Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

TẠI SAO THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH DỊCH LẠI TÂM KINH?

 TẠI SAO THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH DỊCH LẠI TÂM KINH?


Nhìn ở Chùa Ba Vàng, hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn người nối tiếp nhau, ngày qua ngày chiêm bái một vật thể như sợi tóc cọ quậy sau khi được một ông sư vuốt nước, vì họ tưởng là “xá lợi tóc Đức Phật”. Do họ quá tôn kính Phật mà mê mụ, không nhận ra, bảo vật quốc gia sao có thể được nắm vuốt tự nhiên, làm vậy thì sao tóc Phật có thể tồn tại hơn hai ngàn rưỡi năm được? Không chỉ ở Chùa Ba Vàng, tất cả các chùa trên cả nước trong các dịp lễ tết liên quan đến Đạo Phật, người dân cũng đi đông như kiến, nhưng có mấy người hiểu Đạo Phật? Sự sùng Đạo nhưng lại không hiểu Đạo thực chất chính là sự thể hiện của tham, sân, si. Nhưng làm sao có thể trách người dân được, khi trong thực tế có những nhà sư, thậm chí nổi tiếng trên thế giới như Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi giảng đạo, cũng có nhiều điều chưa đúng do chưa thực sự hiểu kinh Phật. Thích Nhất Hạnh đã “to gan” dịch lại Tâm kinh. Mà một người có uy tín như ông lại dịch kinh sai tất sẽ gây ra kết quả không tốt cho những người đi tu học kinh đó, và cho tất cả những ai tin Phật muốn đọc kinh để hiểu, để tu sửa, để sống thiện lương hơn.
Vì thế tôi thấy cần phải viết ít dòng về Thiền sư Thích Nhấ Hạnh, mất khá nhiều thời gian dụng tâm trí, dù biết trước rằng người đọc sẽ khó đọc, khó hiểu.
***
Trên trang Làng Mai Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã tâm sự với các thiền sinh lý do tại sao ông phải dịch lại Tâm Kinh.


Tâm Kinh là viết tắt của Bát Nhã Ba La Mật ĐA Tâm Kinh. Bát Nhã Ba La Mật ĐA được phiên âm từ chữ Phạn prajñāpāramitā. Bát Nhã có nghĩa là trí huệ, là trí tuệ có được do thiền định; Ba-la-mật-đa có nghĩa là sự đạt đến toàn hảo; Truyền thống Đại thừa Đông Á thường dịch Bát-nhã ba-la-mật-đa (theo nội dung kinh) là Trí huệ đáo bỉ ngạn (thực ra viết tắt của “trí huệ đạt tới đáo bỉ ngạn”), tới bờ bên kia. Một cách ẩn dụ, tức là giúp người vượt qua sông mê đến bờ giác ngộ. Vì vậy kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa được coi là Tâm kinh , trái tim của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã viết:
“Các con của Thầy,
Sở dĩ Thầy phải dịch lại Tâm kinh, vì vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không đủ khéo léo trong khi sử dụng ngôn từ; do đó, đã gây ra nhiều hiểu lầm qua các thời đại”.
“Vị tổ sư” ở đây chính là Trần Huyền Trang (Đường Tam Tạng”, nhân vật có thật trong tác phẩm hư cấu “Tây du ký”.
Theo Suzuki trong sách THIỀN VÀ BÁT NHÃ (Bản dịch: Tuệ Sỹ), sư Huyền Trang khi ngụ tại chùa Không huệ, Ích châu, có gặp một thầy tăng bịnh hoạn đã giúp đỡ. Thầy tăng đã trả ơn bằng cách dạy sư học thuộc bài kinh Bát-nhã. Khi sư Huyền Trang quyết chí đi thỉnh kinh Phật, một mình vượt qua Sa mạc Gobi hơn 800 dặm, trên không chim bay, dưới không thú chạy, cỏ không, nước cũng không, khiến nhiều lúc sư kinh sợ, trong đầu xuất hiện những hình bóng ma quái, ác quỷ, làm sư nản chí. Rồi sư đã nhớ lại bài kinh Bát nhã mà thầy tăng ngày nào đã dạy, liền cất tiếng tụng niệm. Lạ lùng thay, mọi hình tượng ma quái biến mất, lời kinh đã giúp sư vững tâm bước tiếp. Truyền thuyết còn kể rằng, về sau, khi ở Ấn độ, sư Huyền Trang đã gặp lại thầy tăng trước kia. Thầy tăng nói sư Huyền Trang đến đích được là nhờ ở pháp môn mà ông đã truyền dạy. Nhờ lời kinh đó mà thầy được bảo vệ, đã thỉnh được bộ kinh. “Ta chính là Bồ-tát Quán thế âm đây”. Nói xong, Ngài biến mất vào hư không.
Một người như Tổ sư Trần Huyền Trang được chính Quán Thế Âm Bồ Tát độ thỉnh được kinh như vậy để truyền Đạo, có lẽ nào lại “thiếu khéo léo gây hiểu lầm qua các thời đại” như ý của Thiền sư Thích Nhất Hạnh?
***
Nội dung chủ yếu của Tâm kinh luận về Bản thể, bản chất của sự tồn tại. Khi Quán Tự Tại Bồ Tát (một hoá thân của Quán Thế Âm Bồ Tát) hành thiền đạt tới trí huệ giải thoát, soi thấy (chiếu kiến) ngũ uẩn (Sắc, Tưởng, Thọ, Hành, Thức), 5 yếu tố tạo nên thân tâm con người, tất cả bản chất tận cùng đều là Tướng không. Vì vậy Sắc, yếu tố tạo nên thân thể con người, bản chất cũng chính là Không; ngược lại, bản chất của tướng Không cũng chính là Sắc. Tất cả tướng Không của các Pháp (mọi sự vật, hiện tượng) bất sinh, bất diệt, bất biến. Trong tướng Không không có Sắc và các uẩn khác.
Nhưng những câu kinh lại chỉ được viết ra rất ngắn gọn, tượng trưng, hàm súc: “Ngũ uẩn giai không” (5 uẩn đều Không); “sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Sắc tức là không, Không tức là Sắc); “Thị cố không trung vô sắc… (Trong tướng Không vô Sắc…). Vì vậy, nếu chỉ biết mặt chữ mà không hiểu hàm nghĩa sẽ thấy là mâu thuẫn. Sao trên viết “Sắc chính là Không”, dưới lại viết “trong Không không có Sắc”. Đó chính là cái điều mà rất nhiều người thắc mắc, kể cả các nhà sư, trong đó có Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
***
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn 2 câu chuyện. 1- Một vị thiền sư hỏi một chú sadi (người tu theo một trường phái) hiểu gì về Tâm kinh, chú sadi trả lời ý rằng Tâm kinh nói năm uẩn đều không nên không có mắt, mũi, tai, v.v… Thiền sư liền véo mũi chú sadi làm anh chàng kêu đau quá. Thiền sư nói “con vừa nói không có mũi vậy cái gì đau?” 2- Tuệ Trung Thượng sĩ (Trần Tung đời nhà Trần). được một thầy tỳ-kheo hỏi “sắc chính là không, không chính là sắc, có nghĩa gì?” Tuệ Trung Thượng sĩ hỏi ngược lại, thầy tỳ kheo trả lời mình có thân, trong không trung không có hình dạng. Thượng sĩ liền đọc một câu ngược lại Tâm kinh “Sắc không phải Không, Không không phải sắc”. Thích Nhất Hạnh thấy Thượng Sĩ đã “đi quá đà”, nói ngược kinh, và cho rằng do Thượng sĩ chưa thấy được cái lỗi của Tổ sư Trần Huyền Trang không nằm ở câu “Sắc tức thị Không” (Sắc chính là Không) mà nằm ở chỗ vụng về nơi câu “Thị cố không trung vô sắc” (trong Không vô Sắc). Thích Nhất Hạnh “chỉ hơi tiếc là vị tổ sư biên tập Tâm kinh, khi dịch câu “Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm” (Tướng không các pháp chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt) đã không thêm vào bốn chữ không có, không không”. Vì vậy, ông dịch là “Tất cả mọi hiện tượng đều mang theo tướng không, không hiện tượng nào thực sự có sinh, có diệt, có có, có không, có dơ, có sạch, có thêm và có bớt”. Theo ông, thêm bốn chữ như vậy để có ý “tất cả mọi hiện tượng không có “Không”, cùng với việc ông dịch chữ “Không” trong “Ngũ uẩn giai không” là “trống rỗng” có thể giúp người ta không còn “bị kẹt vào” những cái ý như “không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi… Cái mũi của chú sa-di đến bây giờ vẫn còn đỏ, các con thấy không?”
***
Viết như trên, Thích Nhất Hạnh thực sự chưa hiểu về Sắc và Không nói riêng và Tâm kinh nói chung. Cụ thể thế nào xin đọc phần sau.

8-1-2024
ĐÔNG LA