LẠI NÓI VỀ QUAN HỆ VIỆT-MỸ
Khi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã đến Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, v.v… Sau Cách mạng Tháng 8 -1945, Bác viết Tuyên ngôn Độc lập, trích dẫn Hiến pháp Mỹ, Pháp, viết thư cho TT Mỹ. Như vậy, tư tưởng của Bác đã dựa vào những giá trị tốt đẹp nhất mà cả nhân loại công nhận, vượt qua ranh giới thô thiển, sai trái về ý thức hệ, của cuộc Chiến tranh Lạnh. Những ngày hôm nay, ông Joe Biden, một vị Tổng thống của Mỹ, nước từng điên cuồng chống Chủ nghĩa Cộng sản, lại nhận lời mời thăm VN của ông Nguyễn Phú Trọng, TBT ĐCSVN. Nghĩa là quan hệ Mỹ-Việt đã và đang đi theo chính ánh sáng của tư tưởng HCM. Ngược lại, ĐCS không còn lãnh đạo nước Nga, nhưng Mỹ và NATO vẫn chống Nga. Như vậy, chủ nghĩa bá quyền và lòng tham mới chính là nguyên nhân chính khiến thế giới bất ổn và xảy ra chiến tranh.
VN đã trải qua khoảng 130 năm chiến tranh với Pháp rồi đến Mỹ, hiểu rất rõ giá trị của cuộc sống thanh bình hôm nay, chúng ta càng phải hiểu những nguy cơ, để làm sao VN tránh bị lôi vào những cuộc tranh giành quyền bá chủ của các cường quốc. Vì vậy, quan hệ ngoại giao của một quốc gia không phải như quan hệ cá nhân thích thì chơi, không thì thôi. Một thời bế quan toả cảng, VN ta đã bị đẩy đến bờ vực sụp đổ, lạm phát hơn 800%. Nền khoa học công nghệ của VN bây giờ xem chừng làm được nhiều thứ, nhưng giả sử ta bị cấm vận như Nga bây giờ thì ta sẽ không làm được gì cả. Vì vậy, máu vĩ cuồng, anh hùng rơm chỉ là thói sĩ diện ngô nghê, tai hại. Biết người, biết ta để ứng xử phù hợp với các nước mới là điều quan trọng nhất. Vì thế, cả Mỹ và TQ đều có những điều còn không tốt với VN, nhưng VN vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai. Riêng Mỹ vẫn ủng hộ, khuyến khích, dung dưỡng những tổ chức, cá nhân chống Nhà nước VN, nhưng hôm nay, TT Biden vẫn đang được các Lãnh đạo VN tiếp đón trọng thể, thân tình nhất.
Còn tôi thì bây giờ muốn đăng lại tiếp bài này, nhân chuyến thăm VN của TT Mỹ Joe Biden.
10-9-2023
ĐÔNG LA
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm VN với nhiều mục đích, trong đó có chuyện sáng 15/4 dự khởi công xây dựng khu phức hợp Đại sứ quán mới của Mỹ giá 1,2 tỷ USD tại Hà Nội. Có một điều tôi luôn âu lo là lời của ông ngoại trưởng cũng như chính sách ngoại giao của Mỹ với VN giữa lý thuyết và thực tế, giữa lời nói và hành động vẫn có những chuyện mâu thuẫn nhau. Cũng như quan điểm xuyên suốt của mấy đời tổng thống Mỹ, kỳ này, ông Blinken cũng nói: “Chúng ta tôn trọng hệ thống chính trị của nhau” (theo VietNam.net, 16-4-2023). Nhưng thực tế Mỹ lại luôn ủng hộ, khuyến khích, bảo vệ, dung dưỡng những cá nhân và tổ chức chống “hệ thống chính trị” của Việt Nam. Trong những vụ án Việt Nam xét xử những đối tượng có hành động chống “hệ thống chính trị” VN thì Mỹ lại cho VN vi phạm nhân quyền và tự do dân chủ, yêu cầu VN không xét xử họ.
***
Hiện tại, quan hệ với Mỹ rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của VN. Và không chỉ có lợi ích về kinh tế mà quan điểm của Mỹ chống sự bành trướng của TQ ở Biển Đông cũng tối cần thiết đối với VN hiện nay.
***
Rắc rối ở chỗ hiện Mỹ và Nga lại đang đối đầu nhau khi Nga tấn công Ukraina, trong khi quan hệ với Nga không chỉ quan trọng đối với VN mà còn có cả một quá khứ nặng ân tình, ân nghĩa. Nga, mà tiền thân là Liên Xô, từng là đại ân nhân, từng viện trợ cho VN các loại vũ khí, yếu tố quyết định đã giúp VN chiến thắng trong Cuộc Kháng chiến Chống Mỹ. Như vậy lịch sử ngoại giao lại được lặp lại, VN buộc phải khôn khéo chơi với cả hai nước lớn là Mỹ và Nga đang chống đối nhau, như từng chơi với Liên Xô và Trung Quốc trước đây.
***
Năm ngoái (2022), trước thềm Hội nghị ASEAN - Mỹ, chiều 11/5 (giờ Washington D.C), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS). Về cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraina, ông nói: “Liên quan đến tình hình Ukraine, lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực”.
Như vậy, tại Thủ đô Washington của Mỹ, nước đứng đầu NATO, đang giúp Ukraina vũ khí chống Nga, TT Phạm Minh Chính đã thể hiện sự không ủng hộ hành động quân sự của Nga. Có điều ông chỉ nói chung chung. Đó chính là quan điểm của VN không đồng tình không chỉ với Nga mà với tất cả các cuộc xâm lược, mà nhìn xa hơn trong quá khứ, đã có nhiều hành động tương tự trước Nga, thậm chí tệ hại hơn, bởi là các cuộc xâm lược phi nghĩa, trong đó có VN là nạn nhân.
Về phía Nga, trong cuộc gặp giữa TT Putin và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tại Điện Kremlin, ngày 26-4-2022, khi ông Antonio Guterres cho rằng theo Hiến chương Liên hợp quốc: “tôi tin rằng đã có một cuộc xâm lược vào lãnh thổ Ukraine”, ông Putin cho rằng Nga đã làm theo “tiền lệ” như chính Mỹ và Phương Tây đã làm ở Kosovo (khi tuyên bố độc lập khỏi Serbia). Nguyên nhân sâu xa hơn của cuộc tấn công của Nga khởi nguồn chính là từ Cuộc biểu tình Euromaidan ở Ukraina bắt đầu vào đêm 21 tháng 11 năm 2013 lật đổ chính phủ Ukraina thân Nga với sự ủng hộ của Mỹ và Phương Tây. Từ đó, Ukraina không chỉ chống Nga mà chống cả Liên Xô, tức chống lại lịch sử của chính mình, phục hồi tư tưởng phát xít, xin vào NATO, vượt qua “lằn ranh đỏ” mà Nga đã cảnh báo, và đó chính là “giọt nước đã làm tràn ly”.
Chính vì vậy, dù không ủng hộ Nga tấn công Ukraina, nhưng khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 07/04/2022 đã đưa Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã bỏ phiếu chống. Trước đó, cuộc bỏ phiếu “Lên án Nga xâm lược Ucraina và yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh” cũng do Đại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tổ chức ngày 02/3/2022, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng.
Như vậy, hai thái độ ngược nhau ở VN: chống Mỹ và NATO, bênh vực Nga theo kiểu Hồng Vệ binh; hoặc trở cờ, phản bội, theo Mỹ chửi Nga xâm lược; cả hai đều không đúng với quan điểm chính thống của Nhà nước VN.
***
Trong chuyến thăm lần này, ông Blinken cũng nói một điều rất quan trọng khiến những ai có tầm nhìn xa phải băn khoăn : “…mong muốn đưa mối quan hệ đối tác này (giữa Việt Nam và Mỹ) lên một tầm cao hơn nữa”. Hiện tại, Việt Nam và Mỹ đã có quan hệ đối tác toàn diện, vậy nâng tầm quan hệ cao hơn nữa thì chỉ có thể là quan hệ ở tầm cao nhất, chính là đối tác chiến lược!
Đúng như ông Blinken nói: “Đặc biệt là trong 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện… mang tới tác động tích cực với đời sống của cả người dân Mỹ và Việt Nam”. Vì vậy, theo logic, nâng quan hệ VN-Mỹ lên tầm chiến lược tất nhiên sẽ tốt hơn nữa cho VN. Có điều nhìn vào thực tế, Goocbachov năm xưa cũng từng muốn có quan hệ tốt đẹp giữa Liên Xô và Mỹ, hôm nay Zelensky cũng muốn Ukraina theo Mỹ, vào NATO, những tưởng cuộc sống hai nước sẽ vững mạnh và sung sướng hơn, nhưng Liên Xô đã tan vỡ, còn Ukraina là một mảnh thì hiện đang đánh nhau với mảnh khác là Nga!
***
So sánh với Ukraina, trước nữa là Liên Xô, Việt Nam cũng có nhiều yếu tố mất ổn định mà chính người đứng đầu thể chế là TBT Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói đến “nguy cơ tồn vong”.
VN cũng có các cá nhân, hội nhóm nhân danh đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ mà Mỹ ủng hộ. Họ chống lại lịch sử cách mạng, chống lại hệ thống chính trị, chính là những kẻ trở cờ, phản bội ở đủ các lĩnh vực chính trị, văn chương, báo chí, lịch sử ở VN.
Về chính trị, đỉnh cao là nhóm 72 trí thức đã đưa Kiến nghị dựa theo khuôn mẫu của Mỹ và phương Tây đòi thay thế Hiến Pháp, xóa bỏ sự hiến định quyền lãnh đạo của Đảng, tách quân đội và công an khỏi Đảng, thay đổi chế độ! Về Lịch sử, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, v.v… đã đổi mới bằng cách ca ngợi Nguyễn Ánh, Phan Thanh Giản, Petrus Ký …, cho các tấm gương của các anh hùng liệt sĩ như Lê Văn Tám chỉ là hư cấu, Võ Thị Sáu chỉ là tuyên truyền, v.v… Với lĩnh vực văn chương, báo chí, Dương Thu Hương từng bịa đặt ngày 30-4-1975 mình có mặt ở Sài Gòn, đã khóc như cha chết vì thấy phe chiến thắng của mình chỉ là một đội quân man rợ, đã viết sách ám chỉ thể chể VN chỉ là “Những thiên đường mù”; Bùi tín viết “Mặt thật”; Vũ Thư Hiên viết “Đêm giữa ban ngày”; Bảo Ninh đã nhai lại cái tứ của “chị Hương” viết “Nỗi buồn chiến tranh”; Nguyễn Huy Thiệp trong một lần sang Thụy Điển, đã tuyên bố: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”, đã viết văn cho Nguyễn Huệ chỉ là giặc cỏ, “Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả” ; Huy Đức (San “hô”) viết “Bên thắng cuộc” cho Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc; Nguyễn Quang Thiều từng viết “cố hương” của mình “mê mẩn và lạc đường/ Trong những cánh rừng đầy quỷ”, làm thơ cho người dân Việt chỉ những người mù mới không bị lạc đường, trong bài “Hội giả trang”, cho xã hội VN là xã hội của “những tay phù thủy cao tay”, " giả trang bằng chính mặt mình”; v.v… Tất cả họ đều có tư tưởng mê cuồng Mỹ và phương Tây, và chống TQ. Nếu lực lượng này thắng thế trong hệ thống chính trị VN thì VN sẽ rất giống Ukraina, và TQ đối với VN cũng sẽ giống Nga đối với Ukraina hôm nay!
***
Nhìn xa thì tôi lo nhất là Mỹ không bao giờ từ bỏ tham vọng bá quyền mà đối địch chính là Nga và TQ. Mỹ rất muốn VN trở thành một mắt xích trong vòng vây TQ gồm Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Philipin,…, cũng như muốn Ukraina đối với Nga vậy. Với tranh chấp biển Đông thì ta rất cần mối quan hệ với Mỹ để đối trọng với Trung Quốc, nhưng ta theo Mỹ chống TQ luôn như Ukraina chống Nga thì sẽ là đại tai hoạ. Vì vậy VN hiện tại cũng như tương lai cần các nhà lãnh đạo tài năng, khôn khéo, bản lĩnh, còn mắc mồi Mỹ câu như Goocbachov thời LX hoặc như anh hề ở Ukraina hôm nay thì tan nát hết.
Khôn khéo, bản lĩnh chính là điều làm sao để VN quan hệ tốt đẹp với Mỹ, nhưng phải giữ vững được độc lập, tự chủ, giữ vững, kế thừa và phát huy được những phẩm chất đã từng giúp VN chiến thắng trong chiến tranh, đứng vững và phát triển, đạt được vị thế trên trường quốc tế như hôm nay, chứ không phải như bọn trở cờ, phản bội, muốn làm tay sai cho Mỹ, ảo tưởng, há miệng chờ sung, mong Mỹ và phương Tây đổ sung sướng vào mồm!
19-4-2023
ĐÔNG LA