ĐÔNG LA
VỀ MỘT BÀI THƠ 4 CÂU
Tôi đã ráp nối, cắt gọt các bản nháp thành lá đơn viết về việc thành lập tổ chức Hội Nhà Văn VN theo khuynh hướng phản văn chương, phản chế độ. Đúng là một thách thức vì viết về một vấn đề học thuật phức tạp, liên quan đến những nhân vật danh tiếng, kéo dài trong khoảng thời gian đến 40 năm, mà đơn từ thì phải có lý lẽ, dẫn chứng, nếu không có thể bị tố cáo vu khống, vì vậy mà phải viết dài. Nhưng thời buổi thực dụng, mì ăn liền này, dài quá không ai thích đọc. Vì vậy tôi phải trổ tài, viết dài vì nhiều vấn đề chứ không được dài dòng, lê thê, làm sao phải không thừa một chữ. Viết xong rồi nhưng để mai, ngày đầu tiên của năm mới, 2022, sẽ đăng lên cho đẹp ngày, rồi sẽ gởi đi.
Hôm nay là ngày cuối năm 2021, tự dưng lại nhớ về bài thơ có 4 câu, trong đó có chữ “Ngày đầu năm”, tôi làm cũng khoảng 20 năm rồi. Hôm ấy, tôi làm xong một bài thơ dài nhưng chán, đã vò lại, vất đi. Bỗng cô con gái còn rất nhỏ, mới biết đọc chữ, nên thích đọc, ghé vào tai tôi thầm thì:
Anh như con thuyền lênh đênh sóng nước
Nghiêng bên nào cũng chạm phải cô đơn
Tôi giật mình, thấy hai câu thơ trong bài thơ tôi vất đi lại hay quá! Mà ngạc nhiên hơn, cô gái nhỏ xíu sao lại biết chọn hai câu đó để mà thầm thì vào tai tôi? Thì ra thích thơ hay cũng thuộc về bản năng của con người, cũng như người ta thích nghe nhạc, ngắm hoa, ăn uống những thức ăn ngon, v.v...
Vậy mà trong thực tế, ở quy mô toàn thế giới, vì cái tôi, có những cá nhân, những nhóm đã đưa rất nhiều chủ nghĩa, trường phái văn chương, nghệ thuật lập dị, quái dị, coi cái xấu thành cái đẹp, cái dở thành cái hay, cái sai thành cái đúng, cái ác thành cái thiện, ngược với bản năng thẩm mỹ, lương tri của loài người. Lạ lùng là những điều đó lại được tôn vinh, tán tụng, được gán ghép cho biết bao cái cao siêu vĩ đại mà thực ra chúng không có, để rồi bọn con buôn nghệ thuật bu vào, trục lợi khủng khiếp. Điều đó chính là “cơ sở lý luận”, “cơ sở mỹ học” cho đám Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Nguyễn Đăng Điệp hôm nay dựa vào để đưa nền văn chương VN hiện tại theo khuynh hướng phản văn chương, phản văn hoá, chống chế độ.
Tiếp tục câu chuyện về cô con gái “thẩm thơ” từ hồi bé tí, tôi đã lấy lại bài thơ, và đúng dịp báo Văn nghệ TPHCM mời tôi lần đầu cũng là duy nhất gởi thơ cho số tết. Tôi đã lấy lại 2 câu thơ trên và viết thêm hai câu đầu thành bài “Cô đơn”, rồi gởi và được đăng số báo Tết đó. Bài thơ có nhiều người thích. Một lần trên đường chở lão Nhà Văn Nguyễn Bản, cây viết truyện ngắn tài năng, về nhà tôi chơi, tôi hứng chí đọc bài thơ. Ông hỏi: “Thơ ai mà hay thế?”/ “Thơ em đấy!” Lần khác, Đại tá Nhà phê bình Hồng Diệu gọi điện thoại: “Thơ của chú mày bất tử rồi đấy! Tớ biên soạn một cuốn từ điển thơ 4 câu, đã chọn bài “Cô đơn” của chú mày đấy!”
Còn cô con gái bây giờ cũng đã có con gái sắp 6 tuổi, nó còn lanh lẹ hơn mẹ nó ngày xưa, chưa hết mẫu giáo đã biết đọc, biết viết một ít tiếng Việt, và đối thoại được với thầy cô giáo tiếng Anh.
Hôm nay ngày cuối năm, xin giới thiệu với bạn đọc bài 4 câu có chữ “Ngày đầu năm” và vài hình ảnh về “nhà phê bình thơ tí hon” ngày nào:
CÔ ĐƠN
Ngày đầu năm lòng chợt thấy rỗng không
Em bỏ đi đâu trong ba ngày Tết?
Anh như con thuyền lênh đênh sóng nước
Nghiêng bên nào cũng chạm phải cô đơn.