Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

BẠN VĂN CHƯƠNG

 BẠN VĂN CHƯƠNG

Bài vừa rồi tôi có viết tôi học mẹ tôi chữa đau răng bằng cách nhét muối vào kẽ răng đau rất hiệu nghiệm. Nguyễn Hữu Sơn vào bình luận:
ĐỀ ẢNH (Văn sĩ bác Đông La N. V. Hùng)...
Chuyện từ năm Chín Tám (98) xưa,
Bốn răng hàm bác đò đưa qua đò.
Muối tinh ngậm đã đầy kho,
Bây giờ còn chắc. Còn lo sự bền...
14/7/2024
Nguyễn Văn Hùng:
Nguyễn Hữu Sơn, cái răng đó sau nhổ luôn, để trống luôn.
Nguyễn Hữu Sơn:
ĐỀ ẢNH (Thêm vui Văn sĩ Nguyễn Văn Hùng)...
Cái răng đó sau nhổ luôn
Đành là để trống. Quên buôn chợ người.
Ngày xưa phân chất điểm mười.
Bây chừ răng rụng ngạo cười nhân gian...
14/7/2024.
***
Trong giới văn chương thì ai cũng biết Nguyễn Hữu Sơn, nhưng bên ngoài, không được tuyên truyền hay không được lên ti vi nhiều, không được dư luận nhắc tới nhiều như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Lại Văn Sâm, Hoài Linh, Trấn Thành, Phương Hằng Đại Nam, Trương Mỹ Lan Vạn Thịnh Phát, v.v… thì rất ít người biết. Như tôi làm thơ đã 40 năm, từng được Chế Lan Viên khen và đề nghị trao giải trong Cuộc thi Thơ của Hội Nhà văn TPHCM 1986; Bài thơ “Tổ quốc-nửa bàn chân dính bùn và máu” dự Cuộc thi Đón chào “Giao thừa Thiên niên kỷ” ở tạp chí VNQĐ đứng đầu nửa chặng hơn 4000 bài, được tặng thưởng năm 1998; tôi cũng đã đăng nhiều thơ trên Báo Văn nghệ (Hội Nhà Văn VN) và Báo Văn nghệ TPHCM; và tôi cũng đăng nhiều thơ trên trang blog và facebook; vậy mà vừa rồi, một bạn đọc ngạc nhiên thấy tôi làm thơ hay quá; cả cô em cùng họ, cùng làng cũng không ngờ và “tự hào” là trong “họ mình” có “nhà thơ”! Nên thực sự, cái gọi là thành danh trong văn chương không bao giờ có sự công bằng.
Còn Nguyễn Hữu Sơn chính là ông PGS TS, nguyên Viện phó Viện Văn học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện, Hội viên Hội Nhà Văn VN, có biết chuyện tôi đau răng nên mới bình luận như trên.




***
Khoảng những năm chín mươi thế kỷ trước, tôi và Nguyễn Hữu Sơn cùng xuất hiện “đánh” một nhân vật khét tiếng là Trần Mạnh Hảo, có giao tiếp qua điện thoại, nhưng người Bắc, kẻ Nam nên chưa gặp nhau. Hồi tôi mới mua được căn nhà đầu tiên, cấp 4, trong hẻm khá sâu. Một hôm, tôi đang ăn cơm, cái răng hàm nhai vào hòn sỏi lớn bị nứt, quá đau đớn, bất ngờ thấy một người đàn ông đến trước cửa nhà. Tôi ra gặp thì “anh chàng” nói:
-Tôi là Nguyễn Hữu Sơn!
-Trời! Cái hẻm sâu thế mà ông kiếm được nhà tôi đúng là giỏi thật. Tôi mới nhai vào hòn sỏi nên đau răng quá!
Từ đó, bắt đầu một tình bạn dai dẳng giữa tôi và Sơn đến nay là khoảng 30 năm. Trong giới văn chương Bắc Hà, trước Sơn, tôi đã rất thân với Nguyễn Quang Thiều. Cũng có mấy người quý tôi nhưng họ lớn tuổi, giao tiếp có khoảng cách, nên vừa thân, vừa gần gũi, tôi chỉ có hai người là Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Hữu Sơn.
***
Sơn có tính thích kết giao tôi với bạn văn Hà Nội, trong đó có Trần Đăng Khoa. Hồi đó, sau bài tôi “đánh” Đỗ Minh Tuấn đăng ở TC Văn nghệ QĐ, nên rất được chú ý. Một lần tôi ra HN, vì tôi dân Hải Dương, Nguyễn Hữu Sơn bảo ở Viện Văn có Trịnh Bá Đĩnh dân Hải Dương, Trần Đăng Khoa cũng dân Hải Dương, nên muốn mấy người gặp nhau chuyện trò, rồi hẹn nhau đến Nhà Trần Đăng Khoa. Vậy là hôm đó (tôi không nhớ giờ giấc), tôi theo Sơn và Đĩnh đến nhà Trần Đăng Khoa ở Khu Nhà Binh Lý Nam Đế chơi. Khoa tiếp đón rất niềm nở, thân tình, còn định làm cơm, tôi bảo ăn rồi nên thôi. Còn nhớ Khoa dẫn tôi đi xem căn hộ, khoe “cánh nửa này làm bằng gỗ tốt lắm”. Vậy mà sau đó, Khoa lại “chơi” Thiều một phát, Khoa viết một bài cho truyện ngắn thành công nhất của Thiều - Mùa hoa cải ven sông- là đạo văn. Vậy là giữa Thiều và Khoa tôi phải chọn 1; tôi gặp Thiều trước Khoa và đã thân thiết, còn Khoa mới gặp, nên tôi đã chọn Thiều, đã viết bài “đánh” Khoa để bảo vệ Thiều. Nguyễn Hữu Sơn nói với tôi: “Trịnh Bá Đĩnh kể, Trần Đăng Khoa bảo thằng Đông La đểu thật, vừa tiếp đón nó như thế, nó lại “chơi” mình!” Tôi cũng rất áy náy, đã viết câu xin lỗi thế nào đó, Thiều dậm doạ: “Ông, với cái đầu của ông thì không được phép xin lỗi thằng Khoa như thế!” Đời thật oái oăm, tôi còn gặp Trần Đăng Khoa vài lần nữa, Khoa tỏ ra không giận, lần nào cũng rất thân thiện với tôi. Tiếc là sau mỗi lần gặp nhau, tôi lại thấy Khoa viết sai quá, thậm chí phạm pháp. Như Khoa viết về các chuyện: ông Tùng, ông Thệ; chuyện quan hệ với Trung Quốc; chuyện Hồ Duy Hải; và gần nhất là chuyện ông Putin; v.v… Với sứ mệnh của người cầm bút, tôi buộc phải lên tiếng, dù trong lòng luôn có chút áy náy.




***
Như vậy, trong giới văn chương cũng có nhiều người quý tôi, nhưng rắc rối ở chỗ tôi không phải là người ba phải, tôi không chịu được sự sai trái, tôi cũng không dẻo mồm khen những tác phẩm mà tôi không thích để lấy lòng các tác giả, dần dần bạn văn cứ rơi rụng hết. Đến nay, ngoài anh Thái Thăng Long, anh Nguyễn Ngọc Thu, tôi coi như anh trong nhà, còn bạn văn bên ngoài, tôi còn mỗi Nguyễn Hữu Sơn.
***
Cách đây vài chục năm, khi ra Bắc tôi thường được Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Hữu Sơn chở về nhà riêng ăn nghỉ, hai người vào Sài Gòn cũng đến nhà tôi, riêng Sơn còn đến tận nhà tôi ở quê, Làng Đông La. Tính tôi chơi với ai là chơi hết mình, dở cái tôi lại hay cáu, đối thoại trái ý tôi là tôi choảng liền, riêng Sơn đã chịu được cái tính này của tôi nên tình bạn còn đến hôm nay.



Còn với Thiều thì thật buồn. Không phải do Thiều thay đổi mà nay tôi “đánh” Thiều. Thực ra trước đây do tôi cả nể, Thiều đối với tôi tốt quá, tôi làm thơ mà Thiều lại làm biên tập thơ ở Báo Văn nghệ, nên tôi đã bỏ qua những chuyện tôi không thích ở Thiều. Như Thiều thân tôi nhưng Thiều cũng thân luôn với những người ngược tôi hoàn toàn như Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hoàng Đức, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Đăng Điệp, v.v… Nghĩa là Thiều chơi tất, bất kể đúng sai, phải trái. Tôi đã chấp nhận sự tương đối, chọn người vừa ý mình hoàn toàn mới chơi thì tôi biết chơi với ai? Hơn nữa nhân thân của Thiều làm tôi yên tâm, tôi là một cựu chiến binh chơi với Thiều thì rất hợp. Không ngờ, khi có quyền chức, dần dần Thiều thể hiện rõ bản chất con người theo Chủ nghĩa Thực dụng Mỹ, hoặc như Đặng Tiểu Bình “Bất kể mèo trắng, mèo đen miễn là bắt được chuột”. Vì quyền lợi, Thiều sẵn sàng làm lành với Trúc Phương, người quyết liệt tố cáo mình; kết thân với Trần Mạnh Hảo, người đã mấy chục năm chửi thơ và tài thơ của mình; lấy lòng Mỹ và Phương Tây, đã bắt tay với Nguyên Ngọc, kẻ chống phá chế độ điên cuồng. Nguyên Ngọc từng cho Bob Kerrey bắn dân Việt không có tội vì bộ đội núp vào dân; không nên dạy lịch sử vì bị chính trị hoá; không nên ca ngợi Bà mẹ VNAH quá vì làm đau lòng mẹ lính VNCH, v.v… Nguyễn Quang Thiều cũng bắt tay với những thành phần bất hảo trong văn chương như Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Inrasara, Văn Giá, v.v… Rồi Thiều đã thể hiện một loạt quan điểm văn chương của mình liên quan đến chính trị, lịch sử khiến tôi không thể chấp nhận.
Một lần với tư cách lãnh đạo vào thăm anh, chị, em văn chương SG sau Tết, vào quán cà phê trong khuôn viên khu văn phòng giới văn học nghệ thuật thành phố, thấy tôi ngồi trước, Thiều tiến đến định bắt tay tôi, tôi xua tay không bắt. Đời đúng vô thường, bởi có lần cách lúc đó khoảng vài chục năm, tôi đã chở Thiều bằng xe Honda từ SG đến tận Bình Dương mấy chục cây số để thăm một người anh con ông Bác Thiều!
***
Quay lại với Nguyễn Hữu Sơn, có điều thú vị, chắc cũng do nhân duyên xếp đặt, tôi đã viết một bài khá công phu về cuốn sách nguyên là luận văn TS của Sơn có liên quan mật thiết tới Đạo Phật. Cũng từ cánh cửa đó tôi đã bước vào thế giới của Phật và hiểu được một chút như những ngày hôm nay, dù một chút nhưng là những điều cơ bản nhất, sâu xa nhất, không phải ai muốn cũng dễ dàng có được.
15-7-2024
ĐÔNG LA