Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

NHÁP 4: THIỀU CHỌN NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP LÀM CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

 ĐÔNG LA

NHÁP 4: THIỀU CHỌN NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP LÀM CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Đất nước chúng ta có những lĩnh vực phát triển rất tiến bộ như kinh tế, khoa học công nghệ, y học. Chúng ta đã chế tạo và phóng được vệ tinh cỡ nhỏ, trong ngành ngoại khoa đã thực hiện được các ca mổ rất phức tạp như ghép tạng, tách những em bé song sinh dính nhau, v.v… Ngược lại, trong lĩnh vực Lịch sử, Lý luận Phê bình Văn học đã có sự thoái hoá, đi từ yếu kém, sai trái đến lộn ngược. Có lẽ, do nền chính trị nước ta trong thời gian gần nửa thế kỷ qua đã quá chú trọng đến những lĩnh vực thiết yếu liên quan đến vật chất mà ít quan tâm đến mặt tinh thần, nói theo ngôn ngữ triết học, đã quá quan tâm tồn tại xã hội mà ít quan tâm đến ý thức xã hội.
Chức năng của Lý luận Phê bình văn chương là thẩm định chính xác những giá trị chân, thiện, mỹ của các tác phẩm, và vạch đường chỉ lối cho những sáng tác tương lai. Nhưng từ 1979, Nguyên Ngọc với quan điểm đổi mới văn chương cực đoan sai trái, cho cần phải “đọc ai điếu cho nền văn chương minh hoạ”, “lật đổ các thần tượng đã rữa nát”, đã chọn ra những tác phẩm để tâng bốc, coi như những ngọn cờ đổi mới, trong đó ồn ào nhất là tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và các truyện ngắn của nguyễn Huy Thiệp. Nhưng cả Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp đều đã viết sai sự thật, văn chương không có tính thiện mà có tính xấu, tính ác. Khi trao giải thưởng cho cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, Ban Chấp hành Hội Nhà Văn VN hồi ấy đã phải viết kiểm điểm đọc trước Đại hội Hội Nhà Văn; còn truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thì đã góp phần làm Trần Độ, Nguyên Ngọc mất chức.
Lẽ ra mọi chuyện về Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp đã chấm dứt, nhưng khi có sự bình thường hoá quan hệ với Pháp, Mỹ, và các nước theo Pháp Mỹ, cách viết sai sự thật, bôi xấu Việt Nam để lấy lòng Pháp, Mỹ của Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh lại có được danh lợi rất lớn từ phía họ, đã trở thành “mốt”, nên Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp vẫn luôn được coi là hai tác giả tiêu biểu và có thành tựu nổi bật của đổi mới văn chương. Vì vậy, GS Trần Thanh Đạm đã phải kêu lên rằng, nền văn học của ta có tình trạng “trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh”. Và, đến hôm nay thì còn tệ hại hơn khi Nguyễn Quang Thiều còn dấn sâu hơn Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh một bước sai trái trong sáng tác, theo khuynh hướng chống chế độ, và thật kỳ quái là Nguyễn Quang Thiều lại được vinh danh và thành đạt khi mới được bầu làm Chủ tịch HNV VN với tín nhiệm rất cao, và đang xây dựng tổ chức Hội Nhà Văn VN theo khuynh hướng phản thẩm mỹ, phản đạo lý, phản văn chương, phản văn hoá với mục đích thật nguy hiểm là phản chế độ.
***
Để thống nhất với việc chọn Chủ tịch Hội đồng Thơ là Inrasara sáng tác và ủng hộ sáng tác loại thơ núp bóng tinh thần Hậu Hiện đại để chống phá, lật đổ thì Nguyễn Quang Thiều cũng chọn Chủ tịch và thành viên của Hội đồng Lý luận Phê bình là Nguyễn Đăng Điệp và Văn Giá, hai người từng là giám khảo cho Luận văn của Nhã Thuyên điểm 10, một luận văn ca ngợi tinh thần chống phá, lật đổ chế độ của Nhóm Mở Miệng.
Việc cho Luận văn của Nhã Thuyên (tên thật Đỗ Thị Thoan) điểm 10 thể hiện toàn bộ quan điểm chính trị tư tưởng, tư cách đạo đức, trình độ và tài năng văn chương của Nguyễn Đăng Điệp, Nhà Văn, PGS, đương kim Viện trưởng Viện Văn học; và của Văn Giá, Nhà Văn, PGS, nguyên là Trưởng khoa Lý luận - phê bình văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa).
Vì dư luận phản ứng dữ dội, Luận văn của Nhã Thuyên đã bị thu hồi, bởi trong luận văn, Nhã Thuyên đã công khai tư tưởng phản động về chính trị khi xuyên tạc bản chất của Chủ nghĩa Mác, đã công khai ủng hộ “những kẻ phản đảng” khi viết: “Mở Miệng, sinh ra … để bị/được gánh vác thêm vai trò của “những kẻ phản đảng””. Nhã Thuyên cũng đã ca ngợi những kẻ báng bổ Chúa và chống phá chế độ khi viết: “Mở Miệng … nơi tụ hội các anh em giang hồ… những kẻ sẵn sàng “đái vào Chúa”… phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền”. Nhã Thuyên đã cho nhà thơ “có tài” là như sau: “các nhà thơ Mở Miệng … hé lộ phẩm chất của những kẻ có tài” khi viết: “Tôi kêu đòi chữ nghĩa/ Tôi tổ chức chiến tranh/ Tôi nam mô vị chúa trời”/ “Tôi cải tạo âm hộ””. Giải thích sự văng tục trong thơ của Nhóm Mở Miệng, Nhã Thuyên viết: “Liên quan đến chính trị khi nó văng tục để chửi, để căm uất, … là cách nhổ vào ngôn ngữ tuyên huấn giả trá”. Chưa hết, Nhã Thuyên còn láo xược khi ca ngợi Nhóm Mở Miệng liều mạng làm thơ diễu nhại cả tác phẩm của Bác Hồ.
***
Khi cái luận văn bị thu hồi, Văn Giá đã viết bài bênh vực Nhã Thuyên có câu: “Tôi nghĩ rằng, lâu nay xã hội Việt Nam chúng ta sống trong một chế độ toàn trị kéo dài, và thời hạn của nó thì không ai có thể lường hết được”.
Tôi đã viết: “Một cán bộ thuộc chế độ như Văn Giá lại trắng trợn nhai lại cái từ “toàn trị” mà những thế lực chống Nhà nước VN thường sử dụng để xuyên tạc thể chế chính trị “Đảng lãnh đạo toàn diện” ở nước ta. Một nhà văn, một PGS Văn học lại không phân biệt được “lãnh đạo toàn diện” khác với “toàn trị” chứng tỏ Văn Giá đúng là quá mất dạy và quá ngu dốt!
Văn Giá cho chủ trương của Đảng “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” là từ một “sáo ngữ” nay đã là “tử ngữ”, đã “kìm kẹp sự sáng tạo”. Có điều sự “sáng tạo” mà Văn Giá ca ngợi lại là loại thơ của nhóm Mở Miệng. Văn Giá “khâm phục” Nhóm Mở Miệng bởi tinh thần chống chế độ và đòi quyền tự do chửi bậy, tự do chống phá, tự do lật đổ: “Tôi nghĩ, nhóm Mở miệng là một nhiệt tình cách tân đáng khâm phục… biểu hiện hai vấn đề cơ bản: thứ nhất phản kháng lại thiết chế, đòi quyền thực thi dân chủ”. Như vậy, Văn Giá đã thể hiện mình là một kẻ phản động toàn diện, từ chính trị, giáo dục, thẩm mỹ, văn chương, đến văn hoá!
***
Nguyễn Đăng Điệp, đương kim Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, một người không chấm nổi một cái luận văn, sao làm tròn được cái trọng trách Viện trưởng Viện Văn Học?
Một người bạn mới chuyển cho tôi một “công trình nghiên cứu” gần đây của Nguyễn Đăng Điệp “Những cú hích lịch sử-văn hoá và sự phát triển của Văn học Việt Nam đương đại” đăng trên Tạp chí NGHIÊN CỨU VĂN HỌC Số 9 -2021.
Lần đầu đọc một “công trình” của Điệp thấy ngạc nghiên và thất vọng quá về khả năng của Nguyễn Đăng Điệp. Một bài viết sơ lược, chung chung, nhạt nhẽo, ghi chép như một thư ký, chỉ nhai lại dư luận, nhai lại những điều mòn cũ sai trái về chuyện đổi mới văn chương. Nguyễn Đăng Điệp lại bu theo dàn đồng ca của những Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Thiều, Lại Nguyên Ân, v.v… nhai lại những tư tưởng đổi mới văn chương sai trái của Nguyên Ngọc đã nhả ra từ mấy chục năm về trước.
Nguyễn Đăng Điệp đã viết văn chương VN đã theo tinh thần đổi mới, cần phải “nhìn thẳng sự thật” và “nói thẳng sự thật”, và đưa ra một số nhà văn tiêu biểu, trong đó nổi bật nhất là Nguyễn Huy Thiệp. Viết vậy, Nguyễn Đăng Điệp chứng tỏ hiểu lộn ngược về văn Nguyễn Huy Thiệp và cũng không hiểu gì về văn chương.
“Tướng về hưu”, truyện ngắn tiêu biểu nhất đã được tung hô sai trái của Nguyễn Huy Thiệp, đã cho rằng cái thời thực dụng, mất nhân tính của “ông con” đã chiến thắng cái thời sống vì lý tưởng, vì đạo lý của “ông bố” tướng về hưu. Những người lính khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đã không có đất sống trong chính ngôi nhà của mình! Ông Tướng lại phải quay lại với chiến tranh, lại ra biên giới, và bị hy sinh ở đó. Nguyễn Huy Thiệp đã viết sai sự thật. Những cựu chiến binh khi về hưu, họ vẫn là chỗ dựa tinh thần và tình cảm cho con cháu, vẫn đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Như vậy, văn của Nguyễn Huy Thiệp đã chứng tỏ ông Viện trưởng Viện Văn học VN viết láo khi cho Nguyễn Huy Thiệp là điển hình theo tinh thần đổi mới: “viết thẳng sự thật”!
Là Viện trưởng Viện Văn học mà Nguyễn Đăng Điệp hoàn toàn không nhận ra những sai trái tày trời của văn Nguyễn Huy Thiệp, trong đó có những chuyện khiến cả Trần Độ lẫn Nguyên Ngọc bị mất chức.
Là một Viện trưởng Viện Văn học mà qua bài viết, Nguyễn Đăng Điệp không có khả năng chỉ ra được vài nét thôi về diện mạo thật, diện mạo đúng đắn của văn chương đương đại VN, càng không chỉ ra được những vấn đề đúng, sai, cao thấp của các tác giả, tác phẩm, cũng không thấy cái sai trái, cái tai hoạ khi văn chương ở ta ảnh hưởng Hậu hiện đại một cách sai trái, nguy hiểm. Sự bất tài về nghiên cứu văn chương, và với những quan điểm sai trái về chính trị tư tưởng, Nguyễn Đăng Điệp đã không làm tròn nhiệm vụ của một Viện trưởng Viện Văn học VN, tệ hơn nữa Nguyễn Đăng Điệp, với cương vị Viện trưởng Viện VH, thực sự đã có tội khi đã viết, đã làm những điều sai trái (như vụ Luận văn Nhã Thuyên), đã góp phần để xẩy ra cái tình trạng loạn chuẩn mực giá trị, lộn ngược các chuẩn mực giá trị của văn chương, để cho cái phản động, cái bẩn thỉu, cái ô trọc, cái tục tĩu, cái xấu xa, cái ác độc, nói chung là phản văn chương, phản văn hoá lên ngôi.
Tóm lại, theo như “tiêu chuẩn” trong lời của TBT Nguyễn Phú Trọng thì Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, cũng thuộc phần tử tham nhũng chính trị tư tưởng, tham nhũng danh tiếng!
***
Như vậy Chủ tịch Hội Nhà Văn VN Nguyễn Quang Thiều khi chọn Inrasara làm Chủ tịch Hội đồng Thơ, Nguyễn Đăng Điệp làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình đã xây dựng tổ chức của Hội, không phải theo tiêu chuẩn của một chế độ dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng CSVN mà cũng theo "đảng", nhưng như một băng đảng, gồm những kẻ đã có những quan điểm và hành động chống lại chính chế độ mà chúng đang ở trong guồng máy đó.
28-12-2021
ĐÔNG LA