ĐÔNG LA
BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN
Khi tôi được 7 tuổi, đám bè bạn như thằng Ngừng,
thằng Công… đã đi học hết. Chúng nó học lớp vỡ lòng do ông giáo Dưỡng, một
ông già hiền từ, tính tình rất cẩn thận, dạy. Lớp học chính là nhà thờ họ tôi,
một ngôi nhà ngói gỗ lim năm gian, nhưng mặt tường đã sạm rêu mốc.
Ở nhà một mình buồn quá, nên một hôm tôi nói
với mẹ:
- Mẹ, con đi học thôi. Ở nhà chẳng có thằng nào
chơi, buồn lắm!
- Chúng nó đã học hơn tháng nay, làm sao con
theo kịp được ? – Mẹ tôi trả lời.
- Mặc kệ, con cứ đi học!
Vốn rất chiều tôi nên mẹ đã đồng ý:
- Thôi được, cuốn sổ ghi công điểm của anh Sơn
còn nhiều giấy trắng đấy, con lấy mà chép bài. Đến chiều, nói ông dẫn đi.
Một giờ chiều hôm ấy, tôi đã theo ông nội dẫn
đến lớp học của ông giáo Dưỡng. Gần đến nơi, tự dưng tôi cảm thấy việc học là
của riêng đám thằng Ngừng, thằng Công, nên rất ngượng ngùng khi bước vào lớp.
Ông tôi nói với ông giáo Dưỡng câu gì đó, nghe xong, ông giáo dẫn tôi tới bàn
cuối cùng, chỉ chỗ đầu bàn bên cửa ra vào cho tôi. Khi ông nội ra về, tôi
bỗng cảm thấy bơ vơ. Cũng vẫn những thằng bạn cùng xóm thường chơi với nhau
thôi mà sao lúc này thấy chúng lạ quá! Đứa nào cũng có vẻ kiêu căng với tôi.
Chúng nó học hơn tôi đến những một tháng cơ mà! Chưa đến giờ học nên tôi thơ
thẩn một mình ngoài đầu hè. Chợt thằng Ngừng sấn đến:
- Mày đi học thì làm sao mà về bú mẹ được, Huy!
Chúng bay ơi! Một thằng còn bú…
Thuở nhỏ, tôi vốn là một thằng hay tự ái, cũng
không đến nỗi yếu lắm, nên nóng máu xông vào nó ngay. Tôi quật nó ngã u đầu
trên nền gạch. Bọn bạn reo hò ầm ĩ. Từ đó chúng nó không còn vẻ kiêu căng nữa.
Ông giáo Dưỡng vội chạy lại can ngăn. Ông dọa sẽ phạt, nếu chúng tôi lại tiếp
diễn cái trò đó.
Giờ học đầu tiên đối với cuộc đời tôi bắt đầu.
Ông giáo già dạy viết hàng chữ số từ 1 đến 10. Tôi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy
những nét trăng trắng, ngoằn ngoèo trên chiếc bảng đen. Khi ngượng nghịu điều
khiển cây bút chì, miệng tôi méo cả đi mà nó vẫn không chịu chuyển động theo
như ý của mình. Loay hoay mãi tôi mới viết được số 1, nhưng nó lại ngoằn ngoèo
như con giun đất. Đến số 2, nhìn sang phía phải là thằng Dự, nó viết phần
trên số 2 gồm rất nhiều vòng xoắn lại như trôn ốc. Ôi! Khó quá! Tai tôi nóng
bừng, trống ngực đập thình thịch. Đột nhiên, tôi đứng bật dậy:
- Thưa ông giáo, em đau mắt, em xin về.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao mình
lại có thể bịa ra được như thế.
Cả lớp ngạc nhiên, rồi cùng cười ồ lên. Tôi không
còn để ý đến ông giáo già, đến lũ bạn nữa, ôm vở chạy thục mạng về nhà, vừa
chạy vừa khóc tức tưởi. Tôi cảm thấy tiếng cười lũ bạn cứ bám riết sau lưng.
Ôi, học hành tưởng vui vẻ chứ lại tập viết khó như vậy thì sợ quá!
Về đến nhà, tôi nói với ông nội là không đi học
nữa, học khó lắm. Ông tôi nói:
- Cháu sinh năm mùi, tháng mùi. “Niên cốt
nguyệt bì” tức “da dê lại bọc xương dê”, là vừa khít, hiếm có người
như thế. Đáng lẽ phải học hơn người mới phải chứ, sao lại bỏ trốn như vậy?
Tối ấy, ông tôi đến nhà ông giáo Dưỡng, nói ông
giáo chú ý đến tôi hơn vì tôi học sau. Ông giáo già đồng ý ngay.
Thế rồi tôi lại đi học. Không ngờ, chỉ hơn một
tháng sau đó, tôi lại trở thành đứa giỏi nhất lớp. Tất cả lớp đều phải nể tôi.
Tôi luôn luôn được vinh dự cầm hộp phấn của ông giáo về nhà ông. Mỗi lần tôi
được điểm 10, ông lại thưởng cho tôi một quả chuối.
Đến khi tôi vào học lớp 10 thì ông giáo qua đời.
Ông thọ 75 tuổi. Các thế hệ học trò đã đi đưa đám ông rất đông. Tôi đã khóc
ông như khóc những người thân yêu nhất. Ông là người đã ươm những mầm mống
kiến thức đầu tiên vào lòng chúng tôi. Tôi đã thầm hứa là sẽ giữ hình ảnh của
ông trong ký ức suốt cả cuộc đời mình. Giờ đây, buổi học đầu tiên ấy đã trở
thành kỷ niệm, nhưng nó đã chỉ cho tôi thấy một điều hệ trọng: Con người ta
phải làm quen được với cái khó cũng như với cái khổ, thành công chỉ đến với
những ai kiên trì, vững vàng, biết vượt qua những thất bại ban đầu của mình.
Viết tại Phú Nhuận
9-1986
|