Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

TIẾNG VỖ CỦA MỘT BÀN TAY

 TIẾNG VỖ CỦA MỘT BÀN TAY



Ông Trần Ngẫu Hồ, một Việt kiều Mỹ, có làm quen với tôi trên mạng, sang Mỹ tôi có gặp, ông Ngẫu Hồ về VN cũng có gặp tôi. Ông Ngẫu Hồ có tham vọng và tự tin đã khám phá ra những điều cả nhân loại chưa biết: Vũ trụ ở thời kỳ tiền Big Bang, và những hiểu biết riêng về Đạo Phật, về tâm linh. Oái oăm là ổng muốn được đăng tải trên các trang cá nhân của tôi. Nhưng tôi là người có tư duy chính xác nên không đồng ý, và thấy nên “chia tay” để không mất thời gian, anh cứ đi đường anh, tôi đi đường tôi, đừng chú ý nhau. Ông Ngẫu Hồ “OK”, nhưng rồi ông ấy cứ thỉnh thoảng gởi email cho tôi những bài ông viết trong đó có chuyện ông viết tôi sai cái này, cái kia. Tôi không chấp, nhưng vừa rồi tôi viết về Đạo Phật, ông Ngẫu Hồ lại “chơi” tôi tiếp, trong đó có chuyện tôi nhắc tới công án thiền “Tiếng vỗ một bàn tay”. Ông ấy viết: “Tất cả những giá trị ông Đông La đưa ra để trả lời đều sai với đáp án cho công án đó… Ngẫu Hồ Tôi có thể giải thích ngọn ngành công án này, và những công án khác, nhưng theo thầy Thích Duy Lực…”. Nhưng câu trả lời thế nào thì ổng lại không viết ra. Ổng còn viết nhiều, cho tôi viết sai về Sắc, Không, về khoa học, tôi thấy đúng là huyên thuyên, không hiểu gì. Vậy hôm nay tôi đăng lại bài tôi viết về “Tiếng vỗ của một bàn tay”. Mục đích là để trả lời ông Ngẫu Hồ, nhưng ổng với tư duy cảm tính tuỳ tiện, hoang tưởng, tôi sợ mình uổng công, có điều với bạn đọc bài viết cũng có những tri thức bổ ích, là một câu chuyện thú vị.
16-1-2024
ĐÔNG LA
Thiền tông là một pháp tu, khởi thuỷ Đức Phật gọi là “Chánh pháp nhãn tàng”, như kho báu cất giữ trong mắt, giao tiếp bằng im lặng, vô ngôn. Tưởng có vẻ kỳ bí nhưng thực ra có rất nhiều trong đời sống.
Còn nhớ trước khi con trai tôi du học tôi nói:
-Con sang đó ở nhà dì dượng phải biết ơn người ta thực lòng, còn trong lòng không biết ơn thì ngoài mặt con có đóng kịch giỏi thế nào người ta cũng nhận ra. Con phải ăn nói tử tế.
-Con có thấy ba nói gì với ông ngoại đâu.
-Tao không nói nhưng ổng sang nhà mình chơi, tao nấu đồ nhậu, gắp thức ăn, rót bia cho ổng uống. Xong dẫn ổng lên phòng, bật máy lạnh cho ổng ngủ. Tao không nói nhưng tao hành động.
Khi viết về Thiền tông, nhớ lại chuyện đó, tôi không ngờ chính mình cũng đã thực hiện “Chánh pháp nhãn tàng”, Thiền tông.
Thiền tông thường dùng các công án để giúp các thiền sinh tiến bộ. Công án không phải là "câu đố" thường, không thể giải đáp được bằng suy luận lo-gic. Vì vậy với công án nổi tiếng Tiếng vỗ của một bàn tay, khi người ta cố giải thích nên đã có nhiều cách giải thích thú vị.
Về tên nhân vật của công án đó thì có nơi viết khác nhau, nhưng nội dung thì giống nhau, đó là chuyện một sư mới 12 tuổi muốn được vào lớp riêng, một thầy một trò, học công án như những sư huynh. Sư thầy nói chú bé còn nhỏ quá, hãy chờ đợi, nhưng chú bé cứ nằng nặc xin, cuối cùng thầy cũng đồng ý. Một lần, chú bé đến gặp sư thầy, sư thầy hỏi một câu, chính là cái công án nổi tiếng: “Con có thể nghe âm thanh của hai bàn tay khi hai tay vỗ vào nhau. Bây giờ chỉ cho thầy tiếng vỗ của một bàn tay?”. Chú bé liền suy nghĩ, thiền định tìm kiếm đủ loại âm thanh, rồi trả lời thầy lần lượt từ tiếng nhạc của các cô geishas, tiếng nước nhỏ giọt, tiếng thở dài của gió, tiếng chim, tiếng ve kêu, v.v… Ông thầy đều lắc đầu.
Một văn bản ghi rằng: “Cuối cùng khi vào được thiền định, chẳng còn tìm được âm thanh nào nữa, người học trò đã “đạt được âm thanh im lặng” và đã hiểu được tiếng vỗ của một bàn tay. Tức theo văn bản này, câu trả lời của chú bé “Âm thanh của tiếng vỗ một bàn tay là im lặng”.
Nhưng không biết như vậy thì sư thầy có đồng ý không? Vì thế mà người ta vẫn cố trả lời cái câu hỏi “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?”
Làng Mai viết: “Chúng con biết rằng là khi nói chuyện thường thường phải có hai người một người nói một người nghe, hai người riêng biệt nhưng trong trường hợp này không phải như vậy, đức Thế Tôn và con không phải là hai và cũng không phải là một và vì vậy chúng con hiểu được thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay”.
Trần Đình Hoành bình: “âm thanh im lặng”, “Tức là, trong tĩnh lặng ta “nghe”, “thấy”, “hiểu” hay “ngộ” được nhiều điều mà khi tâm ta bị phân tâm vì các “tiếng động” ta không nghe, không thấy, không hiểu”.
5xublog viết: “nhưng chúng ta có thể thực sự nghe tiếng vỗ của một bàn tay. là tiếng vỗ âu yếm của bàn tay người cha ru con gái nhỏ ngủ … là tiếng vỗ vai chia sẻ buồn vui của hai người bạn giữa quán nhậu xô bồ… là tiếng vỗ về âu yếm người vợ đang mang thai của người chồng đêm hôm khuya vắng… là tiếng vỗ yêu thương lên hông người yêu giữa phố xá đông vui”.
V.v…
Theo tôi, tất cả những suy tư về “Tiếng vỗ của một bàn tay” như trên đều hay cả, nhưng chúng như những sự cảm nhận, sự xúc cảm từ một tác phẩm văn chương hơn là câu trả lời cụ thể cho một công án thiền.
Muốn trả lời chính xác, chúng ta phải hiểu thiền là gì? Công án là gì? Thiền là hành động ngồi theo tư thế để tĩnh tâm, gạt bỏ mọi tạp niệm, phá chấp, một phương pháp tu luyện để đạt tới giác ngộ. Công án (tiếng Hán: gōng-àn 公案) có nguyên nghĩa là một quyết định phải trái trong xét xử của quan phủ. Thiền tông dùng công án để thiền sinh quán tưởng trong lúc thiền giúp thiền sinh tiến bộ. Công án có thể là một thái độ, một cử chỉ, một câu chuyện tu hành, một câu hỏi, v.v… liên quan đến nhận thức cũng như hành trình đạt đến giác ngộ.
***
Công án đầu tiên và nổi tiếng nhất chính là câu chuyện Đức Phật niêm hoa vi tiếu (Đưa hoa ra, mỉm cười), là một giai thoại được chép lần đầu tiên bởi Lý Tuân Úc vào năm 1036:
“...Như Lai thuyết pháp tại Linh Sơn. Chư thiên dâng hoa. Thế Tôn cầm hoa đưa lên. Ca-diếp mỉm cười. Thế Tôn bảo với mọi người: "Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, giao cho Ma-ha Ca-diếp".
Sau đó có các bản khác, thêm thắt các ý nghĩa, nhưng đều có ý chính kể rằng Phật Thích-ca chỉ thông qua cử chỉ cầm hoa, im lặng, tất cả tín đồ ngơ ngác không hiểu, riêng ngài Ma-ha Ca-diếp mỉm cười tỏ ý lãnh ngộ, Phật đã truyền chánh pháp cho Ma-ha Ca-diếp, chính là “chánh pháp nhãn tạng”, một pháp môn thiền thanh tịnh, không dùng văn tự, “nhãn tạng” là được chất chứa trong mắt, tâm truyền tâm. Có văn bản ghi Đức Phật hỏi ngài Ma Ha Ca Diếp “tại sao cười?”, ngài trả lời qua hình ảnh Đức Thế Tôn cầm cành sen ngài đã nhận ra Tánh Thấy (cái thấy của Phật, tức sự giác ngộ) rõ ràng. Ngài còn đọc bài kệ 44 câu có ý hoa sen thanh khiết chính là hình ảnh của Niết bàn, chấm dứt luân hồi, đạt được bằng pháp thiền thanh tịnh, là “Chánh pháp nhãn tàng”. Pháp thiền thanh tịnh được truyền đến tổ thứ hai là ngài A Nan đà thì được gọi là Thiền tông.
***
Tổ thứ 28 và cuối cùng của Thiền tông Ấn Độ và là Sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc chính là Bồ-đề-đạt-ma. Sau những năm ở Trung Quốc, trước khi hồi hương, ngài gọi các đệ tử đến trình bày hiểu biết. Mấy người trình bầy đều hay, nhưng ngài nói họ mới tới tới được da, thịt, xương của mình. Cuối cùng, đến phiên Huệ Khả, ông chỉ làm lễ bái sư, đứng ngay không nói gì, như ngày nào ngài Ma ha Ca Diếp mỉm cười không nói trước Đức Phật cầm hoa. Bồ-đề-đạt-ma bảo: "Ngươi đã được phần tuỷ của ta" và trao y bát cho Huệ Khả. Huệ Khả im lặng như bậy chính là thể hiện đặc tính của Thiền tông là im lặng, vô ngôn; Huệ Khả không nói thể hiện bản tính của tất các pháp là Không.
Vậy Thiền tông chủ trương ngôn ngữ văn tự không thể biểu đạt được tâm Phật. Sự giác ngộ của Đức Phật như dấu ấn của thế gian bất biến trong tâm, nên gọi Tâm ấn. Không dùng văn tự mà thấy được bản tính của tâm nên gọi là truyền tâm ấn.
Dù vậy, Thiền tông ngoài dùng ánh mắt, cử chỉ, thái độ, cũng có dùng lời, nhưng không nói trực tiếp mà gián tiếp qua những hình ảnh tượng trưng, cũng là những công án. Công án thường chứa nghịch lý, nằm ngoài phạm vi của lý luận nhị nguyên đúng, sai, không phải là "câu đố" thông thường, không thể được giải đáp bằng lý luận, muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ cao hơn của nhận thức. Công án “Tiếng vỗ một bàn tay” chính là như vậy.
***
Tiếng vỗ chỉ phát ra khi có hai bàn tay vỗ vào nhau, nên câu hỏi “Tiếng vỗ một bàn tay?” là vô nghĩa, nhưng thói thường người ta hay chấp vào cái trái khoáy, dùng suy luận để giải đáp. Thực ra công án đó chỉ là một cái mẹo để sư phụ kiểm tra cái sự chấp ngã của đệ tử. Vị sư phụ đã la rầy học trò: "Ngươi còn đắm nhiễm quá nhiều … “Tiếng vỗ một bàn tay”, ngươi nên chết đi may ra mới trả lời được!”. Thực ra “ngươi nên chết đi” ngụ ý phải làm chết đi cái chấp ngã. Tất cả các loại âm thanh trên thế gian dùng để trả lời cho “Tiếng vỗ một bàn tay là gì?” đều sai, chỉ có “vô thanh” là đúng, nhưng lại biến công án thành câu hỏi đúng, sai thông thường, nên với thiền thì theo tôi, đáp án “vô thanh” cũng vẫn sai.
Vậy câu trả lời đúng nhất chính là thái độ an nhiên, không chấp trước nghịch lý của câu hỏi, cũng như bất cứ một nghịch lý nào của mọi sự vật, hiện tượng. Chú bé hãy cứ nhìn thầy an nhiên, tự tại, như Tổ sư Thiền Maha Ca Diếp chỉ mỉm cười nhìn đáp lại khi Đức Phật cầm hoa, không chấp vào câu hỏi của thầy, cứ tiếp tục thực hiện mục đích của mình khi gặp thầy, đó chính là câu trả lời đúng nhất cho công án “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?”. Tệ hơn, có thể trả lời: “Tôi không quan tâm, thầy hỏi thì hãy trả lời!”

16-1-2024
ĐÔNG LA