Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

VÀI CHUYỆN VỀ ĐẠO PHẬT NHÂN CHUYỆN ỒN ÀO Ở CHÙA BA VÀNG

 VÀI CHUYỆN VỀ ĐẠO PHẬT NHÂN CHUYỆN ỒN ÀO Ở CHÙA BA VÀNG

Đưa cô cháu ngoại đi và đợi nó tập thể dục xong ở sân vận động bỗng có tiếng chuông điện thoại, nghe thì biết là anh ở Biên Hoà từng chứng kiến và tham gia viết đơn đề nghị công nhận các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy bằng khả năng ngoại cảm, đã hy sinh khi vượt ngục ở Nhà lao Tân Hiệp Biên Hoà. Anh chào xã giao rồi hỏi tôi “có hay gặp anh Doanh không?” “Anh Doanh” chính là Tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4, người cũng từng viết đơn gởi ông Phùng Quang Thanh đề nghị công nhận hài cốt của những liệt sĩ tìm được bằng khả năng ngoại cảm, đã hy sinh trong trận Cần Lê (Tống Lê Chân, Tây Ninh), nếu không đúng, ông sẵn sàng chịu xử bắn trước toà án binh.
Như một sự xếp đặt kỳ lạ, tại sao một người 5-6 năm nay không gọi nay lại gọi, lại đúng vào những ngày dư luận đang ồn ào về chuyện xá lợi tóc của Đức Phật tự chuyển động ở Chùa Ba Vàng, khiến tôi nhớ lại một thời sôi động đã chứng kiến, trải nghiệm, và viết nhiều về những chuyện kỳ lạ liên quan đến tâm linh.
Chuyện ở Chùa Ba Vàng họ không chủ động nghĩ ra, mà theo bà Phạm Thị Yến, người ở Chùa Ba Vàng, bà đã chứng kiến xá lợi tóc Đức Phật chuyển động khi được sư thầy ở Myanmar cắm vào nến. Sau đó, sư thầy ở Myanmar đã trao xá lợi tóc cho sư phụ bà (ông Thích Trúc Thái Minh) cung rước về Chùa Ba Vàng để tổ chức cho Phật tử ở VN được chiêm bái.



Theo truyền thuyết, Phật Tổ đã nhổ 8 sợi tóc, ban cho hai anh em nhà buôn người Myanmar, họ đã mang về quê nhà, xây tháp để thờ cúng. Trải qua hơn hai nghìn rưỡi năm, 8 sợi tóc của Đức Phật vẫn được gìn giữ, trở thành bảo vật quốc gia. Các nhà sư chùa Shwemawdaw đã xây một bảo tháp cao 114 m để lưu giữ xá lợi tóc của đức Phật, được bao quanh bởi khoảng 5.000 viên kim cương. Các đỉnh chóp được dát vàng. Ngôi sao trên đỉnh tháp gắn viên kim cương 76 carats.
Hai vợ chồng tôi cũng từng được con trai dẫn đến Trung tâm Lưu giữ quốc gia Mỹ (Archives of The United States of America), nơi lưu giữ các văn bản gốc liên quan đến quá trình hình thành Bản Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp và sự đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Những văn bản mỏng manh, vàng úa theo thời gian được lưu giữ trong một toà nhà vĩ đại, tuyệt đẹp, được canh gác nghiêm ngặt. Chuyện chụp ảnh bị cấm vì ánh sáng đèn máy ảnh tác động xấu đến các văn bản. Vào gian chính để hiện vật, ánh sáng mặt trời cũng được ngăn lại mà được chiếu sáng bằng ánh sáng nhân tạo vàng mờ để ngăn tia cực tím.



Việc bảo quản xá lợi tóc của Đức Phật ở Myanmar chắc cũng nghiêm ngặt như vậy, nên thật khó có chuyện thỉnh được về Việt Nam trưng bày, ông Thích Trúc Thái Minh còn dùng tay để cầm nắm trực tiếp.
Nhiều người cũng chỉ ra có loại cỏ Pili, tên khoa học là Heteropogon contortus. Hạt của loại cỏ này có râu dài như tóc, khi bị ẩm nước nó sẽ chuyển động, một bản năng tạo hoá phú cho để nó có thể tự cắm được xuống đất, nảy mầm, duy trì nòi giống. Tôi từng có thời kỳ nghiên cứu về chất tăng trưởng thực vật, hiểu được cây cối mọc hướng về phía mặt trời, do ánh nắng chiếu phân huỷ chất tăng trưởng phần cây được chiếu sáng, phía ngược lại, chất tăng trưởng còn nguyên, giúp phần cây này phát triển hơn, sẽ làm cong cây hướng về phía ánh nắng. Còn cái râu của hạt cỏ Pili sau khi nhúng nước sẽ chuyển động y hệt chuyển động của “xá lợi tóc Đức Phật” được trình chiếu ở Myanmar và Chùa Ba Vàng.
Như vậy nếu Chùa Ba Vàng lừa đảo thì mấy ông sư thầy bên Myanmar cũng lừa đảo? Vì vậy, chuyện ở chùa Ba Vàng chắc các cơ quan chức năng phải vào điều tra để đưa ra kết luận thì mới có thể rõ ràng được.
***
Việc lợi dụng tôn giáo để lừa đảo trục lợi không chỉ bị phê phán mà cần phải truy tố. Nhưng người dân vì tin yêu, tôn kính Phật mà bị lừa thì không đáng trách, vì rất ít người biết có loại cỏ Pili. Thế nhưng vẫn có những kẻ diễu cợt, chê bai người dân mê tín. Kẻ thì ví von rất tục tĩu, cho rằng chỉ ngu mới đi vái lạy cái thứ giống như lông này, lông kia; kẻ thì cho rằng, dù là xá lợi tóc Phật thật đi chăng nữa thì 2600 năm có là gì khi các nhà khảo cổ còn tìm thấy hoá thạch côn trùng trong hổ phách có từ 500 triệu năm. Không phân biệt được giá trị của xá lợi Phật với hoá thạch con vật thì đúng là loại vô văn hoá, mất dạy hết nấc.
***
Mê tín là sự tin tưởng sai do mê mụ. Người ta thường cho những người nhẹ dạ, cả tin, ít học mê tín. Nhưng với lĩnh vực tôn giáo, tâm linh thì trong thực tế đến những trí trức, nhà thơ, nhà sư rất nổi tiếng cũng chưa chắc hiểu chính xác.
Ông nhà thơ khét tiếng Trần Mạnh Hảo từng viết: “Đức Phật mặc vải gai, đi chân đất, ăn mày vô minh của nhân loại”. Viết vậy, TMH đã hoàn toàn mù tịt, và nói theo Đạo Phật thì đúng là vô minh. Bởi Đức Phật ăn mày là ăn mày thực phẩm để sống, một phép tu xoá bỏ kiêu mạn đồng thời tạo phúc cho “thí chủ”, còn với vô minh, Đức Phật khi đắc Đạo, giác ngộ, đã vén bức màn vô minh cho nhân loại chứ không phải đi ăn mày vô minh!
Ông GS Nguyễn Lân Dũng trên VTV1 từng nói vì ông là một nhà khoa học nên ông cho rằng: “Chết là hết” và “không có luật nhân quả”.
Theo Đạo Phật thì chết không phải là hết, “Luật nhân quả” là tư tưởng trung tâm của Đạo Phật, nói vậy nghĩa là ông Nguyễn Lân Dũng không tin Đạo Phật. Có điều Đạo Phật không chỉ là giáo lý để truyền bá, tu dưỡng trong giới Phật tử mà nhiều tín điều còn là thực tế khách quan, được đời sống chứng nghiệm. Thậm chí có những lời Đức Phật nói về vũ trụ, về thế giới vi mô, sau hơn hai thiên kỷ rưỡi khoa học hiện đại mới phát minh. Chính hiện tượng ngoại cảm ở VN đã phần nào chứng thực khả năng lục thông được viết trong kinh Phật. Như vậy, ông Nguyễn Lân Dũng cũng là người mê tín, nhưng là mê tín khoa học.
Ngay trong giới tu sĩ cũng có những người rất nổi tiếng bị phản đối khi nói và viết như Thích Nhất Hạnh và Thích Nhật Từ.
Ông Tiến sĩ sư Thích Nhật Từ khi nói chuyện trước Phật tử, thỉnh thoảng sử dụng tri thức khoa học để thể hiện sự uyên thâm, nhưng khi giải thích chuyện tìm được hài cốt liệt sĩ thất lạc của các nhà ngoại cảm, ông ta nói là do hài cốt có trường sinh học. Tôi đã phản bác, nói vậy là nói ngược, là phản khoa học, bởi khi chết người ta không thể còn trường sinh học mà chỉ còn “trường tử học”, chính là thần thức, là linh hồn mà sự tồn tại cũng khó giải thích theo Đạo Phật.
***
Với Thiền sư Thích Nhất Hạnh có những trí thức dạng tinh ma ở VN cho là Phật sống nhưng thực tế ông từng có những quan điểm sai về chính trị, ông chống chiến tranh, nhưng chống tất, cả sự xâm lược lẫn cuộc kháng chiến giành lại nền độc lập. Có thể ông đúng ở trường tu, nhưng trường đời lại không giống trường tu. Nếu không có cuộc kháng chiến giành lại nền dộc lập thì ông có không ngày về Tổ quốc, được đón rước, tôn kính?
Ngạc nhiên hơn là Thích Nhất Hạnh khi truyền đạo, giảng đạo cũng bị phản ứng, nhất là chuyện ông đã dịch lại Bát Nhã Tâm Kinh, một kinh chủ yếu của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông, thuộc bộ kinh Đại Bát Nhã. Bản kinh phổ biến ở Việt Nam là bản của sư Trần Huyền Trang (Tam Tạng) sau khi thỉnh kinh về đã dịch sang tiếng Hán vào năm 649. Có mấy người đã phê phán cách dịch của Thích Nhất Hạnh, rất chi tiết, rất dài, tôi chỉ trích ra một ý từ bài viết của GS Lê Tự Hỷ.
***
GS Lê Tự Hỷ, một người từng dạy toán ở các trường đại học, một chuyên gia hiếm có về chữ Phạn, cổ ngữ Ấn Độ từng dùng để chép kinh văn tiêu chuẩn của Đạo Phật. Ông cho biết Thiền sư Nhất Hạnh khi dịch lại Tâm Kinh, bản tiếng Hán của ngài Huyền Trang dịch là: “ ngũ-uẩn giai không” thì Thích Nhất Hạnh dịch thành: “năm uẩn đều trống rỗng”. Bản tiếng Anh: “five Skandhas are equally empty”. Theo GS Lê Tự Hỷ: śūnyān paśyati là tính không (śūnyān: không; paśyati: tính chất, tự tính). Vì vậy ông cho rằng, “không” (tiếng Phạn: śūnya, tiếng Anh : emptiness) không phải là không có gì cả, mà là gì đó không có tự tính. Vậy dịch thành “trống rỗng” như Thiền sư Nhất Hạnh là sai.

30-12-2023
ĐÔNG LA