VIẾT THÊM VỀ TRIẾT HỌC KANT
Hai bài “giải trí triết học” tôi vừa đăng chắc ngán ngẩm với nhiều người, vậy mà Bác sĩ Hoa Huynguyen lại “còm” thế này: “đọc vẫn hơi thòm thèm”. Người ta càng hiểu biết cao sâu thì càng cô đơn vì ít người đồng cảm, vì vậy, sự đồng cảm của ông BS là điều quý hiếm mà ở đời thường chỉ có ở những bạn tri kỷ mà thôi. Vậy mà thật buồn cười, tôi là người có thể hiểu chính xác được những vấn đề rất khó về khoa học, triết học, nhưng cuộc đời tôi lại có một ngộ nhận rất sai lầm, rất tệ hại về bạn tri kỷ. Một lần tôi làm bài thơ có 4 câu: “NHỮNG CÁI XÁC: Những cánh hoa sặc sỡ/ Nằm sõng soài trên thảm cỏ biếc/ Con ba tuổi ngây thơ/ Say sưa cóp nhặt”, nghĩ chắc chả ai hiểu. Vậy mà gởi cho Nguyễn Quang Thiều, sau khi đăng cho tôi, Thiều gọi: “Đến bài này thì thơ ông vượt qua Chế Lan Viên rồi!” Tôi mừng lắm, không phải vì được khen “hay hơn CLV” mà vì đã tìm được bạn tri kỷ của mình. Tôi nói với bà xã: “Nước VN mình có lẽ chỉ có thằng Thiều hiểu được tôi mà thôi”. Chưa hết, một lần chở tôi về nhà ở Hà Đông chơi, Thiều bảo: “Ông là một thành viên của nhà tôi”. Chính vậy, suốt vài chục năm tôi đã hết mình viết bảo vệ Thiều, viết cho Thiều, dù biết Thiều có những điều chưa chuẩn, nhưng tôi vẫn cố lái Thiều về “phía ánh sáng”. Nhưng rồi khi Thiều đoạt được quyền chức (Chủ tịch Hội Nhà Văn VN), đã thể hiện rõ bản chất: gặp gỡ những thành phần bất hảo như Nguyên Ngọc, San vẩu Huy Đức, làm lành với Trần Mạnh Hảo, v.v…; trọng dụng những thằng vừa bất tài vừa bất hảo như Inrasara, Đăng Điệp, Văn Giá, v.v…, tôi mới té ngửa, cay đắng nhận ra một sự thật là: “Thằng này chỉ lợi dụng mình mà thôi!”.
Quay lại chuyện “giải trí triết học”. Hai bài trước, xuất phát từ chuyện cô Từ Huy và ông Bùi Văn Nam Sơn nói về Kant, tôi lại viết nhiều hơn về Husserl, “ông tổ” của Hiện tượng học, và về Nietzsche, “ông tổ” của tư tưởng phát-xít (theo Từ điển Triết học NXB Tiến bộ Matxcơva), vậy hôm nay thấy cần viết thêm chút về Kant.
31-7-2023
ĐÔNG LA
Tôi đã viết về Kant xuất phát từ cái câu “triết học là khoa học của mọi khoa học?” đăng trên trang phebinhvanhoc của cô Từ Huy hỏi “Nhà Nghiên cứu Triết học” Bùi Văn Nam Sơn. Ông Sơn sau khi giải thích đã trả lời Từ Huy đúng ý này: “triết học có thể giữ trở lại vai trò của một “khoa học phổ quát”, nhưng ông lại chưa chính xác khi nói: “… mượn cách nói của Kant: triết học mà không có khoa học thì trống rỗng; khoa học mà không có triết học thì mù quáng”.
Nguyên văn câu của Kant là: “Gedanken ohne Inhalt sind leer, Anschauungen ohne Begriffe sind blind”.
Tôi thấy để chính xác hơn nên dịch câu của Kant như thế này: "Ý niệm, suy nghĩ, tâm trí (Gedanken ) không có nội dung là rỗng tuếch, Quan niệm (Anschauungen) không có Khái niệm là mù quáng".
Khả năng biểu đạt của từ ngữ thường hạn chế, nên trong triết học quan trọng nhất là phải hiểu đúng được ý nghĩa, hàm ý của từ ngữ. Ở câu trên của Kant, “Quan niệm” (Anschauungen) là nhận thức do quan sát, còn chữ “Begriffe” trong tiếng Anh là terms, tiếng Việt là ngôn ngữ, thuật ngữ; mà thuật ngữ thì chính là các khái niệm được khái quát hoá thành lý thuyết của khoa học. Vì vậy câu Quan niệm (Anschauungen) không có Khái niệm là mù quáng" có thể viết dễ hiểu hơn là: "Quan sát mà không có tri thức khoa học là mù quáng".
Khoa học thiên về quan sát, tính toán; còn Triết học thiên về suy ngẫm từ những kết quả của khoa học. Vì thế Triết học, theo định nghĩa của Từ điển Triết học, là “khoa học về các quy luật chung”, nghĩa là một khoa học khái quát, nói nôm na là sự suy ngẫm để rút ra những quy luật chung. Vì vậy Triết học phải đi sau, bởi nếu không có các quy luật cụ thể do Khoa học phát minh ra thì nó khái quát cái gì?.
***
Vậy Kant là ai?
Kant, một triết gia được cho là lớn nhất của thời kỳ cận đại, theo Will Durant: “toàn thể tư tưởng triết học thế kỷ 19 đều xoay quanh những tư duy của ông”; “Schiller và Goethe nghiên cứu Kant, Beethoven đầy thán phục trích dẫn câu nói thời danh của Kant về hai điều kỳ diệu của cuộc đạo đời: "Bầu trời đầy sao ở trên đầu, luật đạo đức ở trong hồn". (The Story of Philosophy - Trí Hải và Bửu Đích dịch).
Kritik der reinen Vernunft theo tiếng Anh là Critique of Pure Reason. Trong đó pur là nguyên chất, thuần túy; reason là lý trí, lý, lẽ phải.
Như vậy Lý tính nói chung là nhận thức của con người về thế giới của sự vật, sự việc và các hiện tượng. Về sau Kant còn đưa ra khái niệm Lý tính thực tiễn (Praktischen Vernunft) nói về lý tính trong phạm vi đạo đức, luân lý. Như vậy Lý tính thuần túy có thể hiểu là lý tính chung, lý tính lý thuyết.
Quá trình nhận thức theo Kant khởi đầu từ cảm giác. Chúng đến với chúng ta qua những giác quan khác nhau, từ da, mắt, tai, lưỡi, vào não. Nói theo Will Durant: chúng quả là một đám sứ giả hỗn độn khi chen nhau ùa vào những phòng ngăn của tâm thức để kêu gọi sự chú ý! Nhưng không phải hết mọi kẻ đều được chọn, chỉ những cảm giác nào có thể đúc kết thành tri giác thích hợp với mục đích hiện tại của ta sẽ được chọn. Theo Kant, cơ quan tuyển chọn và phối hợp này sử dụng hai phương pháp giản dị để phân loại nguyên liệu đưa đến cho nó: Cảm thức về không gian và cảm thức về thời gian; tâm thức sẽ định vị trí cảm giác của nó trong không gian và thời gian, quy chúng cho sự vật này ở đây hay sự vật kia chỗ nọ, cho thời gian hiện tại này hay cho quá khứ nọ, biến cảm giác thành tri giác. Quá trình từ cảm giác trở thành tri thức là:
Cảm giác là một kích thích chưa được tổ chức, tri giác là cảm giác được tổ chức, quan niệm là tri giác được tổ chức, tri thức là hiểu biết được tổ chức.
Mỗi thứ là một trình độ cao hơn cái trước và cuối cùng là tri thức, sản phẩm của lý tính.
Theo Kant, bản chất của lí tính là luôn kiếm tìm tri thức và cuối cùng, tìm cách nhận thức cái "vô điều kiện" (das Unbedingte) và cái "tuyệt đối (das Absolute). Nhưng với những quan niệm siêu nghiệm (transzendentale Ideen) như sự bất tử (Unsterblichkeit) của linh hồn; sự vô tận của vũ trụ (Kosmos) và Thượng Đế (Gott) thì ngoài tầm với của lý tính. Kant cho thấy những đối tượng đó không thể chứng minh được mà cũng chẳng thể phản bác được. Hơn nữa, Kant đã cho lý tính, về bản chất, có tính antinomi, tức là tách đôi thành các mặt đối lập (theo từ điển triết học), như: Thế giới vừa vô hạn vừa hữu hạn; Có vật cấu thành từ đơn tố có vật không; có hiện tượng xảy ra tự do, có cái phải theo quy luật; có quá trình quy định theo quan hệ nhân quả có cái không.
Phải chăng vì thế mà Kant đặt tên tác phẩm của mình là Phê phán lý tính thuần túy? Phê phán có nghĩa là chỉ ra giới hạn của nó.
***
Cùng với tư tưởng “Phê phán lý tính thuần túy”, Kant cũng đưa ra thuyết “không thể biết” được cho là “cuộc cách mạng Copernicus nổi danh của Kant”. Thuyết “không thể biết” xuất phát từ việc Kant cho lý tính có tính “an-ti-nô-mi”, tức tách đôi thành những mặt đối lập: Người ta không nhận thức được vật tự nó (Ding an sich), mà chỉ nhận thức được hiện tượng (Erscheinung) mà nó thể hiện. Theo Schopenhauer: "Giá trị lớn lao nhất của Kant chính là sự phân biệt hiện tượng với “vật-tự-nó".
Kant đã đưa ra khái niệm Vật tự nó (Ding an sich). Ding an sich theo tiếng Anh là Thing in itself. Itself từ điển triết học dịch là tự nó, wiki dịch là tự thể, có người dịch là tự thân.
Theo wiki: Nguồn gốc của khái niệm đó từ giới triết học kinh viện châu Âu khi phân biệt giữa những hiện tượng quanh một sự việc khác với những cái tất yếu nội tại của "bản thân" nó. Phần "tự thể", an sich, của khái niệm là cách dịch của từ kath´auto của tiếng Hi Lạp hoặc từ per se của tiếng Latinh. Nó chỉ những cái có sẵn như "bản tính" của sự vật. Kant mở rộng ý nghĩa của "tự thể" bằng thêm vào từ "vật" (Ding), thành "vật tự thể". Ông viết:
“Tôi lại nói rằng: Có những vật nằm ngoài chúng ta như những đối tượng của các giác quan; chúng ta không biết được gì về việc chúng có khả năng tự thể là gì, mà chỉ biết được các hiện tượng của chúng, có nghĩa là các ý tưởng chúng gây ra trong chúng ta bằng cách kích động các giác quan của chúng ta”. (Kant, lời nói đầu (1783), p.62-63).
[Ich dagegen sage: es sind uns Dinge als außer uns befindliche Gegenstände unserer Sinne gegeben, allein von dem, was sie an sich selbst sein mögen, wissen wir nichts, sondern kennen nur ihre Erscheinungen, d. i. die Vorstellungen, die sie in uns wirken, indem sie unsere Sinne affizieren. (Kant, Prolegomena (1783), S.62-63)]
Như vậy, theo Kant, Erscheinung chính là những hiện tượng mà sự vật thể hiện cho giác quan ta nhận biết, như màu vàng của vàng, màu xanh của lá cây, cái lấp lánh của kim cương v.v… còn vật tự nó là những cái bên trong thuộc bản chất sự vật mà các giác quan và kinh nghiệm của chúng ta không nhận thức được. Đó chính là tư tưởng chính của thuyết “không thể biết” của ông.
Với ánh sáng của trình độ khoa học ngày nay mà “biện chứng”, ta thấy nhiều tư tưởng của Kant còn hạn chế do trình độ của thời đại ông. Khoa học ngày nay đã nhìn thấy được nhiều điều mà giác quan bình thường không thể thấy. Bằng tính toán, khoa học có thể “thấy” được tận đường biên của vũ trụ, biết được tuổi của vũ trụ, ngược lại cũng nhìn được tận cõi sâu thẳm vô cùng tận của cấu tạo nguyên tử, thấy do cấu tạo khác nhau nên các chất đã thể hiện những “hiện tượng” cho các giác quan của ta thấy khác nhau. Vì vậy đa phần sự “không biết” là do trình độ khoa học chứ hoàn toàn không phải có một nguyên lý nhận thức “không thể biết” theo Kant. Có rất nhiều thành tựu của khoa học đã vượt xa tư tưởng “thuyết không thể biết” của Kant rất nhiều, mà bây giờ nếu ông có sống dậy cũng không thể nào tưởng tượng ra nổi. Như internet, công nghệ gen, mô hình chuẩn, hạt Higgs v.v… tất cả đều được nhận thức bằng “con mắt” của khoa học, chứ không phải bằng những “hiện tượng” từ “vật tự nó” biểu lộ cho con người thấy theo tư tưởng của Kant.
Dù vậy, Kant có lẽ mãi đúng khi cho rằng lý tính bất lực trước những quan niệm siêu nghiệm (transzendentale Ideen). Lý tính không thể nhận thức được cái vô điều kiện (das Unbedingte) tức những cái không có gì để thực chứng, như tính bất tử của linh hồn, tính vô biên của vũ trụ hoặc sự tồn tại của thượng đế. Ngày nay, khi người ta đã tìm ra được Big Bang sinh ra vũ trụ, nhưng cái gì đã sinh ra Big Bang thì không biết bao giờ mới trả lời đúng được. Cũng như Đức Phật giác ngộ thấy linh hồn là thần thức luân hồi qua các kiếp theo nhân quả, trong các cõi, nhưng thần thức sinh ra từ đâu?
Việc Kant cho lý tính có tính “an-ti-nô-mi”, tức tách đôi thành những mặt đối lập cũng có thể đúng khi ta suy ngẫm về các hiện tượng xã hội. Như với nền kinh tế thị trường, tự do làm ăn được khuyến khích đã tạo ra nhiều của cải, nhưng nó lại cạnh tranh khốc liệt, sinh ra nhiều tệ nạn, làm thoái hóa thiện tính. Như “tự do dân chủ” rõ ràng là mục tiêu cao đẹp của mỗi xã hội nhân đạo, nhưng chính nó cũng lại là là mầm mống của bạo loạn, vô chính phủ; khuyến khích “cái tôi đáng ghét”, làm con cãi cha, trò cãi thầy, điên lên thì xả súng giết người hàng loạt!
***
Nhiều nhà nghiên cứu triết học có thể thuộc lòng các vấn đề họ nghiên cứu, nhưng nếu không nắm được tri thức của thời đại, họ sẽ bị sa lầy trong chính cái vũng tri thức đó mà không biết mình sai và lạc hậu như thế nào! Trong đó, có những người chuyên nghiên cứu về Kant.
31-7-2023
ĐÔNG LA