NHỚ NHỮNG MÙA THI
Mấy ngày nay, báo chí, cả VTV đồng loạt đưa tin chuyện xét điểm vào đại học của học sinh, có 2 em thủ khoa khối toán, lý, hoá, trung bình 29,35 đ mà vẫn trượt nguyện vọng vào ngành Khoa học máy tính của ĐH Bách Khoa HN. Trong tôi lại tràn về biết bao kỷ niệm về thời đi học, về những mùa thi của chính tôi, của hai đứa con tôi. Anh Phạm Tiến Thiên Bình mới vào “còm”: “Các nhà văn nhà thơ cứ viết văn viết thơ cho dân chúng tôi đọc ngõ hầu mở mang một chút trí tuệ”. Vậy là một nhà thơ, tôi xin trích vài đoạn thơ tôi viết về chuyện đi học. Làm thơ khó nhất là “không giống ai”, vẫn phải có ý nghĩa sâu xa, ngôn ngữ phải giầu hình ảnh, nên mấy câu của tôi dưới đây mấy ông GS văn chương “hàng đầu”, đang bị dư luận chửi, chưa chắc có thẩm được. Tôi viết về chuyện học toán:
Như đứa trẻ mới tập đi lẫm chẫm trong khu rừng bí ẩn
Mỗi bài toán con con giống một cuộc ú tim
Cái ẩn số cứ chập chờn phía lùm cây trước mặt
Đốt đèn lên con lóng ngóng đi tìm
Rồi chuyện chở con đi học:
Ngày ngày cha chở các con trên những con đường như những dòng sông luôn dâng lên vô tận
Chi chít người xe
Chi chít số phận
Tất cả bị bó chặt bởi những giới hạn
Nhưng các con có biết không?
Chúng ta đang đi trong giới hạn không phải của lề đường mà giới hạn của những suy nghĩ
Chúng không thể mở ra bằng xẻng cuốc mà chỉ bằng những con chữ
***
Hòa bình về (1975), trong niềm vui chiến thắng lớn lao, tôi có ước mơ được vào trường đại học.
Dạo ấy tôi đã được chuyển lên Ban Tham mưu của Trung đoàn 5 mới được thành lập thuộc Quân khu Miền Đông (QK7), đóng quân tại Biên Hoà. Tất cả những ai có bằng tốt nghiệp phổ thông đều được tập trung trong trường văn hóa của quân khu để ôn thi vào đại học, ai có giấy gọi đại học rồi thì không phải thi. Khi tốt nghiệp cấp III 1972, tôi đã không thi, mới đây gặp lại anh bạn kể: “Tao có thi, còn mày tao nhớ, mày bảo sắp đi bộ đội rồi thi làm đ. gì?” Tôi đã viết thư, nói cha tôi kiếm sách giáo khoa gởi vào cho tôi. Nhưng thật oái oăm, ông tham mưu trưởng trung đoàn rất thương tôi, thấy tôi ôn thi lại rất giận. Chắc ông không muốn xa tôi. Thế là, thay vì cho tôi đi tập trung ôn thi, ông lại bắt tôi đi phát rẫy ở bên sông Đồng Nai. Sau những buổi phát rẫy máu tóe ở hai bàn tay, người thì đau ê ẩm, tôi vẫn lao vào ôn tập, rồi làm hồ sơ xin dự thi. Trong hai trường đại học Tổng hợp và Bách khoa, tôi đã chọn thi khối A vào Tổng hợp, vì thích công việc nghiên cứu. Do mơ mộng của chàng lính trẻ hơn là do hiểu biết. Mỗi khi xem ti vi thấy những cán bộ nghiên cứu mặc áo choàng trắng say mê bên những dàn dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh trong suốt, lòng tôi luôn dậy lên một niềm rạo rực.
Làm hồ sơ xong, lần đầu tiên tôi trổ tài văn chương, viết một lá thư rất dài, rất tình cảm xin ông tham mưu trưởng cho về dự thi. Đọc thư xong, ông đã khóc, rồi gọi tôi về cho đi thi.
Tôi mừng lắm, đi Sài Gòn nộp hồ sơ. Đến trước cổng trường thấy hàng chữ to tướng “Khoa Học đại học đường”. Tôi có chút bỡ ngỡ với bộ quân phục còn vương bụi đỏ và khét mùi khói rẫy trước khung cảnh trăm hoa đua sắc của sinh viên đại học.
Rồi ngày thi đã đến. Tôi được xếp thi tại trường Phan Sào Nam, ngã Bảy SG. Giờ tôi cũng không nhớ mình dự định ăn ở thế nào trong khi thi, chỉ nhớ sau khi nhận phòng thi, một chiến hữu (sau biết tên là Hoan) nói với tôi: “Đồng chí ở đâu? Hay về ở cùng mình đang ở nhờ ở Lý Thái Tổ gần đây đi”. Đúng là như sắp chết đuối vớ phải cọc, tôi mừng lắm, đi theo Hoan về phòng trọ, rồi cùng nhau ôn bài, thi nhau giải toán. Hoan học chuyên toán nhưng cuối cùng vẫn không đỗ.
Tôi thi môn toán đầu tiên trong một phòng với đa số học sinh SG, mới hết ba phần tư giờ, tất cả học sinh trong phòng tôi đã nộp bài hết. Sau đó tôi mới biết, chương trình hệ 12 năm cũ, học toán rất cao. Tôi nghĩ: so với những đấu thủ tài giỏi như vậy thì chắc chắn mình sẽ bị thua rồi. Đến chiều chúng tôi thi lý. Tôi đã nộp bài cùng với các thí sinh khác, làm bài cũng tốt hơn. Còn môn hóa cuối cùng, thi vào buổi sáng hôm sau. Quả thực, môn hóa vẫn là sở trường của tôi. Mới hết có nửa thời gian tôi đã làm xong đề thi. Tôi xin phép ra ngoài rửa mặt mũi tay chân, rồi trở lại chỗ ngồi ung dung xem lại bài. Thấy lạ, người cán bộ coi thi (là một sinh viên) đã đến bên tôi kiểm tra ngăn bàn và tất nhiên anh không thấy gì. Tôi đã nộp bài trước sự ngạc nhiên của cả phòng. Khi tôi ra về, người giám thị đã tiễn tôi ra cửa và nói:
- Tôi rất mong và tin là sẽ được gặp lại anh trong trường đại học khoa học của chúng tôi.
Điều đó đã trở thành sự thật. Một thời gian sau đó, trên trang tư của tờ Sài Gòn giải phóng đã đăng tên và số báo danh của tôi trong danh sách thí sinh trúng tuyển vào đại học Khoa Học. Trước khi biết trúng tuyển, tôi đã được về phép gặp lại quê hương thân yêu của mình và tin là mình sẽ đỗ. Tôi cũng đã viết chuyện thi cử này trong cuốn “Những dấu vết không phai”, có đoạn: “Tôi đã mang theo về một niềm tự hào của một người lính đã vượt qua được những thử thách ác liệt trong chiến tranh và thử thách về trí tuệ của kỳ thi đại học. Tôi đã được gặp lại cha, me và anh, em. Ông tôi, người luôn tự hào về tôi hồi nhỏ, đã mất, tôi tin là mình đã làm hài lòng ông. Đêm đêm, tôi đã lần tìm từng gốc cây nhãn, gốc cây ổi… để gặp lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi đã giở lại những trang vở, mà bên cạnh những công thức toán học, có cả những bức vẽ xe tăng, máy bay và những ông tướng ngực đầy huân chương ngày nào…”
***
Rồi đến lượt con trai tôi cũng thi đại học. Nó học lớp chọn A1 Trường Gia Định, nên tôi bảo nó thi vào ngành Công nghệ TT ĐH Bách khoa TPHCM, ngày ấy là ngành hot nhất và cũng lấy điểm cao nhất. Vì vậy, tôi thấy mình cần phải hỗ trợ thằng con. Môn toán nó học thêm từ nhỏ, môn hoá nó có trong đội tuyển, vì vậy, dù tôi học hoá nhưng lại thấy cần luyện thi môn lý cho nó. Tôi đã mua một đống sách luyện thi, thì ra, với các phần lý thuyết trong sách giáo khoa đều có các bài toán tương ứng thường có trong đề thi ĐH, mà không luyện thi, học sinh thật khó mà làm được. Tôi đã gặp lại kiểu bài toán chính mình không giải được hồi thi đại học. Tôi đã mua một cái bảng trắng gắn lên tường và một bọc bút dầu, mỗi ngày bắt ông con giải dăm bài toán. Cô cháu con anh Hai vợ học ké, sau này nhắc lại: “Hồi ấy chú Hùng dạy con chẳng hiểu gì”, nhưng cô em ruột kém nó 1 tuổi thì học rất giỏi, đã đậu thủ khoa khối B.
Hồi con tôi thi đại học đề thi còn khó, cả nước chỉ có vài đứa được 30 điểm, chứ không như sau đó có thời cả trăm đứa. Tôi chở ông con đến Trường BK thi, hồi hộp hơn cả hồi mình đi thi. Thi xong, tôi hỏi: “Làm được không?” Nó bảo: “Làm được, nhưng không biết sao?” Hồi đó thi khối A được 8 điểm một môn là rất khó, tôi hay đến trường “Nhân Văn” chơi, mấy ông thầy có con thi khối A được 4 điểm một môn là mừng lắm, cũng đã đậu nhiều trường; nhưng với ngành con tôi chọn, 8 điểm mỗi môn vẫn chưa đậu! Tối ấy, thấy nó về, tôi ra mở cổng, nó bảo: “Con đậu rồi, dư nửa điểm!” Tôi bảo: “Vậy là tốt rồi, bây giờ ba đi nhậu đây!” Nghĩa là tôi đi rủ bạn, nhậu mừng con mình thi đỗ. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi, có thể sánh với niềm vui của tôi trong ngày chiến thắng 30-4-1975.
***
Rồi đến lượt cô con gái tôi cũng thi đại học. Nó học giỏi đều các môn, riêng môn văn từng đoạt giải nhất học sinh giỏi TPHCM. Hồi vào cấp III, điểm lấy 4 môn, văn, toán hệ số 2, nên tổng điểm cao nhất là 60, nhưng con tôi được 61 điểm, vì được cộng điểm học sinh giỏi. Tôi nghĩ nó con gái học tiếng Anh là hay nhất, nên chọn Ngữ văn Anh trường Nhân Văn, thi khối D: toán, văn, Anh văn. Với cô con gái thì tôi cũng luyện thi môn văn, nhưng chỉ bằng một câu thôi: “Khi làm đề văn, con cố gắng viết vào câu, văn học Hiện thực XHCN theo Mác-xim Gooc-ki: “Hãy đặt cuộc đời lên trên cuốn sách chứ không phải đặt cuốn sách lên trên cuộc đời”. Một ông thầy chấm văn mà thấy bài của một cô bé có “tầm tư tưởng” như vậy thì chắc chắn phải thích. Thi xong, tôi hỏi: “Con có đưa câu đó vào không?”. Nó trả lời: “Có, nhưng con bị “tủ đè” rồi, đề ra bài “Sóng” của Xuân Quỳnh mà con không thuộc. Con cứ làm đại”. Sau đó, một hôm anh Thu người cùng làng làm ở trường Nhân Văn gọi điện thoại: “Chú Hùng ơi, tôi coi điểm văn của cái Phương, nó được 8 là cao lắm đấy”. Cuối cùng, điểm thi của cô con gái cũng thuộc top ten của trường.
23-8-2023
ĐÔNG LA