Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Những năm dưới giảng đường


        Tôi lại nhận được thư khá xúc động của anh Vĩnh, đăng lên cho mọi người cùng coi:
        from:Trần Văn Vĩnh vinhtv57@gmail.com:
       Hôm nay đọc "những năm tháng dưới giảng đường" của Anh, tôi xem ảnh Anh và nhớ về một thời đã qua và một thằng bạn rất thân - tên Nguyễn Văn Đông mà bạn  bè thường gọi đùa là Đông hô ( bạn tôi có hàm răng hơi bị hô). Đông của chúng tôi nhập ngũ giữa năm lớp 10 (khoảng năm 73,74 - chúng tôi là học sinh trường Chu Văn An Hà Nội - cô giáo chủ nhiệm là cô        Vũ Bội Trâm vợ nhà văn Phùng Quán) và hy sinh trên đường tiến công giải phóng sài gòn 1975. Bức hình dưới đây chụp lúc chia tay Đông lên đường nhập ngũ tại công viên Thống Nhất Hà Nội (Đông mặc áo lính và Trung bạn cùng lớp). Đông có nét giống Anh (con trai tôi cũng nghĩ thế) nên tôi gửi đến Anh tấm Ảnh như một sự chia sẻ của những người lính đã cống hiến và hy sinh vì Tổ Quốc Việt Nam mình.
 
       Và một bức ảnh khác - Đông ngồi thứ 2 từ trái qua còn tôi ngồi thứ 2 từ phải qua cùng các bạn trong lớp:
ĐÔNG LA
Những năm dưới giảng đường
TRUYỆN LIÊN QUAN:
Năm đầu tiên của đời sinh viên, chúng tôi không học tại Sài Gòn
 mà học ở “làng đại học” trên Thủ Đức. Trước đó, mỗi lần đi xe trên xa lộ ngang qua khu đồi, không khi nào tôi không dõi mắt về phía những tòa nhà trắng lấp lóa ánh nắng. Cái không gian đầy vẻ biệt lập ấy luôn đánh thức trí tò mò của tôi. Không biết cuộc sống ở đó diễn ra như thế nào nhỉ ?

Thế rồi, sau khi làm xong các thủ tục chuyển từ quân đội sang trường học, học qua một lớp chính trị đầu khóa ngắn ngày, tôi đã được đến tận cái nơi mà tôi luôn coi là huyền diệu ấy.
Ngày đầu, nhìn những triền đồi toàn sỏi trắng, sỏi đỏ và những tảng đá ong lỗ chỗ mà trên đó thường chỉ có lúp xúp những cụm sim, mua và những cây cỏ hoang dại, tôi cảm thấy vẻ hoang sơ ấy dường như lại tôn lên cái không khí vừa trang nghiêm vừa sôi nổi trẻ trung của sinh viên đại học. Chỉ ít năm sau đó, khuôn viên nhà trường và những vùng lân cận, từ bàn tay sinh viên, những hàng cây sum suê đã mọc lên. Tất cả những gì bề bộn của cuộc đời thường đã được màu xanh ở đây, không khí ở đây thanh lọc, chỉ để lại những gì thuộc về công việc học tập, công việc tìm đến những quy luật vô cùng phức tạp của tự nhiên, của cuộc sống con người.
Chúng tôi ở ký túc xá, còn học thì ở một căn phòng trên lầu bốn ở khu giảng đường. Tôi ngồi ở đầu dãy bàn gần cuối lớp, một bên là Liên – cô gái Sài Gòn nói giọng Huế, còn một bên là khung cửa sổ luôn mở ra trước mắt tôi khung cảnh mênh mông trù phú, xen lẫn màu xanh trùng điệp là những tòa nhà, những ống khói, tháp nước nhấp nhô của huyện lỵ Thủ Đức.
Giờ học đầu tiên của cuộc đời sinh viên của tôi bắt đầu. Đó là giờ hóa cấu tạo. Giảng viên là thầy Thọ chủ nhiệm khoa, một người mập mạp, giản dị, giọng nói hơi khó nghe, và có nét chữ đặc biệt xấu. Thầy đã tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại trường đại học Tổng Hợp Kishinov, Liên Xô. Thầy nói với chúng tôi:
- Trước khi vào học, tôi xin nói với các em một số điều để các em sau này khỏi bỡ ngỡ. Chắc các em đều đã biết ít nhiều khi tìm hiểu về trường Tổng Hợp trước khi ghi nguyện vọng dự thi. Trường Tổng Hợp là một nơi đào tạo về các ngành khoa học cơ bản. Vì vậy, phương pháp đào tạo có những nét riêng của nó. Với khối lượng kiến thức khổng lồ của loài người, nếu ta cứ giảng dạy chi li, đi từ đầu đến cuối mọi vấn đề, thì thầy trò chúng ta có sống đến mấy đời cũng không làm nổi. Vì lẽ đó, cách giảng dạy, học tập ở đây khác hẳn ở dưới phổ thông và những trường kỹ thuật chuyên nghiệp khác. Sự đào tạo ở đây không phải là dạy cho chúng ta biết những cách làm cụ thể theo kiểu dạy gì biết nấy, mà chủ yếu là truyền cho mỗi người phương pháp suy luận, phương pháp nghiên cứu, để từ một nền tảng kiến thức nhất định, mỗi chúng ta có thể độc lập đi sâu, đi xa hơn trong khoa học… Ở các nước phát triển, trường Tổng Hợp quốc gia chính là bộ mặt khoa học của đất nước. Như trường Lômônôxôv của Liên Xô chẳng hạn. Nó chính là nơi đào tạo ra phần lớn các nhà bác học của cả đất nước Xô Viết. Trong đội ngũ giáo sư giảng dạy có nhiều nhà bác học lỗi lạc, có cả những người được giải thưởng Nôben.
Chúng tôi chú ý lắng nghe như uống từng lời của thầy. Lời của thầy đã làm cháy lên niềm say mê và niềm tự hào của chúng tôi khi được đến với trường cũng như được học ngành nghề mà mình đã lựa chọn.
Sau đó thầy bắt đầu giảng bài. Thầy giảng về những nét chung của sự phát triển thuyết cấu tạo nguyên tử. Từ mẫu nguyên tử của Tômson đến mẫu của Rutơfo của Bo, và sau cùng là sự xác định hình dạng nguyên tử theo lý thuyết cơ học lượng tử. Từ những giả thuyết ban đầu rất đơn giản, thô sơ, qua bao khó khăn, từng bước, từng bước, các nhà bác học vĩ đại đã dùng ánh sáng trí tuệ của mình, soi vào cõi sâu thẳm, cõi cùng tận của vật chất.
Sau ít ngày bỡ ngỡ, rạo rực của buổi ban đầu, tôi đã bước vào cuộc sống thực sự của một sinh viên. Cái vẻ thơ mộng đã được thay ngay bằng những sự vật lộn trước những trang sách, những bài toán. Cùng một lúc tôi phải làm quen với một loạt thuật ngữ mới: Entanpi, entropi, toán tử, hàm số sóng… Một giờ học ở đây, có khi dài đến hàng chương sách, mà toàn là những vấn đề hắc búa. Nhiều lần tôi đã phải nhỏ nước mắt bất lực khi muốn tìm hiểu ngọn ngành một điều gì đấy. Chỉ sau mấy tháng thôi mà tôi đã phải sút đi mấy ký.
Một điều thật oái oăm cho tôi: cô bạn Sài Gòn mười tám tuổi có giọng nói Huế mượt như nhung ấy lại học rất giỏi. Dường như đối vời Liên chuyện học hành chẳng có gì là khó khăn cả. Đôi lúc tôi đã tủi thân khi nhớ đến thời đi học dưới phổ thông của mình. Hồi ấy tôi là đỉnh điểm chói sáng. Tôi không bao giờ phải hỏi ai một điều gì, mà chỉ thường được lên bảng giải các bài tập mẫu cho các bạn cả lớp coi, hoặc chỉ dẫn cho ai đó hỏi bài. Thế mà lúc này lại hoàn toàn ngược lại. Có khi giải các bài tập Cơ học Lượng Tử khó quá, tôi đã bí và phải hỏi Liên, một cô gái còn nguyên vẹn vẻ hồn nhiên nhí nhảnh và kém tôi hai tuổi. Mà cũng không phải chỉ có Liên, hầu như cả lớp tôi ai nấy đều học rất giỏi. Có những vấn đề thầy vừa nêu ra, tôi còn chưa hiểu một chút nào, mọi người đã giơ tay nhao nhao tranh luận với nhau và với cả thầy giáo nữa. Tôi đã tự hỏi: Phải chăng họ đều là những thiên tài, hay tại tôi, sau những năm quân ngũ gian khổ, hiểm nguy, sau những trận sốt rét đến rụng tóc, vàng da, cái thông minh sắc bén ngày nào đã cùn đi? Nhưng rồi dần dần tôi đã tìm ra được câu trả lời chính xác: chương trình phổ thông hệ mười hai năm giúp cho học sinh khi lên đại học tiếp thu kiến thức thuận lợi hơn nhiều so với chương trình hệ mười năm mà chúng tôi đã học. Hơn nữa, mỗi một sinh viên ngồi cùng lớp, cũng như tôi, đều đã được chọn từ mấy ngàn người qua một kỳ thi đầy khó khăn, và nơi cổng trường phổ thông, dấu chân ngày tạm biệt của họ hôm nào như vẫn còn ấm nóng.
Chả mấy chốc năm thứ nhất qua đi, tôi cũng đã vượt qua được tất cả các kỳ thi. Là một người mặc cảm, khi nhìn vào bảng điểm tổng kết, tôi lại thấy ngạc nhiên về chính mình. Thì ra, cứ luôn so sánh với thời học phổ thông, tôi đã tự ti quá đáng, chứ tôi học cũng không đến nỗi nào: Hóa đại cương: 9, Lý đại cương: 8, Hóa cấu tạo: 8, Nga văn: 8 và Toán cũng 8… Tôi cũng được xếp ở trong số học sinh giỏi của lớp.
Thế là từ đó tôi bắt đầu tự tin hơn. Tôi cũng biết, trong cái kết quả ấy có một phần không nhỏ sự giúp đỡ của Liên: Liên đã cho tôi mượn rất nhiều sách: sách giáo khoa, sách giải những bài tập mẫu, mà trong đó, Liên thường dùng bút chì mầu tô lên những định lý những công thức quan trọng. Chính công việc học tập đã dần dần lấp kín cái khoảng cách về cuộc sống cũng như về kiến thức giữa một anh lính mà tóc còn khét mùi khói súng với một nữ sinh Sài Gòn còn hoàn toàn xa lạ với những gì là gian khổ của cuộc đời.
Thú thực, mỗi chiều tan lớp, nhìn Liên thanh thản cắp sách đi trên con đường sỏi đỏ có gió nhẹ thổi bay bay mái tóc xõa ngang vai và vạt áo trắng, lòng tôi đã trào lên niềm xao động. Hình như trong tôi đã có một tình cảm cao hơn tình bạn, nhưng vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện yêu đương đối với người con gái ấy. Tôi đã đặt bút viết những vần thơ đầu tiên, những câu chữ bóng bẩy đẹp đẽ, chất chứa những tâm sự của mình.
Thoắt cái năm năm học đã qua mau, chúng tôi phải làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp. Luận án của tôi cũng được điểm cao nhất chuyên ngành, vì thế chính cô giáo hướng dẫn đã giới thiệu tôi với bạn của cô, rồi tôi đã được xin về một viện nghiên cứu Dược là vì thế.
Chúng tôi đã tổ chức một buổi liên hoan cuối khóa, có đầy đủ tiệc mặn, ngọt và múa hát đàng hoàng.
Ngồi nghe tốp ca nữ hát bài hát tự biên của một thằng bạn trong lớp, tôi rất xúc động:
Như đàn chim tung cánh
Chúng ta đến những phương trời xa…
Đúng thực, rồi chúng tôi sẽ như một đàn chim bay đến khắp các phương trời của Tổ quốc. Liệu chúng tôi có vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống và trên con đường khoa học đầy chông gai mà chúng tôi đã lựa chọn hay không ?
TP.HCM – 9 – 1986