Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

ĐÔI NÉT VỀ CHIẾN THẮNG CỦA VIỆT NAM TRƯỚC “HAI ĐẾ QUỐC TO”

 ĐÔI NÉT VỀ CHIẾN THẮNG CỦA VIỆT NAM TRƯỚC “HAI ĐẾ QUỐC TO”



Buồn buồn lên mạng xem phim Hàn Quốc. Tôi vừa xem xong bộ phim Sky Castle (2018). Ở ta nơi thì dịch là “Lâu đài trên không”, nơi thì dịch là “Lâu đài tham vọng”, cái thì sát chữ xa nghĩa, cái thì sát nghĩa xa chữ. Nội dung phim diễn tả cuộc sống ở khu “lâu đài” của giới trí thức thượng đẳng đã thất bại trong cuộc đua tranh cực đoan vì danh vọng và địa vị cho mình và thế hệ con cái. Theo tôi dịch là “Lâu đài thượng đẳng” thì sát cả chữ lẫn nghĩa, chữ “thượng” dịch được chữ “sky”, “thượng đẳng” thì đúng là chỉ tầng lớp thượng đẳng. Tôi thấy bộ phim trên hay quá vì họ như làm phim về chính tôi, chuyện thể hiện tài năng, chuyện luyện thi cho con vào ngành số 1, trường số 1, chỉ khác là tôi thì làm được còn nhân vật trong phim thì thất bại. Tôi nói với bà xã: “Công nhận con cháu bọn lính Pac-chung-hi ngày xưa từng tàn ác nhất trong số bọn lính chư hầu của Mỹ ở VN thì nay chúng lại làm phim hay quá. Trong số hàng trăm bộ phim của họ, phim VN bây giờ chỉ cần làm được một bộ như họ thôi đã là giỏi rồi. Như thi O-lim-pic mình chỉ cần được 1 cái huy chương vậy. Thật lạ là trong chiến tranh VN là số 1, trong thời bình này thì VN lại thua nhiều nước quá”.

Ngày mai là Ngày Quốc Khánh 2-9, tôi trích đăng lại một bài viết đôi nét về lịch sử để thấy trong chiến tranh VN đúng là số 1.
1-9-2024
ĐÔNG LA
Sau mấy ngàn năm chống chọi và chiến thắng các thế lực xâm lược phương Bắc, dân tộc Việt đã giữ yên được bờ cõi. Còn hơn 100 năm gần đây (từ 1858), đất nước bé nhỏ của chúng ta lại phải đương đầu với một thế lực khác, hùng mạnh hơn nhiều lần, không phải về quân số mà là vũ khí, sản phẩm của khoa học công nghệ và tư tưởng đế quốc thực dân. Đó chính là những nước mà có thời họ coi mình là trung tâm của văn minh nhân loại, coi những nước khác như những bãi đất hoang và dân cư như bầy đàn man di mọi rợ, họ cần phải đến khai phá để mở mang bờ cõi. Nhiều vùng đất đã bị mất tên và được thay tên mới trên bản đồ thế giới, nhiều dân tộc bản địa trở thành dân tộc thiểu số trên chính tổ quốc của họ, bị hao hụt và dần bị đồng hóa. Chỉ có dân tộc Việt, Tổ quốc Việt, sau 1000 Bắc thuộc và 100 năm bị Đế quốc xâm chiếm, vẫn còn đó, vẫn hiên ngang tồn tại và dần phát triển. Trong chiến tranh chống xâm lược, chúng ta đã chiến thắng tất cả.
***
Nhà Nguyễn (1802 - 1945), triều đại phong kiến sau cùng ở nước ta, các đời Chúa Nguyễn, để tồn tại trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đã tiến dần về phương Nam, đã mở mang được bờ cõi với những vùng đất trù phú, nhưng đã phải đổi bằng biết bao mồ hôi và máu của người dân Việt. Nhưng rồi chính Nguyễn Ánh, người lập ra triều Nguyễn, lại tạo duyên cớ cho Pháp xâm chiếm nước ta. Khi phong trào Cần Vương (1885) bị thất bại, Vua Hàm Nghi bị bắt, rồi bị đày sang Algérie, Liên bang Đông Dương được thành lập (17 - 10 - 1887), thì một lần nữa, dân ta lại mất nước vào tay Pháp.
***
Và rồi chính Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc, từ tuổi đôi mươi với hai bàn tay trắng đã ra đi tìm đường cứu nước, rồi thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3-2-1930). Để rồi từ đó mới có được Cách mạng Tháng 8 thành công, và 2- 9 - 45, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh một nước VN mới.
Chính với vị thế đó, chỉ trong hơn 30 năm (1945-1979), một chớp mắt của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, dân ta đã đánh thắng đến 4 cuộc xâm lược, trở thành biểu tượng anh hùng của ý chí bất khuất và trí thông minh tuyệt vời trong công cuộc chống ngoại xâm giành lại nền Độc Lập.
***
Có những chiến thắng chấn động địa cầu không chỉ làm thế giới ngạc nhiên mà đến tận những ngày hôm nay, khi có điều kiện hiểu biết hơn, chính chúng ta lại càng ngạc nhiên hơn.
Như có một phép mầu, một đội quân lúc đầu chỉ có 34 người với vài khẩu súng kip, nhưng sau 10 năm đã đánh thắng được Đế quốc Pháp được Mỹ hỗ trợ mạnh về quân sự tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống Chỉ huy trưởng Tướng Đờ Cát và 11.721 quân lính. Theo Tướng Trần Độ, Tướng Đờ Cát khi bị bắt đã phải thú nhận rằng: "Tôi cũng thấy làm vinh dự được làm tù binh của một quân đội như quân đội Việt Nam". Tháng 3/1993, khi sang thăm Việt nam, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand lên thăm Điện Biên Phủ, đã xin phép được xây dựng một đài tưởng niệm những binh lính Pháp tử trận. Ông M.Claode Vignes (khách du lịch Pháp) nói: “Chỉ cần nhìn đài tưởng niệm binh sỹ pháp ở Điện Biên Phủ thì đủ thấy sự khoan dung to lớn của nhân dân Việt Nam”. Tướng Bi-gia, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, là trung tá sĩ quan dù ở Điện Biên Phủ, đã viết: “Ngày 28-6-1994: tôi đã trở lại Điện Biên Phủ, … Tôi đã đến đài kỷ niệm… Những quân nhân Pháp ở Điện Biên Phủ trở về Pháp mà không có được một ai đón chào, còn ở trên mảnh đất Việt Nam này lại có một đài kỷ niệm tưởng nhớ họ”.
***
Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ có lẽ đỉnh cao của sự đối đầu Việt - Mỹ chính là trận Điện Biên Phủ trên không mà phía Mỹ gọi là Chiến dịch Linebacker II (từ 18 tháng 12 đến 30 tháng 12 năm 1972). Các cuộc tấn công dồn dập bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong toàn bộ lịch sử các cuộc chiến tranh! Vừa rồi, trong những ngày kỷ niệm sau 40 năm chiến thắng, lần đầu tiên những bí mật quân sự được công bố trên truyền hình, khiến cho tất cả người VN có lương tri ai cũng đều phải dâng lên niềm xúc động và tự hào, chúng ta đã thắng Mỹ không chỉ bằng ý chí, bằng máu mà còn bằng cả trí thông minh tuyệt vời nữa. Những khái niệm lạ lùng lần đầu ta được nghe như “trinh sát nhiễu”, “vạch nhiễu”, “phương pháp bắn 3 điểm”, “ bắn đón nửa góc”, v.v… Một tờ báo Mỹ đã gọi đó là cuộc "Chiến tranh điện tử” mà phần thắng đã thuộc về VN. Trung tướng Phan Thu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên chỉ huy Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu, kể lại: “Trong suốt thời gian hoạt động trinh sát, chúng tôi không thu được nhiễu 3cm của địch. Như vậy, B-52 chưa gây nhiễu dải sóng 3cm đối với các loại radar phòng không". Một công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật: ghép phần tử mục tiêu của radar K8-60 làm việc ở dải sóng 3cm với đài điều khiển SAM-2. Đại tá Nguyễn Ngọc Lạc, hồi đó là Thượng úy Kỹ sư của Cục Quân khí, một chứng nhân, từng trực tiếp sửa chữa và đề xuất thử nghiệm và cho kết quả ra-đa K-860 với băng sóng 3cm đã xác định mục tiêu tốt, góp phần quan trọng trong việc bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Điều kỳ diệu thứ 2 là việc bộ đội phòng không của ta đã hóa giải được tên lửa “không đối đất” Shrike của Mỹ. Tên lửa này có thể tìm và “bắt” được mục tiêu theo sóng ra-đa, chuyên dùng để phá hủy các hệ thống phòng không đối phương. Tại Trung Đông, hàng chục hệ thống tên lửa phòng không của Khối Ả Rập từng bị loại tên lửa này phá hủy. Bộ đội ta đã vô hiệu hóa bằng cách phát sóng tức thì, tắt máy đột ngột và quay ngay đài ăng-ten đi hướng khác, tên lửa Shrike đã “bị điều khiển” chệch khỏi mục tiêu!
Cuối cùng để giành chiến thắng không thể không nhắc đến chiến công của các cán bộ tình báo quân sự đã phải ngày đêm theo dõi mọi động thái của địch. Đại tá Trần Văn Tụng, từng thuộc Trung đoàn Trinh sát Kỹ thuật, Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng kể lại, vào những năm 60, ông là 1 trong 10 sinh viên của trường ngoại giao được tuyển vào Cục 2. Ông cho biết lúc đầu chúng ta chưa biết cách làm thế nào để có tin cụ thể. Sau những mày mò, phán đoán từ các thông tin trinh sát có được, đơn vị của ông dần dần đã hình thành được nhiều bộ giải mã tin, từ đó dự đoán chính xác thời gian, địa điểm, số lượng máy bay Mỹ sẽ tham chiến. Chính vì thế, chiều 18-12-1972, Đại tá Phan Mạc Lâm, người được mệnh danh là đã “lập hồ sơ B-52”, khi Tướng Phùng Thế Tài hỏi:
- Này cậu, B-52 đến đâu rồi?
Ông mới có thể khẳng định:
- Giữa đường rồi, thưa Thủ trưởng - có cả hướng Gu-am và Thái Lan.
Như vậy chúng ta hoàn toàn sẵn sàng chủ động đón đánh địch, đã sơ tán hàng chục vạn dân tới nơi an toàn trước trận đánh. Và chỉ có như thế chúng ta mới làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”, giành thắng lợi hoàn toàn.
***
Với tinh thần của Bác: “…chúng tôi phải được yên ổn. Chúng tôi không muốn trở thành người chiến thắng. Chúng tôi chỉ muốn Mỹ cút đi! Gút-bai!” Và theo lời dậy của Người: “Chúng ta căm thù Đế quốc Mỹ xâm lược nhưng không được căm thù nhân dân Mỹ”.
Sau ngày toàn thắng, 30-4-1975, chúng ta lại có được một thành tựu ngoại giao quan trọng, mở ra một thời kỳ mới dựng xây đất nước, nước ta trở thành như một câu thơ của tôi trong bài TỔ QUỐC-NỬA BÀN CHÂN DÍNH BÙN VÀ MÁU:
Một đất nước đến những người từng là kẻ thù cũng đem lòng yêu mến
Ngày 15 tháng 7 năm 1995, TT Clinton tuyên bố thiết lập bang giao đầy đủ với Việt Nam. Năm 2000, ông cùng với vợ con thăm Việt Nam. Trong bài Binh-thuong-hoa-quan-he-Viet-My, ông nói: “Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là thời khắc tuyệt vời trong nhiệm kỳ của tôi”; “Việt Nam là đất nước có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”.
Ngày 6-12-2006, ông đã nói với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: “Sáu mươi năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Roosevelt đã muốn hai nước Việt - Mỹ thật sự là bạn. Quá trình này đã có những bước gập ghềnh. Tuy nhiên, tôi vô cùng hạnh phúc chứng kiến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà đáng lẽ phải có từ cách đây 60 năm”.
TT Bush, trong diễn văn tại nhà thờ Greater Exodus Baptist ở Philadelphia (23/06/04), từ bạn “friend” đã được ông nhắc lại nhiều lần khi nói về quan hệ với Việt Nam. Sau chuyến thăm Việt Nam một cách chính thức trong "giai điệu dịu dàng" của người tiền nhiệm Bill Clinton, đã tạo nền tảng để ông Bush có những quyết sách mạnh mẽ hơn trong quan hệ giữa hai nước, ông đã nói về VN: "You’ve got a friend in America". (Trong bài Khi tổng thống Mỹ tuyên bố: Việt Nam là bạn). Năm 2006, ông và phu nhân đã sang thăm chính thức VN và dự Hội nghị APEC lần 14. Trong buổi tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông đã cảm ơn về sự đón tiếp trọng thị và nói: “Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về VN và cảm nhận được sự phát triển của VN giống như một con hổ trẻ. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để củng cố mối quan hệ giữa hai nước”. Sáng 19/11, ông cùng phu nhân tới cầu nguyện tại nhà thờ Cửa Bắc, HN.
***
Về phía VNCH, Tướng Nguyễn Cao Kỳ có thể là một người lính quả cảm nhất, sẵn sàng chiến đấu tới cùng, chính vậy ta cần ghi nhận điều tốt đẹp khi ông đã vượt qua được mặc cảm của một kẻ bại trận, trốn chạy, đã thừa nhận sự thật lịch sử, trở thành một điển hình của sự hòa hợp dân tộc. Tại khách sạn Sheraton TP Hồ Chí Minh, 15/1/2004, ông nói: "…sau 30 năm khi đất nước đã thống nhất và đây là lúc cần sự tập hợp của tất cả người VN trong cũng như ngoài nước để phục hưng đất nước, để VN trở thành một con rồng châu Á”; ông cũng từng nói: " Những sự mất mát và đau khổ trong cuộc chiến cũng như sau cuộc chiến thì chồng chất nhiều lắm, nhưng cứ quay lại dĩ vãng và uất hận thì chỉ là chuyện của cá nhân mỗi người”. Một người khác, GS Vật lý Trần Chung Ngọc, một bạn đồng khóa tại trường sĩ quan với Tướng Nguyễn Cao Kỳ, trong bài NGÀY 30/4/1975, ông viết: “Ngày 30/4/1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể là họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào. Tôi ở phe thua trận, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như ngày 30/4/1975, đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam”.
***
Sự thật Lịch sử là vậy, không chỉ người dân VN mà được cả loài người có lương tri tiến bộ trên toàn thế giới công nhận. Vậy mà thật kỳ quái lại có những người thuộc tầng lớp từ “nhân sĩ trí thức”, nhà văn, nhà báo… BÊN THẮNG CUỘC, vì những tham vọng và ảo tưởng khác nhau, đã tìm mọi cách chiêu hồi BÊN THUA CUỘC. Họ nhân danh đấu tranh vì dân chủ tiến bộ đã chống lại Nhà nước Việt Nam, đã không chỉ muốn xóa trắng mà còn lộn ngược lịch sử, một hành động phản đạo lý, phản nhân văn, và mất nhân tính. Những muốn lịch sử nước ta lại bước lại những bước đi ngập bùn lầy và máu.
TP Hồ Chí Minh
20-6-2016
ĐÔNG LA