Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

TÂM SỰ CHÚT CUỘC ĐỜi VÀ ĐĂNG TIẾP THƠ NHÂN NGÀY GIỖ MẸ

 TÂM SỰ CHÚT CUỘC ĐỜi VÀ ĐĂNG TIẾP THƠ NHÂN NGÀY GIỖ MẸ




Nhà tôi hơi khác thường, có bữa tôi nấu hết, có bữa bà xã nấu hết, như cuối tuần nhà ăn tươi bả nấu bún bò Huế chẳng hạn. Nhưng hôm nào có việc, để bả làm thì cực, thì chính tôi lại ra tay, mà tôi đã làm thì làm hết, có người khác xen vào tôi khó làm. Hôm nay giỗ mẹ cũng vậy. Làm một mình thì tôi phải chuẩn bị từ hôm qua, mua hoa, quả, rau, đậu, chuẩn bị cho bàn thờ cúng chay; còn vợ, con, cháu ngoại thì tôi sẽ đãi hai món: hàu nướng phô-mai hành phi và ngan (vịt xiêm) nấu chao. Để hạn chế tối đa ăn tinh bột nên món vịt nấu chao tôi nấu với củ cải trắng, chỉ có vịt, chao, củ cải và các gia vị thông thường như hành, tiêu… không hiểu sao nhiều người ăn khen ngon. Có lần cô em dâu, vợ của em vợ, bảo : “Anh Hùng cho cái gì vào mà ngọt thế?” Tôi trả lời: “Thì chỉ có vịt, chao, củ cải với gia vị bình thường thôi, chứ có gì đâu”! Có lẽ nêm vừa miệng là bí quyết quan trọng nhất!
Trưa nay, cúng xong, cả nhà vui vẻ ăn uống, còn tôi thì ngồi vui là chính, đơn giản là vì khi nấu phải nếm nên ngang dạ, ít muốn ăn. Nhớ lại mẹ tôi trước kia cũng vậy, nấu xong những bữa tiệc, bà ngồi nhìn con, cháu ăn là chính.
***
Nay giỗ mẹ, tôi cũng đã bước vào tuổi già, vài năm nữa cũng sẽ 70, “xưa nay hiếm”, ngẫm lại thấy cái cuộc đời đúng là có số. Mà cái số của cuộc đời tôi đúng là kỳ lạ, mọi chuyện cứ “nghĩ một đằng, xảy ra một nẻo”, hoàn toàn theo sự xếp đặt của số mệnh, hoàn toàn bất ngờ, thậm chí ngoài cả sự tưởng tượng của tôi. Thực tế, tôi thích khoa học tự nhiên, muốn làm công việc nghiên cứu, có mơ ước thật lãng mạn là “để lại cái gì đó cho đời”. Vào đời, tôi đã làm công việc nghiên cứu khoa học tự nhiên thật, nhưng lại bỏ công chức, rồi sinh sống chính bằng những kết quả nghiên cứu của mình; rồi không ngờ, đúng là tôi hoàn toàn không có một chút kiến thức văn chương nào do học hành cả, nhưng tôi đã trở thành nhà văn, đã viết được tất cả các thể loại, từ sáng tác văn, thơ, đến viết phê bình, lý luận. Theo lẽ thường, với cái tính “bất cần”, “không chịu lụy đứa nào”, tôi được vào Hội Nhà Văn TPHCM thôi cũng khó, chứ nói gì được vào Hội Nhà Văn VN. Không phải do tiêu chuẩn tài năng mà do có quá nhiều điều còn chưa công minh của các mối quan hệ còn mang nặng cái “gen” nông dân và phong kiến của xã hội VN. Nhưng rồi một hôm, chính Chế Lan Viên bảo tôi vào “Hội Nhà Văn Thành phố” đi, mà uy danh cỡ Chế Lan Viên như một vị giáo chủ giới thiệu thì tôi làm sao mà trượt được. Rồi sau một thời gian rất dài, tôi viết chính luận như điên, vạch mặt những cái sai, cái xấu, cái ác của những kẻ bất tài, thất đức, phản trắc, với mục đích “góp ý cho nhà nước” là chính. Không ngờ, nhiều ý của tôi đã được chú ý và giải quyết, dù rằng còn nhiều ý thì chỉ như “đàn gảy tai trâu” thôi. Đặc biệt có chuyện thú vị là có ngày, lãnh đạo Hội Nhà Văn VN có nhiệm vụ phải in một cuốn sách của tôi, rồi tôi được 1 vị trong Ban Chấp hành gặp, khuyên tôi viết đơn vào Hội Nhà Văn VN, y như chuyện kết nạp tôi như là một nhiệm vụ của Hội vậy.
Vì vậy, nhiều khi viết cũng mệt nhưng tôi vẫn viết. Tôi nói với bà xã: “Bà biết tại sao tôi viết không? Tự dưng tôi viết được hết mọi cái, nghĩa là Thiên phú đấy, nghĩa là tôi có sứ mệnh phải viết”.
Làm giỗ mẹ xong rồi, thảnh thơi đăng tiếp mấy bài thơ không chỉ viết về mẹ mà về tất cả các mẹ VN anh hùng, về quê hương đất nước. Bài “Những nhịp cầu”, Nguyễn Quang Thiều gọi: “Ông Thỉnh khen thơ ông đấy, ông ấy bảo Thiều bảo Đông La dự thi kỳ này đi”. Tôi đã làm chùm thơ dự thi, trong đó có bài “Cánh đồng quê”, đăng lên, lão Nhà thơ Hải Như gọi: “Nếu tôi có quyền, tôi sẽ cho anh giải nhất. Thơ anh hiện đại, đã đạt được sự giản dị”. Anh bạn TS tên Dung, trưởng khoa ở trường “Nhân Văn” nói trước mặt tôi, không ngờ trùng ý Hải Như luôn: “Đọc thơ anh, em không còn đọc được của ai. Thơ anh hiện đại, đã đạt được sự giản dị”.

16-9-2023
ĐÔNG LA

BIA MÒN

Nghĩa trang mẹ thường đến thăm con
Khắc trong tim hình dáng ấy mãi còn
Có phải thời gian trôi mòn bia đá?
Hay bia đá mòn bởi nước mắt mẹ tuôn?

NHỮNG NHỊP CẦU

Cong cong như lưng ong
Cong cong như lưng tôm
Như mẹ tôi
Như ông nội tôi
Như Tổ Tiên tôi
Những nhịp cầu
Trên bao cánh đồng quê
Không phải bằng sắt thép bê tông
Những nhịp cầu xương thịt
Không phải để dòng sông chảy qua
Mà máu chảy
Không phải để xe cộ đi qua
Mà lịch sử đi qua
Trên đó có bước đi của nền văn minh
Có bước đi của vinh quang
Cuộc sống đã với tới những tầm cao nhất
Luôn ở tầng thấp nhất những nhịp cầu.
TP.HCM 7-1998

CÁNH ĐỒNG QUÊ

Dường như không phải ở nơi Tạo Hóa đặt ngày tạo Thiên lập Địa
Mà ở tận cùng sâu thẳm của ký ức
Nơi mây bông đêm đêm vẫn lót đệm ta nằm
Những hạt mưa mát lành vẫn tắm gội tuổi thơ ta trong những giấc mơ sâu
Nơi có đêm trăng mười sáu ta đã bất chợt được chiêm ngưỡng một vầng trăng khác cũng tròn mười sáu
Em tắm sông hay là em tắm trăng?
Những giọt trăng lung linh đậu trên mịn màng da thịt
Đêm mỏng manh không che được nữa rồi
Em chưa biết hay quên mình đã là mười sáu?
Để ta sững sờ sau bụi cây thưa
Để ta một đời tơ tưởng mộng mơ
Ôi cánh đồng quê!
Ta nhớ xiết bao con đường ghồ ghề sau làng gồng lưng cõng những dấu chân nhọc nhằn cấy cày khuya sớm
Những số phận dầu dãi trong nắng lửa mùa hạ, trong gió bấc mùa đông
Người thì nhẹ mà nỗi lo thì quá nặng
Đất như bị lột da vẫn không kịp cho những vụ chiêm mùa
Những vụ mùa xếp hàng chờ nhau đến lượt
Không ủ ấm được bao cuộc đời bao số phận mong manh
Khi những đám mây như bị phơi khô trong mùa hạn hán
Mặt đất cũng bị nghiêng cho mùa nước lụt tràn đê...
Ôi quê hương!
Đã bao thế hệ sinh ra như chỉ để bất hạnh
Cả cuộc đời ông lang bạt kỳ hồ vẫn không ra khỏi những cuộc chiến triền miên
Cuộc đời cha cũng nằm gọn trong dai dẳng nỗi nghèo đói
Tuổi thơ con lăn lóc trong lam lũ nhọc nhằn
Những con chữ cũng bị đói lây trong giờ lên lớp
Ngón chân tím bầm suốt mấy mùa đông
Ôi, nếu cuộc đời có số phận thì số phận của mỗi người chính là số phận của đất nước
Dường như ta đã trải qua cả mấy cuộc đời
Đã từ bỏ được điều lặp lại nghiệt ngã
Đôi chân lấm bùn rong ruổi khắp đó đây
Những cung điện nguy nga đền đài hùng vĩ
Những hành lang dát vàng, căn phòng dát vàng...
Nhưng sao vẫn cháy lòng đêm đêm nỗi nhớ
Nỗi nhớ về một vùng đất rách nát và ẩm mốc
Cánh đồng quê!
Sao là cánh? Sao là đồng? Sao lại Chùa Mô, Đằng Miều, Con Cóc?
Những cái tên lạ lùng đã khắc dấu hồn ta
Nhớ vệt bùn hôm nao em làm ta lấm áo
Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê
Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ...
Ôi quê hương!
Ta yêu người xiết bao vẫn phải rời bỏ quê hương
Ta không thể mang theo con đường, dòng sông, gốc đa da trâu mài nhẵn thín
Ta cũng không thể mang theo đêm trăng âm vang tiếng cá quẫy
Nhưng ta vẫn tìm được cho riêng mình một cánh đồng quê
Ta đặt cánh đồng trong mơ, trong sách vở, trong suy tư
Giống như mẹ năm nao con trồng cây lúa
Nhưng con không bón phân gio mà bón những mảnh tri thức
Chúng không lớn lên trong nắng mưa mà lớn lên trong ý nghĩ của con
Những cây trái không trổ bông chỉ những suy nghĩ trổ bông
Đã kết tụ và theo về khắp chốn
Trên những nhịp cầu mênh mông chữ nghĩa
Từ một cánh đồng con đã đến được mọi cánh đồng
Ôi, có nơi đâu kỳ lạ như những cánh đồng Việt Nam
Tưởng như nước không phải là nước mà mồ hôi bao đời đọng lại
Đất không phải là đất mà thịt xương bao đời tạo thành
Mỗi ngọn cỏ gốc cây cũng rưng rưng huyền thoại
Nơi có những bà mẹ nghèo nàn nón lá áo tơi
Những bà mẹ tảo tần không một chữ cắn đôi
Lại sinh ra bác học, kỹ sư, nhà thơ, nghệ sĩ
Vóc hình mỏi mòn lại sinh những anh hùng tướng lĩnh
Bao trẻ trâu bết bùn đã đến bục vinh quang!
Ôi những bà mẹ anh hùng sớm tối lúa khoai!
Nhưng hạt giống của mẹ không chỉ mọc lúa khoai mà nảy lên cả tùng, cả bách
Những tuổi tên đã làm rạng danh đất nước
Đất nước của những cánh đồng quê!

Tp.HCM 12-1998
ĐÔNG LA