Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

VỀ NHỮNG CÁI SAI CỦA 3 ÔNG TRỊNH XUÂN THUẬN, NGUYỄN TƯỜNG BÁCH VÀ NGUYỄN XUÂN XANH

 VỀ NHỮNG CÁI SAI CỦA 3 ÔNG TRỊNH XUÂN THUẬN, NGUYỄN TƯỜNG BÁCH VÀ NGUYỄN XUÂN XANH

Ông Trần Ngẫu Hồ đã viết email cho tôi: “Anh Đông La, 3 lần tôi giới tiệu bài viết tới anh, anh đều phê bình tiêu cực về nó, lần thứ nhất là anh phê bình ông T/S Nguyễn Tường Bách… lần thứ 2 anh phê bình ông T/S Trịnh Xuân Thuận… lần thứ 3 anh phê bình T/S Nguyễn Xuân Xanh… lần thứ 4, tôi đành phải nhận xét những sai sót của anh về Công Án, Tánh, và Không. Nếu không, sẽ chẳng bao giờ anh biết là anh cũng có cái sai… Việc phê bình trong ngôn từ chừng mực của diễn đàn công cộng, đối với tôi là điều rất bình thường, anh cảm thấy bị động vì ngã cùa anh còn dầy quá.
Chào anh,
Ngẫu Hồ”.
Tôi đã trả lời:
“Tôi là một nhà nghiên cứu, không phải Phật tử, thiền sư, nên cái tôi rất lớn, vẫn chấp đủ thứ, nhưng là cái tôi tự trọng, trí tuệ, phân biệt đúng sai, phải trái, bảo vệ cái đúng, cái tốt, phê phán cái sai, cái xấu. 3 ông viết sách mà anh trích dẫn họ đều có điểm sai như tôi đã viết… Anh không hiểu vật lý, thấy ai viết đúng ý mình khen là không đúng”.
Trước đó, trong một bài, ông Ngẫu Hồ đã viết:
“Ông Đông La bỏ qua ý định bắc cầu tri thức, thân hữu của Phật Tử hèn mọn Ngẫu Hồ bằng lời phê: “Bài giới thiệu của anh cho Đông La tôi đọc, bài của T/S Nguyễn Xuân Xanh là không hay, là lan man, là hươu vượn”. Nhưng sau khi Ngẫu Hồ tôi giải thích cặn kẽ cho ông Đông La như trên, thì ông Đông La ngay đó, lại từ chối sự đối thoại, và không chỉ cho Ngẫn Hồ tôi không đúng ở chỗ nào? Ngẫu Hồ cũng chẳng hiểu sao nữa? khi Đông La viết: “mình nên dừng lại vì đối thoại như bằng 2 loại ngôn ngữ khác nhau và o đạt được gì mà chỉ mất thời gian thôi”. Với sự giải thích thân thiện của Ngẫu Hồ, ông Đông La cũng vẫn chỉ thích xử dụng ngôn ngữ kẻ cả: “chỉ mất thời gian mà thôi?!” Lạ nhỉ? Sao ông Đông La không quan tâm tới thời gian của tôi? Tôi đã cất công để giải thích cho ông Đông La hiểu sự giải thích của T/S Nguyễn Xuân Xanh về bài viết về Lý thuyết Dây mà?”
***
Thực ra tôi (Đông La) không tỏ ý “kẻ cả” với ông Ngẫu Hồ mà là ngược lại. Với tôi, ông Trần Ngẫu Hồ không hiểu chút gì về vật lý lại dùng nó nghiên cứu Đạo Phật nên sai tất cả. Như với người khác, tôi mà “đối thoại” là sẽ chỉ ra những sai trái ấy, nhưng với ông Ngẫu Hồ thì tôi không viết, vì tôi với ông từng có chút thân tình. Khi tôi sang Mỹ, ông đã đi xe hơi 600-700 km đến gặp tôi, còn tặng giò, chả “quê hương”. Với những điều mà ông cả đời tâm huyết, tôi lại cho là lăng nhăng thì đúng là không đành lòng. Mà tôi có viết thì ông cũng không hiểu, không chấp nhận, nên tôi đã viết đối thoại chỉ “mất thời gian” là vì thế.
Vậy hôm nay, tôi sẽ trả lời ông Ngẫu Hồ để chứng tỏ không phải tôi “bị động vì cái ngã còn dầy quá” mà tôi đã viết chính vì ông Ngẫu Hồ vì không hiểu vật lý đã tâm đắc với những cái sai mà cả ba ông Nguyễn Tường Bách, Trịnh Xuân Thuận và Nguyễn Xuân Xanh đã viết.
***
Ông Trịnh Xuân Thuận viết: “Phật giáo đưa ra quan điểm rằng vật thể hiện hữu … tuy nhiên hiện hữu này là thuần túy duyên khởi. Đây là cái mà Đức Phật gọi là Trung Đạo”.
Trung Đạo là phương pháp tu hành mà Đức Phật dạy là người tu phải tránh những cực đoan, như buông thả theo dục lạc hoặc sống khổ hạnh tuyệt đối. Truyền thuyết kể rằng Đức Phật đã gặp và hỏi một người chơi đàn, ổng trả lời, nếu lên dây đàn căng quá sẽ đứt, còn chùng quá sẽ không thành tiếng, chỉ vừa phải mới cho ra tiếng đàn tuyệt diệu. Chính điều này đã giúp ngài ngộ ra con đường tu luyện đúng đắn là Trung đạo. Cũng như ngài đã bỏ con đường tu luyện theo phép khắc khổ, sau một lần ngài kiệt sức, ngất xỉu, cô thôn nữ Tu-xà-đa (Sujata) thấy đã cho ngài uống bát sữa, giúp ngài tỉnh lại. Chính lời cô gái nói ngài tu khắc khổ quá lỡ chết thì còn sống đâu mà tu hành cũng đã giúp ngài ngộ ra con đường Trung đạo. Vì vậy Trung đạo chính là nguyên lý cho mọi sự thành tựu nhưng Trung đạo không phải là Duyên khởi.
Duyên khởi là một giáo lý quan trọng của Phật giáo, nói rằng tất cả các pháp (dharmas - các hiện tượng) sinh khởi đều phụ thuộc vào những pháp khác: "nếu cái này tồn tại, thì cái kia tồn tại; nếu cái này đoạn diệt, thì cái kia cũng đoạn diệt". Nguyên lý này là một danh sách gồm 12 yếu tố phụ thuộc lẫn nhau, mô tả sự khởi phát từ các điều kiện của việc tái sinh, vướng mắc mãi trong vòng luân hồi (saṃsāra).
Với khoa học, GS Trịnh Xuân Thuận cũng cho duyên khởi của Phật giáo như tính vướng víu của các hạt trong Cơ học Lượng tử. Theo lý thuyết, một hạt photon có thể tách thành hai hạt chuyển động ngược chiều nhau, nếu xác định một đại lượng (như vận tốc chẳng hạn) ở hạt này thì cũng sẽ đồng thời xác định được vận tốc của hạt kia. Vì hai hạt có tính vướng víu (entangled) với nhau mà Einstein đã gọi là tác động ma quái ở khoảng cách (spooky action at a distance). Einstein đến chết cũng không chấp nhận, nhưng đến nay tính vướng víu đã được kiểm chứng và các tác giả đã đoạt giải Nobel. Như vậy việc hai hạt có tính vướng víu không thể nói như GS Trịnh Xuân Thuận “tương tự như duyên khởi của Phật giáo”. Vì Duyên khởi nói về nhân quả, khởi từ cái duyên này sẽ sinh ra cái kia, còn tính vướng víu thể hiện tính nhất thể của hai hạt vi mô.
Tiếp nữa, GS Trịnh Xuân Thuận cho tính duyên khởi thể hiện trong thí nghiệm về quả lắc được thực hiện bởi nhà vật lý Léon Foucault vào năm 1851 tại điện Panthéon, Paris nhằm giải thích về việc Trái Đất quay. Ông viết: “cái quả lắc đã lắc cùng một hướng, chỉ có Trái Đất là đang quay” là không đúng. Viết vậy Trịnh Xuân Thuận chưa hiểu bản chất của thí nghiệm trên. Vì Léon Foucault làm thí nghiệm con lắc chứng tỏ khi Trái Đất quay đã tạo ra một lực “văng” (khoa học gọi là Hiệu ứng Coriolis) làm mặt phẳng chuyển động của con lắc quay quanh trục của nó. Tại vĩ độ đi qua Paris, con lắc đã thực hiện một vòng quay thuận chiều kim đồng hồ sau 30 giờ. Cho nên, trái đất quay làm con lắc chuyển động khác hướng chứ không “cùng một hướng” như ý GS Trịnh Xuân Thuận.
***
Với ông Nguyễn Tường Bách, tôi đã viết cho ông Ngẫu Hồ: “Cái phần anh tâm đắc trong bài dài của mình thì nói thật với anh, tôi lại không tâm đắc, ví dụ đoạn này:
Ông Nguyễn Tường Bách viết: <Trích> “Lấy ví dụ, cái bàn này là một hạt hạ nguyên tử, nó không nằm yên. Khi nào chúng ta nhìn nó thì nó mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn nơi khác thì nó không có mặt. Nếu dùng thước để đo, ban đầu chúng ta đo, nó dài 3m, nhưng sau đó, chúng ta đo lại thì chỉ còn 2,5m, lần sau nữa thì lại 3,5m. nó xuất hiện có vẻ ngẫu nhiên… Dĩ nhiên, tính ngẫu nhiên này chỉ xuất hiện trong mức độ nhỏ nhất của vật chất… mức độ đó phải được cộng thêm với 17 con số 0 nữa mới thành một centimet.
Heisenberg nói: cái thiên nhiên, cái nature dường như xuất hiện theo cách chúng ta hỏi nó. Bởi vì khi thì nó xuất hiện theo dạng từng hạt, lúc thì xuất hiện theo dạng sóng… ở hạ nguyên tử thì ý thức xem ra có thể tác động lên được… phải chăng khi ý thức khảo sát thực tại thì chính lúc đó ý thức “tạo tác” ra thực tại, phải chăng thực tại là một sản phẩm do ý thức bày ra…<Hết Trích>.
Theo tôi (Đông La), ông Bách sai khi viết “mức độ nhỏ nhất của vật chất… rất nhỏ… mức độ đó phải được cộng thêm với 17 con số 0 nữa mới thành một centimet”. Vì theo toán học, một số dù có “được cộng thêm” một triệu, một tỷ số 0 nữa thì nó vẫn giữ nguyên là nó thôi! Lẽ ra phải viết “mức độ đó phải được nhân với một con số rất lớn, có tới 17 con số 0 phía sau thì mới thành 1 cm”.
Còn ý này của ông Nguyễn Tường Bách: “ở hạ nguyên tử thì ý thức xem ra có thể tác động lên được… phải chăng… ý thức “tạo tác” ra thực tại, thực tại là một sản phẩm do ý thức bày ra”. Theo tôi (Đông La) cho vậy là duy tâm, là sai. Các hạt vi mô đúng là thay đổi theo cách chúng ta xác định chúng, nhưng chỉ với ý nghĩ thì chúng ta không thể tác động lên chúng được. Các hạt vi mô vì quá nhỏ, lại có lưỡng tính sóng-hạt, nên ta không thể xác định chính xác đồng thời cả vị trí lẫn vận tốc của chúng theo Nguyên lý Bất định. Khi ta không khảo sát thì chúng là sóng giao thoa, còn khi ta khảo sát thì chúng thành hạt, chứ không phải như ông Bách viết: “Khi nào chúng ta nhìn nó thì nó mới xuất hiện… Nếu dùng thước để đo, ban đầu chúng ta đo, nó dài 3m, nhưng sau đó, chúng ta đo lại thì chỉ còn 2,5m…” Năng lượng của một photon chỉ phụ thuộc vào tần số (ν) của nó hay bước sóng (λ): E=hv; còn khối lượng nghỉ của electron xấp xỉ bằng 9,109 × 10−31 kilogram; chứ không phải như ý ông Bách viết, mỗi lần đo là chúng cho các kết quả khác nhau.
***
Với ông Nguyễn Xuân Xanh, tôi đã viết: “Một người bạn (Trần Ngẫu Hồ) tâm đắc bài viết của ông Nguyễn Xuân Xanh về Lý thuyết Dây và đã gởi cho tôi. Tôi xem rồi trả lời: “Bài của ông Nguyễn Xuân Xanh với tôi là không hay, lan man và hơi "hươu vượn". Ông ấy chưa nói được điều quan trọng nhất là tại sao các nhà phát minh cho rằng phần tử nhỏ nhất của vật chất là dây chứ không phải hạt. Ông ấy viết: "dây được làm bằng không gì cả" là sai, làm những người không hiểu vật lý hiểu lầm”.
Nguyễn Xuân Xanh viết dây của Lý thuyết Dây là "không gì cả" thì đúng là huyên thuyên thật. Vật lý hạt chia thành 2 loại hạt chính, 1-hạt tạo vật chất: điện tử, proton, notron; 2- hạt truyền liên kết (là năng lượng), như photon (ánh sáng), v.v... Vật lý hiện đại có hai cột trụ là thuyết Tương đối rộng nghiên cứu cái cực vĩ và Cơ học lượng tử nghiên cứu cái cực vi, cả hai đều đúng trong thế giới của mình. Nhưng theo nhà vật lý nghiên cứu Lý thuyết Dây Brian Greene, khi nghiên cứu các đối tượng ở gần tâm của các lỗ đen hay ở thời điểm Big Bang thì người ta cần phải dùng cả thuyết tương đối rộng lẫn cơ học lượng tử .

Nhưng khi tổ hợp cơ học lượng tử với thuyết tương đối rộng thì nhiều bài toán vật lý cho những đáp số vô nghĩa, như xác xuất của một quá trình nào đó lại là vô hạn. Các nhà vật lý đã đưa ra Lý thuyết Dây cho rằng, trong tận cùng cấu tạo vật chất, là những sợi như sợi dây của cây đàn cello dao động, tạo ra các phần tử khác nhau, tạo nên thế giới vật chất. Lý thuyết Dây có những hứa hẹn nhưng cũng còn nhiều mâu thuẫn, không biết bao giờ mới giải quyết được. Vậy dây là phần tử nhỏ nhất của cấu tạo vật chất, dao động khác nhau sẽ tạo ra các hạt khác nhau, chứ không phải là "không gì cả" như Nguyễn Xuân Xanh viết. Tôi viết ổng hươu vượn là vì thế. Ông Ngẫu Hồ không hiểu vật lý, thấy ai viết đúng ý mình là khen là không đúng.

22-1-2024
ĐÔNG LA