Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

NHỮNG DẤU VẾT KHÔNG PHAI (I)

ĐÔNG LA
NHỮNG DẤU VẾT KHÔNG PHAI (I)
Số phận của tôi, của cả gia đình tôi gắn bó với một con đường nhỏ ở Quận Phú Nhuận, gắn với 3 cái ngã ba nhỏ xíu trên đó: Đường Hồ Biểu Chánh.
Tôi nói “số mệnh” vì có một lần hoàn toàn vô tư tôi đã theo anh bạn cùng lớp là đồng hương của cô Anh Thơ đến nhà bà chơi; rồi chính bà đã giúp tôi khai bút trả cái nghiệp viết, “nghiệp” là “nghiệp báo” theo Phật giáo chứ không phải “nghề nghiệp” kiếm sống như nhiều người. Tôi cũng đã gặp bà xã tôi lần đầu cũng tại đó; và rồi từ đó toàn bộ cuộc sống của gia đình tôi đã được dựng lên.
Hôm nay tôi muốn đăng mấy mẩu chuyện trong tập “Những dấu vết không phai” viết về những kỷ niệm thơ mộng của tôi. Hồi ấy cho ông Hoài Anh ở nhờ ít ngày, thấy ông ấy ra tập “Đầu gió” gì đó, tôi đã nổi hứng viết luôn khoảng một tuần thì xong tập sách đầu tiên. Có truyện thật 100%, có truyện chỉ có chuyện. Như truyện viết về thằng em con bà dì, chỉ có chuyện nó bị rắn cắn chết, nên phải hư cấu mới thành truyện.
        Không ngờ cái tập sách nhỏ đó lại được tờ Tiếp thị điểm là “bestseller” cùng với cuốn Lịch sử bằng tranh của ông Trần Bạch Đằng. Tôi còn được lên tivi trả lời phỏng vấn cùng Nguyễn Nhật Ánh. Bà xã khoe, mấy cô giáo bạn bả nói: “Anh nhà chị nói hay hơn nhưng có vẻ cao xa quá không gần gũi với mọi người như ông kia”. Quả đúng thế, Nguyễn Nhật Ánh về sau đã viết theo kiểu sản xuất hàng loạt tác phẩm gần gũi với đám đông nên rất nổi tiếng, còn tôi chỉ nổi tiếng trong một nhóm rất nhó thôi. Mà càng có trình độ, càng có tài năng thì lại càng thích tôi, nhưng cái số này lại càng ít. Vì vậy, đám đông gần như không ai biết. Đến nay, qua  blog, gần như khắp nơi trên thế giới đều có người biết nhưng mấy người hàng xóm sát vách thì lại không hề biết; như mấy bạn đọc bây giờ mới “thích chú lắm” qua cái blog này chứ không thì sao mà biết?! Cuốn sách của tôi còn được NXB Trẻ mang ra HN giao lưu với độc giả nhí. Trong cuốn băng ghi lại có cô bé nói: “Tại sao người ta lại có thể viết ra được những chuyện hay quá như thế?”. Mà không chỉ trẻ con, ngay cả ông già là nhà văn Nguyễn Khải, một lần chở ông Hoài Anh đến chơi, lúc về, ra ngoài đường tiễn ông mới nói nhỏ: “Có Hoài Anh nói không tiện, hôm trước Đông La tặng cuốn sách, tính đọc để buồn ngủ, không ngờ đọc đi rồi lại phải đọc lại”. Nghe ông khen theo kiểu đó cũng thích nhưng buồn, bởi ông cứ khen bí mật như thế thì bao giờ tôi mới nổi tiếng được?!     
Truyện 1
BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN

      Khi tôi được 7 tuổi, đám bè bạn như thằng Ngừng, thằng Công… đã đi học hết. Chúng nó học lớp vỡ lòng do ông giáo Dưỡng, một ông già hiền từ, tính tình rất cẩn thận, dạy. Lớp học chính là nhà thờ họ tôi, một ngôi nhà ngói gỗ lim năm gian, nhưng mặt tường đã sạm rêu mốc (Xem tiếp)