sử, ông Bùi Tùng khi viết báo cáo đã cho rằng vì ông ấy quân hàm cao nhất nên đã chỉ huy chuyện bắt Nội các Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập sáng 30-4-1975, ông đã quên luôn nhóm anh Phạm Xuân Thệ. Nghĩa là ông đã viết khác với lời của chính mình ngay sau 30-4-1975, tức ông đã viết sai sự thật để tranh công.
Cũng trong bộ phim tài liệu trên có chiếu hình ảnh
ông Bùi Tùng thú nhận “… xe đầu tiên ấy thì ông Minh, ông Mẫu, rồi sau này tôi biết là có anh Thệ đi kèm cái xe đó”, nghĩa là lúc ở Dinh ĐL, ông Bùi Tùng cho biết là ông không biết anh Thệ, vì vậy không thể có chuyện ông chỉ huy anh Thệ bắt DVM được. Như vậy, thêm một chứng cớ nữa, chính lời ông Bùi Tùng chứng tỏ ông Bùi Tùng nói sai sự thật.
Chuyện ở Đài Phát thanh SG trưa 30-4-1975, ông Bùi Tùng do không phải là người chỉ huy bắt Nội các Dương Văn Minh ở Dinh ĐL, nên ông không phải là người chủ động đưa Dương Văn Minh sang đài mà ông chỉ đi theo nhóm anh Phạm Xuân Thệ. Đến nơi, ông cũng không chủ động soạn văn bản để bắt DVM tuyên bố đầu hàng, mà như chính ông viết báo cáo là sang đài, ông ngồi bên ông DVM, thiu thiu ngủ vì thấm mệt, chỉ khi thấy anh Phạm Xuân Thệ đưa bản viết cho DVM, ông mới “bừng tỉnh” và nghĩ đến trách nhiệm của mình.
Như vậy, hành động của ông Bùi Tùng ở Đài Phát thanh SG trưa 30-4-1975 cũng không có gì xứng đáng để mà được phong anh hùng.
Tóm lại, từ việc ông Bùi Tùng nói và viết sai sự thật để tranh công, và thực tế diễn ra ở cả Dinh ĐL và Đài Phát thanh SG, ông Bùi Tùng hoàn toàn không xứng đáng là một người anh hùng cả về nhân cách cũng như không có một hành động anh hùng nào.
***
Đặc biệt, ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương, gồm sáu vị: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Kết luận số 974-KL/QUTW:
"Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh."
"Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chi Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh."
Một vụ việc sau tranh luận đã được cơ quan lãnh đạo chỉ đạo, các cơ quan có chức trách tổ chức điều tra, nghiên cứu, hội thảo ba mặt một lời, và cuối cùng Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra kết luận như trên, đúng như Viện Lịch sử Quân sự đã viết, như nhóm anh Phạm Xuân Thệ trình bầy, như vậy, kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương cũng chính là kết luận về sự sai trái của ông Bùi Tùng và những người kết bè bênh vực ông.
TP HỒ Chí Minh 3-6-2023
NGƯỜI VIẾT ĐƠN

NHÀ VĂN ĐÔNG LA
(Nguyễn Văn Hùng)