Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

VÀI Ý VỀ GIÁO DỤC VÀ VỀ SỰ TÔN TRỌNG SỰ THẬT LỊCH SỬ

 VÀI Ý VỀ GIÁO DỤC VÀ VỀ SỰ TÔN TRỌNG SỰ THẬT LỊCH SỬ

Sắp đến mùa tựu trường, tôi đăng lại một bài về giáo dục, về dạy sử. Bài viết đã 10 năm, trước những ồn ào về chuyện lịch sử sau đó, buồn là những điều tôi cảnh báo, những sai trái đã không tránh mà lại để chúng diễn ra.
25-8-2023
ĐÔNG LA
Trên VietNamNet.vn lại đăng bài Tại cái nước mình nó thế! của Hà Văn Thịnh, một nhân vật rất tích cực trong việc “lật pháp” thay đổi chế độ. Hà Văn Thịnh dạy ở Đại học Khoa học Huế . Trước khi chỉ ra cái sai của Hà Văn Thịnh về lịch sử, xin nói trước một ít về giáo dục.
***
VN ta sau chiến tranh, để xây dựng, phát triển, cần phải đổi mới toàn diện, từ các lĩnh vực thuộc tồn tại xã hội đến ý thức xã hội, như phải đổi mới từ nền kinh tế đến đổi mới giáo dục, văn chương, văn hoá nghệ thuật. Đổi mới là làm toàn diện hơn, đúng hơn, và tốt hơn; tiếc là có những lĩnh vực đổi mới là lộn ngược.
Tôi đã viết, ngành giáo dục của ta còn học nhiều biết ít, có cái học nhiều vào đời không áp dụng, ngược lại nhiều cái cần thiết để vào đời lại không được học; còn lối học nhồi sọ không phù hợp với khả năng tiếp thu của học trò, và kiểu thi cử là thi thuộc bài, không đánh giá đúng được khả năng học sinh.
Về sách giáo khoa, chúng ta cần phải xây dựng khung tri thức chuẩn phổ thông, để một học sinh học xong phổ thông phải có tri thức nền tảng đó. Các kỳ thi ở phổ thông nhằm kiểm tra nhận thức khung tri thức đó, tránh cách hỏi lắt léo, gài bẫy. Khi người lớn vào đời làm việc như thế nào thì cũng nên để cho các em làm bài như thế, nghĩa là có thể mang tài liệu tra cứu, không cần phải học thuộc tốn rất nhiều thì giờ. Như bản thân tôi vốn ngại học thuộc, nên môn văn thường là điểm thấp, nhưng rõ ràng tôi không phải dốt văn, bởi vào đời tôi lại thành nhà văn; từng được giải thưởng, tặng thưởng; được các bậc tài danh nhất VN như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải… khen ngợi, v.v…
Ngoài khung tri thức phổ thông đó, cần biên soạn các tài liệu nâng cao cho từng chuyên ngành, để các em tùy theo khả năng và thiên hướng vào đời sẽ tùy ý lựa chọn để tích lũy tri thức riêng, từ đó các em chọn ngành, chọn trường đại học phù hợp.
***
Quay lại chuyện Hà Văn Thịnh ở Đại học Khoa học Huế, trong bài viết đã cho ngành Giáo dục VN đã biến Lịch sử VN thành “đá và gạch vụn trên cái bàn ăn của nhận thức và nhân cách”; “Một khi lịch sử chỉ là sự chấp nhận một chiều thì nó hủy hoại và đe dọa mọi sự sáng tạo, mọi sự nhận chân thực tại. Sao lại không phải là bệnh giả dối khi người lớn chúng ta dạy cho lũ trẻ một bộ môn khoa học xã hội, nhưng lại thiếu sự tôn trọng lịch sử khách quan?”.
Hà Văn Thịnh đã lấy nước Mỹ làm chuẩn về sự trung thực lịch sử: “Họ đã xây Đài Kỷ niệm chiến tranh Việt Nam ngay giữa thủ đô Washington … như một nấm mồ…Vết đen ô nhục bằng đá là điều phải nhận chân; lối lên nhọn hoắt với hình chữ V đâm thẳng vào trái tim nước Mỹ (Nhà Trắng và nhà Quốc hội) chính là do Lầu Năm Góc gây ra (phía sau phần nhọn của chữ V, bên kia sông Potomac)... là những thông điệp mà hai cánh của chữ V có chiều dài 247 feet chuyển tải.
Lịch sử không nhắm mắt của người ta là như thế; và vì thế, nó hấp dẫn mọi trái tim, khối óc của con người. Vì nó phải tôn trọng sự thật khách quan”.
Sự tưởng tượng của tay Thịnh này quả là phong phú. Chữ V với tiếng Mỹ có thể là viết tắt của chữ Victory (chiến thắng). Cụ thể hơn, Tổng thống Obama, trong diễn văn nhậm chức lần đầu, cũng đã nhắc tới những lính Mỹ tử nạn ở Khe Sanh, nhưng không phải là lời xin lỗi mà là những lời ca ngợi họ là những chiến sĩ hy sinh cho tự do! Tất nhiên ta không thể quy kết ông ta là phản động vì ông ta là TT Mỹ thì phải ca ngợi liệt sĩ nước Mỹ! Sau Chiến tranh xâm lược VN, Mỹ còn tiến hành nhiều cuộc chiến và cũng chịu nhiều tổn thất và sa lầy nữa. Các cuộc biểu tình của dân chúng Mỹ vẫn nổ ra y như những cuộc biểu tình chống Chiến tranh VN ngày nào. Vì vậy Thịnh nghĩ Đài Kỷ niệm trên như là một sự hối lỗi của nước Mỹ thì đúng là ngớ ngẩn!
Hà Văn Thịnh cũng thật ngớ ngẩn khi viết tiếp thế này: “Làm sao học sinh có thể tiêu hóa nổi khi năm nào cũng thế, cứ lặp đi lặp lại mãi hoài "ta thắng, địch thua; ta sáng suốt, địch dại khờ"”.
Lịch sử là khách quan, dù có những khám phá mới nhưng bản chất chính tà, thiện ác của nó là bất biến. Cũng như tri thức về thành tựu khoa học là bất biến. Thịnh cũng hiểu không đúng về chuyện cũ mới. Dù bài cũ, nhưng mỗi năm là lớp học sinh mới, nên với học sinh, bài vở luôn luôn mới. Còn Thịnh cho học sinh không “tiêu hóa nổi” chuyện “ta thắng, địch thua”, vậy theo Thịnh cho “ta thua, địch thắng” thì chúng sẽ tiêu hóa nổi sao? Không lẽ dạy sử mà Thịnh không hiểu cái giá của “ta thắng địch thua” và ý nghĩa của nó là như thế nào? Thịnh lại không muốn nói ra cái sự thực khách quan vĩ đại ấy? Dạy sử mà nghĩ như vậy thì thật là nguy hiểm cho học trò!
***
Trước Hà Văn Thịnh, cũng trên Tuanvietnam, trong bài Gs-tuong-lai-lua-chon-van-hoa-giai-quyet-bi-kich-su, ông Tương Lai cho:
“mặc dầu “triều Nguyễn đã để lại một di sản khổng lồ, vĩ đại mà không triều đại nào trong lịch sử có thể sánh được” nhưng ngót một thế kỷ qua, sự thật lịch sử đó đã bị vùi lấp. Đó là một bi kịch lịch sử lớn”, bởi: “Nguyên nhân của bi kịch ấy có nhiều, song đúng như phân tích của Gs. Phan Huy Lê “về sử học thuần túy, đó là thời kỳ mà nền sử học Macxít đang hình thành, nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức buổi đầu là không tránh khỏi”.
Với lịch sử, di sản vĩ đại nhất của mỗi triều đại chính là chiến thắng chống ngoại xâm, giành lại cái quý giá nhất cho mỗi dân tộc, đó chính là nền độc lập. Triều Vua Quang Trung rất ngắn nhưng đã hai lần đại thắng quân Xiêm và quân Thanh nên Lịch Sử VN đã coi Nguyễn Huệ là anh hùng dân tộc. Với Nhà Nguyễn, ban đầu, vì tránh sự truy sát của Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn Hoàng đã dạt xuống phía Nam để tồn tại. Quá trình đó đồng thời đã mở mang bờ cõi đất nước bằng biết bao mồ hôi và máu của con dân Việt, nên công trạng mở cõi thuộc về nhân dân. Nhưng rồi chính Nhà Nguyễn lại ký hiệp ước làm cái cớ cho Pháp xâm lược, và 1887 đã làm mất nước. Đến thời Bảo Đại thì Nhà Nguyễn không chỉ làm mất nước mà còn có tội lớn, đã là quân bài cho hết Pháp đến Nhật, rồi lại Pháp lập ra các chính thể bù nhìn cai trị dân ta, làm máu của dân ta đổ thêm thành sông trong công cuộc giành lại nền độc lập! Lịch sử khách quan là vậy. Có lẽ nào lại như lời ông Tương Lai và ông Phan Huy Lê nghĩ như trên?
Đặc biệt, việc lật sử không chỉ có vài người đã nhắc ở trên, đã có cả một hệ thống. Như “đời đầu” có Dương Thu Hương đã “khóc như cha chết trong ngày chiến thắng”; có Bùi Tín mà có người đã ví như "miếng giẻ chùi máu giày quân xâm lược"; gần đây có Cù Huy Hà Vũ cho VN xâm lược Cămpuchia; Trần Mạnh Hảo ca ngợi Phát xít Nhật; Lập “què” (Nguyễn Quang Lập) ca ngợi địa ngục trần gian của Mỹ-Ngụy; Huy Đức (San “Vẩu”) ca ngợi VNCH cho thực chất “Miền Nam “văn minh, giầu có” đã chiến thắng Miền Bắc “nghèo nàn, lạc hậu”; Chu Hảo, Nguyên Ngọc ca ngợi Huy Đức xuyên tạc lịch sử; v.v… Họ quả là những tay anh chị khét tiếng trong giới giang hồ. lưu manh chính trị. Gần đây, thật là e ngại khi có cuộc "đồng khởi" của những người "lật pháp", khi họ đưa Kiến nghị thay Hiến Pháp, trong đó cũng có ý lật sử, khi họ phủ nhận công ơn của Đảng, Bác!
Xã hội VN hôm nay rất cần sự phản biện chính xác như một bệnh nhân cần được tìm ra những căn bệnh để điều trị, để khỏe mạnh, để phát triển! Còn những tay anh chị giang hồ, lưu manh chính trị thì tuyệt đối không cần, bởi chúng chỉ muốn giết chế độ để đất nước loạn, chứ đất nước không thể lên “thiên đường” như sự ngu xuẩn của chúng ảo tưởng.

TP HCM
12-4-2013
ĐÔNG LA