Nguyễn Văn Thịnh
ĐỌC CUỐN TIỂU THUYẾT “HỘI THỀ”!
Cùng
đọc một cuốn sách mỗi người có thể có những cảm nhận khác nhau là điều rất bình
thường. Nhân đọc bài của bạn Khải Nguyên trên tuần báo Văn nghệ TPHCM số 308 (03/7/2014)
về cuốn tiểu thuyết lịch sử “HỘI THỀ” của Nguyễn Quang Thân (NXB Phụ nữ – 2008)
tôi cũng xin phép lạm bàn đôi điều.
Tiểu
thuyết tái hiện cuộc kháng chiến dưới ngọn cờ của người anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Theo học giả Hòang Xuân Hãn thì trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, nhân dân
ta đã phải tiến hành 14 cuộc chiến tranh giữ nước, trong đó có hai cuộc chiến
tranh giải phóng trường kỳ gian khổ hy sinh lớn nhất là cuộc kháng chiến chống
quân xâm lược nhà Minh gần 20 năm đầu thế kỷ XV và cuộc kháng chiến chống quân
xâm lược phương tây suốt 30 năm (thực sự kéo dài từ giữa thế kỷ XIX tới nửa sau
thế kỷ XX). Dù điều kiện lịch sử khác nhau nhưng buổi đầu của hai triều đại mới đều xảy ra những biến cố
bất an phân tâm lòng người.
Làm chiến tranh giải phóng nghĩa là phát động
nhân dân đứng dậy trong cảnh giặc đã vào nhà, nước đã mất. Tổ quốc thành sân
sau của giặc. Núi rừng, sông biển, của cải dân ta làm ra đều vào túi tham của
giặc. Nhân dân nếu không muốn chết chóc hoặc mang thân tù tội thì phải chấp nhận
làm tôi tớ hoặc tiếp tay cho giặc dưới nhiều hình thức. Thêm vào một chính quyền
của người bản xứ do ngoại bang dựng lên phụ trợ đắc lực cho việc cai trị làm lẫn
lộn chính tà. Trước sức giặc bạo cường, ai dám đứng lên trong cảnh tay không ấy?
Bằng cách nào để tự trang bị cho mình? Dù “thuận thiên hành đạo” mà việc thu phục
lòng người không dễ dàng êm thấm một chiều.
Viết
về đề tài lịch sử không dễ bởi tư liệu thường ít lại mơ hồ thậm chí thiên lệch
bởi nhiều lý do. May thay, dù sáu trăm năm đã qua, sử liệu về nhà Hậu Lê đặc biệt
là giai đoạn khởi nghiệp với chiến công oanh liệt đánh đuổi quân Minh được các
sử gia biên lại với thái độ rất trân trọng tự hào và nhất quán. Phải chăng sau
khi dẹp được giặc Minh rồi, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi viết bố cáo cho thiên hạ biết.
Bản Bình Ngô đại cáo là một áng thiên cổ hùng văn, chẳng những có giá trị về tư
tưởng, văn chương mà còn là bản tổng kết về lịch sử chiến tranh chuẩn mực, chặt
chẽ và chính xác. Hậu thế dựa vào đó, thêm những tư liệu bổ sung và với sự sáng
tạo tài hoa nghiêm túc có thể viết được những cuốn sách có giá trị cao.
Trong
lịch sử nước ta bị xâm lược nhiều lần, chưa có đội quân xâm lược nào tàn bạo,
thâm độc, dã man, thú vật như lũ giặc nhà Minh. Ngoài những truyện dân gian
truyền từ đời trước qua đời sau người người lớn bé đều oán hận thì những lời vạch
tội ác của giặc trong Cáo Bình Ngô vẫn làm nóng máu sôi gan đến muôn đời con
cháu: “Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây hấn. Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng
dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn
ngàn khóe. Tội ác chồng chất hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời. Nặng
thuế má vét trơn đầm núi. Tàn hại cả côn trùng cây cỏ. Nheo nhóc thay cảnh góa
bụa cơ hàn. Kẻ há miệng, đứa nhe nanh, máu mỡ bay no nê chưa chán. Nay xây nhà
mai đắp đập chân tay nào phục dịch cho vừa… Độc ác thay, trúc Nam sơn không
ghi hết tội. Dơ bẩn thay nước Đông hải không rửa sạch mùi! Lẽ nào trời đất dung
tha? Ai bảo thần-nhân chịu được!”. Chiến thắng ấy của dân tộc ta đã rửa sạch nỗi
nhục mất nước để non sông đổi mới, xã tắc vững bền, mở ra nền thái bình muôn
thuở, cho mỗi người Việt Nam
niềm tự hào chính đáng.
Viết
về đề tài lịch sử lớn như thế trong điều kiện có phần thuận lợi, với một nhà văn
từng trải, có tâm và có tài, để nhiều công tìm tòi và suy ngẫm sẽ có được tác
phẩm hay không là điều khó hoặc chí ít cũng có tác dụng tốt chẳng những trong
giáo dục mà cả trong cảm thụ văn học không chỉ ở riêng một giới nào.
Thế
nhưng nó không được như điều mong đợi!
Sơ
bộ nêu vài nhận xét:
Một
là: Nói về hai thủ lĩnh hàng đầu của nghĩa quân là Lê Lợi và Nguyễn Trãi: Lê Lợi là người khởi xướng cuộc
hội thề ở núi Chí Linh như một đầu lĩnh. Hai năm sau Nguyễn Trãi mới tìm đến và
sớm được Lê Lợi nhìn ra tài năng phẩm hạnh, nhận là người tâm phúc khiến ông được
coi như người đầu lĩnh thứ hai không thể thiếu. Sự gặp gỡ và gắn kết giữa hai
nhân vật Lê Lợi - Nguyễn Trãi không là sự tình cờ mà do yêu cầu bức thiết của lịch
sử. Lê Lợi là đấng anh hùng hào kiệt. Chính sử ghi: Vua trí thức hơn người,
sáng suốt mà cương quyết, không thể lấy quan tước mà dụ dỗ được, lấy uy thế mà
dọa nạt được. Ông từng nói rằng: “Trượng phu sinh ra ở đời phải cứu nạn lớn, lập
công to, để tiếng thơm muôn đời chớ sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến”.
Nguyễn Trãi là bậc hiền nhân đại trí, đại nghĩa, đại dũng. Ông từng gạt nước mắt
ở ải Nam
quan quay trở về lòng nặng lời cha dặn: “Con là người có học, có tài, nên tìm
cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu”. Hơn 10 năm
(1407-1420) dụ dỗ không được, bọn Trương Phụ, Hoàng Phúc giam lỏng ông ở Đông
Quan. “Góc thành Nam,
lều một gian, no nước uống, thiếu cơm ăn”, ông giả lơ an phận “triều quan chẳng
phải ẩn chẳng phải”, vững tâm bền chí, suy tư trăn trở nghiền ngẫm viết Bình
Ngô sách để chờ dịp phò chánh trừ tà đền nợ nước trả thù nhà. Bình định vương dấy
cờ nghĩa giữa lúc quân thù đang mạnh. Buổi đầu thắng ít thua nhiều, tướng sỹ
long đong, cơ đồ nghiêng ngả “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa
thu, việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, nơi duy ác hiếm người bàn bạc”. Nguyễn Trãi đến
với Lê Lợi đúng vào lúc ấy như một cơ duyên trời cứu nước non Đại Việt.
Lê
Lợi với Nguyễn Trãi trong công cuộc dựng nghiệp nhà Hậu Lê ta cũng như Lưu Bang
với Trương Lương trong công việc gây dựng cơ đồ nhà Hán, như cặp bài trùng lịch
sử dù hậu hồi có kết cục trớ trêu. Trong một thời điểm nào đó, hai cặp “nhân thần”
ấy cần có nhau, hỗ trợ nhau, hoàn chỉnh nhau để giải quyết một yêu cầu lịch sử
lớn lao ngòai họ ra không ai kham nổi. Cho dù về ý nghĩa và vai trò lịch sử của
họ rất khác nhau: Hai người kia phò nhau giành giật ngôi bá chủ. Hai người này
xả thân cứu nước cứu nhà.
Lê
Lợi là vị tướng tài ba thao lược nhưng vẫn thiếu nơi nội trướng một người tâm đắc
bàn việc quân cơ. Ông tướng cầm quân dũng lược đa mưu dùng “thế trận xuất kỳ lấy
yếu thắng mạnh, dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều”, chia sẻ cùng tướng sỹ như
cha con, chén rượu đậm lạt “hòa với nước sông cùng uống”. Vị mưu sỹ biết kết hợp
giữa lưỡi kiếm với kế mưu phạt tâm công, chỉ “lẽ phế hưng, lấy đại nghĩa thắng
hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Tầm của tâm công rất rộng. Đó là phương
cách chủ động đánh vào lòng người. Với giặc, chớ nên hiểu “tâm công” là việc
khua môi múa mép dụ ngọt dỗ ngon giặc dữ như hổ sói của mấy anh nho sỹ hèn chỉ
một sách nài nỉ cầu hòa. Nếu không làm cho giặc thấy ra điều phi nghĩa trái với
đạo trời thì sao nó xiêu lòng? Nếu không có chiến công nối tiếp chiến công thì
làm sao giặc hoang mang đến suy sụp tinh thần? Và nếu người thắng không có lòng
nhân thì sao quân giặc tin phục mà “vẫy đuôi xin cứu mạng”? Với nghĩa quân và đồng
bào cả nước, “tâm công” để sáng ra việc chính nghĩa ta làm. Câu chuyện mang màu
huyền thoại về những chiếc lá trôi sông có dòng chữ Lê Lợi vi vương – Nguyễn
Trãi vi thần mang nhiều ý nghĩa. Chẳng những làm rõ tấm lòng ngay của bậc hiền
tài trung quân ái quốc, lại cũng thu phục lòng người ủng hộ và đi theo đội quân
“thuận thiên hành đạo”. Nguyễn Trãi trí tuệ cao thâm mà lòng sáng như nhật nguyệt.
Thanh gươm vó ngựa của Lê Lợi làm cho ngọn cờ tư tưởng của Nguyễn Trãi bay cao.
Và “ngọn cờ nhân nghĩa” ấy càng bay cao thì gươm thiêng càng bén, vó ngựa càng
dồn. Tinh thần “Đại trí - Đại dũng - Đại nhân” hội đủ trong sự kết hợp giữa hai
con người ấy. Không có Lê Lợi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không được thấm
vào cuộc sống, lâu đến muôn đời. Không có Nguyễn Trãi, đường giải phóng non
sông sẽ gian truân trắc trở bao nhiêu để Lê Lợi hoàn thành sự nghiệp! Đấy là sự
tương hợp ngẫu nhiên của hai người tài cao chí lớn mà cũng là điều may mắn cho
vận nước Nam.
Bình Ngô sách “hiến mưu chước lớn, không nói đến việc đánh thành mà khéo nói đến
việc đánh vào lòng người”. Ta hiểu đấy là một vế quan trọng của cuộc chiến
tranh chính nghĩa. Nhưng nếu không có những người dũng lược khua lên kiếm sắc,
phá tan thành trì, công đồn diệt viện, giành lại đất đai thì làm sao đuổi được đội
quân viễn chinh hung hãn ra ngòai bờ cõi. Cổ kim không ai nghĩ như nhà văn mớm
lời cho vị tướng đại công thần Phạm Vấn: “Bao thành quách đất đai của xã tắc
thu về được chỉ là nhờ công ơn của mấy cái thư dụ hàng của các ông nho sỹ Thăng
Long ư”? Vị tướng tài thật sự phải biết kết hợp võ với văn.
Ở
thế kỷ XX, thời nhân dân ta kháng chiến chống Mỹ, những nhà lãnh đạo hậu sinh đã
vận dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật quân sự của cha ông, sáng tạo ra những chính
sách dân vận phong phú (Trí vận, Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, mở rộng
Mặt trận đại đoàn kết toàn dân) kết hợp với “Bốn mũi giáp công: Quân sự - Chính
trị - Binh vận - Ngoại giao” đã làm nên thắng lợi. Đó là kế sách “tâm công” ở
thời đại mới.
Lê
Lợi là vị tướng nhưng trong ông ẩn chứa tấm lòng trung hậu nghĩa nhân. Chính sử
ghi: “Trước hết vương dụ cấm tà đạo. Ai mà dùng những phép tà ma giả dối để đánh
lừa người thì phải tội. Lúc lâm trận mà lùi hoặc bỏ những người sau không cứu
thì phải tội chém. Nhưng lùi mà hết sức mang theo được xác những người không
may chết trận thì khỏi tội. Những vợ con gia quyến của những người ra làm quan
với giặc thì được phép theo lệ lấy tiền mà chuộc. Những quân lính nhà Minh đã
hàng thì đưa về Thiên Trường, Kiến Xương, Lý Nhân, Tân Hưng để nuôi nấng tử tế”.
Vị tướng quân như thế với vị mưu sỹ cao thâm trong bối cảnh ấy là cặp vĩ nhân lịch
sử tâm đắc tương đồng.
Thế
mà nhà văn diễn tả giữa hai con người ấy đầy mâu thuẫn. Lê Lợi chỉ là anh đầu mục
võ biền hiếu sát, luôn đố kỵ nghi ngờ người hiền tài mưu sỹ đất kinh kỳ. Vị tiến
sỹ nho nhã thâm thúy nhìn xa hiểu rộng luôn bị lép vế trước người thủ lĩnh quyền
uy thô bạo. Trong cơn cuồng say chiến thắng, Lê Lợi “rút ruột” mình ra: “Ta thấy
mình bỗng sốt ruột muốn được chém giết, ham muốn được chém giết. Vì thế thua của
giặc, thế thắng của ta ở trận này đã quá rõ ràng chăng?... Đêm nay ta muốn thô
bạo và hiếu sát đây!” khiến vị mưu sỹ sởn gai ốc “thấy mình đang đút tay vào lửa.
Ngọn lửa hiếu sát, khát khao võ công đang đốt cháy tâm can những người cầm
quân, kể cả chúa công” đến nỗi bà Lộ phải khuyên chồng: “Nếu không đủ tinh ý
nhìn ra cạm bẫy thì chớ sống gần nhà vua”! Thực tế là bà Lộ đã nhận trách nhiệm
chăm lo giáo dưỡng hoàng tử Nguyên Long để cho nhà vua nhẹ lòng múa giáo trên
yên ngựa.
Hai
là: Cuộc kháng chiến chống quân Minh kéo dài mười năm (1418-1427) nhưng tác giả
chỉ khai thác ở giai đoạn cuối từ chiến thắng Xương Giang (1426) cho đến buổi hội
thề rút quân vào tháng cuối năm 1427. Theo sử gia Trần Trọng Kim đó là giai đoạn
chiến tranh mười phần đã chắc thắng thắng
bảy, tám rồi. Thắng lợi cuối cùng đã hiển nhiên với nhiều chiến công vang dội nức
lòng tướng sỹ.
Vào
năm Bính Ngọ (1426) nghĩa quân của Bình định vương Lê Lợi đã thắng một loạt trận
mang ý nghĩa chiến lược lớn: “Đánh Tây kinh phá tan thế giặc, trận Ninh Kiều
máu chảy thành sông”, rồi đến tháng mười năm ấy là “bến Tuy động xác đầy ngoài
nội. Trần Hiệp đã thiệt mạng, Lý Lương lại phơi thây, Vương Thông hết cấp lo lường,
Mã Anh khôn đường cứu đỡ”. Vương Thông trí trá giả hàng, bị Lê Lợi - Nguyễn
Trãi nắm thóp, vây hãm ở Đông Quan. Bây giờ thì giặc như con cá nằm trong rọ,
chỉ biết trông chờ quân cứu viện. Lê Lợi chủ trương: “Việc đánh thành là hạ
sách, nay ta hãy cứ dưỡng binh súc nhuệ để đợi quân địch đến thì ra đánh. Hễ viện
quân mà thua thì quân trong thành tất phải ra hàng. Thế có phải làm một việc mà
thành được hai không”. Đó là một chủ trương sáng suốt. Các tướng lĩnh mỗi người
một việc vừa hãm thành Đông Quan vừa củng cố phòng thủ bờ cõi biên cương chờ diệt
viện. Tinh thần quan lính giặc hoang mang cực độ, đó là lúc Nguyễn Trãi phát
huy kế sách “tâm công” mà nay ta gọi là công tác “binh địch vận” làm chúng tan
rã tinh thần chiến đấu. Nhiều thành địch nằm sâu trong vùng ta đã giải phóng như
ở Thuận Hóa, Nghệ An, Thanh Hóa hay ở miệt trung du phía Bắc lâm vào thế bị cô
lập cùng đường. Nguyễn Trãi với “tài viết thư thảo hịch như thần”, nói năng
phân tích lý tình cho rõ ra thế được của ta, thế thua của giặc, làm dấy lên
lòng ham sống sợ chết của đội quân phi nghĩa. Nhiều thành không phải đánh mà
tan. Ở một số nơi việc hạ thành cũng dễ dàng, ta ít hao binh tổn tướng. “Bó tay
để đợi bại vong giặc đã trí cùng lực kiệt. Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây
mưu phạt tâm công”! Công việc này tướng văn tướng võ kết hợp nhịp nhàng. Tướng
nhà Minh là Thái Phúc (giữ thành Nghệ An) và Tiết Tụ (giữ thành Diễn Châu) mở cổng
thành ra hàng nghĩa quân trong tình thế hàng thì sống, không hàng thì chết chứ đâu
phải hắn “đưa dân lành ra khỏi can qua”! Trong khi đó Lê Lợi đã sai Lê Sát và Lê
Thụ đánh lấy thành Xương Giang (Phủ Lạng Thương bây giờ) trong thế chiến thắng
như chẻ tre của nghĩa quân lúc ấy. Nhưng nhà văn lại hư cấu làm mất hết ý nghĩa
sáng suốt của chiến lược phối hợp nhịp nhàng giữa tiến công quân sự và chính trị
(tâm công) của hai vị thủ lĩnh tài ba của đội nghĩa quân đang trên đà chiến thắng.
Ba
là: Chính sử ghi: Viên đô đốc Thái Phúc trong tình thế “Quân giặc các thành khốn
đốn cởi giáp ra hàng”, nhận ra chính nghĩa của quân Lam Sơn, đã cùng nghĩa quân
đến chân thành Tây Đô không xa để chiêu dụ quân Minh rồi lại góp ý với nghĩa
quân bày ra cách chế tạo công cụ đánh thành Đông Quan. Trong khi tâng bốc viên
hàng tướng Thái Phúc thì nhà văn lại tạo ra mâu thuẫn phi lý giữa hai thủ lĩnh
Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong tình thế nghĩa quân đang vô cùng phấn khích? Thành
Xương Giang bị hạ không chỉ một lần. Khi quân của Liễu Thăng bị đón đánh ở Chi
Lăng thì Trần Nguyên Hãn theo lệnh chủ tướng chiếm lại Xương Giang để giặc hết
nơi đồn trú. Quả đúng vậy, khi quân Hoàng Phúc, Thôi Tụ cập rập chạy tới đây
thì thành đã mất rồi, đành lập trại dã chiến giữa đồng. “Thế trận cấp kỳ”, quân
Lam Sơn vây đánh bốn bề, quân Minh hoảng loạn “tan tác chim muông”. Trong nghệ
thuật quân sự có lúc phải chớp thời cơ cho đối phương không kịp bàn mưu tính kế
trở tay, đã chắc thắng lại tạo thế thị uy. Hoàng Phúc quỳ gối xin hàng. Thôi Tụ
ở thế cùng chịu chết giữa trận tiền! Giặc càng thêm nao núng. Một loạt sáng tạo
của nhà văn bóp méo sự thật, gán tội ác cho nghĩa quân, đổ điêu cho Nguyễn Trãi
như là mưu sỹ nhu nhược, sợ chết để hứng lấy sự tẩy chay khinh thị của các dũng
tướng Lam Sơn. Nhân vật Thái Phúc đã được nữ nhà văn Pháp Yvélin Féray từ những
năm 1980 nhào nặn trong cuốn tiểu thuyết “Vạn Xuân” của bà. Tuy nhiên sự hư cấu
có mức độ người đọc có thể bỏ qua. Nhưng ở đây, người viết tâng bốc y lên cùng
lúc hạ gục người rộng lòng nhân nghĩa cứu mạng y: “Nguyễn Trãi chắp tay: Xin đại
huynh (Thái Phúc) nhận cho Trãi này ba vái: Một là vái để tạ lòng nhân của đại
huynh với thân phụ và em trai tôi trong những ngày đi đày trên ải Bắc(?). Còn
vái này là cảm tạ công lớn của đại huynh đối với nghĩa quân và sinh linh hai nước(!).
Vái này nữa để ghi nhận tình tri kỷ của đại nhân với đứa em côi cút là Trãi
này(!)”. Phải chăng đây là vì Sao Khuê trên bầu trời nước Nam?! là khí
phách tinh hoa Đại Việt?! là người đã lớn tiếng réo gọi vua nhà Minh là “thằng
nhãi con Tuyên Đức”?!
Xin
quý độc giả nghe vài lời đối thoại của hai vị thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn với hạ
cấp và khẩu khí của các bà thê thiếp với bậc công hầu vương giả:
-
Người được coi là nhà văn hóa của Việt Nam và nhân loại với người vợ thi
nhân tài sắc của ông: “… Ông nhìn bà ái ngại: - Hay là tôi chiều bà một chút? -
Ông ma mãnh lắm! Tôi thấy chỉ khi nào ông muốn thì ông mới ăn nói mặn mà, dẫn cả
thơ và dẻo mồm tán tỉnh! - Tôi lại phải khất bà thôi! - Tôi biết cái kiếp làm vợ
vua và vợ mấy ông đại thần là phải nhịn thèm một đời!… - Ông Trãi ơi, người có
học sống giữa đám vô học thì như con công giữa đàn gà chọi, không phải đá cũng
phải đạp. Tôi lo cho ông quá!… Bà Lộ tru tréo: Ông (Nguyễn Trãi) nói thân dân
mà hở miệng ra là chửi dân! Hôm đó Trãi đành thua… Bà Lộ nói đùa với chồng: - Vậy
thì chơi, không làm gì còn lãi hơn… Bà Lộ nguýt chồng: - Ông làm như tôi qúy
hóa lắm không bằng! - May là tôi không đẹp. Nhưng tôi có ghê gớm không? - Bà cũng
ghê gớm! Khéo rồi bà cũng sẽ gây họa cho người ta không chừng!”
-
Bình Định vương: “Trong khoảnh khắc không làm chủ được mình của cơn ngẫu hứng đàn
ông, mụ (nấu bếp) quýnh lên còn ông thì làm vội làm vàng nhanh như con gà trống
sợ mấy thằng thị vệ nhìn thấy”. Ông nói đùa với tướng lĩnh: “Lũ con gái đấm lưng
không đã. Với lại hễ bọn chúng chạm tay vào thì ta không còn ngứa lưng mà lại
ngứa chỗ khác”! Nghe bà Lộ hỏi nhà vua
có tướng hổ, tiếng nói như chuông đồng và “mắt ngài có hai con ngươi”, người thứ
thiếp Ngọc Trần của vương cười ngặt nghẽo: “- Hai con ngươi thì em không biết
nhưng em biết chắc ngài chỉ có một chim thôi”!
Nhân
đây xin cung cấp một tình tiết lịch sử sưu tra: Theo quan niệm Á đông, người “đồng
trùng” (mắt có hai con ngươi) là bậc thần nhân. Cổ sử Tàu có vua Hán Vũ đế. Cổ
sử Việt có vua thánh Trần Nhân Tông. Chính sử chân tả Lê Lợi khá nhiều đặc điểm
hay có dở có nhưng không nói đến đôi con mắt “đồng trùng”. Thời Việt Nam hiện đại,
dân gian lan truyền mắt Cụ Hồ cũng có hai con ngươi. Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An
là người đầu tiên chụp ảnh chân dung Cụ Hồ sau ngày 2/9/1945. Tấm ảnh nhìn thẳng:
gương mặt gầy, chòm râu thưa, vầng trán rộng, đặc biệt đôi mắt sáng ngời có hai
con ngươi và ông giải thích rằng đó là hai điểm sáng do ảnh chiếu tạo hình của
hai cái đèn tụ quang tăng điện thế. Bà Nguyễn Thị Lộ là người có học, biết
điều lễ nghĩa. Nguyễn Trãi xuất thân danh gia vọng tộc. Lê Lợi dù chỉ là một
hào trưởng nhưng khí tiết hơn người và đã được suy tôn là “Bình định vương” khi
sự nghiệp chưa thành. Tất nhiên các bà vợ ông dù có quê mùa cũng được nhận sự
giáo huấn thích hợp với cốt cách phu nhân của người thủ lãnh. Trong điều kiện lịch
sử cách đây hơn nửa thiên niên kỷ còn rất nặng nề ý thức hệ nho giáo thì không
thể ép những nhân vật có tính tiêu biểu ấy “phun” ra những lời dung tục khó
nghe. Sự cẩu thả của người viết tạo nên tâm lý xuề xòa dễ dãi cho người đọc đã
vô tình hạ thấp giá trị của văn chương!
Bốn
là: Nghĩa quân Lam Sơn không phải là phường lục lâm thảo khấu:
Ngay
từ buổi đầu tụ nghĩa chỉ vẻn vẹn hơn chục tráng sỹ, lấy núi Lam sơn hoang dã
làm chốn nương mình, “ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không
cùng sống” bàn chuyện dấy nghĩa cứu muôn dân Đại Việt. Trải bao ngày nếm mật nằm
gai, quên ăn vì giận, thế giặc đang mạnh lại gặp lúc vận nước khó khăn, nhiều
lúc phải ăn rau cỏ qua ngày mà đội quân ấy vượt qua bao nỗi nguy nan, trưởng
thành dần lên làm cho giặc phải kinh hoàng, ngày càng được dân chúng tin yêu hưởng
ứng. Bình Định vương ra lệnh: “Dân ta lâu nay đã phải khổ sở về chính trị bạo
ngược của người Tàu, quân ta đi đến đâu cấm không được xâm phạm đến chút gì của
ai. Những gạo thóc trâu bò mà không phải là của người nhà Minh thì không được lấy”.
Đó là một đạo quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, kỷ luật nghiêm
minh. Khi đuổi sạch giặc ở phía Nam,
đem quân ra Bắc, chính sử ghi: “Quân của Bình Định vương đi đến đâu giữ kỷ luật
rất nghiêm, không xâm phạm đến của ai chút gì, cho nên ai ai cũng vui lòng theo
phục”. Trong khi vây hãm thành Đông Quan, Bình định vương ra “Ba điều răn” với
các quan: “Không được vô tình – Không được khi mạn – Không được gian dâm” và “Mười
điều kỷ luật” với các tướng sỹ, trong đó có mấy điều chịu hình phạt nặng: “Không
có việc gì mà đặt chuyện ra để làm cho mọi người sợ hãi – Lo riêng việc vợ con
mà bỏ việc quân – Theo bụng yêu ghét của mình mà làm mất công quả của người ta”…
Thế mà dưới ngòi bút của nhà văn mô tả đội quân đó như lũ giặc cỏ thả tay chém
giết, thi nhau hãm hiếp, các tướng lĩnh tranh nhau vơ vét hôi của chiến lợi phẩm.
Dẫn chứng thì đầy ra trong hơn 300 trang sách, chúng tôi chỉ trích dẫn mấy câu
của các vị tướng lĩnh đại công thần: Tướng Phạm Vấn nói toạc ra: “Cánh võ biền
mình không viết hịch được thì phải lấy chiến lợi phẩm làm nức lòng quân sỹ.
Mình đâu là nho sỹ mà nói chuyện thanh cao”. Tướng Lê Sát đồng tình: “Ta nhường
họ phần thanh cao, chỉ xin phần thô tục” và Bình Định vương cũng biết rõ bản chất
tướng sỹ mình: “Cái nhăn mặt (của Lê Lợi) luôn nói lên thế kẹt của đấng quân vương
nhận ra mình bất lực trước đám công thần can trường dũng cảm nhưng ông biết sự
vô học, nhiều khi vô đạo, hễ ông quay gót là lập tức giở trò ngu ngốc cho thỏa
cái bất kham của họ”. Ông tướng dòng dõi quý tộc Trần Nguyên Hãn nói với ông
anh mưu thần Nguyễn Trãi: “Tướng sỹ Lam Sơn như các ông Vấn, ông Sát, ông Ngân
và nhiều ông khác, từ các ông ấy đến anh lính trơn đang như con hổ đói sắp vồ mồi.
Một đống kẻ thù đang chịu trói ở Đông Quan tha hồ chém giết để rửa hận. Một đống
của cải gái đẹp tha hồ chia nhau cướp phá hiếp giết cho thỏa mười năm nhịn
thèm. Một ngôi báu cho ngày mai…”. Và Nguyễn Trãi bị lung lạc khi nghe vợ nói
ra: “… Trước ngày các ông vào, đánh trận nào thắng, các tướng lén cho ngựa thồ
vàng bạc lấy của địch về nhà. Ông lại khuyên vua trị kẻ tham nhũng… Bà Lộ nói đúng,
ông (Nguyễn Trãi) đang rắp ranh kéo miếng mồi béo bở từ trong miệng ra khi họ
(các tướng lĩnh Lam Sơn) chưa kịp nuốt”! Trái hẳn với những lời trong Đại cáo
bình Ngô thể hiện rõ tính nhân nghĩa của quân dân Đại Việt: “Tướng giặc bị cầm
tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng. Thần vũ không giết hại, thể lòng trời ta mở
đường hiếu sinh. Họ đã ham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng. Ta lấy toàn quân
là hơn để nhân dân nghỉ sức”, khiến cho quân tướng giặc được phóng thích về với
vợ con mà vẫn tim đập chân run, hồn bay phách lạc!
Một đội quân giải phóng mà như một đội quân ô
hợp, từ vị chủ soái tới các tướng sỹ đều như phường lục lâm thảo khấu thì sao
có được sự ủng hộ của nhân dân bốn cõi một lòng từ buổi đầu nếm mật nằm gai “dựng
cần trúc ngọn cờ phất phới” đi tới thắng lợi hoàn toàn: đuổi giặc nước ra ngoài
bờ cõi, xóa sạch làu nỗi nhục nhã là người dân vong quốc?
Năm
là: Hình như ông nhà văn bỏ qua hết những tình cảm yêu nước thiêng liêng là chất
keo gắn kết mọi người từ những vị tướng lĩnh anh hùng tới từng viên sỹ tốt
trong đội quân chiến đấu dưới lá cờ đại nghĩa. Ông nhà văn cố tình khơi sâu và
cường điệu mối mâu thuẫn đến mức thù nghịch trong hàng ngũ nghĩa quân như: giữa
người có học với người ít học, giữa người sinh ra ở chốn kinh kỳ với người lớn
lên từ mái tranh thửa ruộng. Một không khí luôn khích bác, châm chọc, khinh thị
lẫn nhau công khai trong hàng ngũ nghĩa quân đầy trong cuốn sách: Lê Sát khinh
“cái lũ học trò khua môi múa mép, cái lũ trí thức không bằng cục phân ấy” đang
trong quân ngũ của ông: “Xưa nay sơn hà đổ nát là do bọn nho sỹ chỉ biết đọc
sách mà không dám cầm cung kiếm”. Ông chê quan Thừa chỉ: “Mần thơ mà ngồi ngôi
tướng thì thua vãi đái” và chê vị tướng lĩnh hàng đầu Trần Nguyên Hãn có học có
tài: “Đưa lính cho cục phân chó ấy thì nó nướng sạch”. Phạm Vấn thì cay cú nói
ra: “Đáng lẽ chúa công và anh em nghĩa sỹ Lam Sơn chúng tôi phải xin các vị nho
sỹ Bắc Hà bỏ qua cho cái tội vô học”. Tới mức Lê Ngân xuýt xoa trách Phạm Vấn đã
bỏ mất cơ hội thủ tiêu Nguyễn Trãi: “ Ông thật thà như đếm. Đêm hôm ấy vào tay
tôi chỉ cần một cơn nhồi máu là xong!”. Thậm chí nhà văn mớm lời cho nhà vua
nói thẳng ra với vị mưu sỹ của mình: “Ta ít học, chỉ giỏi đánh nhau. Nhưng nếu
ta được đọc kỹ binh pháp và Bình Ngô sách của nhà ngươi sớm hơn thì đã bớt được
bao nhiêu nhân mạng anh hùng liệt sỹ. Đó là nỗi ân hận của Lợi này”! Đến nỗi “nhiều
lúc Nguyễn Trãi thấy tiếc giá như Lê Lợi không là một ông đầu mục ít chữ mà là
một nhà nho bụng đầy thi phú thì giữa hai người sẽ có một tình bạn tri kỷ chẳng
khác gì Tử Kỳ với Bá Nha”. Nếu hai vị tướng võ tướng văn đầu lĩnh ấy không có sự
tương đắc tương tri thì làm sao nghĩa quân vượt qua được mọi gian nan đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác, kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn. Trong khi với
tên hàng tướng Thái Phúc thì vị mưu sỹ trụ cột trong lòng tiếc mãi: “Nhiều lúc
Trãi tôi tự hỏi: Tại sao tôi và huynh lại từng là cừu thù mà không phải là một
Tử Kỳ với một Bá Nha”!
Chẳng
lẽ đó là hình ảnh của đội quân “Thừa thiên hành hóa” với những vị tướng kiệt hiệt
anh hào cùng những người lính anh hùng dũng cảm làm nên chiến tích lẫy lừng mãi
ghi trên trang sử vàng dân tộc?!
Sáu
là: Trong khi tác giả mô tả các tướng lĩnh Lam Sơn chỉ là lũ vô học gái gú, hiếu
sát và vô đạo thì các quan xâm lược nhà Minh lại là những người có học, có đức,
nhân ái tràn trề: “Kẻ làm tướng có thể cướp một thành, diệt một nước nhưng
không được o ép liễu yếu đào tơ”. Đô Đốc Thái Phúc âu yếm khom lưng cõng cô ca
nữ qua suối bên rừng. Đến như viên Tổng binh Vương Thông từng gây ra bao nhiêu
tội “trời không dung đất không tha” mà với người con gái bao lâu bị y bắt về nội
dinh hành hạ thân xác mà đêm trước khi mở cửa thành Đông Quan ra hàng nghĩa
quân, tác giả “Vạn xuân” cho y tự tay giết đi. Tác giả “Hội thề” lại bốc đồng
kiểu kiếm hiệp Kim Dung cho y nai nịt gọn gàng bế thốc người tỳ thiếp ấy nhảy
lên yên ngựa cùng 100 quân vệ sỹ liều mạng phá vòng vây theo đường Cổ Ngư đem
trả cô về cho cha mẹ ở cửa ô Yên Phụ với cả một túi ngọc vàng! Đó là hai sáng tạo
của hai nhà văn đồng thời – Một người là công dân của một quốc gia từng có đội
quân viễn chinh dày xéo nước non này. Một người là hậu duệ của những nạn nhân
khốn khổ của lũ giặc bạo tàn mà họ cùng lấy làm đề tài sáng tác!!! Phải chăng
trong lúc hứng khởi ông nhà văn đã quên rằng nhân vật do ông sáng tạo ra là lũ
quân tướng mang dòng máu “Tàu thiên quốc” chớ không phải là đám quan lính “lê dương”
đa huyết thống, đa văn hóa thời hiện đại. Chắc hẳn ông nhà văn không rành địa dư
đất Hà thành. Vào thời Vương Thông đến chiếm Đông Quan, phía bắc thành còn là một
đầm nước mênh mông thông với sông Hồng. Mãi đến thế kỷ XVII người dân sở tại mới
đắp một con đê hẹp ngăn ra thành hai hồ lớn nhỏ gọi là hồ Tây và hồ Trúc Bạch.
Con đê giữ cá lâu dần thành đường đi mà người dân vẫn quen gọi là đường Cổ Ngư.
Cũng như điện Kính Thiên được dựng lên khi Lê Lợi đăng quang ngôi hoàng đế và
qua bốn triều vua tu chỉnh mới hoàn thành.
Viết
về lịch sử là một việc làm cẩn trọng công phu. Nhà văn không thể tùy tiện hư cấu
trái với đặc điểm văn hóa của thời đại ấy như lịch sử, địa dư, nếp sinh hoạt, tập
quán, ngôn ngữ, nhất là với những con người lịch sử bởi họ có hành động và thân
phận rõ ràng, có dấu ấn cụ thể để lại ấn tượng sâu sắc trong tiềm thức nhiều thế
hệ. Tuy nhiên nhà văn có thể hư cấu những tình tiết chí ít cũng không làm giảm
giá trị, công lao, nhân cách và thân phận của nhân vật lịch sử trừ phi có những
phát hiện mới minh chứng để được quyền phản biện. Có xem những tác phẩm “Những
người khốn khổ” của Victor Hugo, “Chiến tranh và hòa bình” của Lep Tolstôi, “Pie
đại đế” của Alexei Tolstôi mới thấy ngoài tài năng còn là thái độ rất trân trọng
với lịch sử, sự tìm hiểu công phu thể hiện trách nhiệm của nhà văn tới mức độ
nào. Liệu cách so sánh ấy e tác giả có phiền lòng? Nhưng thiển nghĩ khi đặt bút
viết về một thời kỳ lịch sử đau thương và hào hùng oanh liệt nhất của nước nhà
thì ngoài việc lượng sức mình, người viết không thể vô tình hay hữu ý làm sai lệch
bởi sự cẩu thả, dễ dãi, tùy tiện cùng với văn phong dung tục. Xuyên suốt “Hội
thề” người đọc không thể phân biệt đâu là đội quân phi nghĩa đi xâm lược nước
người, đặc biệt là một đội quân có truyền thống diệt chủng tàn bạo, đã thực
hành những việc phi nhân như: thiến sống đàn ông, giết trẻ con trai, hủy hoại văn
hóa, bức hại nhân tài. Đó là chủ trương nhất quán được vua nhà Minh Vĩnh Lạc thứ
5 lệnh cho Trương Phụ: “Ta nhiều lần dụ cho các ngươi phàm tất cả sách vở, ván
khắc chữ An Nam, những tấm bia của xứ ấy dựng lên hoặc một mảnh văn tự dù là mảnh
giấy có chữ của trẻ con làng quê mới học chữ, hễ thấy là hủy ngay, chớ bỏ sót”?!
Và đâu là đội quân chính nghĩa chiến đấu để giải phóng tổ quốc, bảo vệ đồng bào
mình?! Phải chăng đó là cách “giải phóng tư tưởng” cho nhà văn thoát khỏi những
“giáo điều” ràng buộc được thỏa mãn với tài năng, ngón nghề của họ?!
Có
thể nhà văn tự giới hạn khung thời gian vào lúc “đám quần thần tướng lĩnh của một
triều đại đang bắt đầu sửa soạn ngôi thứ” và bị ám ảnh về những chuyện triều
chính rối ren xảy ra liên tục suốt mấy triều vua đầu nhà Hậu Lê khiến nhiều văn
quan võ tướng công thần, cả những phi tần, hoàng tử chết oan khốc thảm thương.
Nhà văn muốn lý giải cái mầm gây họa có ngay từ trong trứng nước? Đây là chuyện
lịch sử của nhiều triều đại không chỉ riêng ở một nước Nam ta. Sau khi
kháng chiến thắng lợi, chẳng những Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn và những công
thần xuất xứ từ Thăng Long bị hại. Các danh tướng Lam Sơn như Phạm Vấn may chết
sớm, còn Lê Sát, Lê Ngân, Trịnh Khả… cũng theo nhau bị giết! Thiết nghĩ những sự
kiện xảy ra trong những điều kiện lịch sử khác nhau tất bị chi phối bởi những
quy luật khác nhau. Cùng một con người cũng có những diễn biến về tư tưởng và
hành động khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Sẽ là bất công khi trút hết những
điều tệ hại do lớp người sau gây ra lên đầu lớp người gối đất nằm sương khai sơn
phá thạch. Sự thật lịch sử phải được tôn trọng. Cũng là điều mong đợi nếu như được
đọc một cuốn tiểu thuyết lịch sử từ sau khi Lê Lợi đăng quang.
Trong
bối cảnh xã hội chính kiến đa chiều, các nhóm đa lợi ích với những kỹ thuật quảng
cáo hiện đại, không phải không có những tác phẩm nếu không thể gọi là hay thì
chí ít cũng là bổ ích “không bề ngang cũng bề dọc” lại thường là như ném đá xuống
sông! Trái lại không ít tác phẩm được quảng bá rùm beng hoặc là bị dư luận chê đáo
để, thi nhau “ném đá” lại thành nguồn giải trí vô bổ giống như anh chàng ca sỹ
“Lệ Rơi” đang rất “hot” trên các trang mạng ít lâu nay.
Biết
làm sao đây?!
Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh
Số 311 Thứ năm ngày 24 tháng 7 năm 2014