Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA CỘNG SẢN?

 DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA CỘNG SẢN?

Trong “chiến dịch” tưởng nhớ mẹ nhân ngày giỗ bà, tôi sẽ đăng lại loạt bài mang tính “tâm sự cuộc đời”. Bài này tôi ghi lại chuyện đáng nhớ của nhà tôi là chuyện thằng con tôi về thăm nhà sau 7 năm du học, năm 2012. Chuyện riêng của gia đình nhưng lại phụ thuộc, gắn bó với từng bước chuyển mình của đất nước. Hồi ấy tôi còn thân với Nguyễn Quang Thiều. Đúng là vật đổi sao dời, khi Thiều có quyền lực, thể hiện rõ chân tướng của mình thì tôi đã mất đi một người bạn, người từng coi tôi như anh em khi nói với tôi: “Ông là một thành viên của nhà tôi”.
31-8-2024
ĐÔNG LA
Thằng con vừa gọi điện về báo đã trở lại nước Mỹ bình yên, thế là hoàn mỹ một chuyến về thăm quê nội, ngoại sau 7 năm du học, xa cách.
***
Sau Ngày Toàn Thắng 30-4-1975, tôi rời quân ngũ đi học đại học rồi trở thành một cán bộ nghiên cứu Hoá Dược, nhưng thật bất ngờ với cả chính tôi, tôi cũng lại thành luôn một nhà văn.
Người giúp tôi thành danh “Nhà Văn” chính là Nhà thơ lừng danh Chế Lan Viên. Bắt đầu từ chuyện tôi đã gặp Nhà thơ Anh Thơ, rồi được bà giới thiệu đến gặp ông, nhờ ông đọc chùm thơ đầu tay. Không ngờ, ông không chỉ khen mà còn đề nghị trao giải cho tôi trong cuộc thi thơ của HNV TPHCM. Sau đó, khi thấy tôi in cuốn sách đầu tiên, ông bảo tôi vào HNV TPHCM mà chính ông là người đứng tên giới thiệu. Trong giới văn chương mới hiểu, thế hệ con, cháu như tôi được gặp CLV đã khó chứ nói chi đến chuyện được ông ưu ái như vậy. Từ đó, song song với việc nghiên cứu khoa học, kiếm sống, tôi đã làm thơ, viết văn, viết lý luận phê bình, và lại không ngờ là tôi đã viết chính luận “như điên”. Có lẽ tôi là người viết sớm nhất, nhiều nhất chống lại bọn lật sử, trở cờ, phản trắc, phản văn chương. Dù vậy, như một nghịch lý, gia đình tôi lại là một điển hình cho chính sách của nhà nước về hoà hợp, hoà giải, khi tôi cưới bà xã tôi, một cô gái SG (gốc Long An) từng lớn lên dưới thời VNCH. Vì thế mới có câu chuyện hôm nay.

Hoà hợp là hoà hợp dân tộc, hoà giải là hoà giải với Mỹ, bình thường hoá quan hệ, khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, hướng tới tương lai. Đây là chính sách rất đúng đắn của nhà nước, vì mỗi nước, dù phe nào, chủ nghĩa nào thì ai cũng vì lợi ích của nước mình trước hết. Nhưng quan hệ với Mỹ ta cần giữ được độc lập, bình đẳng, tránh bị Mỹ biến đổi, kéo vào vòng xoáy thực hiện chiến lược bá quyền của Mỹ, để rồi cũng sẽ bị tan nát như I-rắc, Ly-bi, và Ukraina… Đáng lo là có nhiều dấu hiệu đã và đang xảy ra dẫn đến nguy cơ đó trên chính đất nước chúng ta.
***
Nhà bà xã vì chỉ có 2 chị em là gái, mẹ mất sớm, nên cô em bên Mỹ rất thương vợ tôi, cứ muốn giúp thằng con tôi du học, ở nhà dì cũng như ở với mẹ. Tôi có chút băn khoăn vì thằng con đang học năm thứ 2 khoa Công nghệ Thông tin, một ngành đang “hot” nhất, tại trường hàng đầu, ĐH Bách Khoa Tp HCM. Đó là ngành thi khối A, lấy điểm cao nhất, để hỗ trợ nó, tôi đã phải xắn tay vào luyện thi, không phải môn Hoá tôi học mà là môn Lý. Mừng là nó đã dư điểm đậu, nên bỏ học cũng tiếc, nhưng rồi tôi đã chấp nhận cho con du học. Mà không chấp nhận cũng không được, vì con tôi muốn đi. Tuổi trẻ có đứa nào chẳng muốn bay nhẩy, muốn biết đây biết đó. Thế là nó đi một mạch luôn, tốt nghiệp đại học, “chắc ăn” rồi mới trở về thăm nhà. Nó về SG ngày 13-5 (2012).
***
Ngày 26, cả nhà tôi ra sân bay về Bắc, ông anh ở quê đã thuê xe 7 chỗ, đợi sẵn ở Nội Bài. Sau vài tiếng, thú vị ở chỗ, nhà tôi ở rìa làng, vậy mà xe chở được đến tận cổng, vì đường làng tôi đã được đổ bê tông hết. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, thăm mồ mả ông bà, rồi tiệc tùng mấy ngày thật vui vẻ…
Quê tôi, chỉ cách Hà Nội đường chim bay khoảng 60km, nhưng vì không gần đại lộ nên vẫn là xứ xở “u tì quốc” hẻo lánh. Không ngờ nay cũng có khu du lịch là Đảo Cò, ở 1 xã phía Nam huyện Thanh Miện, cách nhà tôi khoảng 10km . Cả nhà nhất trí đi thăm khu du lịch tại quê.

Nơi đó ngày xưa là một hồ sen mênh mông, giữa hồ có dải đất mà gia đình cô bạn gái thân nhất cùng học cấp III với tôi sống trên đó. Cô bạn lớn tuổi hơn tôi, xinh xắn, da trắng, tóc quăn như lai Tây, 1972, tôi cứ nghĩ bọn con gái học xong cấp III không phải đi bộ đội như chúng tôi thì đi học đại học hay cao đẳng gì đó, không ngờ cô bạn tôi lại đi lấy chồng. Tôi được mời, đã một mình đi dự đám cưới tại nơi mà nay là Đảo Cò nổi tiếng đó, khi ra về chẳng hiểu sao cứ khóc như mưa. Nay trở lại, hồ chỉ mênh mông nước, không còn một bông sen nào, hỏi nhà người xưa thì được biết "đã bị giải tỏa rồi”; có cái khác xưa là ven hồ um tùm cây cỏ, có tràn ngập cò trắng và đủ các loại chim chóc. Phải tại cả trái đất này đang biến động, chỉ còn quê tôi là đất lành nên chim chóc đã về đậu kín hay không?
***
Ở quê vài ngày, gia đình tôi lên Hà Nội thăm người cô ruột, người em duy nhất của cha tôi. Riêng tôi, bạn văn tuy khá đông nhưng tôi chỉ gặp 2 người thân nhất: Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn VN; và Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học. Vợ con tôi và 2 đứa con thằng em, trốn học, đưa bác gái và anh chị du lịch HN. Thằng con tôi hỏi: “Hà Nội có chỗ nào hay ba?”. Tôi bảo: “Đi thăm Lăng Bác. Càng ở Mỹ thì càng phải yêu Bác Hồ. Mấy ông Tổng thống Mỹ không dốt mà nghe Bác thì nước mình với Mỹ chơi với nhau từ tận 1920 cơ, đâu phải đánh nhau khốn khổ như vậy”. Thằng con tôi: “OK!”.


Trước khi thằng con đi chơi, tôi gọi cho Nguyễn Quang Thiều, Thiều hẹn giờ chiêu đãi nhà tôi, tôi bảo: “Thôi, tôi dẫn thằng con đến chào ông thôi, rồi để nó về đi thăm Lăng Bác với mẹ nó và mấy đứa em”. Nói rồi tôi ngồi taxi cùng thằng con đến chỗ NXB Hội Nhà Văn, 65 Nguyễn Du, nơi Thiều đóng đô. Dọc đường tôi nói chuyện vui: “Bọn Nhà văn nó bảo Hội Nhà văn chuyển từ đường Nguyễn Du sang đường Đặng Trần Côn rồi!”. Nghe xong, một lúc thằng con hiểu ra, nó cười chảy cả nước mắt. Tôi tiếp: “Thằng cậu 5 mày nó cũng có khiếu nói, bữa trước nhậu nó bảo, mấy ông đừng có tưởng chống Pháp, chống Mỹ là ghê ghớm, về nhà vẫn phải thua mấy bà chống nạnh đó nha!”. Đến NXB, Thiều ra, gặp lại thằng con tôi sau nhiều năm, khen đẹp trai và chững chạc, hỏi thăm chuyện học hành, nơi ở, rồi khoe “hai con chú cũng đang học ở Mỹ”…
Rồi thằng con tôi về đi chơi, Thiều rủ tôi đi ăn phở, ăn xong đi uống cà phê, gọi Nguyễn Hữu Sơn đến, thế rồi cả 3 ngồi chuyện trò, bàn bạc “kế hoạch phát triển văn chương VN”…
***
Rồi chúng tôi về lại SG, thằng con tôi về lại Mỹ. Nó đã tốt nghiệp, đậu xuất sắc, được thưởng huy chương. Nó khoe: “Học bên Mỹ dễ lắm, con vừa học vừa ngủ gật vẫn được gần 4 chấm”. Tức điểm tuyệt đối.



Cuối cùng, chuyến về quê sau 7 năm du học của thằng con tôi hoàn mỹ, và không thể làm gì hơn được nữa. Vợ tôi hỏi: “Mày làm con ba mày có sướng không?”. Nó trả lời: “Sướng hơn nhiều người nhưng vẫn thua một ít người”.
Có người comment bảo tôi sung sướng quá mà không biết đến nhiều người còn rất khổ ở nước ta. Biết làm sao được, tôi chỉ là một công dân bình thường nên làm sao lo được cho cuộc sống của thiên hạ. Kể lại chuyện vui của gia đình tôi trên đây thực ra không phải để tôi khoe giầu sang mà ý tôi muốn nói là, tôi không phải đảng viên, không công chức, không được hưởng một chút xíu nào bổng lộc cũng như sự ưu đãi của nhà nước, trái lại, còn chịu nhiều sự bất công. Nếu tôi cũng cay cú chuyện thua thiệt về danh lợi trên con đường công chức, có lẽ phải ngay từ 1989, khi bị cướp công, tôi đã dấn thân "đấu tranh cho dân chủ” rồi. Nhưng tôi không ngu ngốc thế. Tôi hiểu bản chất của chuyện đất nước mình còn yếu kém. Sự yếu kém có trong tất cả mọi người và trong chính mỗi chúng ta. Nước ta không thể so sánh với các nước phát triển được, vì từ mấy trăm năm trước họ đã có những nhà bác học đưa ra những phát minh vĩ đại, đã có công nghệ làm ra những sản phẩm mà đến tận hôm nay ở ta vẫn chưa làm được. Còn nước ta, chỉ mới cách đây hơn nửa thế kỷ thôi còn chết đói, mất nước, và chìm trong đêm dầy u tối lạc hậu của xã hội phong kiến. Từ khi nước ta giành lại được chủ quyền, rồi làm ăn, "đổi mới", rõ ràng là xã hội ta thay đổi quá nhanh. Cũng chính vì thế mà có nhiều cái lộn xộn, do cơ chế vận hành xã hội còn khiếm khuyết và nhiều cái không còn phù hợp. Cái cần nhất bây giờ chính là làm sao hoàn thiện được cái cơ chế vận hành xã hội đó chứ không phải là việc gây rối, làm loạn. Còn trong nền kinh tế thị trường này nếu ai có khả năng, biết phấn đấu vươn lên, thì chả có nhà nước nào lại cấm ta làm ăn chân chính để sung sướng cả.
***
Gia đình tôi, tuy không phải đại gia, nhưng thực sự đã “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, cái điều tưởng hoang đường nhưng lại đúng là sự thật. Vì khi có nhà cửa, công ăn việc làm, sức khỏe tốt, không tham lam, đua đòi, nghiện ngập thì nhu cầu thực sự của mỗi người không phải là điều quá cao siêu. Có lần tôi nói với bà xã “Nhà mình được vậy, đúng là nhờ công ơn Đảng, Bác theo nghĩa đen”. Cái chính là nhà nước phải biết sai đâu sửa đó, phòng ngừa và dần xoá bỏ được những tệ nạn, phải giữ được sự ổn định và phát triển của đất nước. Ngược lại, nếu lại loạn lạc, lại chiến tranh thì tất cả ta, địch, tốt, xấu đều khốn nạn tất.
Còn những người nghèo khổ, không phải do bị bất công, bị oan khiên mà vẫn bị khổ, phải chăng vì khả năng họ có hạn, vì hoàn cảnh, và theo tâm linh thì do “số họ khổ”. Có điều, bất cứ nơi nào trên trái đất cũng có những người như vậy. Còn nói như mấy ông “dân chủ cuội”, tất cả những sự khổ sở đó đều do sự đô hộ của Cộng Sản thì rõ ràng là không phải!
TPHCM
3-6-2012
ĐÔNG LA