VIẾT THÊM VỀ TÌNH BẠN, TÌNH NGHĨA, CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NGÀY 19-8
Hôm nay là ngày 19-8, tôi có câu chuyện tình bạn-tình nghĩa liên quan đến ngày này nên lại viết tiếp câu chuyện về tình bạn-tình nghĩa.
***
Trước hết về cặp đôi Nguyễn Quang Thiều-Trần Đăng Khoa, cả hai đều từng thể hiện thái độ rất trân trọng quý mến tôi, nhưng rồi lần lượt, tôi đều có sự ứng xử ngược lại đối với họ. Theo tinh thần của băng nhóm, bè cánh thì tôi đúng là một “thằng đểu”, thằng “phản bạn bè”.
Khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước, một hôm anh Thái Thăng Long bảo tôi: “Có thằng Nguyễn Quang Thiều làm biên tập thơ ở Báo Văn Nghệ, tao sẽ viết thư giới thiệu mày gặp nó, có bài thì gởi đăng”. Theo lời anh Long, tôi đã ra HN, gọi điện thoại cho Thiều. Thiều hẹn gặp tôi ở quán cà phê nhỏ bên đường phía đối diện với Báo Văn Nghệ. Đúng giờ, Thiều gặp tôi, nói câu đầu tiên đúng là làm tôi ấm lòng: “Biết anh ra, vậy mà không đi đón anh được, tiếc quá!”
Từ đó, bắt đầu một mối “thiên tình sử bạn bè” giữa tôi và Thiều. Hồi ấy, Thiều đã được giải thưởng trong cuộc thi truyện ngắn, và đặc biệt, có tập thơ còn được giải thưởng của Hội Nhà Văn VN, nên đã rất nổi tiếng, ngang với Trần Đăng Khoa, nhưng được mọi người quý mến hơn. Được một người như vậy quý trọng mình tôi không thể không xúc động. Còn tôi kể ra cũng ghê gớm, được giải thưởng thơ trong cuộc thi của HNV TPHCM, tuy nhỏ nhưng đặc biệt là người “phát hiện” và đề nghị chính là Chế Lan Viên, mà hồi ấy dù đã về hưu, uy danh của ông vẫn như một vị giáo chủ của nền thơ VN, đến Tố Hữu cũng rất quý trọng ông. Về văn xuôi, tôi có truyện ngắn khi nhờ Nguyễn Khải, người được ví như CLV trong văn xuôi, nhận xét, ông bảo: “Cả đời viết, may ra mới viết được vài cái như thế này”; lần hai tặng ông tập sách truyện thiếu nhi, ông bảo: “Tính đọc để dỗ giấc ngủ, nào ngờ đọc đi rồi lại phải đọc lại”. Có điều, khả năng của tôi còn “trong vòng bí mật”, chỉ những người trong cuộc mới biết. Hồi ấy, tôi lại ở Viện Công nghiệp Dược, làm việc nghiên cứu KH, không ở ngành báo chí, xuất bản; tính tôi lại bất cần đời, “không lụy thằng nào”, lại dân “Bắc kỳ” ở SG; nên vì vậy mà tôi không được lăng xê, người ở SG còn ít biết thì ngoài Thủ đô ai biết. Thiều ngoại giao bề ngoài rất khéo léo nhưng cũng rất khinh người, đến nay tôi vẫn không hiểu lúc đầu gặp tôi Thiều đã rất thân tình thì vì cái gì? Sau đó, tôi viết một loạt tác phẩm, còn “đánh vỗ mặt” Trần Mạnh Hảo chê cách làm thơ của Thiều để bảo vệ Thiều thì Thiều càng tỏ ra quý trọng tôi . Thiều hay bảo “Với cái đầu của ông thì…”. Vì thế, mỗi lần tôi ra Bắc, Thiều đều chở tôi bằng xe máy về nhà ở Hà Đông, để tôi ăn ngủ dầm dề, còn tổ chức gặp bạn bè, tiệc tùng.
Rồi đến ngày xuất hiện bài viết và cuốn sách “Ngày Văn Học Lên Ngôi” của Đỗ Minh Tuấn chê văn học kháng chiến chỉ là thứ công cụ, như “dây dẫn”. Nhưng điều khiến tôi chú ý là ông Tuấn lại mang triết học và vật lý lý thuyết ra “doạ thiên hạ”, coi đám nhà văn như chỗ không người. Đúng là thời thế tạo anh hùng, tôi đã ra tay viết một bài gởi cho TC Văn nghệ QĐ. Đại tá Hồng Diệu, Trưởng ban Lý luận Phê bình, thấy bài của tôi đúng như người sắp chết đuối vớ được phao. Dù tôi còn lạ hoắc, anh đã đăng ngay bài của tôi, cuối năm còn trao tặng thưởng hàng năm. Sau đó, lần đầu, tôi và anh trai đến thăm tạp chí, gần chục ông đại tá nhà văn đã xúm lại đón tôi. Nhà văn Nam Hà ôm chầm lấy tôi: “Đông La đây à?!”; Nhà thơ Anh Ngọc: “Đang ăn, đọc bài của ông hay quá, rơi cả đũa!”; còn anh Hồng Diệu thì từ đó đã thân tình với tôi như anh em.
Cũng chính từ chuyện đó mà một lần Nguyễn Hữu Sơn, ở Viện Văn, nói với tôi: “Tôi với Trịnh Bá Đĩnh qua chuyện trò với Trần Đăng Khoa, biết ông đồng hương Hải Dương, Khoa muốn mời ông đến nhà chơi đấy”. Thế là tôi theo Nguyễn Hữu Sơn đến nhà Khoa, còn ở khu Lý Nam Đế, chơi. Khoa tiếp chúng tôi rất thân tình, còn mời cơm, nhưng chúng tôi ăn rồi. Tôi còn nhớ Khoa dẫn tôi đi xem phòng ở, khoe cánh cửa làm bằng một loại gỗ “tốt lắm!”
Rồi, đúng là oái oăm, Trần Đăng Khoa đã dần thể hiện thái độ của một “ông kễnh”, viết nhiều chuyện, sau thành cuốn “Chân dung và đối thoại”, đặc biệt Khoa đã viết bài chê Truyện ngắn hay nhất “Mùa hoa cải ven sông” của Nguyễn Quang Thiều, cho là “đạo văn”. Vậy là, giữa Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa tôi buộc phải chọn 1, và tôi đã chọn Thiều. Tôi đã viết bài “đánh” Khoa để bảo vệ Thiều. Dù vậy, tôi cũng rất áy náy, có viết một câu xin lỗi Khoa thế nào đó. Thiều dậm doạ: “Ông… Một cái đầu như ông thì không được phép xin lỗi Trần Đăng Khoa như thế!” Còn với Trần Đăng Khoa thì qua bạn bè tôi biết, Khoa bảo: “Không ngờ thằng Đông La đểu thật. Mình tiếp nó thế mà nó lại chơi mình!”
Tôi không phải là cục đá, nên với Trần Đăng Khoa thú thực là tôi luôn day dứt. Rõ ràng với tình riêng, Khoa đã đối xử tốt với tôi, cả sau đó còn gặp nhau vài lần, Khoa cũng thân tình như vậy. Khổ nỗi, Khoa cứ nói, viết lăng nhăng nhiều quá, như về Trung Quốc, về Hồ Duy Hải, về “ông Tùng, ông Thệ”… Vì vậy, với sứ mệnh của một người cầm viết, dù không muốn, tôi vẫn viết về những cái sai không thể chấp nhận được của Trần Đăng Khoa.
Còn với Nguyễn Quang Thiều, tôi đã thân thiết khoảng vài chục năm, chỉ những năm gần đây, khi Thiều dần thể hiện rõ con người mình, tôi cũng buộc phải viết chống lại những cái sai của Thiều, với tâm trạng y như khi viết về Khoa.
***
Liên quan đến ngày 19-8, tôi có một bạn học thời đại học.
Một hôm, tôi nhận được điện thoại từ văn phòng HNV TPHCM:
-Có phải anh Đông La không ạ, anh có anh bạn tên là… là GS Luật ở bên Đức phải không?
-Tôi có thằng bạn… đi buôn ở Đức chứ không phải GS.
-Anh… cũng đi buôn, nhưng giờ anh ấy cũng thành GS rồi, anh ấy đã về nước, hẹn gặp anh ở…
Tôi đến chỗ hẹn thì thấy đúng là thằng bạn thật. Nó thuộc “con ông cháu cha”, hồi học vì chuyện gia đình thế nào đó nó chán học, thể hiện như một sinh viên cá biệt, nhưng có tài lẻ đánh guitar cổ điển rất hay. Có lẽ vì thấy tôi cũng khác thường nên nó quý tôi ngay từ thời đó. Không ngờ, bây giờ nó đúng là GS Luật thật, còn dạy ở đại học, và tính về nước luôn. Hồi đó, tôi viết chống “dân chủ giả cầy” nhưng lại được đăng nhiều trên Talawas ở Đức của Phạm Thị Hoài, tôi cũng không ngờ thằng bạn tôi lại rất chú ý.
Về nước, thằng bạn tôi thể hiện lối sống của người rất nhiều tiền, nó được mời diễn thuyết ở các nơi về luật quốc tế, về hội nhập, về sở hữu trí tuệ. Hôm ở Hội Trí thức Yêu nước mà thầy chúng tôi là GS Chu Phạm Ngọc Sơn làm Chủ tịch, ông giới thiệu: “Trước đây, tôi có vinh dự làm thầy anh… Nay rất mừng, ở lĩnh vực này thì anh trở thành thầy…”.
Tôi không hiểu sao thằng bạn lại quý trọng tôi hơn xưa rất nhiều, sáng nào cũng rủ ăn sáng, uống cà phê ở cái quán sang trọng trên đường thuộc Quận 3, gần biệt thự nhà ông Lê Thanh Hải; thỉnh thoảng lại tiệc tùng; đi Đức về thường có quà. Nó bảo tôi “đọc BBC Tiếng Việt đi, hay lắm”. Một lần nó còn tổ chức tiệc cho tôi gặp thằng Nguyễn Giang, Trưởng Ban Việt Ngữ BBC, có mặt cả thằng Lê Công Định. Nó bảo “viết cho BBC được nhiều tiền lắm”, “có ông ở Canada bảo về nước thì chỉ cần gặp hai người, một là Đông La”, rồi “Nếu mày viết theo hướng… thì mày hoàn toàn có thể đoạt Nobel đấy”, v.v…
Với bạn bè thân thiết, tình cảm đúng là đã làm nhoè lý trí của mình, thằng bạn đã thể hiện những điều bất thường, nhưng cũng như với Nguyễn Quang Thiều, tôi thật khó có thể cho thằng bạn mình là một kẻ xấu, mẹ nó hồi trong rừng còn làm sếp ông Nguyễn Minh Triết cơ mà. Khi lấy vợ, bố vợ nó còn là chỗ thân tình cả với cỡ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt!
Nhưng rồi đến một sáng, cũng tại quán cà phê gần biệt thự nhà ông Lê Thanh Hải, nó kêu hai ly cà phê Capuchino, rồi nói với tôi:
-Ngày 19-8 theo luật quốc tế là ngày đảo chính bất hợp pháp chứ không phải là ngày cách mạng Hùng ạ.
Tôi trợn tròn mắt:
-Tao không ngờ, trong số bạn bè của tao lại có thằng ngu như mày!
Tôi còn văng tục một câu nữa rồi mới bỏ về, chưa kịp uống ly Cà phê Capuchino thơm phức, và từ đó tuyệt giao luôn với thằng bạn.
19-8-2023
ĐÔNG LA