ĐẠI CÔNG CỦA LÊ VĂN DUYỆT GIÚP NGUYỄN ÁNH “THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC”?
Theo những người ca ngợi Lê Văn Duyệt và thực tế lịch sử thì công lao lớn nhất của ông chính là giúp Nguyễn Ánh, nhân cơ hội Vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất đột ngột, đã tiêu diệt được Nhà Tây Sơn, “thống nhất đất nước”, lập ra Triều Nguyễn. Nhưng họ, theo triết học, chỉ thấy hiện tượng mà không thấy bản chất. Còn bạn Trần Vũ Anh cho người ta có “góc nhìn hẹp” thì chính mình có góc nhìn hẹp, không biết điều này nên mới ca ngợi Lê Văn Duyệt.
Việc tôn vinh Lê Văn Duyệt thực ra xuất phát từ việc “đổi mới nghiên cứu Lịch sử” của Phan Huy Lê.
***
Trong lời khai mạc Cuộc Hội thảo quốc gia do Hội KHLSVN tổ chức về "Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX" đã diễn ra tại Thanh Hóa ngày 18/10/2008, ông GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS VN, cho rằng từng có thái độ phê phán gay gắt Nhà Nguyễn là có những “nguyên do sâu xa”, trong đó, ông Lê cho do “…thời kỳ nền sử học hiện đại xây dựng trên hệ tư tưởng Mácxít… cho rằng chế độ phong kiến Việt Nam… thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn được đặt vào khung suy vong … phạm những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều… đã dẫn đến những hệ quả đưa ra những phân tích và đánh giá lịch sử thiếu khách quan, không phù hợp với thực tế lịch sử”.
Việc thời kỳ các Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn được đặt vào khung suy vong đúng với thực tế, sao ông Phan Huy Lê cho là sai do dựa vào hệ tư tưởng Mác xít?
***
Ông Phan Huy Lê còn cho, ngoài sự giáo điều do vận dụng các nguyên lý của chủ nghĩa Mác nói trên còn có “khuynh hướng chính trị hóa lịch sử", dùng lịch sử để minh họa một số quan điểm chính trị, tự hạ thấp tính độc lập, vai trò sáng tạo của khoa học lịch sử…”.
Sự “chính trị hóa” lịch sử, khuôn cái nhìn lịch sử theo cái nhìn của lực lượng nắm quyền phản động, phản tiến bộ, phục vụ cho việc cai trị, không đúng bản chất của sự thật lịch sử thì mới là sai trái. Có chăng, có thể có “nhận thức chính trị sai” chứ “sự chính trị hóa đúng đắn” thì không sai. Vì vậy, cho rằng việc tuân theo phương pháp nhận thức chung của thế chế là “tự hạ thấp tính độc lập, vai trò sáng tạo của khoa học lịch sử” là một quan niệm sai. Viết như trên, phải chăng ông Phan Huy Lê muốn Hội Lịch sử của ông ta là Hội vô chính phủ, thành tổ chức chống chế độ?
***
Sự nghiên cứu sử học cũng như mọi lĩnh vực khác cũng cần phải đổi mới theo xu hướng chung phát triển của đất nước. Nhưng đổi mới là nghiên cứu lịch sử với cái nhìn sâu hơn, rộng hơn và biện chứng hơn, để Lịch sử Việt Nam vừa đúng sự thật hơn nhưng lại minh triết hơn, chứ không phải như ông Phan Huy Lê cùng “bọn tay chân” trong Hội Khoa học Lịch sử, một cơ quan thuộc thể chế nhưng lại có cái kiểu đổi mới lịch sử là cào bằng, hoặc tệ hơn là, lộn ngược các chuẩn mực về chính, tà, thiện, ác!
***
Nguyễn Ánh, một người chính sử cho là “cõng rắn cắn gà nhà”; “rước voi về giày mả tổ”. Trong bài "Nên học sử ta", Nguyễn Ái Quốc đã phê phán hành động cầu viện Pháp của Nguyễn Ánh khi ký Hiệp ước Versailles (1787) cắt đất cho Pháp, gửi con trai sang Pháp làm con tin để nhờ quân Pháp sang đánh nhà Tây Sơn, đã gián tiếp gây tai họa cho đất nước:
"Trước khi vua Gia Long bán nước cho Tây, nước ta vẫn là nước độc lập. Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hóa làm trâu ngựa".
Sau đó, Nguyễn Ánh lại cầu viện quân Xiêm, dẫn đến họa quân Xiêm làm đủ điều tàn bạo với dân chúng. Nguyễn Ánh đã bất lực buông xuôi, giao hết việc lại cho thuộc tướng rồi bỏ ra các đảo. Chỉ khi Vua Quang Trung bị bệnh chết đột ngột, có sự hỗ trợ của Pháp, Nguyễn Ánh mới tiêu diệt được Nhà Tây Sơn.
***
Trên tạp chí Xưa và Nay số 486 – tháng 8-2017, Phan Huy Lê viết “Kể từ khi từ Xiêm trở về chiếm lại Gia Định năm 1787-1788, Nguyễn Ánh đã vừa xây dựng lực lượng ở Gia Định, vừa tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Tây Sơn cho đến năm 1802 mới giành được thắng lợi… Chính thắng lợi của cuộc chiến tranh này mới đưa tới sự thống nhất đất nước”.
Trong bối cảnh Nhà Lê suy tàn, thượng bất chính hạ tắc loạn, nên mới gây ra cuộc Trịnh, Nguyễn phân tranh, đẩy dân ta vào cảnh nồi da xáo thịt mấy trăm năm. Trong cảnh loạn ly đó, nếu ai có tài, có lực tất có chuyện thời thế tạo anh hùng. Người như vậy lại có đức để dân tin theo, ủng hộ, rất dễ đi đến thành công. Chính Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là người như thế. Ông đã dẹp loạn trong nước, thắng giặc ngoại xâm hai đầu đất nước, khi vua cuối triều Lê chạy trốn lưu vong, đã lên ngôi vua. Theo thông lệ thời đó, ông đã được Nhà Thanh công nhận (như sau này quốc tế công nhận), tức việc lên ngôi của Nguyễn Huệ đã hoàn toàn chính danh, hợp pháp. Vậy “sự thống nhất đất nước” của Nguyễn Ánh theo Phan Huy Lê chính là sự phản nghịch, cướp ngôi, như ngôn ngữ hiện đại, đó chính là sự đảo chính phi pháp.
Nếu chỉ biết ghi chép các sự kiện theo tư duy kiểu “con vẹt” thì không cần nhà sử học. Nhà sử học khác con vẹt là trước các sự kiện phải hiểu được bản chất chính tà, thiện ác của chúng. Phan Huy Lê viết Nguyễn Ánh có công “thống nhất đất nước” chẳng khác gì nói bọn phong kiến phương Bắc cũng từng hàng ngàn năm thống nhất VN, Pháp cũng 100 năm thống nhất VN.
Để khách quan, có thể trích dẫn Nhà sử học Trần Trọng Kim viết năm 1920, trong Việt Nam sử lược, đã đánh giá, xét về công lao với đất nước, với dân tộc thì vua Quang Trung là một anh hùng sánh ngang với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Thái Tổ:
“ … Còn như Nguyễn Huệ là vua Thái Tổ Nhà Nguyễn Tây Sơn, thì bốn lần vào Gia Định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Xiêm La… sau lại ra Bắc Hà, dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại mối cương thường cho rõ ràng. Ấy là đã có sức mạnh mà lại biết làm việc nghĩa vậy.
Sau vua Chiêu Thống và bà Hoàng Thái Hậu đi sang kêu cầu bên Tàu… Bấy giờ cứ theo như tờ mật dụ của vua Nhà Thanh thì nước Nam ta, bề ngoài tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi… Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng Đế, truyền hịch đi các nơi, đường đường chính chính, đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng Nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp sợ, tướng sĩ Nhà Thanh thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ công nào lẫm liệt như vậy… lấy công lý mà suy thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang vai với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Thái Tổ,... vậy”.
*** ”
Với Lê Văn Duyệt, công lao lớn nhất là giúp Nguyễn Ánh tiêu diệt được Nhà Tây Sơn, lập ra Triều Nguyễn. Nhưng Triều Nguyễn, theo nhận xét của một người nước ngoài thời đó: " Thuế má nặng nề và sự nhũng nhiễu của quan lại càng làm tăng thêm sự bất bình đến cực độ”. Thuế khóa và lao dịch tăng lên gấp ba so với nhà Tây Sơn, đồng thời huy động hàng vạn dân phu để xây các công trình lớn như thành trì, lăng tẩm khiến nhà Nguyễn mất lòng dân, nổ ra cuộc nổi dậy. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu: “Triều Nguyễn tồn tại dài chưa đến 60 năm mà có tới 400 cuộc khởi nghĩa nông dân”. Lê Văn Duyệt chính là trợ thủ đắc lực của Vua Gia Long đàn áp các cuộc nổi dậy đó, tàn sát những người nông dân khởi nghĩa.
Như vậy, Lê Văn Duyệt đúng là có đại công riêng với Nguyễn Ánh, còn với nhân dân, với đất nước thì xem chừng lại có tội.
Những người ca ngợi Lê Văn Duyệt và trong cái video trên tiktok, bạn Trần Vũ Anh nói: “Tả quân Lê Văn Duyệt có công lao to lớn trong mở mang bờ cõi phía Nam VN và phát triển Gia Định thành” sai trái thế nào thì tôi sẽ viết vào số sau.
19-9-2024
ĐÔNG LA