Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH ĐÃ DỊCH TÂM KINH SAI NHƯ THẾ NÀO?

 THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH ĐÃ DỊCH TÂM KINH SAI NHƯ THẾ NÀO?



Bài vừa rồi có hai bác sĩ vào bàn luận khá sôi nổi là Lương Chí Thành và Hoa Huynguyen. Lương Chí Thành tôi quen đã lâu, đã gặp nhau nhiều lần, còn Hoa Huynguyen mới quen mấy năm nay. Ở bài trước Hoa Huynguyen viết: “Nói cái hiểu sai ở những người có danh tiếng như ngài Nhất Hạnh dễ được nhìn như có gan nuốt búa”. Với người thường thì đúng vậy, nhưng với tôi thì chỉ “như ăn kẹo”, bởi tôi đã gần 30 năm tranh biện, phản bác nhiều người, trong đó có những người có trình độ và địa vị cao hơn Thiền sư Thích Nhất Hạnh rất nhiều. Như tôi viết về tác phẩm bàn về khoa học, triết học của Cao Xuân Huy, tác phẩm được Giải Hồ Chí Minh. Cao Xuân Huy giờ đã được đặt tên đường, là cha của GS Cao Xuân Hạo và từng là thầy của 7 GS lớp đầu tiên, hàng đầu VN như Hoàng Ngọc Hiến, Huệ Chi, v.v… Lương Chí Thành đã đọc bài này, viết đại ý chỉ viết tên cho đúng các khái niệm thôi đã khó, tôi thì còn dùng chúng để tranh luận, phản bác người khác, là việc rất ít người làm được. Thành còn cho tôi là nhà phê bình số 1 VN. Cũng vì vậy mà một bạn của Lương Chí Thành vào chê tôi là Đỗ Xuân Phương, một BS Đông Y, nhưng lại ham bàn về Vật lý lý thuyết, lại thần tượng và đội cả ba ông tôi đều chê là Cao Xuân Huy, Huệ Chi, Thích Nhất Hạnh lên đầu. Tôi mới liếc qua thì thấy Đỗ Xuân Phương thuộc dạng ngộ chữ, thích làm dáng trí thức, hoang tưởng, tôi mới “thách đấu”, và cứ băn khoăn, một người là bác sĩ mà có tư duy không chính xác như vậy thì không biết chữa bệnh cho người ta ra sao? Mới hôm qua chat, Hoa Huynguyen viết: “Tôi được biết đến anh cũng nhờ đọc mấy đứa nó... chửi anh”. Tôi trả lời: “Người giỏi, người tốt thật chửi thì đúng là phải xem lại mình”. Có điều, khi viết ra cái gì tôi đều phải hiểu rất rõ, nên rất ít viết sai, vì vậy người giỏi, người tốt thật thì lại không thể chửi tôi.
Bây giờ vào chuyện chính Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch sai Tâm Kinh ra sao? Cần phải hiểu mục đích tối thượng của Đạo Phật là giải thoát, tất cả các kinh khác nhau, nhưng đều phân tích, lý giải, chứng minh cho mục đích tối thượng đó. Những Phật tử tu tập, những nhà nghiên cứu có thể hiểu kinh Phật ở các cấp độ khác nhau, nhưng không thể mâu thuẫn nhau, nên nhiều ý cho rằng ý nghĩa của kinh là tuỳ theo cách hiểu của mỗi người là không đúng. Các thuật ngữ dịch sang tiếng Việt tôi viết hoa là để dễ phân biệt với chữ thường.
***
Trước hết, bàn về cái nguyên nhân khiến Thích Nhất Hạnh dịch lại Tâm kinh.
Trong bản tiếng Hán, Tổ sư Trần Huyền Trang dịch kinh thành “ngũ uẩn giai không” (tiếng Việt: năm uẩn (trong đó có Sắc) đều Không); “sắc tức thị không” (Sắc tức là Không); “thị cố không trung vô sắc” (trong Không không có Sắc”, nếu chỉ đọc chữ mà không hiểu hàm nghĩa sẽ thấy kinh mâu thuẫn nhau và không đúng với thực tế. Như chuyện chú sadi hiểu Tâm Kinh cho rằng “Sắc là Không” tức là không có mắt, có mũi… và chú đã bị sư thầy véo mũi đau điếng. Làm vậy, sư thầy đã cảnh tỉnh chú sadi là chưa hiểu hàm nghĩa của Tâm Kinh.
Để tránh hiểu lầm Tâm kinh nói “không mũi” như chú sadi, Thích Nhất Hạnh tránh dùng chữ “không”, nên đã dịch “ngũ uẩn giai không” là “năm uẩn đều trống rỗng”. Nhưng cần phải coi lại định nghĩa về uẩn. 5 uẩn là 5 yếu tố tạo nên thân và tâm con người: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trong đó, Sắc là yếu tố tạo nên thân và sáu giác quan (Lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) do bốn thành phần: đất, nước, gió, lửa tạo thành. Thời Đức Phật chưa có tri thức và các khái niệm khoa học nên ngài dùng từ tượng trưng như thế. Thời nay, đối chiếu với khoa học, ta dễ dàng thấy: đất là chất rắn, nước là chất lỏng, gió là chất khí, lửa là năng lượng. Vì vậy, Sắc tạo nên thân thể thì Sắc chính là thịt, xương, v.v…, mà đã là thịt xương thì không thể “trống rỗng” như Thích Nhất Hạnh dịch được.
Có điều, “Ngũ uẩn giai không” chỉ dịch chữ sang chữ sẽ thành “5 uẩn đều không” thì chẳng ai hiểu là gì, mâu thuẫn với câu “không tức thị sắc” (Không tức là Sắc). Vì vậy, cần phải hiểu hàm nghĩa “Ngũ uẩn giai không” là “5 uẩn bản chất sâu xa đều là Không”, ngược lại, bản chất của Không cũng chính là Sắc. Hiểu vậy thì không có gì mâu thuẫn cả. “Không” ở đây là tướng Không, trạng thái Không. Như tôi đã viết, theo con mắt khoa học hiện đại thì tướng Không chính là năng lượng. Thật kỳ diệu, chính Einstein đã phát minh ra công thức E = mc2 chứng thực lời trong kinh Phật nói trước hơn hai thiên kỷ rưỡi. Công thức này thể hiện sự tương đương giữa vật chất và năng lượng, cũng hàm nghĩa “Sắc bản chất chính là Không”, ngược lại, “Không bản chất cũng chính là Sắc”. Sắc, Không có thể chuyển hoá thành nhau. Thực tế, năng lượng của bom nguyên tử, năng lượng của các nhà máy điện hạt nhân chính là năng lượng được chuyển hoá trực tiếp từ vật chất chứ không phải là động năng, thế năng hay năng lượng của phản ứng cháy oxy hoá, v.v…, và nó chính là Không. Còn sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ thuần là năng lượng với nhiệt độ vô cùng lớn. Khi nhiệt độ giảm dần đã “kết tinh” các lực vật lý hình thành nên các hạt, các nguyên tử, dạng vật chất đầu tiên, dần tạo nên vũ trụ, và rồi chính “đất, nước, lửa, gió” dần tạo thành muôn loài, thành con người. Quá trình quang hợp (photosynthesis) là quá trình chuyển hóa năng lượng ánh sáng Mặt trời của thực vật, tảo và một số vi khuẩn để tạo ra hợp chất hữu cơ cũng có thể là ví dụ thể hiện quá trình Không biến thành Sắc.
Vì vậy Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch Sắc trống rỗng như cái thùng trống rỗng hoàn toàn vô nghĩa, thực chất ông cũng không hiểu là gì.
GS Lê Tự Hỷ, khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch “ ngũ-uẩn giai không” thành: “năm uẩn đều trống rỗng”, bản tiếng Anh: “five Skandhas are equally empty”, ông đã phân tích chữ Phạn śūnyān paśyati và dịch là tính không (śūnyān: không; paśyati: tính chất). Vì vậy ông cho rằng, “không” (tiếng Phạn: śūnya, tiếng Anh: emptiness) không phải là không có gì cả, nhưng ông cũng chưa hiểu thực chất là gì, nên viết “là gì đó không có tự tính”. Vậy theo ông, dịch Không thành “trống rỗng” như Thiền sư Nhất Hạnh là sai.
***
Thích Nhất Hạnh dịch “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” là “hình hài này chính là cái không và cái không cũng chính là hình hài này”, tức dịch Sắc là hình hài (body). Cách dịch này không sát nghĩa, Sắc uẩn là yếu tố tạo nên cơ thể chứ không phải là cơ thể. Ở đây Tâm kinh bàn về bản thể luận, bản chất của sự tồn tại, Sắc chỉ tất cả vật chất có hình tướng nói chung, trong đó có cơ thể. Dịch như Thích Nhất Hạnh không thể hiện sự bao quát mang tính bản thể luận của Tâm kinh.
JAYARAVA, sống ở Anh, gốc New Zealand, là một học giả uy tín trong giới nghiên cứu Phật giáo. Ông đã phê phán cách dịch của Thích Nhất Hạnh: “Thích Nhất Hạnh dịch từ rūpa thành "hình hài" (body), trong ngữ cảnh năm skandha (uẩn) thì đó là một sự kỳ quặc. Rūpa thường được hiểu là "hình dạng" (tiếng Hán: sắc; tiếng Anh: form), chỉ các đối tượng mà các giác quan có thể cảm nhận.
***
Thích Nhất Hạnh cho Tổ sư Trần Huyền Trang “không khéo léo” khi dịch kinh thành “sắc tức thị không” (Sắc tức là Không) rồi đoạn sau lại dịch “Thị cố không trung vô sắc” (trong Không không có Sắc” gây ra mâu thuẫn và hiểu lầm qua nhiều thế hệ. Thích Nhất Hạnh tránh chữ Sắc, dịch thành “hình hài”, như ở trên ông dịch “sắc tức thị không” thành “hình hài này chính là cái không”, nhưng ở dưới ông dịch “trong cái không… hình hài… không có mặt”. Vậy ông viết “hình hài chính là không” rồi lại viết “hình hài không có mặt” thì ông dịch không có mâu thuẫn sao?
Tất cả chỉ vì ông mới đọc được mặt chữ chứ chưa hiểu được hàm nghĩa của Tâm Kinh. Như trên đã viết, cần phải hiểu nghĩa “Sắc tức là Không” là “Sắc về bản chất chính là Không”, còn “trong không không có sắc” là nói rõ về thực trạng của tướng Không. Tướng Không, bản chất cũng chính là Sắc, có thể chuyển thành Sắc, nhưng khi ở trạng thái Không, nó không có hình tướng, tất không có Sắc, v.v…
***
Câu “Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm” có 2 cách dịch. 1- Tướng không các pháp chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt”. 2- Tất cả các pháp đều có tính Không, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt”. Cách 1 coi tướng Không là chủ ngữ, cách 2 coi các Pháp là chủ ngữ. Thích Nhất Hạnh dịch theo cách hai, còn muốn nói rõ nghĩa, đã thêm ý không “có có, có không” vào: “Tất cả mọi hiện tượng đều mang theo tướng không, không hiện tượng nào thực sự có sinh, có diệt, có có, có không, có dơ, có sạch, có thêm và có bớt”.
Theo tôi (Đông La), cách dịch 1 đúng hơn, theo ngữ pháp tiếng Hán, định ngữ đứng trước danh từ, dịch sang tiếng Việt phải dịch ngược lại, nên “chư pháp không tướng” phải dịch là “tướng Không của các pháp”. Dịch theo cách 2, các Pháp là chủ ngữ. Pháp có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa chỉ mọi sự vật hiện tượng, vậy thì trong thực tế, các sự vật hiện tượng thì không thể như kinh đã dịch theo cách 2: “chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt” được.
Đối chiếu thực tế, chỉ có “tướng Không” là năng lượng, cứ để một nguồn năng lượng tồn tại tự nhiên, thì đúng là “chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch …” như kinh viết. Như vậy, cách dịch 1 “Tướng không của các pháp chẳng sanh chẳng diệt…” là đúng. Thích Nhất Hạnh dịch theo cách 2, còn “sáng tạo” thêm nữa, thì ông vừa dịch sai, vừa rườm rà, thành những câu vô nghĩa, chứng tỏ ông thực sự chưa hiểu đoạn kinh này.
Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến đã bàn khi Thích Nhất Hạnh dịch “Thị chư pháp không tướng” thành "tất cả mọi hiện tượng đều mang theo tướng không”. Hiện tượng "mang theo" tướng không, nên "tướng không" và "hiện tượng" là hai thực thể riêng biệt. Tôi "mang theo" cái túi xách thì tất nhiên tôi không phải cái túi xách. Nhưng kinh văn nói "tướng không của các pháp" không phải một đối tượng nằm ngoài các pháp, mà là thực tướng vốn có của các pháp, đã được hiển lộ dưới sự quán chiếu của vị Bồ Tát "hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa". Vì thế, dịch như Thích Nhất Hạnh chỉ có "lạ" mà không có "lợi", làm cho người đọc hiểu sai ý nghĩa Kinh văn.
***
Trở lại câu đầu của Tâm Kinh: “Quán tự tại bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”.
Hai chữ “hành thâm” cũng có hai cách dịch, 1 là hành thâm (sâu), coi thâm là trạng từ của hành; 2 là hành “Bát nhã” thâm (sâu), coi thâm là tính từ của “Bát nhã”.
Với “hành thâm”, trong THIỀN VÀ BÁT NHÃ của Daisetz Teitaro Suzuki (Bản dịch Việt: Tuệ Sỹ) có chỗ dịch “sự đi sâu vào trong Bát Nhã”; tôi (Đông La) thấy trên Google dịch “Du hành sâu vào Bát nhã”.
Đối chiếu với quá trình thiền đắc Đạo của Đức Phật, ngài phải thiền 49 ngày, sự hành thiền của ngài mới đạt tới độ sâu để ngài có được trí huệ giác ngộ. Vì vậy, “thâm hành Bát nhã” dịch là “sự đi sâu vào tới Bát Nhã” là đúng, là rõ ràng và phù hợp với sự hành thiền đạt tới giác ngộ của Đức Phật.
Với Thích Nhất Hạnh, “Quán tự tại bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, ông dịch là “Bồ-tát Avalokiteśvara, trong khi quán chiếu sâu sắc với tuệ giác qua bờ, bỗng khám phá ra rằng tất cả năm uẩn đều trống rỗng, tất cả đều là cái không”. Dịch như vậy vừa rườm rà, vừa không đúng. Vì như vậy Thích Nhất Hạnh cho rằng đã có sẵn một cái “tuệ giác qua bờ”, cứ dùng để quán chiếu sâu sắc là giác ngộ. Điều này không đúng với thực tế, đó là cả một quá trình hành thiền tới các cấp độ khác nhau, và tới nay, chỉ các bậc Phật, Bồ Tát mới đạt tới độ sâu “tuệ giác qua bờ” đó, và chỉ có thế, các ngài mới có thể vượt qua vô minh, giác ngộ. Giác ngộ không chỉ là nhận biết, hiểu biết, không phải cứ hiểu đúng hết kinh Phật là thành Phật, mà giác ngộ là cấp độ tu tập của trí huệ, có thể giúp thân, tâm giải thoát.
Từ văn bản tiếng Phạn, GS Lê Tự Hỷ cũng có lý giải thú vị, có ý như trên. Từ chữ prajñāpāramitā, ông đã chỉ ra, “pāramitā” là danh từ, có nghĩa “sự làm cho hoàn hảo”, “sự vượt qua bờ bên kia" (qua vô minh-ĐL), sự giải thoát; còn “prajñā” là danh từ có nghĩa là “tuệ giác”, trí huệ, có chức năng làm định ngữ của “pāramitā”. Vậy “prajñā-pāramitā” có nghĩa “sự làm cho hoàn hảo tuệ giác” hay “sự làm cho qua bờ của tuệ giác”. Đây là một quá trình, một pháp tu để đạt giác ngộ, giải thoát chứ không phải thực hành một “tuệ giác qua bờ” có sẵn. Vì vậy câu chữ Hán : “hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa” chính là thực hành “quá trình tu làm cho tuệ giác qua bờ”. Câu Phạn văn, nói rất rõ: “prajñāpāramitāyāṃ caryāṃ caramāṇo” = “prajñāpāramitāyāṃ caryāṃ caramāṇaḥ” = “đang thực hành các nghi thức trong pháp làm hoàn hảo tuệ giác” hay “đang thực hành quá trình trong pháp làm cho tuệ giác qua bờ”.
***
Tôi đã sử dụng hết khả năng sử dụng ngôn ngữ và trình bầy của một nhà lý luận phê bình, với nền tảng tri thức và thực hành khoa học tự nhiên để viết bài này thật dễ hiểu, không biết bạn đọc sẽ đọc như thế nào?
(Còn tiếp)
9-1-2024
ĐÔNG LA