Đã
hơn 10 năm, từ khi cuốn phê bình Biên độ của
trí tưởng tượng của tôi ra đời, tôi cũng đã viết khá nhiều trên
báo viết, báo mạng, cả trong và ngoài nước. Thấy đã đến lúc cần phải hệ thống
lại thành một cuốn sách và nghĩ ra một cái tên. Việc đặt tên sách sao cho vừa
có ấn tượng mạnh vừa giàu ý nghĩa đúng là khó. Một buổi sáng, sau giấc ngủ
ngon, thời khắc mà đầu óc tôi thường sáng suốt nhất, tôi chợt nhớ đến bài
viết về ông Nguyễn Huệ Chi có đoạn: “e rằng không phải ông lấy ánh sáng
Einstein chiếu sáng tư tưởng Lão Tử mà chính là đã lấy bóng tối lầm lẫn của
mình phủ lên tri thức khoa học, vốn đã quá rắc rối với nhiều người, trở nên
mù mịt thêm!”. Đúng rồi! “Bóng tối của
ánh sáng” chính là cái tên mà tôi muốn lựa chọn cho cuốn
sách!
Trong thực tế, ngôn ngữ khoa học chứa đựng tri thức, ngôn ngữ văn học có tính
ẩn dụ nên không phải ai cũng hiểu.
Cuốn trước của tôi, “Biên độ của trí tưởng tượng”, người hiểu
thì nói, chỉ đọc cái tên thôi đã biết là sách hay rồi; người không hiểu thì
bảo vô nghĩa. Bóng tối của ánh sáng, nếu hiểu theo nghĩa đen cũng vô nghĩa
như vậy. Vì ánh sáng theo vật lý là chùm pho-ton, nó chiếu sáng được bóng tối
chứ làm sao lại có bóng tối? Thế nhưng trong cuộc sống người ta thường nói
đến rất nhiều loại ánh sáng như: ánh sáng tri thức, ánh sáng lý tưởng, ánh
sáng chính nghĩa, ánh sáng tâm hồn v.v... mà cuộc sống lại vốn vô cùng phức
tạp, luôn song hành với những loại ánh sáng lung linh đó là bóng tối. Đó
chính là cái “bóng tối” mà tôi muốn nói đến trong tên cuốn
sách. Ngoài
những bài viết về cái hay, cái đẹp, tức ánh sáng của văn chương, cuốn sách
này sẽ nói nhiều về bóng tối. Như việc người ta luôn nhân danh những điều tốt
đẹp nhưng lại làm những việc xấu xa; trong lĩnh vực tri thức cao sâu, có
người lại nhọc công khám phá ra những điều vô nghĩa; rồi những “nhà cách
mạng” chỉ vì tham vọng và ảo tưởng; những “nhà khai sáng” trí thì thấp tâm
thì tối. Phê phán họ không có nghĩa là tôi chống lại sự phản biện, bởi sự
phản biện là một đặc trưng và tối cần thiết cho một xã hội dân chủ, nhằm phát
huy trí tuệ toàn dân, thúc đẩy xã hội phát triển. Trong nhiều sáng tác và phê
bình, tôi cũng đã viết với tinh thần phản biện. Tôi chỉ phê phán những sự phê
phán sai trái và với một động cơ xấu mà thôi. Những cái đó không phải là phản
biện mà thực sự chỉ là sự chống đối.
Trong một bài tôi đã viết: “Khi viết phê bình
về bất kỳ một ai đó tôi luôn căn cứ vào văn bản tác phẩm và dựa trên cơ sở
tri thức mà tôi hiểu rất chắc chắn để viết, chứ không cho phép mình tùy tiện
xiên xẹo, vu khống, bởi làm vậy là phạm pháp và thất đức. Ngược lại, là một
người viết, hiểu được những lầm lẫn về tri thức và thái độ sai trái của người
khác mà không viết, cứ “mũ ni che tai”, thì tôi cũng cho là thất đức”.
Bóng tối của ánh sáng có một nội dung rất rộng, từ phê bình văn học, lý luận
văn học, triết học, khoa học, đến chính trị xã hội. Nó cũng phân tích những
vấn đề rất cao sâu và phức tạp, từ Thuyết Tương đối, Cơ học lượng tử, Đạo
Lão, Đạo Phật cho đến Học thuyết Mác và những bài toán của đời sống.
Vì vậy, ý của tôi tất sẽ khác ý nhiều người, nhất
là những người tôi đã phê phán. Có điều, có những cuộc tranh luận không bao
giờ đi tới hồi kết. Như khi ta phải đối thoại với những người có trình độ thấp
nhưng “cái tôi” lại rất cao. Họ thường rất tự tin, nhưng trình độ thấp như
vậy nên không thể hiểu được lý lẽ. Và còn gay cấn hơn nữa khi người ta còn
chia ra chiến tuyến; mà khi đã coi nhau như kẻ địch, mọi lý lẽ tất sẽ vô
nghĩa.
Nhưng dù thế nào, với những người có lương tri,
vẫn có những tiêu chí chung nhất để đánh giá, đó chính là tri thức và đạo lý.
Tri thức giúp người ta hiểu biết, còn đạo lý giúp người ta hiểu đúng.
Như dù phe nào cũng phải thừa nhận cướp của, giết
người phải là xấu; và cao xa hơn, tự vệ phải là chính nghĩa và xâm lược phải
là phi nghĩa, v.v...
Đó là những điều hiển nhiên, chỉ có những người
phi nhân tính mới hiểu ngược lại. Nhưng thật kỳ lạ, trong thực tế ta vẫn gặp
những người như vậy; và còn quái lạ hơn nữa, họ còn “xả thân” vì cái “lý
tưởng” đó; họ lại không thuộc lớp người vô học lưu manh mà là trí thức. Tôi
thật e ngại có tình trạng, sự chống đối đã trở thành cái “mốt” trong một nhóm
người, trong đó có không ít người từng được hưởng nhiều bổng lộc của chế độ,
chắc do chưa thoả mãn nên đã quay lưng. Họ kết bè, kết nhóm, thi đua nhau,
kéo theo không ít người a dua; dường như họ cho như vậy mới là “cấp tiến”.
Cần phải công nhận những tệ nạn xã hội họ chỉ ra là đúng, có điều, nhận ra
cái yếu kém là dễ, đưa ra được những giải pháp để khắc phục mới là khó. Cần
phải có tâm và có tầm, nhưng cả hai họ đều không có. Có một ít kẻ còn luôn hả
hê trước những yếu kém của xã hội, coi như miếng mồi ngon để đầu cơ trục lợi,
nhân danh “đấu tranh cho dân chủ, tiến bộ”.
Cuốn sách này ra đời một phần cũng vì cái nghịch
lý đó. Nó cũng còn có một phần quan trọng phân tích những yếu kém, trì trệ
góp phần giải những bài toán xã hội đang đặt ra. Những nhà cách mạng lão thành,
những trí thức hàng đầu, ngay trên diễn đàn của Quốc hội đều cho rằng, cơ chế
vận hành xã hội của chúng ta vẫn còn những điều không phù hợp nên đã sinh ra
những tệ nạn. Ngay những ngày hôm nay đây, các nhà lãnh đạo cao nhất cũng nhiều
lần nói, cần phải đổi mới vì sự tồn vong của chế độ. Tôi luôn ủng hộ sự đổi
mới; nhưng là sự đổi mới phù hợp để đất nước phát triển bền vững, chứ không
phải là những ảo tưởng phi thực tế xuất phát bởi tham vọng, dẫn tới bạo loạn.
Triết học cũng đã chỉ rõ, sự phát triển là cả một quá trình, nó phải tuân theo
quy luật lượng đổi chất đổi, không thể áp đặt ý muốn chủ quan được. Các giải
pháp phải căn cứ vào trình độ mọi mặt của xã hội, nếu không sẽ bị thất bại.
Những bộ óc có tâm và có tầm đều cho rằng, hiện tại nước ta, một cuộc cải
cách sẽ phù hợp hơn một cuộc cách mạng. Thực tế ngay trước mắt cũng đã cho
thấy, bằng bạo lực, những nước lớn muốn mang dân chủ, tiến bộ đến một số nước
lạc hậu ở Trung Đông, kết quả mãi chỉ có đầu rơi, máu chảy, hoang tàn đổ nát
và thù hận mà thôi.
Tôi không phải đảng viên, không phải công chức, thậm
chí còn là nạn nhân của những gì còn yếu kém của xã hội. Nên tôi không viết
để “bảo vệ chế độ” vì quyền lợi riêng, vì tôi hoàn toàn không có một chút
“quyền”, một chút “lợi” nào cả; mà luôn viết vì sự phát triển và ổn định của
đất nước, với một tinh thần khoa học và lương tâm của người cầm bút, xuất phát
từ chính thực tiễn cũng như lịch sử của nước ta, một đất nước mà cách đây mới
hơn nửa thế kỷ còn chìm trong bóng tối của nghèo đói, dốt nát và kiếp nô lệ.
Tôi rất muốn tranh luận lại với những ai phản bác trên cái tinh thần đó. Tiếc
là suốt quá trình khá dài viết phê bình, tôi thực sự chưa được tranh luận như
thế
TP Hồ Chí Minh
Mùa Giáng sinh 2011
ĐÔNG LA
|