Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

VÀI CHUYỆN QUANH CÔNG ÁN “NIÊM HOA VI TIẾU”

 VÀI CHUYỆN QUANH CÔNG ÁN “NIÊM HOA VI TIẾU”



Đọc lại hai bài thơ của mình, một dạng thơ Đạo, thấy y như tiên tri về Nguyễn Công Khế vậy:
PHÚC, ĐỨC
Mấy ai chọn Phúc bỏ tiền
Mấy ai chọn Đức bỏ quyền lợi cao
Biết đâu xiềng xích đeo vào
Trăm ngàn vạn kiếp khi nào thoát ra.
ĐỜI, ĐẠO
Đường Đời, đường Đạo ngược nhau
Vô minh trùng điệp biết đâu mà lần
Những người mắt sáng, mù tâm
Tưởng êm nhung lụa, hoá hầm chông gai.

Khế tự tin mắt mình rất sáng, đã làm tất cả để luồn lách, dựa hơi những vị tai to mặt lớn, tưởng đời mình sẽ mãi mãi “êm nhung lụa”. Khế không biết mình “mù tâm”, lòng tham đã tạo ra bức màn vô minh trùng điệp che mờ tâm thiện, nên Khế đã tìm mọi mánh khoé để có quyền, có danh, rồi tìm mọi cách để kiếm tiền, bất chấp phạm pháp, và nay thì đúng là đã sụp “hầm chông gai”.
Mọi chuyện về Nguyễn Công Khế đã quá rõ, hôm nay cuối tuần tôi quay lại chuyện về Đạo Phật. Chỉ hơi buồn tí, bài viết về Nguyễn Công Khế thực ra chỉ “hot” và giật gân chút thì bạn đọc vào “like” nhiều, trong khi bài tôi viết về Đạo Phật có giá trị hơn rất nhiều thì lại có ít người “like”. Cũng giống như chuyện mấy thằng lưu manh viết những chuyện gây tò mò, mới hôm qua người ta vào “like” đông như kiến thì nay nó đã vào tù rồi! Giá trị đích thực không phụ thuộc vào số đông, nhưng tệ hại cho xã hội ở chỗ, trong thực tế số đông lại có thể giúp những kẻ bất tài, thất đức thành công, thành đạt, như Nguyễn Công Khế là một ví dụ.
***
Ông Trần Ngẫu Hồ trong email viết cho tôi có câu: “Anh nếu giải đáp được công án (Đức Phật) Niêm Hoa Vi Tiếu (Cầm hoa mỉm cười), thì anh sẽ giải đáp đúng được nhiều công án khác. Khi anh giải đáp đúng nhiều công án, anh sẽ được gọi là kiến tánh, hiểu tánh”.
Kiến tánh theo định nghĩa có ý nghĩa như Giác ngộ, nhưng Giác ngộ chỉ được dùng để chỉ sự giác ngộ hoàn toàn của một vị Phật, còn Kiến tánh dùng để chỉ bước đầu đạt đến khả năng giác ngộ của sự tu luyện, được gọi là Kiến tánh khởi tu.
Câu chuyện Đức Phật “Cầm hoa mỉm cười” được coi là công án đầu tiên của Thiền Tông, chính là một công án quan trọng nhất bởi nó có những ý nghĩa thiết thực, cao xa. Còn những công án giống như trò chơi trí tuệ của mấy vị sính chữ, khiến nhiều người mê mụ thi nhau giải đáp, thực ra rất ít giá trị. Công án “Niêm Hoa Vi Tiếu” chính là thể hiện chánh pháp nhãn tạng, giao tiếp vô ngôn, nếu không hiểu sẽ cho là chuyện huyền bí giành riêng cho Phật tử và các nhà nghiên cứu; nhưng thực ra lại rất gần gũi, thể hiện muôn hình, muôn vẻ trong đời thường. Trong đời có rất nhiều chuyện người ta tỏ ý mà không cần dùng lời, hoặc có rất nhiều chuyện nghe vậy mà không phải vậy, tức có nhiều chuyện ngôn ngữ không cần thiết, hoặc ngôn ngữ không thể hiện đúng bản chất. Trong triết học cũng có cặp phạm trù hiện tượng-bản chất chỉ ra rất nhiều hiện tượng không cùng bản chất. Trong thực tế, có thể lấy trường hợp Lưu Bình Nhưỡng làm ví dụ. Lời nói của Nhưỡng thể hiện mình dũng cảm phê phán sai trái của công an, tư pháp, bảo vệ dân oan, nhưng thực chất Nhưỡng lại là kẻ mị dân, lưu manh, cướp giật.
Như vậy, không nói mà hiểu, nghe nói mà hiểu ngược lại cho đúng thì với người thường phải là người có trí tuệ, còn với người tu phải là người đã có trí huệ. Ngài Ma Ha Ca Diếp chính là người như vậy nên Đức Phật mới truyền cho “chánh pháp nhãn tạng”.
Tôi nói với bà xã:
-Ông Ngẫu Hồ viết thư bảo tôi nếu hiểu được câu chuyện Đức Phật cầm hoa mỉm cười là tôi đã “kiến tánh”, tức sắp thành Phật đấy.
Giải thích chút cho bả hiểu “kiến tánh” tôi tiếp:
-Tôi mới tra cứu, chưa thấy ai giải thích ý nghĩa câu chuyện. Vậy muốn giải thích phải căn cứ vào câu chuyện chứ không thể suy diễn tuỳ tiện theo cảm tính. Đức Phật ngồi trước các đệ tử, tay cầm bông sen đưa lên (sau đó ngài nói là để “kiểm thiền”). Vậy thì phải hiểu bông sen là gì, và nó có liên quan gì đến thiền. Bông sen thắm sắc, ngát hương, là kết quả của cả một quá trình sinh thành từ bùn lầy, rồi lặn ngụp dưới nước trong ao, hồ, qua cả một quá trình trưởng thành mới có thể vươn lên được rực rỡ, thanh khiết, để rồi ai cũng thấy. Hành trình tu luyện của Đức Phật cũng tương tự như vậy, cũng phải lặn ngụp trong bùn lầy, nước đọng của tham sân si, bằng cả hành trình thiền thanh tịnh mới dần phá chấp, thoát khỏi bể khổ, vươn tới sự giác ngộ, đến Niết Bàn.
***
Sau đó tôi tìm hiểu tiếp, thấy có văn bản ghi Đức Phật đã hỏi ngài Ma Ha Ca Diếp “tại sao cười?”. Ngài trả lời qua hình ảnh Đức Thế Tôn cầm hoa sen ngài đã nhận ra Tánh Thấy (cái thấy của Phật, tức sự giác ngộ) rõ ràng. Ngài còn đọc bài kệ 44 câu có ý hoa sen thanh khiết chính là hình ảnh của Niết bàn, chấm dứt luân hồi, đạt được bằng pháp thiền thanh tịnh. Ngài đã trả lời đúng ý Phật nên được Phật trao truyền “Chánh pháp nhãn tàng”.
Có điều ngài Ma ha Ca Diếp chỉ nói đúng ẩn ý của Đức Phật trong hình tượng bông sen mà chưa nói ý nghĩa của chính bông sen mà Đức Phật đã đưa ra.
Tra cứu tiếp thì tôi thấy có bộ phim Cuộc đời Đức Phật do Hãng BK Modi, Ấn Độ, sản xuất, trong tập 52, có chiếu đoạn ngài Anan hỏi Đức Phật:
-Bạch Đức Như Lai, … con đang nhớ đến một lần ngài đến giảng pháp nhưng lại im lặng … chỉ hái một bông sen trong hồ rồi cầm đến trước mặt các tỳ kheo. Thời pháp đó được gọi là lời dạy của bông sen. Chúng con không hiểu chỉ có thầy Ma Ha Ca Diếp hiểu được ý của ngài thôi.
Đức Phật trả lời:
-Những gì ta dạy cho hàng tỳ kheo có điều diễn giải bằng lời nói nhưng có điều không thể dùng ngôn ngữ để hình dung. Ta đem pháp ấy truyền cho Ma Ha Ca Diếp. Anan à, với sự kỳ diệu của bông hoa đang nở được quan sát với con mắt của thiền định chúng ta thì toàn bộ cuộc sống của thầy cũng hoàn toàn thay đổi. Đoá sen ấy, hành trình sinh mạng của nó bắt đầu từ ở trong nước, hoa nở, sinh trưởng, và rồi sau đó đứng vững ở trong nước. Cũng chính như vậy ta sẽ đem chân lý giải thoát dựng lên giữa thế gian luân hồi này.
Như vậy, thú vị là cách hiểu của tôi đã đúng ý của Đức Phật khi tôi giải thích công án “Niêm Hoa Thị Chúng” cho bà xã.
Vậy theo ông Ngẫu Hồ, tôi đã “kiến tánh”, sắp thành Phật? Thực ra không phải vậy, bởi tôi không tu luyện. Tôi hiểu công án “Niêm Hoa Vi Tiếu” chỉ bằng trí tuệ có chút thông minh của tôi chứ không phải do tôi đã kiến tánh, trí huệ có được do thiền định. Cũng như khi “chúng sinh” cả nước khâm phục Lưu Bình Nhưỡng là một luật sư tài năng, bản lĩnh thì tôi có chút thông minh nên đã viết đúng Nhưỡng là một thằng ngu, thằng lưu manh.
Tác giả Lê Anh Chí giải thích tôi thấy có lý: “… đây (kiến tánh)…là sự thực chứng: chẳng phải là biết, chẳng phải là hiểu. Ví như phải tự ăn cơm thì mới no, còn hiểu “ăn cơm thì no” thì chẳng ích lợi gì!” Cũng như người hiểu tập thể hình nhưng anh ta không tập thì không thể thành lực sĩ được.
Trong bài về Thiền sư Thích Nhất Hạnh tôi cũng đã viết: “Giác ngộ không chỉ là nhận biết, hiểu biết, không phải cứ hiểu đúng hết kinh Phật là thành Phật, mà giác ngộ là cấp độ cao nhất đạt được bằng tu tập, có thể giúp thân, tâm giải thoát, nhập Niết Bàn”.

20-1-2024
ĐÔNG LA