Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

VỚI ĐÔI BẠN TRI KỶ NHÀ THƠ THÁI THĂNG LONG VÀ NHẠC SĨ PHÚ QUANG

 ĐÔNG LA

VỚI ĐÔI BẠN TRI KỶ NHÀ THƠ THÁI THĂNG LONG VÀ NHẠC SĨ PHÚ QUANG


Nhạc sĩ Phú Quang mới mất, tính không viết vì anh quá nổi tiếng, có thêm vài chữ của tôi nhắc tới anh cũng chẳng để làm gì. Nhưng nghĩ trong gần 100 triệu người VN, tôi gặp Phú Quang không nhiều nhưng không chỉ một lần, chắc cũng phải do cơ duyên huyền bí nào đó. Và rồi đọc bài trên báo Pháp luật điện tử viết về tình bạn của anh Thái Thăng Long với Nhạc sĩ Phú Quang, người đã phổ nhiều thơ Thái Thăng Long thành những bài hát nổi tiếng: Chiều phủ Tây hồ, Mơ về nơi xa lắm, v.v… Nhìn thấy hình hai anh chụp với nhau tôi đã bật khóc, và thấy cần phải viết mấy chữ.
Tôi vốn làm việc cùng ở Viện Công nghiệp Dược với chị Lợi là dược sĩ, vợ anh Thái Thăng Long, ở cùng khu tập thể khoảng 10 năm với anh Long. Thái Thăng Long là nhà thơ, dân Hà Nội, tính quảng giao nên chơi với rất nhiều người nổi tiếng, vì vậy mà tôi gặp họ ở nhà anh: Duy Khán, Nguyễn Trọng Oánh, Văn Lê, Nguyễn Duy, Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn (đương kim Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN),…, và Phú Quang. Trong đó, tôi thấy tình cảm của Lương Xuân Đoàn, Phú Quang với anh Long còn hơn cả tình bạn.
Có một thời kỳ dài, anh chị Thái Thăng Long coi tôi như người nhà, anh hơn tôi 5 tuổi, ngoài xã hội không là gì nhưng trong gia đình là vai anh lớn. Kỳ lạ là trước khi viết văn tôi có nói chuyện với anh Long vài lần, nhưng người khơi nguồn mạch văn chương cho tôi là cô Anh Thơ, rồi cô Vũ Thị Thường, chú Chế Lan Viên chứ không phải anh Long. Tôi và anh Long như anh em trong nhà chứ không phải bạn văn. Anh làm thơ trước Giải phóng khi còn là bộ đội trong rừng, còn tôi sau Giải phóng vì học Hoá nên 7 năm sau tôi mới viết những chữ đầu tiên. Nhưng đến khi anh Long xin vào Hội Nhà Văn VN thì anh lại nhờ tôi dẫn đến nhà hàng Sư Tổ của nền Văn chương VN là Chế Lan Viên.
Với anh Thái Thăng Long tôi nhớ nhất ba chuyện. Một là chính anh viết thư giới thiệu tôi gặp Nguyễn Quang Thiều để đăng thơ ở báo Văn nghệ, làm nên cái “thiên tình sử” giữa tôi và Thiều. Nên lần tôi đón tiếp Thiều tại nhà cũng mời anh Long tới chơi (xem ảnh).

Tiếc là với những người có tham vọng bất chấp tất cả thì tình bạn với họ chỉ là tấm ván lót đường thôi! Hai là chuyện tôi phụ anh Long chuyển nhà từ khu tập thể đến nhà riêng mới, chung “bờ rào” với một trường cấp 3. Chuyện đáng nhớ là tôi từ trên tường bờ rào nhảy xuống trúng một cái đinh xuyên qua dép vào chân tôi! Đúng là đòn đau nhớ đời! Chuyện thứ ba, khi tôi ở Liên Xô về, tôi mang mấy thanh sô-cô-la đến nhà anh chơi. Là thi sĩ thật dễ xúc động, anh bảo: “Mày đúng là tốt thật! Còn thằng T., lúc đi Đức tao đưa tận sân bay vậy mà về nó không thèm đến nhà tao”. Hôm đó, chị Thái Thị Lộc, con bác ruột anh Long, mang một con vịt quay đến chơi. Khi ăn, anh Long bảo: “Thằng Hùng nó giỏi lắm, có việc gì ở công ty chị, chị xếp cho nó đi”. Chị Lộc là Trưởng phòng Tổ chức Công ty Thuốc Sát trùng VN, vì vậy mà tôi đã về công ty đó làm. Rồi từ tri thức tôi tìm hiểu, nghiên cứu trong giai đoạn đó đã giúp tôi, sau khi nghỉ ở công ty ra ngoài làm, sáng chế ra các sản phẩm, được cơ quan có chức trách khảo nghiệm, bán chạy trên thị trường. Nay tôi đã nghỉ hoàn toàn, nhưng chính các sản phẩm đó đã giúp tôi xây nhà, dựng cửa, cho con ăn học, du học, v.v…
Rất tiếc, đã khá lâu tôi không gặp lại anh Thái Thăng Long. Dù vậy, dù thế nào thì tôi vẫn luôn nhớ ơn vợ chồng anh, chị Thái Thị Lộc , vì họ là ân nhân của gia đình tôi.
Cũng chính vì vậy, một người như anh em với anh Thái Thăng Long mất, Nhạc sĩ Phú Quang, nhìn hình hai anh chụp với nhau tôi đã không cầm được nước mắt.
***
Tôi gặp anh Phú Quang không chỉ một lần ở nhà anh Thái Thăng Long. Tôi nhớ nhất cái ý anh nói. Anh bảo là nhạc tớ mới ra người ta không thích, dần dần người ta mới thích, nhưng lâu bền. Về phía tôi, giờ ngẫm lại thấy cũng lạ, tại sao gặp Phú Quang như vậy sao tôi không thân được với anh? Trong khi tôi thân được với cỡ Chế Lan Viên; Nhà thơ Hải Như phải đi hỏi số điện thoại gọi, chỉ để khen thơ tôi thôi; Nhà Văn Vũ Hạnh phải hỏi Báo Văn nghệ TPHCM để liên lạc, rồi đến tận nhà tôi mua 5 cuốn “Bóng tối của ánh sáng” của tôi cho mình và tặng bạn bè; v.v… Với Phú Quang, anh còn chưa biết tên tôi chứ nói gì đến chuyện tôi làm gì, viết gì? Lỗi này thuộc về tôi bởi cái tính “Ai cần tôi thì cần, chứ tôi cóc cần ai!” Ngoại trừ vài chuyện bắt buộc, còn hầu hết mọi chuyện người này người kia giúp tôi đều do cơ duyên đưa đẩy chứ tôi không chủ động nhờ vả ai. Lẽ ra Phú Quang nổi tiếng, lớn tuổi hơn, tôi phải chủ động làm thân với anh, phải tặng tập thơ của tôi cho anh, biết đâu anh thấy có bài phù hợp phổ thành bài hát nổi tiếng, bất tử thì quý giá biết bao! Nhưng tôi đã không làm gì cả, thậm chí còn không nghĩ đến những điều đó trong đầu. Có lẽ đời tôi không thành đạt bởi cái tính bất cần đời này.
Xin Vĩnh biệt anh Phú Quang, dù đến giờ có thể anh vẫn chưa biết tôi là ai, nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến những lần gặp anh ở nhà anh Thái Thăng Long, nhớ mãi những bài hát hay của anh. Cầu mong anh sớm được siêu thoát!
10-12-2021
ĐÔNG LA